Sương mù não (Brain Fog) là gì?

Trong các nghiên cứu được công bố gần đây, ngày càng có nhiều người gặp phải hội chứng sương mù não (brain fog) sau khi hồi phục khỏi COVID-19.


Sương mù não (Brain Fog) là gì?


Sương mù não không thực sự là một tình trạng bệnh lý mà là một thuật ngữ dùng để mô tả cảm giác uể oải và mờ mịt về mặt tinh thần. Nó có thể là một triệu chứng của các tình trạng sức khỏe khác.


Sương mù não có cảm giác như thiếu sự minh mẫn về tinh thần. Sabrina Romanoff, một giáo sư và nhà tâm lý học lâm sàng tại thành phố New York cho biết, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bạn và khiến bạn khó nhớ lại mọi thứ.



“Cuối cùng, sương mù não có thể ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận về bản thân. Các cá nhân thường không cảm thấy là chính mình vì mất đi sự nhạy bén về tinh thần khiến họ cảm thấy xa lạ với chính bản thân mình.” – SABRINA ROMANOFF, PSYD



Nguyên nhân gây ra sương mù não


Một số yếu tố và tình trạng sức khỏe có thể gây ra sương mù não, bao gồm:

  • Thiếu ngủ
  • Mức độ căng thẳng gia tăng
  • Trầm cảm
  • Sa sút trí tuệ
  • Tiền mãn kinh
  • Sử dụng thuốc để điều trị
  • Tình trạng nội tiết tố, chẳng hạn như rối loạn tuyến giáp
  • Bệnh sức khỏe mãn tính, như bệnh đa xơ cứng
  • Thiếu dinh dưỡng, chẳng hạn như sự thiếu hụt vitamin B12
  • Nhiễm vi-rút, như COVID-19, SARS, và cúm H1N1

 

COVID-19 có thể gây ra chứng viêm não, làm ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của các tế bào thần kinh trong não với nhau, dẫn đến tình trạng sương mù não. Tuy nhiên, Romanoff nói rằng sự căng thẳng, lo lắng, tình trạng bị cách ly, và mối đe dọa của đại dịch corona cũng có thể gián tiếp gây ra sương mù não, vì nó có thể khiến não của bạn kiệt sức.


Ảnh của Monstera từ Pexels


Không có gì lạ khi chứng sương mù não được gây ra bởi sự kết hợp của hai hoặc ba trong số các yếu tố này vì chúng thường đi liền với nhau. 

Ví dụ, trầm cảm có thể dẫn đến thiếu ngủ hoặc ngược lại. Tương tự như thế, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn và gây ra trầm cảm. Tiền mãn kinh có thể đi kèm với thiếu ngủ và trầm cảm.


Các triệu chứng của sương mù não


Nếu bạn bị sương mù não, bạn có thể gặp khó khăn với các chức năng về mặt nhận thức, ví dụ như:

  • Tập trung vào một suy nghĩ hoặc ý tưởng
  • Hồi tưởng lại một điều gì đó
  • Làm việc đa nhiệm
  • Theo sát các cuộc trò chuyện
  • Chú ý đến môi trường xung quanh bạn

Sương mù não cũng có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu và tinh thần kiệt quệ.



Mẹo và thủ thuật để giảm “sương mù trong não”


Đây là một số bước bạn có thể thực hiện để giảm thiểu tình trạng sương mù não:


  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng đối với não bộ và cơ thể của bạn để loại bỏ các độc tố không tốt cho sức khỏe có thể góp phần gây ra chứng sương mù não. Cố gắng tuân theo một lịch trình ngủ cố định và việc ngủ đủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm là rất quan trọng. Tránh sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại di động, máy tính xách tay, hoặc tivi trước khi ngủ.


  • Thử những thứ mới lạ: Giữ tâm trí của bạn tham gia vào các hoạt động kích thích tinh thần và nỗ lực thử những điều mới. Ví dụ như chọn một lộ trình khác để đi làm, thử một cách tiếp cận khác đối với công việc bạn làm thường xuyên, hoặc nghe một thể loại nhạc khác. Điều này có thể giúp tăng sản xuất một chất hóa học trong não gọi là norepinephrine – chất giúp kích thích não bộ.


  • Tránh làm việc đa nhiệm: Đa nhiệm có thể tiêu hao năng lượng của bạn và làm giảm năng suất của bạn, đặc biệt nếu bạn đang cố gắng thực hiện hai hoạt động đòi hỏi những suy nghĩ tỉnh táo. Thay vào đó, hãy thử tập trung vào một việc tại một thời điểm.


Ảnh của cottonbro từ Pexels


  • Cải thiện trí nhớ: Nếu bạn có xu hướng hay quên, hãy thử áp dụng các thủ thuật khác nhau để cải thiện trí nhớ của bạn. Ví dụ, vần điệu, mnemonics (phương pháp học từ mới bằng cách tạo dựng những mối liên hệ), hoặc các dấu hiệu bằng lời nói hoặc hình ảnh có thể giúp bạn ghi nhớ những điều quan trọng. Bạn cũng có thể thử kỹ thuật lặp lại; chẳng hạn, nếu ai đó nói với bạn tên của họ, việc nhắc lại tên của họ có thể giúp bạn nhớ nó.


  • Nghỉ ngơi về tinh thần: Hãy dành một khoảng thời gian để nghỉ ngơi trong ngày, nơi bạn không nghĩ về bất cứ điều gì và hoàn toàn tận hưởng thời điểm này. Bạn có thể nhắm mắt, đi bộ một đoạn ngắn hoặc nhìn ra cửa sổ. 


  • Tập trung sự chú ý của bạn: Nếu bạn bị phân tâm bởi nhiều thứ hoặc mất tập trung, hãy cố gắng bình tĩnh lại và tập trung toàn bộ sự chú ý vào một nhiệm vụ. Sau đó, bắt tay vào hoàn thành nhiệm vụ đó, cho dù nó có nhỏ đến đâu. 


  • Duy trì hoạt động xã hội: Tham gia các hoạt động xã hội có thể cải thiện tâm trạng, trí nhớ, và nhận thức của bạn.


  • Suy nghĩ một cách thấu đáo: Tập thể dục cho trí óc của bạn bằng cách dành một ít thời gian để suy nghĩ sâu sắc mỗi ngày. Ví dụ, nếu bạn đã đọc một bài báo, hãy dành 10 phút để suy nghĩ về nội dung của bài báo đó.


  • Thử thiền: Thiền có thể giúp giảm căng thẳng, thư giãn não bộ và cơ thể của bạn.


Ảnh của Andrea Piacquadio từ Pexels


  • Tập thể dục thường xuyên: Duy trì hoạt động thể chất có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn.


  • Thực hiện theo chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải, có thể giúp tăng cường trí nhớ, nhận thức, và sức khỏe não bộ. 


  • Tránh xa rượu và ma túy: Những chất này có thể làm suy giảm các giác quan và ảnh hưởng xấu đến não bộ của bạn.

 


Một lời khuyên từ VerywellMind


Sương mù não là cảm giác khó chịu khi bị phân tâm. Nó có thể khiến bạn khó tập trung vào các công việc đang làm, ghi nhớ mọi thứ, hoặc chú ý đến những gì đang diễn ra xung quanh bạn. Nó cũng có thể khiến bạn cảm thấy không vui và không giống chính mình. 


Nhiều người có thể thỉnh thoảng trải qua sương mù não nếu họ không ngủ ngon, hoặc nếu họ bị dị ứng và đã dùng thuốc kháng histamin (loại thuốc thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của dị ứng) chẳng hạn. Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe có thể gây ra tình trạng sương mù não dai dẳng. 


Hãy thảo luận về các triệu chứng của bạn với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn; họ có thể xác định điều gì gây ra sương mù não và đề xuất kế hoạch điều trị phù hợp.



------------

Dịch bởi: Boba

Biên tập: Phoebe Trịnh 

Ảnh:  Pexels

Tham khảo: 

Sanjana Gupta (2021), What Is Brain Fog?, [Online] Available at: <https://www.verywellmind.com/what-is-brain-fog-5195298> [Accessed 30 October 2021]

------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan