Sương giăng ngợp lối có kịp ủ ấm bàn tay?

Hoa nở trong vườn có hóa thành ánh trăng trong lòng người không?


Mấy hôm nay không nghe thấy tiếng sột soạt của đàn chuột trên mái nhà, cũng chẳng thấy bọn chúng bới tung thùng rác lúc nửa đêm. Có lẽ thời tiết lạnh giá nên nhà chuột đã rủ nhau đi trú đông. Đôi khi người ta mong được như đàn chuột, thấy lạnh sẽ tự tìm chỗ trú ẩn. Người ta biết lạnh đấy, nhưng vẫn phải lao ra ngoài kia, để gió đông thấm vào từng tế bào. 



Hà Nội, ngày cuối năm…


Chợ hoa Quảng Bá ngày cuối năm nhộn nhịp, những chuyến xe chở đầy hoa chen nhau lối vào chợ. Khắp nơi cơ man nào là hoa, tỏa mọi ngóc ngách và ai nấy đều cố điền vào vị trí trống. Sắc hoa vàng, tím, đỏ tươi tắn xếp trên kệ, kèm theo lời mời gọi đon đả của các cô bán hàng mỗi khi có khách đi qua. Ai đó ngáp to chẳng buồn che miệng, vì đồng hồ cũng sắp chuyển sang mười hai giờ đêm rồi.


Hoa nở trong vườn có hóa thành ánh trăng trong lòng người không? Đằng sau mỗi gánh hoa là sự mong đợi của những đứa trẻ, của cả gia đình. Năm nay mà được giá thì Tết này sẽ ấm no, còn không thì tụi trẻ chỉ biết mang hoa ra hiên nhà chơi đồ hàng những ngày nghỉ lễ. Chắc tụi nó cũng chẳng mặn mà lắm với trò chơi này đâu.


Tôi chạy lòng vòng và trở lại chợ Long Biên sau khi rẽ bừa vào một con đường nhỏ. Xe tải chở hoa quả, hải sản ra vào ùn ùn. Mùi tanh phà vào gió lạnh, không biết có chứa nước mắt của ai đó? Mong sao đằng sau nó sẽ là mùi của hạnh phúc, bình an.


Bàn tay lạnh ngắt chẳng còn cảm giác, đường phố thưa dần nhưng tôi chưa muốn về. Đêm nay tôi bước ra khỏi nhà để tìm kiếm hạnh phúc nơi hè phố. 


Tôi suy nghĩ miên man về những nụ cười tôi bắt gặp trên đường. Từng khuôn mặt tôi vụt qua, chưa kịp để lằn răn trong trí nhớ nhưng kịp chụp lại trong tim. Chắc tối nay sẽ có một vài đứa trẻ hạnh phúc khi đón mẹ trở về nhà.


“Chúc cháu sống lâu trăm tuổi”. Lần đầu tiên một đứa trẻ mới đi qua một phần tư đời người như tôi nghe được câu chúc như vậy. Cảm giác ấm áp dâng lên xung quanh làm tôi ngỡ mình đang đứng giữa một nơi nắng đẹp, chứ không phải trong con ngõ xa lạ với ánh đèn đường chập chờn.


Chúng ta hoàn toàn có thể trao đi hơi ấm dù đôi bàn tay lạnh buốt, một cái ôm cũng đủ làm bừng lên ngọn lửa ấm áp, đầy hy vọng trong lòng người. 


Nguồn ảnh: @astreyas_photo



Gió ngược triền núi…


Chuyến xe khách phăm phăm chở người từ trung tâm thành phố lên bản. Những khúc cua hiểm trở chẳng làm khó bác tài đã quá quen thuộc với vùng đất này. 


5 giờ sáng, sương đêm vẫn bao phủ dày đặc và chẳng chút ánh sáng báo hiệu ngày mới lên. Trong ô tô chẳng ấm hơn bên ngoài là bao và lâu lâu lại có một đám sương đi lạc vào khi anh phụ xe mở cửa cho khách xuống. 


Chuyến này tôi đi vì nỗi nhớ hiện lên khi tình cờ xem lại ảnh cũ. Đã hơn hai năm rồi tôi không quay lại vùng đất ban sơ này dù lời hứa vẫn bỏ ngỏ. Tôi bật cười, hồi đó tóc tôi ngắn tủn nhìn như con trai, nhưng khuôn mặt ngơ ngác chẳng khác tôi của hiện tại là bao. Mấy em tôi quen ở bản có lẽ đã cao to hơn hẳn ngày ấy, có đứa sắp lấy vợ rồi.


“Bao giờ chị lại lên?”. Tôi nhớ tôi đã trả lời là mấy tháng nữa, nhưng rồi nhiều yếu tố khiến việc này hoãn lại cho đến tận bây giờ. Sau lần đó, tôi rút ra được rằng nếu đã không chắc chắn thì không nên buông lời hứa vu vơ. Sự chờ đợi khiến con người ta mong mỏi, rồi thất vọng, như tôi đã từng chờ đợi ai đó.


