Tại sao Âm nhạc thường hay gợi cho ta nhớ về những ký ức cũ?

Một nghiên cứu mới đây tiết lộ mối quan hệ giữa âm nhạc, ký ức và cảm xúc.


NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Âm nhạc giúp ta gợi nhớ những ký ức sinh động và dạt dào cảm xúc từ trong cuộc sống của chúng ta, nhưng các nhà nghiên cứu chỉ vừa mới tìm hiểu lý do vì sao điều này lại xảy ra.
  • Trong một nghiên cứu mới đây, Tiến sĩ Kelly Jakubowski (tác giả bài viết này) và nhóm nghiên cứu của cô ấy đã thử nghiệm xem âm nhạc có phải là một hình thức gợi nhớ ký ức tốt hơn những hình thức gợi nhớ cảm xúc mãnh liệt khác hay không.
  • So với khả năng gợi nhớ của những âm thanh và ngôn từ đầy cảm xúc, âm nhạc thường có khả năng gợi nhớ những ký ức tích cực hơn.


Chúng ta đều đã nghe nói đến những câu chuyện về “sức mạnh của âm nhạc”, thứ kết nối chúng ta với những khoảnh khắc trong quá khứ lần nữa. Bạn có thể đã từng xem một trong những video phổ biến trên YouTube về một bệnh nhân bị mất trí nhớ đột nhiên được đưa trở về những ký ức hồi còn trẻ của họ nhờ vào việc nghe một bản nhạc. Nếu bạn đã từng xem bộ phim Coco của Disney Pixar, bạn chắc có lẽ sẽ nhớ cảnh phim buồn rơi nước mắt khi mà nhân vật chính, Miguel, chơi một bản nhạc quen thuộc cho bà cố của cậu ấy để giúp bà gợi lại những ký ức gia đình bà sắp lãng quên.


Nghiên cứu về tâm lý học đã chứng minh rằng âm nhạc có thể gợi nhớ những ký ức sinh động và dạt dào cảm xúc trong cuộc đời mỗi người. Ví dụ như là một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bài nhạc phổ biến sẽ dễ gợi nhớ những ký ức chi tiết và sinh động hơn là những bức ảnh của những người nổi tiếng (nghiên cứu của Belfi và những người khác vào năm 2016). Nhóm nghiên cứu của Kelly Jakubowski đã cho thấy rằng việc nghe nhạc sẽ gợi nhiều ký ức tích cực và thuộc về xã hội nhiều hơn việc xem tivi (nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021).


Nhưng một câu hỏi lớn vẫn tồn tại: Tại sao âm nhạc lại có thể gợi cho ta nhớ về những ký ức quan trọng một cách hữu hiệu như vậy?


Các nghiên cứu gần đây vẫn chưa thể hoàn toàn giải đáp câu hỏi này, nhưng Kelly Jakubowski và nhóm của cô ấy có thể đưa ra một vài câu trả lời khả thi. Đó có thể là do âm nhạc là một tác nhân kích thích hiện diện trong suốt những sự kiện quan trọng trong cuộc đời ta. Chúng ta chơi nhạc khi tổ chức hôn lễ, những nghi thức đánh dấu cột mốc quan trọng, đám tang, và đôi khi ngay cả khi sinh con. Sự hiện diện của âm nhạc xuyên suốt những sự kiện này chứng tỏ âm nhạc có thể là một công tắc tốt để ta gợi lại những kí ức về chúng trong tương lai.


Một nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng người ta thường quay lại với bài nhạc yêu thích hơn là những quyển sách hoặc bộ phim yêu thích trong suốt quãng đời của họ. Sự quay lại với âm nhạc này có vẻ như sẽ củng cố những ký ức của ta thời niên thiếu (nghiên cứu của Janssen và những người khác vào năm 2007). Vì thời niên thiếu là một khoảng thời gian quan trọng cho việc tìm hiểu và phát triển tính cách của mỗi người, điều này có thể là bước đệm để giải thích sự liên kết giữa âm nhạc và những ký ức thuộc về việc định nghĩa bản thân. 


Bạn có thường hay nghe lại những bài nhạc mà thời còn trẻ/khi còn nhỏ bạn thường hay nghe không? | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Trong một nghiên cứu được công bố mới đây (của Jakubowski và Eerola vào năm 2021), họ đã tìm ra một cách giải thích khả thi khác cho sự liên kết giữa âm nhạc và ký ức trong cuộc đời mỗi người. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của âm nhạc là nó truyền tải cảm xúc. Những nghiên cứu trước đó đã cho thấy rằng những tác nhân kích thích về mặt cảm xúc thường sẽ gợi nhớ những ký ức tương tự liên quan đến cảm xúc mà chính bản thân mỗi người đã tự trải qua. Vì vậy, mục đích của họ là để thử nghiệm xem âm nhạc có thể gợi nhớ ký ức tốt hơn những phương thức gợi nhớ cảm xúc mãnh liệt khác hay không.


Trong giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu, họ ghép những đoạn nhạc với những loại âm thanh từ môi trường và những từ ngữ mang theo những cảm xúc tương tự với nhau. Ví dụ như những đoạn nhạc mang theo những âm thanh kim loại nặng nề nghe như đang giận dữ sẽ được ghép với những âm thanh chói tai từ nhà máy cùng với từ “bão táp”. Sau đó họ cho 350 người tham gia nghiên cứu nghe những đoạn nhạc, âm thanh và từ ngữ này như là một công cụ để giúp họ nhớ về những ký ức hoặc sự kiện đã từng xảy ra trong cuộc đời họ.


Sau khi trải qua 4 cuộc thí nghiệm khác nhau, họ phát hiện rằng âm nhạc gợi nhớ ít ký ức hơn là âm thanh và từ ngữ. Điều này cho thấy âm nhạc không đơn giản là một công cụ gợi nhớ tốt hơn những công cụ khác, như là những công cụ gợi nhớ cảm xúc mãnh liệt. Tuy nhiên, âm nhạc gợi cho ta nhớ về những ký ức tích cực nhiều hơn so với âm thanh và từ ngữ. Trong khi những âm thanh và từ ngữ tiêu cực gợi nhớ những ký ức tiêu cực nhiều hơn, thì những giai điệu nghe buồn và giận dữ cũng như những giai điệu nghe vui vẻ đều có thể gợi nhớ những ký ức tích cực.


Điều này cho thấy bằng cách nào đó âm nhạc độc nhất bởi cách nó kết nối với những sự kiện tích cực trong cuộc đời ta. Điều này có thể là do ngay cả những bài hát nghe tiêu cực cũng thường đưa chúng ta đến một trạng thái tích cực. Những bài nhạc giận dữ có thể khiến chúng ta sôi sục hơn, và những bài nhạc buồn thì thường được xem là những bài nhạc đẹp và cảm động. Sự đáp lại mang tính tích cực này đối với những bài nhạc tiêu cực có thể khiến chúng ta nhớ lại những ký ức tích cực tương tự như thế.


Nghiên cứu này chỉ mới chạm vào bề mặt của câu hỏi vì sao âm nhạc lại trông có vẻ “đặc biệt” ở việc nó có thể gợi lại những ký ức trong cuộc đời mỗi người. Trong những nghiên cứu đang được tiến hành, họ vẫn đang tìm hiểu cách những đặc điểm khác của âm nhạc ảnh hưởng đến nội dung ký ức, và cách những ký ức được gợi nhớ từ âm nhạc đối với mỗi cá nhân là khác nhau.


------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: July

Nguồn bài viết: <https://www.psychologytoday.com/intl/blog/music-and-memory/202112/why-music-is-so-good-sparking-past-memories

Tham khảo:

Belfi, A. M., Karlan, B., & Tranel, D. (2016). Music evokes vivid autobiographical memories. Memory, 24(7), 979–989. https://doi.org/10.1080/09658211.2015.1061012

Jakubowski, K., Belfi, A. M., & Eerola, T. (2021). Phenomenological differences in music- and television-evoked autobiographical memories. Music Perception: An Interdisciplinary Journal, 38(5), 435–455. https://doi.org/10.1525/mp.2021.38.5.435

Jakubowski, K., & Eerola, T. (2021). Music evokes fewer but more positive autobiographical memories than emotionally matched sound and word cues. Journal of Applied Research in Memory and Cognition. https://doi.org/10.1016/j.jarmac.2021.09.002

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan