Tại sao bị từ chối trong chuyện tình cảm lại khó chấp nhận đến vậy?

Khi kỳ vọng về sự lãng mạn trở thành hiện thực, ai trong chúng ta cũng sẽ đắm chìm trong hạnh phúc. Vậy còn khi thất vọng, phản ứng cá nhân sẽ hé lộ điều gì?

Tình yêu có thể có muôn vàn biểu hiện. Ánh mắt hai người chạm nhau giữa một căn phòng náo nhiệt, đông đúc. Một cặp đôi nhìn nhau âu yếm trong buổi hẹn đầu tiên. Trong mắt họ chỉ có đối phương và mọi thứ xung quanh đều trở nên nhạt nhòa. Sự lãng mạn không phải khao khát của riêng ai. Vì vậy, chúng ta luôn mở rộng vòng tay khi có cơ hội và đón lấy nó ngay khi có thể. Thế nhưng đổi lại, khi bị từ chối, liệu chúng ta có dễ dàng chấp nhận được chuyện đó? Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào?


Kỳ vọng về sự lãng mạn


Nghiên cứu có tựa đề “What I See When I Think It's About Me (*)” (2013) của Rainer Romero-Canyas và Geraldine Downey đã so sánh những người có độ nhạy cảm với sự từ chối cao so với những người có độ nhạy cảm với sự từ chối thấp. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem hai nhóm tình nguyện viên này cảm nhận thế nào về biểu cảm trên khuôn mặt của đối phương khi người đó xem tiểu sử hẹn hò trên mạng xã hội của người trong mộng. [i] Kết quả cho thấy, những người có độ nhạy cảm với sự từ chối thấp có ít cảm nhận tiêu cực hơn, đối lập với những người có độ nhạy cảm với sự từ chối cao. 


(*) tạm dịch: Góc nhìn của tôi khi tôi nghĩ mọi chuyện đều xoay quanh mình.


Điều này khớp với xu hướng của những người có độ nhạy cảm với sự từ chối thấp. Họ tự tin mình sẽ được chấp nhận, trái ngược với những người có độ nhạy cảm với sự từ chối cao - những người thường lo lắng và nghĩ mình sẽ bị từ chối.


Các tác giả giải thích, điều này có nghĩa là những người tự tin về việc được đối phương chấp nhận thường đánh giá thấp những phản ứng tiêu cực đối với họ, đối lập với những người tự ti và có xu hướng bi quan. Điều này cũng nhất quán với thực tế là: sự lạc quan trong tương tác giữa các cá nhân có thể ảnh hưởng đến nhận thức và thúc đẩy hành vi tiếp cận nhằm nâng cao khả năng kết nối với người khác.


Photo by Soroush Karimi on Unsplash


Cách đàn ông và phụ nữ phản ứng với sự từ chối: Tác động của Uy thế và Sự Trầm cảm


Hiển nhiên, mọi mối quan hệ đều có sự khác nhau và cảm xúc của những người trong cuộc cũng vậy. Mặc dù chúng ta không thể áp dụng kết quả của các nghiên cứu khoa học vào mọi tình huống trong cuộc sống, có một số nghiên cứu thú vị và đáng xem xét về cách một số đặc điểm tính cách có thể tác động đến phản ứng đối với sự từ chối.


Ashleigh J. Kelly và cộng sự (2015) phát hiện ra rằng phản ứng của những người đàn ông dị tính đối với sự từ chối phụ thuộc vào mức độ quyền lực xã hội của họ.[ii] Họ nhận thấy rằng khi bị từ chối tình cảm, những người đàn ông có uy thế xã hội cao hơn có xu hướng đổ lỗi cho phụ nữ. Bên cạnh đó, trong quá khứ họ cũng từng phản ứng lại với sự từ chối bằng cách thao túng và theo đuổi dai dẳng, thậm chí là hung hăng và đe dọa bạo lực.


Đối với phụ nữ, nghiên cứu chỉ ra rằng sự trầm cảm có thể làm tình trạng buồn bã sau chia tay trở nên nghiêm trọng hơn. Ashley A. Ytterdal và cộng sự (2018) đã nghiên cứu sự từ chối tình cảm ở những phụ nữ trầm cảm.[iii] Họ phát hiện ra rằng phụ nữ mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc trong tình yêu hay các mối quan hệ lãng mạn. Tuy nhiên, những kết quả này chắc chắn không đặc trưng cho phản ứng của tất cả đàn ông và phụ nữ đối với sự từ chối tình cảm. Mọi nghiên cứu đều chỉ nên mang tính chất tham khảo bởi tất cả mọi người đều khác nhau. Những người phụ tình chỉ đơn giản là rũ bỏ mối quan hệ và tiếp tục sống cuộc sống của riêng mình. Kể cả những người đang đấu tranh với chứng trầm cảm hoặc có hành vi thể hiện sự thống trị xã hội cũng có thể là người phụ tình như vậy.


Photo by Andrew Shiau on Unsplash


Lòng tự trọng có thể làm giảm tác động của sự từ chối


Katherine L. Waller và Tara K. MacDonald (2010) đã nghiên cứu tác động của trạng thái khởi đầu lên nỗi buồn hậu chia ly, cụ thể là bởi vì nó liên quan đến đặc điểm của lòng tự trọng. Trạng thái khởi đầu được định nghĩa là “mức độ một người thường xuyên đánh giá tích cực về bản thân.”[iv] Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người có lòng tự trọng thấp nhạy cảm hơn với sự chia tay khi họ là người bị động (khi đối phương chia tay họ), so với khi họ là người chủ động kết thúc mối quan hệ. Mặt khác, với những người có lòng tự trọng cao, bất kể người chia tay là ai thì sự đau khổ họ trải qua cũng vẫn như vậy.


Nếu nhìn ở góc độ cực đoan hơn, một người mắc chứng hoang tưởng tự đại thậm chí có thể đáp lại lời từ chối bằng cách hoài nghi nhận định của đối phương: "Vấn đề không phải là ở tôi, mà là ở bạn!" Họ cũng có thể suy nghĩ rằng người chia tay mình mới là người sẽ hối hận.


Sự từ chối và Khả năng hồi phục


Sự từ chối không thật sự là một tấm gương phản chiếu những thất bại hoặc sai sót cá nhân. Thông thường nó chỉ đơn thuần cho thấy sự không tương hợp giữa hai người trong mối quan hệ. Bạn và đối phương không hợp nhau, điều này không có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ gặp được người phù hợp. Có thể hiện tại, người này không phải là nửa kia đích thực của bạn.


Cuộc sống này thật ngắn ngủi. Hãy tìm cách dành thời gian với những người thân yêu, những người thật sự đáp lại tình cảm của bạn. Khi nhìn lại, chúng ta thường nhận ra rằng chúng ta đã lãng phí thời gian với một người không yêu thương mình hết lòng. Lẽ ra chúng ta đã có thể dành khoảng thời gian đó cho gia đình, bạn bè hoặc tìm hiểu những mối quan hệ chân thành hơn.


---

Dịch bởi: Stew

Biên tập: Ori

Ảnh bìa: Photo by brooklyn on Unsplash

Nguồn bài gốc: Romantic Rejection: What Your Reaction Says About You

Available at: Patrick, W. (2019). Romantic Rejection: What Your Reaction Says About You. Psychology Today. Retrieved from https://www.psychologytoday.com/us/blog/why-bad-looks-good/201903/romantic-rejection-what-your-reaction-says-about-you.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan