Suy nghĩ tiêu cực - chất gây nghiện nguy hiểm

Tại sao chúng ta không thể ngừng suy nghĩ về những điều khiến mình thấy tồi tệ nhất?



Đã bao giờ bạn chú ý tới thời gian mình dành ra để nghĩ về những chuyện tiêu cực hay đau khổ, ngẫm nghĩ và lặp lại những thất bại trong cuộc sống của bạn chưa? Bạn không phải là người duy nhất trải qua điều này. Thống kê gần nhất tôi đọc được khẳng định 80% suy nghĩ của chúng ta là tiêu cực và 95% lặp đi lặp lại. Thật kỳ lạ khi trải nghiệm càng tiêu cực, chúng ta càng hồi tưởng về nó nhiều hơn. Chúng ta bị thu hút bởi những gì đau đớn như sức hút của xác chết đối với loài kền kền. Đạo Phật chiêm nghiệm, con người mưu cầu hạnh phúc nhưng vẫn đuổi theo những đau khổ đời mình. Tại sao? Điều gì khiến tâm trí ta không ngừng nghĩ tới đau khổ , tại sao chúng ta cố chấp không buông nỗi đau của mình và làm thế nào chúng ta có thể thay đổi thói quen dại dột và vô bổ này?


Chúng ta tìm về với những đau khổ về cơ bản là đang cố gắng thay đổi trải nghiệm tiêu cực. Những tái hiện về tinh thần là nỗ lực để viết lại những gì ta không muốn thành một thực tế mới. Nếu ta có thể hiểu nỗi đau rõ ràng hơn, dành nhiều thời gian hơn cho sự đau khổ, chúng ta sẽ có thể hiểu — nói cách khác là loại bỏ nỗi đau ấy khỏi cuộc sống. Nếu có thể biết nguyên nhân, người chịu trách nhiệm và giải pháp cho vấn đề đó, mọi thứ sẽ ổn. 


Nghịch lý thay khi chúng ta cố giữ chặt nỗi đau trong nỗ lực tìm cách vượt qua nỗi đau. 


Nỗi đau hoặc bất kỳ trải nghiệm tiêu cực nào sẽ gây ra một loạt cảm giác không thoải mái. Để đáp lại những cảm giác không mong muốn ấy, tâm trí của ta sẽ kiểm soát và dẫn lối ta theo một hướng quen thuộc hơn. Nhiều lần, tâm trí tái cấu trúc và sắp xếp lại nội dung nỗi đau để tránh cảm nhận nó một cách trực tiếp. Tâm trí sẽ luôn hướng ta nghĩ về nỗi đau hơn là trải nghiệm trực tiếp.


Vì vậy, chúng ta bám vào đau khổ, đi ngược lại nhận thức như một cách quan tâm bản thân. Liên tục nghĩ về những đau đớn giúp chúng ta cảm thấy rằng nỗi đau ấy quan trọng, nó không xảy ra một cách vô cớ và sẽ không bị lãng quên. Sự suy ngẫm mang lại tầm quan trọng và giá trị cho sự đau khổ mà không phải người nào cũng đón nhận. Để ngừng nhớ về nỗi đau của mình, ta phải muốn loại bỏ nó trước khi nỗi đau thực sự được cảm nhận hoặc chạm tới.



Nỗi đau cũng liên hệ mật thiết với ý thức về bản sắc con người. Ta gợi nhắc bản thân về nỗi đau của mình như một cách để lưu giữ câu chuyện cá nhân, câu chuyện về bản thân và cuộc sống. Chúng ta bám lấy, hay có thể nói rằng yêu nỗi đau của mình. Do đó, ta miễn cưỡng để nỗi đau ra khỏi đời ta, ngừng mang nó về hiện tại, ngay cả khi nỗi đau ấy không còn hiện hữu hay hữu dụng. Làm như vậy sẽ là xóa đi bản sắc của mình hay mất đi những điều giúp ta là chính mình.


Nếu chúng ta không liên tục nhắc nhở bản thân về câu chuyện của mình, ta có thể quên mất mình là ai. Tiếp đó sẽ không biết cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có mối liên hệ tới ý tưởng hình thành nên con người mình?


Về mặt sinh tồn, đau khổ cho phép chúng ta cảm nhận được cảm giác ban đầu về cái tôi, để cảm thấy rằng chúng ta đang tồn tại. Chúng ta tự mình trải nghiệm như một cái tôi khác biệt. Khi đối mặt với một vấn đề, tâm trí như một thực thể sống động. Và bởi chúng ta tưởng tượng bản thân đồng bộ với tâm trí, ý thức về bản thân cũng sống động và mạnh mẽ trong quá trình này. Quá trình suy nghĩ thực sự giúp chúng ta tạo ra cái tôi của mình, giúp ta thực sự nghĩ rằng mình tồn tại.


Từ bỏ suy ngẫm các vấn đề đầu tiên sẽ dẫn tới cảm giác bị đe dọa. Làm sao chúng ta biết rằng mình ở đây nếu tâm trí không tham gia vào các vấn đề. Hay chính các hoạt động cho phép tâm trí tự cảm nhận? Làm sao chúng ta biết mình là ai nếu không thông qua tâm trí? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta ngừng ghi nhớ và thiết lập lại con người mình? Nếu không có một kế hoạch về những gì cần phải điều chỉnh, chúng ta thực sự mất đi sự tách biệt khỏi cuộc sống.


“Nghiện đau khổ” ở một mức độ nào đó bị thúc đẩy bởi mong muốn cảm thấy tốt hơn. Nhưng kể cả như vậy, điều này chỉ khiến ta cảm thấy tồi tệ hơn và phải chịu đựng nhiều hơn những gì chúng ta thực sự cần. Vậy có thể làm gì để loại bỏ chất gây nghiện này?

Giải pháp


1. Phát triển nhận thức.


 Chìa khóa để loại bỏ bất kỳ thói quen nào là nhận thức. Hãy bắt đầu chú ý tới những khoảnh khắc bạn chủ động chọn hồi tưởng nỗi đau của mình, hướng sự chú ý của bạn trở lại những gì làm phiền bạn theo đúng nghĩa đen. Chủ động thêm những khoảnh khắc bình yên vào những mảnh đau thương. Hãy lưu ý rằng bạn đang thực hiện điều này với chính mình.


2. Thừa nhận rằng bạn đang bế tắc. 


Khi nhận thấy rằng mình đang rơi vào tình huống bối rối, không lối thoát trong chính đau khổ của mình, hãy ghi nhớ và dành một chút thời gian, thừa nhận rằng bạn đang bế tắc. Hãy nói thật to: “Chà, tôi thực sự bế tắc”; “Tôi thực sự đang làm điều này với chính mình ngay bây giờ”; hoặc bất cứ từ nào phù hợp. Dừng lại một chút, và ở nguyên vị trí bạn đang ở, chấp nhận cảm giác bất lực hay bị mắc kẹt trong nỗi đau của mình.


3. Hỏi đáp. 


Hỏi (mà không phán xét) rằng tâm trí bạn mong chờ nhận được gì khi mang bạn về với nỗi đau. Liệu có phải là để tìm ra vấn đề và viết lại theo một cách khác, giúp bạn chạm vào nỗi đau hay không? Bạn có cần khắc sâu nỗi đau để bảo vệ mình, để nỗi đau không xảy ra lần nữa? Chỉ mang những cảm xúc tích cực có đáng sợ hay không? Ghi nhớ vấn đề của mình có khiến bạn thấy “mắc cạn” hay không?



4. Tò mò về ý định của tâm trí bạn


Việc làm mới và nghiền ngẫm có giúp bạn thấy bình yên không? Nó có làm cho bạn cảm thấy tốt hơn không? Cuối cùng, bạn sẽ phát hiện ra rằng cố gắng đạt được sự bình yên trong tâm trí cũng giống như cố gắng mở ổ khóa bằng quả chuối trong khi chuối không phải là chìa khóa. Lần tiếp theo khi bạn tìm tới nỗi đau của mình, hãy nhắc nhở bản thân rằng suy nghĩ nhiều hơn không thực sự hiệu quả. Điều này bạn sẽ biết được qua kinh nghiệm và thắc mắc của chính bản thân. Thất bại là một người thầy tuyệt vời của con người. 


5. Chuyển sự tập trung của bạn từ suy nghĩ về bản chất vấn đề sang cảm nhận.


Cảm nhận được bạn đang ở đâu và cơ thể bạn thế nào, nói cách khác là những cảm giác bạn trải qua trong nỗi đau này. Bạn có thể đặt tay lên trái tim mình và tự dành cho mình những lời ngọt ngào, thậm chí có thể là một lời cầu nguyện chữa lành cho nỗi khổ đau này. Thoát khỏi câu chuyện trong đầu của bạn và thả mình vào trải nghiệm cảm nhận về cơ thể.


6. Nói thật to “Không” hoặc “Dừng lại”.


Chúng ta có thể học cách nói “không” với khuynh hướng suy nghĩ của mình, cũng giống như chúng ta nói không với một đứa trẻ đang làm điều gì đó có thể gây hại cho mình. Đôi khi phần khôn ngoan và tân tiến trong ta cần can thiệp để dừng hành vi có hại mà tâm trí thực hiện. Hãy nói to "không" hoặc "dừng lại" để bạn có thể lắng nghe trực tiếp bằng các giác quan của mình, chứ không phải qua một suy nghĩ khác bên trong tâm trí đang ngập tràn sự tiêu cực.


7. Hãy tự hỏi bản thân, điều tồi tệ gì sẽ xảy ra nếu bạn mặc kệ những nỗi đau?


Hãy xem xét những gì khiến bạn thấy cuộc sống nguy hiểm mà không gợi nhắc bản thân về những gì đã xảy ra hay sai lầm đã mắc. Hãy chủ động lựa chọn để không lấp đầy hiện tại của bạn bằng quá khứ. Hãy mạnh dạn: Tạo một bản sắc mới không lấy từ câu chuyện cá nhân của bạn, luôn mới mẻ và không ngừng thay đổi.


Trong quá trình ấy, bạn sẽ phát hiện ra rằng mình có thể hoàn toàn ổn và hạnh phúc vào thời điểm này mà không cần phải tìm về và thay đổi quá khứ.


_ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _ _


Dịch bởi : Vân Anh

Biên tập : Rabbie

Ảnh: Pexels

Nguồn : https://www.psychologytoday.com/us/blog/inviting-monkey-tea/201904/negative-thinking-dangerous-addiction





BẢN THẢO
Bài viết liên quan