Tài Năng Và Thiên Tài Khác Nhau Ở Đâu?

“Tài năng” (才能) và “thiên tài” (天才) là phiên âm Hán-Việt của hai từ Hán, đều có chung một chữ “tài” (才). Có lẽ vì vậy mà khái niệm “tài năng” và “thiên tài” đôi khi bị sử dụng lẫn lộn, ít nhất là trong tiếng Việt. Hậu quả là thỉnh thoảng tài năng lại được bơm lên thành thiên tài.


“Tài năng” (才能) và “thiên tài” (天才) là phiên âm Hán-Việt của hai từ Hán, đều có chung một chữ “tài” (才). Có lẽ vì vậy mà khái niệm “tài năng” và “thiên tài” đôi khi bị sử dụng lẫn lộn, ít nhất là trong tiếng Việt. Hậu quả là thỉnh thoảng tài năng lại được bơm lên thành thiên tài.


Thực ra “tài năng” và “thiên tài” là hai khái niệm khác nhau về bản chất.


Trong ngôn ngữ của hầu hết các nước châu Âu, “tài năng” (talent) có gốc là một từ Latin “talentum”, vốn bắt nguồn từ một từ Hy Lạp cổ đại,τάλαντον (talanton), có nghĩa là “thước, cân”. Talent (talenton) là một trong những đơn vị người Hy Lạp cổ đại dùng để đo khối lượng. Ví dụ một talent vàng nặng khoảng 26 – 30 kg. Người ta cũng từng dùng talent làm đơn vị tiền tệ.


Trong kinh Tân Ước, Phúc âm Matthew 25:24-30 có câu chuyện ẩn dụ về đồng tiền talent như sau. Một ông chủ, trước khi đi xa, gọi 3 đầy tớ tới giao việc. Ông ta đưa cho đầy tớ thứ nhất 5 talents, đầy tớ thứ hai 2 talents, và đầy tớ thứ ba 1 talent. Sau khi ông chủ lên đường, đầy tớ thứ nhất đem 5 talents đi buôn và kiếm được thêm 5 talents nữa. Đầy tớ thứ hai cũng đem 2 talents đi buôn và kiếm được 2 talents nữa. Còn đầy tớ thứ ba thì đem 1 talent mà ông chủ đã đưa cho mình đi chôn. Sau khi trở về, ông chủ gọi 3 đầy tớ đến tính sổ. Đầy tớ thứ nhất trình ông chủ là anh ta đã nhân đôi số tiền ông chủ đã giao. Ông chủ khen: “Tốt, ngươi là một đầy tớ trung thành. Ta sẽ giao cho ngươi nhiều việc và ngươi được hưởng sự ưu ái của ta.” Đầy tớ thứ hai cũng trình và được ông chủ khen như vậy. Đầy tớ thứ ba bị ông chủ mắng là lười nhác, và ông chủ ra lệnh: “Tước 1 talent ta đã giao cho hắn, đưa cho tên đầy tớ đã có 10 talents, bởi vì kẻ nào có thì sẽ luôn được cho, và hắn sẽ càng có nhiều, còn kẻ nào không có, thì đến cả cái mà hắn đang có cũng sẽ bị tước nốt. Tống cổ tên vô tích sự này ra ngoài đêm tối cho nó khóc than và rên xiết.”


Thành ngữ Việt Nam nói “nước chảy chỗ trũng” quả không sai.


Như vậy số tiền (talents) đã được ông chủ trao cho các đầy tớ tùy theo tài năng của họ. Tài năng từ đó được gọi là “talent” như khả năng, năng lực của con người, có thể được đo bằng một thang giá trị, ví dụ như bằng tiền.


“Thiên tài” (genius) có nguồn gốc từ tên vị thần hộ mệnh trong thần thoại La Mã (genius) nhập vào một cá nhân, một vật, hay một địa điểm để phù trợ cho người, vật, hay địa điểm đó. Vì được thần hộ mệnh nhập vào, thiên tài làm mọi việc như một vị thần, tức là siêu phàm.



Một người được gọi là thiên tài (genius) khi bản thân có một khả năng tự nhiên ngoại hạng, chủ yếu có được do Trời sinh chứ không phải do học hành hay luyện tập, đặc biệt trong các thành tựu của sáng tạo, phát minh, hay biểu hiện. Trong khi đó, tài năng (talent) thường là người có khả năng học và làm một hay nhiều việc một cách xuất sắc, hơn người. Vì thế thiên tài là một thứ cảm hứng – một vị thần – lúc nào cũng ngự trị trong con người, xui khiến làm những việc độc đáo và xuất sắc. Thiên tài làm một việc như thể đó là điều bản thân mình phải làm, trong khi tài năng chỉ làm cái gì mà bản thân mình có thể làm được. Tài năng làm được những điều mà nhiều người khác biết, nhìn thấy, có thể hiểu được, nhưng không làm được. Còn thiên tài là người sáng tạo ra và làm được những điều chưa ai nghĩ tới và dĩ nhiên là cũng không thể làm được. Triết gia Đức Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) từng nói: “Tài năng bắn trúng cái đích mà không ai khác bắn trúng được. Thiên tài bắn trúng cái đích mà không ai khác nhìn thấy được.”


Với cách nhìn như vậy, có thể hiểu vì sao những người như Galilei, Newton, Einstein … trong vật lý, Leonardo da Vinci, Michelangelo, Titian, Caravaggio, Rembrandt, Picasso, Dalí … trong hội họa, Bach, Mozart, Beethoven, Chopin, Tchaikovsky, Rachmaninov,… trong âm nhạc, hay Franz Liszt, Vladimir Horowitz, Evgeny Kissin, Ivo Pogorelich,… trong trình diễn piano được coi là những thiên tài.


Tác phẩm "Femme au Béret et à la Robe Quadrillée (Marie-Thérèse Walter)", Picasso


Các thiên tài dĩ nhiên là hiếm hơn các tài năng, có lẽ do số thần hộ mệnh không nhiều, nên các thần phải chọn mặt mà gửi… hồn. Trong vòng một thế kỷ thế giới chỉ có nhiều lắm là vài ba thiên tài xuất hiện trong một lĩnh vực. Nhiều lĩnh vực hàng thế kỷ chẳng có thiên tài nào. Trong khi đó, các tài năng thì đông hơn nhiều. Ví dụ cuộc thi piano quốc tế Frederic Chopin cứ khoảng 5 năm lại cho ra lò một người đoạt giải nhất, còn cuộc thi Tchaikovsky thì cứ khoảng 4 năm lại có một người đoạt huy chương vàng về piano. Như vậy, trong một thế kỷ có khoảng 20 người được giải nhất cuộc thi piano Chopin, và 25 người đoạt giải nhất về piano tại cuộc thi Tchaikovsky.


Song Vladimir Horowitz và Evgeny Kissin chưa từng thi Chopin cũng như Tchaikovsky, còn Ivo Pogorelich khi tham gia cuộc thi piano Chopin lần thứ 10 (1980) thì đã bị loại khỏi vòng chung kết, như thể minh chứng cho nhận xét của thi sĩ đồng thời là bác sĩ Mỹ Oliver Wendell Holmes (1809–1894): “Thế giới luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay để đón nhận tài năng, nhưng, rất nhiều khi, thế giới không biết phải làm gì với thiên tài” (The world is always ready to receive talent with open arms. Very often it does not know what to do with genius). Còn văn hào Ái Nhĩ Lan Jonathan Swift (1667–1745), tác giả “Gulliver du ký”, cho ta dấu hiệu của một thiên tài: “Khi một thiên tài đích thực xuất hiện trên thế giới, bạn có thể nhận ra anh ta qua dấu hiệu này, rằng tất cả bọn ngu độn đều cấu kết với nhau để chống lại anh ta.” (When a true genius appears in the world, you may know him by this sign, that the dunces are all in confederacy against him.)


Theo bookhunterclub.com 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan