Tại sao bạn buộc phải thất bại – những vấp ngã tuổi 20 sẽ dạy bạn điều gì?

Vào sinh nhật lần thứ 20 của mình, tôi xỉn quắc cần câu và tè bậy lên bãi cỏ trước nhà của một bà lão nào đó. Một người cảnh sát bắt gặp và gô cổ tôi lại. May mắn …

Vào sinh nhật lần thứ 20 của mình, tôi xỉn quắc cần câu và tè bậy lên bãi cỏ trước nhà của một bà lão nào đó. Một người cảnh sát bắt gặp và gô cổ tôi lại. May mắn thay, tôi đã thành công giải thích và “chuồn êm” ra khỏi phòng giam ngay trong tối đó.  Tôi từng có tiền án bị bắt giam, nhưng gã cảnh sát đã chẳng kiểm tra về nó. Tuổi 20 của tôi bắt đầu bằng sự cà khịa của một vận đen như thế đấy.

Vào khoảng thời gian đó, tôi chẳng có mục tiêu gì trong đầu. Tôi vừa bỏ dở việc học ở trường nhạc và đã cắt phăng mái tóc dài rối bù của mình. Tôi muốn chuyển đến Texas, nhưng lại chẳng biết nên bắt đầu ra sao và từ đâu. Thỉnh thoảng tôi sẽ giảng giải cho người ta về khía cạnh tinh thần của ý thức con người, cả mấy ý tưởng nửa vời về lý thuyết tương đối, và chuyện liệu Ông Trời có thực sự tồn tại hay không nữa.

Tôi thông minh, táo bạo, kiêu ngạo và cũng thật sự là khiến người ta thấy phiền phức chết đi được.

Chỉ còn ba ngày nữa là tôi sẽ bước sang tuổi 30. Tôi có lẽ sẽ bay tới Las Vegas và quẩy banh nóc tới độ chẳng rõ mình lạc trôi đến đâu. Nhưng tôi rất mừng khi thông báo với các bồ rằng, tôi đã sống có trách nhiệm hơn và cũng đã ít tự phụ lại hơn. Tôi đã thay đổi rất nhiều trong mười năm qua. Tôi không còn bị cảnh sát túm cổ nữa, và cũng chẳng tè bậy lên bãi cỏ nhà ai nữa cả. Tôi bắt tay vào việc làm ăn, đi qua nhiều nơi trên thế giới nhiều lần, tìm cách xây dựng sự nghiệp viết văn của mình – điều mà có đánh chết tôi ở quá khứ thì tôi cũng chẳng nghĩ tới được.

 Trong cái văn hóa thờ phụng sự hài lòng tức thời của chúng ta, rất dễ để quên mất rằng những thay đổi của bản thân không diễn ra như những sự kiện, xảy ra trong một mốc thời gian nhất định. Nó như là một sự tiến hóa lâu dài, ta khó mà nhận thức được nó đang diễn ra bồ tèo ạ. Đâu phải lúc nào ta cũng có một buổi sáng thức giấc và đột nhiên nhận thấy những sự thay đổi điên cuồng trong cuộc sống này? Không, bản thân chúng ta dần dần thay đổi, theo cách mà cát biển bị xô đẩy bởi sóng biển,  từ từ tích tụ thành những đường viền mới và hình thành theo dòng thời gian.

Chỉ khi ta dừng lại, quay đầu nhìn về những năm tháng hoặc thập kỉ đã trôi qua, ta mới thấy được những thay đổi mạnh mẽ đã diễn ra đó. Những năm tháng của tuổi đôi mươi của tôi thật sự rất “kịch tính”. Dưới đây là vài kinh nghiệm xương máu mà tôi đã rút ra được:

1. ĐỪNG NGẠI THẤT BẠI; THỜI GIAN LÀ TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT

Khi bồ còn trẻ, thứ quý giá nhất mà bồ có không phải là tài năng, những ý tưởng sáng tạo, những kinh nghiệm từng trải, mà là thời gian. Thời gian cho bồ tèo cơ hội để chấp nhận những rủi ro, vấp phải những sai lầm. Bỏ lại mọi thứ và tự “đưa mình đi trốn” khắp thế giới khoảng 6 năm hoặc thử gây dựng một công ty, phát triển một cái app điên rồ mà bồ và các chiến hữu đã nghĩ ra trong một đêm bù khú, hoặc bất chợt gói ghém tất cả (hoặc một vài) đồ đạc của mình và chuyển đến làm việc và sống với anh em họ ở một thành phố khác. Bồ tèo chỉ có thể làm như thế khi bản thân còn trẻ, khi trong tay chẳng có gì để mất cả thôi. Sự khác biệt giữa một gã thất nghiệp 22 tuổi, nợ nần và chẳng có tí kinh nghiệm làm việc nào và một gã thất nghiệp 25 tuổi, nợ nần và cũng chẳng có kinh nghiệm làm việc, về cơ bản thì trong một thời gian dài, nó chẳng đáng kể là bao.

Bồ có thể nói “không” với những trách nhiệm, gánh nặng về tài chính của tuổi trưởng thành: các khoản vay thế chấp, tiền mua xe, tiền để lo cho con cái, bảo hiểm nhân thọ và các thứ khác nữa. Lúc còn trẻ, trong hai bàn tay của bồ tèo chẳng có gì để mất, để mà ngần ngại khi những cơ hội, những bước tiến về lâu dài đến gõ cửa. Những thất bại thảm hại của những năm tháng tuổi trẻ, cái mối tình điên loạn với cô vũ công người Đài Loan mà mỗi lần nhắc tới là nhị vị phụ huynh nhà bồ lại stress đến độ rụng cả tóc, hay là cái mối hùn vốn làm ăn với một cha nội mà bồ gặp ở Starbucks cuối cùng hóa ra chỉ là một cái bẫy đa cấp tinh vi, tất cả những thất bại này rồi một lúc nào đó sẽ giúp bồ có được thành công. Đây chính là bài học bổ ích nhất của cuộc đời. Vậy nên hãy lắc não mà học đi bồ tèo.

2. TÌNH BẠN LÀ THỨ KHÔNG THỂ CƯỠNG CẦU

Trên đời này có hai kiểu bạn: kiểu bạn mà khi ta rời đi và gặp lại sau bao nhiêu ngày xa cách, thì cảm giác vẫn vẹn nguyên và kiểu còn lại là khi ta gặp lại, cảm giác như mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn.

Tôi đã dành phần lớn thời gian trong suốt năm năm vừa qua để đến và sống ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Đáng tiếc thay, tôi đã phải chào tạm biệt với rất nhiều người bạn, ở nhiều nơi khác nhau. Điều mà tôi ngộ ra sau khoảng thời gian đấy, chính là ta không thể cưỡng cầu tình bạn. Tình cảm giữa hai phía, dù là có hay không, hay là có xác định được hay không, thì đấy cũng là thứ phù du và kì diệu nhất mà chẳng ai có thể định nghĩa được. Cả hai chỉ cần cảm nhận thôi.

Tôi còn nhận ra rằng chẳng ai có thể đoán trước được người nào sẽ là người sẽ gắn bó với mình, còn người nào thì không. Tôi rời Boston vào mùa thu năm 2009, đi biệt trong tám tháng và quay lại vào mùa hè năm 2010. Nhiều người mà tôi đã từng rất thân, giờ lại khó mà nhìn thấy một cuộc gọi nhỡ nào từ họ, thế nhưng những người bạn tôi vốn dĩ chỉ quen biết bình thường, lại dần dần trở thành những người bạn thân mật nhất trong đời. Không thể đổ lỗi cho người khác là bạn tốt hay bạn tồi. Đây chẳng phải lỗi của riêng ai cả. Cuộc sống là vậy mà.

 3. KHÔNG AI BẮT BUỘC BỒ TÈO PHẢI HOÀN THÀNH MỌI MỤC TIÊU ĐÃ ĐỀ RA

Trường học – nơi ta dành hết 20 năm đầu đời để gắn bó – khiến ta có khuynh hướng tập trung mãnh liệt vào kết quả của mọi việc. Bồ dự định làm việc A, B và C, và có thể bồ hoàn thành được cả ba, hoặc không. Nếu hoàn thành được thì bồ thật xuất sắc, nhưng nếu không, thì tất cả quy về một sự thất bại. 

Nhưng trong những năm tháng của tuổi 20, tôi nhận ra cuộc sống không hề hoạt động dựa trên cái nguyên lý đó. Tốt thôi, nếu bồ có mục tiêu để cố gắng cho riêng mình, nhưng tôi nhận ra rằng việc đạt được tất cả những mục tiêu đó lại chẳng ăn nhập gì tới vấn đề ở đây cả.

Năm 24 tuổi, tôi ngồi lại và viết ra tất cả những mục tiêu mà tôi đã từng muốn hoàn thành trước năm tôi bước sang tuổi 30. Tất cả đều tràn trề tham vọng, và tôi cũng rất nghiêm túc với chúng, ít nhất là trong những năm đầu. Tính tới thời điểm hiện tại, tôi hoàn thành được 1/3 danh sách này. Tôi đã đạt được tiến bộ đáng kể với 1/3 khác. Và với 1/3 còn lại, tôi chẳng làm được cái gì cả.

Nhưng thực sự thì tôi rất vui khi nghĩ về chúng. Khi tôi dần trưởng thành cũng là lúc tôi phát hiện ra, có một số mục tiêu mà tôi đặt ra, tôi cứ ngỡ là mình muốn chúng, nhưng thực ra thì không, và việc tôi đặt ra chúng đã giúp tôi nhận ra điều gì không quan trọng đối với tôi. Với một số mục tiêu mà tôi đã không đạt được, những cố gắng của tôi trong suốt 6 năm qua đã cho tôi rất nhiều bài học, vậy nên tôi thật sự hài lòng với kết quả của ngày hôm nay.

Tôi tin rằng mục đích của toàn bộ chuyện này, hết 80% là để chúng ta vượt lên chính bản thân mình, và 20% còn lại là để đạt được một vạch đích nào đó. Giá trị đích thực của mọi sự cố gắng hầu hết đều đến từ quá trình thất bại, đứng lên nỗ lực, chứ không nằm ở đích đến. 

4. KHÔNG MỘT AI THỰC SỰ HIỂU RÕ MÌNH ĐANG LÀM GÌ CẢ ĐÂU

Có rất nhiều áp lực đặt trong cặp sách của những cô cậu ở trường cấp ba và đại học, chỉ để xem xem họ đang làm gì với cuộc đời của mình. Đầu tiên là việc chọn trường đại học. Sau đó là chuyện chọn nghề chọn nghiệp, chọn công việc đầu tiên. Rồi nó dần tiến hóa thành việc cô cậu phải vẽ ra được một con đường rõ ràng để có thể thăng tiến trong sự nghiệp, lên càng cao lại càng tốt. Rồi đến cả chuyện lập gia đình, sinh con đẻ cái.

Vào một lúc nào đó, nếu đột nhiên bồ tèo cảm thấy lạc lối, mất phương hướng và nếm mùi thất bại vài lần, bồ tèo sẽ cảm thấy như mình đang phá hỏng mọi thứ, và nghĩ rằng cuộc sống của bồ đã định là sẽ kết thúc bên vệ đường, nốc lấy nốc để chai rượu trên cái băng ghế ở công viên, vào 8 giờ sáng. 

Nhưng sự thật là hầu như chẳng ai có định nghĩa rõ ràng về thứ mà họ đang làm, trong độ tuổi 20 cả. Và tôi chắc là điều này còn kéo dài cả trong những năm tháng trưởng thành. Tất cả mọi người chỉ đang nỗ lực để có thể đạt được viễn cảnh tốt nhất mà họ muốn có ở hiện tại thôi.

Trong số hàng tá người tôi giữ liên lạc từ thời cấp 3 và đại học (“giữ liên lạc” ở đây nghĩa là tôi vẫn đang theo dõi Facebook của họ), tôi có thể kể tên cho bồ nghe ít nhất là khoảng hai người đã thay đổi câu trả lời cho công việc, ngành nghề, gia đình, khuynh hướng tình dục của họ hoặc cho việc “bồ thích nhất là siêu nhân Gao nào?”, ít nhất một lần trong những năm đôi mươi. Ví dụ như một người bạn tốt của tôi, những tưởng rằng đã ổn định mọi thứ ở tuổi 23, có được chỗ đứng nhất định trong ngành nghề của mình. Anh ấy có một khởi đầu lớn, tài giỏi và kiếm được bộn tiền. Vậy mà năm ngoái, anh ấy 28 tuổi, rời đi và bỏ lại mọi thứ. Một cậu bạn khác của tôi rời đơn vị hải quân của mình, bắt đầu sự nghiệp bán thiết bị lướt sóng để kiếm tiền học một tấm cao học. Một cô bạn khác thì thu dọn hành lý và bay  thẳng tới Hồng Kông để bắt đầu sự nghiệp mới. Một đứa khác thì lại bỏ dở công việc khoa học nghiên cứu môi trường, để trở thành một DJ.

