Tại sao bạn chăm chỉ?

Người ta nhiều khi cũng giống như những học sinh cao trung kia, nỗ lực đến sức cùng lực kiệt chỉ vì chẳng thể nhìn ra con đường nào khác.

Sáng hôm nay, tôi vô tình xem được một video về cuộc sống của học sinh cấp 3 tại Trung Quốc. Xem một mạch từ đầu đến cuối, sau đó còn xem lại thêm mấy lần nữa, thứ duy nhất tôi cảm nhận được vẫn chỉ gói gọn trong mấy chữ “căng thẳng, khốc liệt”. Mỗi một lần xem lại là một lần trầm ngâm với một câu hỏi cũ: “Sao họ có thể chăm đến vậy, sao lại có thể học nhiều đến vậy?” Dù vẫn biết kỳ thi tuyển đại học tại Trung Quốc được xếp vào hàng những bài thi khó và cạnh tranh nhất thế giới, tôi vẫn thấy có chút kỳ lạ khi tinh thần đó lại có thể tồn tại ở những con người bằng xương bằng thịt. 

 

Trên mạng xã hội, tôi có theo dõi vài trang thông tin dành cho học sinh, sinh viên. Một trong những thông điệp được lặp đi lặp lại nhiều nhất ở những trang này là “tuổi trẻ hãy chọn vất vả và cố gắng”, “hãy nỗ lực hết sức mình để sau này không hối tiếc”, “hãy làm những con người chăm chỉ - học tập chăm chỉ và làm việc chăm chỉ”, v.v. Vậy mới thấy, hai chữ “chăm chỉ” có chỗ đứng cao thế nào trong xã hội. Người ta tôn sùng sự chăm chỉ. Người ta học cách sống chăm chỉ và khuyên người khác phải sống chăm chỉ. Người ta thấy mình yếu kém nếu không được chăm chỉ. Người ta tưởng mình thất bại nếu còn thì giờ thảnh thơi. 

 

Thật ra, chăm chỉ vốn là một đức tính tích cực, tôi không phủ nhận điều này. Vấn đề thực sự ở đây có lẽ là người tiếp nhận thông điệp xoay quanh hai chữ “chăm chỉ”. Người trì trệ, thiếu động lực sau khi nhận được thông điệp “hãy chăm chỉ lên” lại ngồi đó dằn vặt, tự trách. Người chăm chỉ sẵn lại thấy mình còn chưa đủ chăm, nên muốn nỗ lực nhiều hơn nữa để được bằng người hoặc hơn người. Đến lượt người vốn đã chăm chỉ vô cùng, sau khi đọc được câu “tuổi trẻ không vất vả thì còn đợi bao lâu?” có lẽ chưa kịp nhích thêm nấc nữa trên thang đo chỉ số chăm chỉ đã “cháy pin” mất rồi.

 

Quay trở lại với kỳ thi cao khảo tôi nhắc đến ở đầu bài, chúng ta có thể từ đó mà hình dung ra vai trò của hai chữ “chăm chỉ” trong xã hội, trong đời thực. Kỳ thi cao khảo Trung Quốc khốc liệt vì tính cạnh tranh cao. Rất nhiều học sinh cao trung vì không có lựa chọn nên chỉ biết học, học càng nhiều càng tốt, học để đối phó với đại học, học để sau này kiếm được công việc ổn định, để cuộc đời không rơi xuống vực sâu. Song, đi kèm với đó là áp lực đến trầm cảm, là bào mòn thân thể, là thoát ly cuộc sống thực, là một tương lai dù đã được vạch sẵn nhưng lại vô cùng mơ hồ bởi chẳng rõ mình thực sự muốn gì ngoài những quy chuẩn mà xã hội đặt ra. 

 

Tương tự, khi nhìn vào cuộc sống nói chung, ta thấy nó đối với nhiều người cũng khó khăn và khắc nghiệt không kém gì kỳ thi cao khảo. Người ta nhiều khi cũng giống như những học sinh cao trung kia, nỗ lực đến sức cùng lực kiệt chỉ vì chẳng thể nhìn ra con đường nào khác. Sống và làm việc như những cỗ máy được lập trình - ra trường, tìm một công việc, kiếm tiền, lập gia đình, nuôi con, v.v. Không hiểu bản thân, không rõ mình mong muốn điều gì, cũng không có dũng khí theo đuổi chúng… có lẽ vì vậy mà “chăm chỉ” bỗng dưng trở thành một thứ gì đó thật khó với, khó làm với nhiều người. Và người ta mới cần đến những trang mạng kiểu trên cho những câu nói truyền động lực - họ đi tìm động lực từ bên ngoài cho những nỗ lực chăm chỉ từ bên trong? 

 

Vốn những người chăm chỉ thực sự sẽ không thấy mình chăm chỉ. Họ chỉ đang dành nhiều thời gian cho những gì họ yêu thích mà thôi. Nhiên liệu đốt của “sự chăm chỉ mà không cần cố gắng” kiểu vậy lại chính là nội lực. Hiểu bản thân, biết bản thân trân trọng và mong muốn điều gì, bạn tự khắc sẽ thấy con đường theo đuổi chúng dù có khi vất vả, nhưng luôn khiến mình thoả mãn và vui vẻ vô cùng. Tôi mong rằng tất cả chúng ta, trước khi cố làm một người chăm chỉ, đều sẽ học cách hiểu bản thân và tìm ra động lực - lý do thực sự khiến ta muốn bắt đầu một chặng đường nỗ lực đầy nhiệt huyết cho đời mình. 

 

Tác giả: Diệu

Ảnh: Pinterest

BẢN THẢO
Bài viết liên quan