Đường núi nhiều ổ gà khiến tôi khó ngủ. Sương đậu trên cửa gây cản trở tầm nhìn, làm bác tài chốc chốc phải dừng xe lau kính. Tôi háo hức vì xe sắp tới nơi, lại chùng chằng tâm sự. Không biết cảnh xưa người cũ có còn nhớ hay không?


Con người ta ưa chìm đắm trong hoài niệm hơn là việc nghĩ tới tương lai xa xôi. Giống như màn sương kia, tương lai chẳng thấy rõ ràng, mịt mờ, nhưng quá khứ thì hiển hiện cụ thể hơn. Dù là đắng, cay hay ngọt, bùi, những điều thuộc về quá khứ đều đáng trân trọng, nâng niu. 


Đặt chân tới huyện, tôi ngồi chờ trời sáng hẳn mới có thể bắt xe ôm vào bản. Tôi cần đi ngang qua vài ngọn đồi nữa mới tới vùng đất ở độ cao hơn 1700m so với mặt nước biển. Một đĩa bánh cuốn hương vị phố núi kịp cứu rỗi tôi khỏi cơn đói và cái lạnh ban mai.


Tôi đã từng hình dung bao lần rằng tôi sẽ đứng dưới chân dốc và gọi vọng tên mấy đứa nhỏ vì nhà bọn nó ở tít lưng chừng đồi. Lần này tôi không tưởng tượng nữa, vì tôi đã đứng ở đây và lặp lại y xì như thế. Sau mấy lần gọi thì đứa đầu tiên ló mặt ra ngơ ngác nhìn tôi thăm dò. Bọn nó sao mà nhận ra ngay được vì tôi bây giờ khác tôi ngày trước, ít nhất về phong cách bên ngoài.


Điều dễ thương nhất và cũng là điều tôi thấy dễ dàng là bắt chuyện với một đứa trẻ. Tôi chỉ cần mở lòng ra, trò chuyện với chúng bằng những điều tưởng tượng có phần điên rồ của tôi. Chẳng mấy chốc chúng tôi bắt được “sóng” của nhau và những đứa trẻ trong bản bắt đầu rôm rả trò chuyện. Bọn nó lại kéo tôi ra con suối dưới ruộng chơi như ngày xưa vẫn thường dẫn tôi đi.


Những đứa trẻ lớn lên từ bản luôn mang trong mình hơi thở của núi rừng. Chúng dẻo dai như cây và can trường như núi. Cái lạnh khiến tôi chỉ muốn chui tọt vào chăn thì với bọn nhỏ, lạnh hay không chúng vẫn rủ nhau ra ngoài chơi đủ trò mới về. Sự đơn giản trong veo của bọn trẻ làm tôi ấm áp và tràn đầy tình yêu dành cho vùng đất đẹp đẽ này.


Nguồn ảnh: @efdalyildiz



Năm mới trước hiên nhà…


Dù phiêu bạt khắp bốn phương trời, con người ta vẫn luôn chùng chình thương nhớ quê hương mỗi độ xuân về. Tất tả ngược xuôi mưu sinh, lúc trở về nhà chỉ mong có đủ no ấm. Người lớn, nhìn họ mạnh mẽ lắm, nhưng chỉ là họ giỏi chịu đựng hơn mà thôi. 


Bác tài xế thở dài, không biết Tết này có kịp về quê hay ở lại. Anh bốc vác đứng bần thần nhẩm tính tiền công tháng này đủ gửi về cho bố mẹ dưới quê đảo ngói hay không. Chị lao công cần mẫn dọn rác trong đêm muộn, cố gắng sắm cho bé con ở nhà bộ quần áo mới đón Tết.


Những hình ảnh đứt đoạn về một năm sắp qua, có cả những ký ức từ thời ngày nảo ngày nao cũng quay trở về. Tôi lại nhớ ngày bé mong mỏi đến Tết như thế nào. Hồi đó nhà tôi vẫn còn đun bếp củi, tôi thích nhất là ngồi trong đó vừa canh nồi bánh, vừa nướng ngô, khoai để ăn. Tết trong mắt đứa trẻ tám, chín tuổi đơn giản là được mua quần áo mới, ăn nhiều bánh kẹo ngon và nhận tiền lì xì. 


Ăn bao nhiêu cái Tết thì rốt cuộc được trở về và quây quần bên mâm cơm đầy đủ thành viên đã là mãn nguyện. Đôi khi tưởng đơn giản, nhưng để đơn giản lại có thể phải chờ cả một kiếp người…



Tác giả: APhàn



BẢN THẢO
Bài viết liên quan