Sức mạnh của nội tâm – Những mầm sống mạnh mẽ

“Những khó khăn này tạm thời qua đi để nhường chỗ cho khó khăn mới tiếp đến. Chúng ta không học cách chống trả, chúng ta học cách dùng những khó khăn đó để thấu hiểu chính mình.” Sống những …

“Những khó khăn này tạm thời qua đi để nhường chỗ cho khó khăn mới tiếp đến. Chúng ta không học cách chống trả, chúng ta học cách dùng những khó khăn đó để thấu hiểu chính mình.”

Sống những ngày chôn vùi trong nội tâm, mới biết mọi thứ bên trong mình luôn như những mầm sống mạnh mẽ. Trong cuốn Dẫn luận về Jung, Như Carl Gustav Jung nói: “Biết điều sai trái và xấu xa của chính mình là vấn đề không hề nhỏ, và chắc chắn chúng ta chẳng đạt được gì khi không có khả năng thấy được bóng (mặt tối) của mình. Khi ý thức về những điều sai trái của bản thân, chúng ta ở trong một hoàn cảnh thuận lợi hơn – ít nhất cũng có thể hy vọng thay đổi và cải thiện chính mình.”

Gần đây khi tìm hiểu về học thuyết của Jung, tôi có đồng cảm và ngẫm ra nhiều điều. Ít nhất là có ích với bản thân, và lý giải được nhiều vấn đề xoay quanh các mối quan hệ của mình. Trưởng thành, nghĩa là không có gì khác ngoài chính mình. Không có sự nỗ lực hỗ trợ bản thân nào ngoài sự tự lực, quan sát những xáo động bên trong bằng cách tự sắp xếp, hoàn thiện từ chính gốc rễ. “Cuộc sống đối với tôi luôn có vẻ như một cái cây sống trên thân rễ của nó”, ông viết. “Phần xuất hiện trên mặt đất chỉ tồn tại trong một mùa hè. Rồi nó khô héo và chết đi – một sự xuất hiện phù du… Nhưng tôi chưa bao giờ mất đi cảm giác về một thứ gì đó sống động và trường tồn bên dưới những biến dịch bất tận. Điều chúng ta thấy là hoa tàn. Thân rễ vẫn còn lại”(Tự truyện, trang 18). 

grayscale photography of leaves

Điều quan trọng là, hãy là hiện thân cốt lõi trong cuộc đời chính mình. Cho dù bề mặt mình không còn cảm nhận gì nữa,  nhưng bên trong mình vẫn dịch chuyển. Cho dù bề ngoài mình cảm thấy mất kết nối và không hề tồn tại, vạn vật đều già nua héo úa, nhưng điều tất yếu là không được quên phần rễ của mình, vẫn ngày ngày cố gắng chuyển di để nuôi dưỡng và ấp ủ những mầm non, để mùa xuân tới, tiếp tục đâm chồi, mùa hè sang, lại tiếp tục vươn những tán cây để đón ánh nắng.

Những khó khăn này tạm thời qua đi để nhường chỗ cho khó khăn mới tiếp đến. Chúng ta không học cách chống trả, chúng ta học cách dùng những khó khăn đó để thấu hiểu chính mình. Thấu hiểu đến khi, không còn hơi thở nữa. Thấu hiểu đến khi, có thể là chính mình, cũng có thể là, hòa hợp với người khác. Sự tái sinh mới, bất kể ở độ tuổi nào, là một con đường hướng tới sự minh triết.

Trích sách: Cứ khóc, cứ tan vỡ và trưởng thành

Tác giả: Yến Nhi – Founder A Crazy Mind

BẢN THẢO
Bài viết liên quan