Hiếm khi nào tôi nhận thức được mình đang làm gì. Mỗi ngày, có hàng tá người gửi mail cho tôi để hỏi xem làm thế nào mà tôi gây dựng sự nghiệp của mình, từ lúc nào thì tôi muốn trở thành một nhà văn, hay kế hoạch kinh doanh ban đầu của tôi là gì? Sự thật thì tôi cũng chẳng rõ nữa các bồ tèo ạ. Mọi thứ cứ thế mà đến thôi. Tôi thấy được cơ hội, và nắm bắt chúng. Hầu hết các cơ hội đều dẫn tới một cái kết thảm bại. Nhưng tôi lúc đó vẫn còn trẻ, vẫn còn đủ thời gian để vực dậy. Cuối cùng thì may mắn vẫn còn mỉm cười với tôi, tôi được làm những thứ mình yêu, theo cách mình thích và gặt hái những kết quả khả quan.  

5. HẦU HẾT MỌI NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI NÀY ĐỀU MONG MUỐN NHỮNG THỨ TƯƠNG TỰ NHAU

Nhìn nhận lại thì những năm tháng đôi mươi của tôi cũng không tệ chút nào. Tôi bắt đầu đầu tư kinh doanh vào một ngành công nghiệp kì quặc, nó đem đến cho tôi cơ hội gặp gỡ những người thú vị, đặt chân đến những nơi thú vị. Tôi đi khắp nơi trên thế giới, dành thời gian sống ở hơn 50 quốc gia. Tôi học nhiều ngôn ngữ, tiếp xúc với những người giàu có, nổi tiếng và cả những người bần hàn, bị áp bức, ở cả những nước giàu có và những nước kém phát triển.

Điều mà tôi ngộ ra được chính là ở một khía cạnh khách quan thì tất cả chúng ta, về cơ bản, đều giống như nhau. Chúng ta đều giành hầu hết thời gian trong ngày, lo lắng về tiền bạc, lương thực, nghề nghiệp và gia đình – thậm chí là những người giàu có và sung túc. Tất cả đều muốn mình trông thật ngầu và có tầm quan trọng – kể cả những người vốn đã ngầu và quan trọng. Ai cũng có lòng yêu và tự hào về quê hương xứ sở.  Mọi người đều có những nỗi bất an và lo lắng làm họ đau khổ, bất kể họ thành công đến đâu. Ai cũng sợ phải thất bại và biến thành kẻ ngu ngốc. Ai cũng yêu mến bạn bè, gia đình nhưng cũng bị chọc tức bởi chính bạn bè và gia đình.

Khách quan mà nói thì con người, ai cũng như ai. Những chi tiết về họ chỉ là bị xáo trộn lên mà thôi. Người quê ở nơi này, người quê ở nơi khác. Người sống dưới chế độ chính phủ tham nhũng này, người sống dưới chế độ chính phủ tham nhũng khác. Người theo tôn giáo này, người theo tôn giáo khác. Người theo văn hóa xã hội này, người theo văn hóa xã hội khác. Những điểm khác nhau mà ta cho là quan trọng, đều là những sản phẩm phụ, tình cờ xuất hiện vì khoảng cách địa lý và lịch sử. Chúng hời hợt – chỉ đơn thuần là những hương vị văn hóa khác nhau của cùng một lớp kẹo phủ bên ngoài bởi nhân loại.

Tôi đã học được cách đánh giá con người không phải bởi họ là ai, mà bằng những gì họ làm. Một số người tốt bụng và duyên dáng nhất mà tôi đã gặp, họ đã chẳng tốt bụng và duyên dáng với tôi. Một số kẻ được gắn mác là khốn nạn và đáng ghét, lại chẳng hề gây sự, khốn nạn hay đáng ghét với tôi. Có đủ các kiểu người trên thế giới này. Bồ chẳng thể biết được người ngồi trước mặt mình là ai cho đến khi bồ ở cạnh họ đủ lâu để nhìn nhận những gì họ làm, chứ không phải đánh giá họ qua vẻ bề ngoài, qua gốc gác xứ sở hoặc qua giới tính của họ, hay bất kể điều gì khác.

6. BẠN KHÔNG PHẢI CÁI RỐN CỦA VŨ TRỤ

Cái ý nghĩ này quả thực khá đáng sợ khi nó vừa nhen nhóm trong đầu ta – “Chẳng ai thật lòng quan tâm đến mình sao!?” – nhưng khi bồ trải nghiệm được ý nghĩa thực sự của nó, thì bồ sẽ thấy thật nhẹ nhõm. David Foster Wallace đã từng nói như vầy “Bạn sẽ thoát khỏi mối lo nghĩ về việc người khác nghĩ gì về mình, chỉ khi bạn nhận ra rằng họ hiếm khi nghĩ về bạn.”

Tôi, bồ, và tất cả những gì ta đã làm được, rồi sẽ bị lãng quên vào một ngày nào đó. Mọi thứ biến mất như thể ta “bay màu” khỏi thế giới này, mặc dù quả thực ta đã từng hiện hữu. Chẳng ai quan tâm cả đâu. Giống như ngay lúc này đây, hầu như chẳng ai quan tâm những gì bồ nói hoặc làm với cuộc đời của bồ cả.

Và thực sự thì đấy là một tin tốt: bồ có thể tránh khỏi nhiều vấn đề ngớ ngẩn, còn người khác thì sẽ quên và tha thứ cho bồ nếu bồ làm chuyện gì ngớ ngẩn.  Điều này có nghĩa là chẳng có lý do gì để phải giả vờ sống khác đi với mong muốn của bồ cả. Nỗi đau của việc giải thoát cho bản thân khỏi định kiến của người khác rồi sẽ qua thôi, còn phần thưởng của nó thì ở lại với bồ mãi.

7.  NỀN VĂN HOÁ ĐẠI CHÚNG CÓ ĐẦY NHỮNG THỨ CỰC ĐOAN, HÃY TẬP TIẾT CHẾ CHÚNG

Cuộc sống của tôi tốt lên khoảng 542% khi tôi nhận ra những thông tin mà chúng ta đọc trên mạng chủ yếu được viết bởi 5% cái nhìn cực đoan và 90% những điều thực sự đang diễn ra trong cuộc sống, là ở khu vực trung gian, nơi mà hầu hết mọi người chọn cách yên tĩnh và sống tiếp. Nếu bồ đọc mấy cái tin tức trên internet, rồi một lúc nào đó bồ sẽ bắt đầu tin rằng Thế chiến thứ ba đang sắp sửa xảy ra, rằng những tập đoàn đang dùng những luật ngầm, âm mưu để thống trị thế giới, rằng toàn bộ đàn ông trên đời đều là những kẻ hiếp dâm (hoặc ít nhất là đồng lõa với hiếp dâm), rằng tất cả phụ nữ đều là những con điếm dối trá đáng ghê tởm, rằng người da trắng là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc phản người da trắng,  rằng có một cuộc chiến vào Giáng sinh, rằng tất cả những người nghèo đều lười biếng và chống chính quyền cùng hàng trăm câu chuyện tương tự.

Hãy nghĩ đến việc rút lui về với 90% dân số đang sống yên bình kia, và tự nhủ với chính mình rằng: cuộc sống này rất giản đơn, con người thật sự tốt đẹp và những kẽ hở xuất hiện để ly gián chúng ta, thường chỉ là những vết nứt nhỏ.

8. TÍCH TIỂU THÀNH ĐẠI

Tôi nhớ lại một bài phỏng vấn của Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook và cũng là bạn cùng phòng thời đại học của Mark Zuckerberg. Phóng viên hỏi Dustin cảm thấy thế nào khi là một phần của sự thành công bất ngờ mang tên Facebook.  Anh ấy đại khái đã trả lời như vầy “Nếu “thành công bất ngờ” theo ý cô là thức và ngồi gõ mã code tới sáng, mỗi đêm đều như thế trong suốt sáu năm ròng, thì ừ, cảm giác rất là mệt mỏi và căng thẳng đó.”

Chúng ta thường cho rằng chuyện gì đến thì sẽ đến.  Là những người đứng ngoài lề câu chuyện, ta có xu hướng chỉ nhìn thấy kết quả của sự việc chứ không thấy được quá trình gian khổ (và tất cả những thất bại) đã phải bỏ ra để làm nên kết quả ấy. Tôi nghĩ khi ta còn trẻ, ta có có ý nghĩ rằng ta chỉ cần làm một điều gì đó lớn lao, và rồi nó sẽ thay đổi cả thế giới, ở mọi mặt. Chúng ta mơ mộng thật lớn và hão huyền bởi vì ta chưa nhận ra được – vì ta còn quá trẻ để nhận ra – rằng “một điều gì đó to lớn” kia thực chất là kết quả tích tụ của cả trăm, cả ngày những điều nhỏ bé mà ta phải làm mỗi ngày, đều đặn duy trì chúng trong im lặng và trong một thời gian dài, không kiểu cách khoa trương. Đấy, chào mừng đến với cuộc sống.

9. THẾ GIỚI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT CON QUÁI VẬT ĐANG CỐ TIÊU DIỆT BẠN

Điều này được nói đi nói lại suốt, nhưng tôi vẫn nhắc lại vì thực sự nó đúng quá chừng. Tôi đã đặt chân đến nhiều nơi khỉ ho cò gáy, hiểm trở ở cả trong và bên ngoài nước Mỹ. Và khi có thể, ai cũng chọn thể hiện sự tốt bụng và đưa tay ra giúp đỡ người khác cả. Nếu có thể đưa ra cho các thanh niên đang ở độ tuổi 20 một lời khuyên thực tế, ở bất kì lúc nào, tôi cũng sẽ nói thế này: hãy tìm cách đi du lịch, và khi cảm thấy bối rối, hãy tìm cách nói chuyện với người khác, hỏi han và làm quen với họ. Điều này chẳng mang lại bất lợi gì cả, trái lại, còn là những thuận lợi to lớn, nhất là khi bồ còn trẻ, còn dễ gây được ấn tượng.

10. BỐ MẸ CŨNG LÀ CON NGƯỜI 

Và cuối cùng là cú vỡ mộng lớn nhất của tuổi 20: hãy thôi coi bố mẹ là một người bảo hộ biết tuốt của bồ như cái thời bồ còn bé tí đi. Họ cũng không phải là những kẻ độc đoán, đáng ghét và hách dịch như bồ nghĩa khi bồ còn là những đứa tuổi teen nữa. Hãy coi bố mẹ là những người như mình, cũng có thiếu sót riêng, cũng dễ bị tổn thương, cũng đang cố hết sức có thể mặc dù nhiều khi cũng chẳng rõ mình đang làm cái quái gì (như ở mục 5).

Có thể họ đã phá hỏng nhiều thứ trong suốt thời thơ ấu của bồ. Hầu hết phụ huynh là thế đó, như mẹ tôi đã nói thế này “Vũ trụ gửi đến cho thế giới những đứa trẻ, nhưng lại quên gửi kèm hướng dẫn sử dụng.” Và thường thì bồ bắt đầu ý thức được những chuyện hỗn loạn đó khi bồ bước vào tuổi 20. Năm 20 tuổi, bồ đủ trưởng thành và chín chắn để nhận ra đấy là một quá trình đầy đau khổ. Nó làm tăng thêm càng nhiều cay đắng và nuối tiếc.

Nhưng có lẽ nhiệm vụ đầu tiên của một người trưởng thành – ý tôi là một người trưởng thành thực sự, chứ không đơn giản là đủ tuổi để đóng thuế – là thấu hiểu, chấp nhận và có lẽ là tha thứ cho những sai sót của phụ huynh. Họ cũng là con người cả thôi. Họ cũng đang cố gắng làm điều tốt nhất, mặc dù không phải lúc nào họ cũng biết điều gì là tốt nhất.

Dịch: Anne

Biên tập: Ngọc

Minh họa: Ảnh từ Pinterest

Nguồn: https://markmanson.net/surviving-my-20s

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan