Tại sao chúng ta cần phải tạo dựng một ngôi nhà?

Đôi khi, con người cần một thứ gì đó hữu hình để loại bỏ những cảm xúc mơ hồ trong trái tim mình.

Một trong những hoạt động ý nghĩa nhất mà chúng ta từng tham gia là quá trình tạo dựng một căn nhà.


Trong suốt nhiều năm, cùng với rất nhiều suy nghĩ và nỗ lực đáng kể, chúng ta kết hợp những món đồ nội thất, bát đĩa bằng sứ, tranh ảnh, thảm đệm, bình hoa, tủ đựng chén đĩa, vòi nước, tay nắm cửa và nhiều thứ khác thành một cụm đặc biệt và gọi tên nó là nhà. Giây phút tạo nên căn phòng của chính mình, chúng ta hòa vào văn hóa một cách nồng nhiệt, đây là điều mà hiếm khi ta làm trong các viện bảo tàng lẫn phòng trưng bày tranh tượng quy mô lớn. Chúng ta suy ngẫm sâu sắc về môi trường trong một bức tranh, chúng ta cân nhắc về mối quan hệ giữa các màu sắc trên tường, chúng ta cũng chú ý đến độ phù hợp của phần phía sau ghế sô pha, và ta quan tâm đến loại sách có thể giúp ích cho việc trang trí này.  


Ngôi nhà ấy vốn chẳng phải nơi đẹp đẽ và xa hoa nhất mà chúng ta có thể ở, bởi vì luôn sẽ có những khách sạn hoặc nơi công cộng khác lộng lẫy hơn thế. Tuy nhiên, sau khi chúng ta có một chuyến du lịch dài với nhiều đêm trụ tại phòng khách sạn hoặc tá túc ở nhà của bạn bè, chúng ta thường có một nỗi khát khao mãnh liệt là muốn quay trở về với đống đồ đạc của bản thân, nỗi khát khao ấy không hề liên quan gì đến sự thoải mái do chính đồ vật ấy đem lại. Chúng ta cần về nhà để nhớ lại chính mình là ai.


Nhà là nơi... | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Ngôi nhà của ta có chức năng gợi nhớ, và thứ chúng gợi nhớ cho ta, kỳ lạ thay, chính là chúng ta. Chúng ta có thể thấy điều này cần thiết cho việc định dạng hình tượng trong lịch sử tôn giáo. Con người từ rất lâu về trước đã dành sự quan tâm và sức sáng tạo đặc biệt trong việc xây dựng nhà cho những vị thần của họ. Họ không nghĩ rằng các vị thần của họ có thể sống ở bất cứ đâu, như là ở nơi hoang dã hoặc ở trong khách sạn, họ luôn tin rằng những vị thần cần những nơi đặc biệt, như những ngôi đền. Chúng là nơi mà đặc điểm nhận dạng của họ sẽ được giữ vững thông qua nghệ thuật và kiến trúc.


Trong thời Hy Lạp cổ đại, Athena là vị thần đại diện cho sự thông thái, lẽ phải lẫn sự hòa thuận. Vào năm 420 TCN, con người đã hoàn thành ngôi nhà cho vị thần ấy trên phần dốc của vệ thành. Nó không phải là một ngôi nhà lớn (kích thước khoảng một căn bếp trung bình ở Mỹ), nhưng nó là một tuyệt tác. Ngôi đền mang đến cảm giác trang nghiêm nhưng cũng gần gũi. Nó cân bằng, hợp lý, sáng sủa và yên tĩnh. Nó được điêu khắc khéo léo trên đá vôi bởi người dân sống tại đấy.


Những người Hy Lạp giữ gìn ngôi đền của Athena rất cẩn thận, bởi vì họ thấu hiểu tâm trí của con người. Họ biết rằng nếu không có kiến trúc, chúng ta sẽ chật vật để ghi nhớ những thứ chúng ta quan tâm, và rộng hơn nữa là nhớ chúng ta là ai. Chỉ dùng lời nói để truyền đạt rằng Athena đại diện cho vẻ đẹp duyên dáng và cân bằng là không đủ, chúng ta cần một ngôi nhà để đưa ý niệm đó vào ý thức mọi người một cách mạnh mẽ và liên tục.


Mặc dù ngôi nhà của chúng ta không hề mang ý nghĩa vĩ đại hay siêu nhiên như thế, nhưng chúng cũng là những ngôi đền. Khác biệt ở chỗ chúng là những ngôi đền của chính chúng ta. Chúng ta không mong chờ được thờ cúng, nhưng chúng ta cố gắng để tạo nên một nơi tựa như một ngôi đền, nơi chứa đựng đầy đủ những giá trị và vẻ đẹp tâm hồn của ta.


Quá trình tạo nên một ngôi nhà thường rất khó khăn, vì nó yêu cầu ta phải tìm được những vật dụng truyền tải chính xác con người của chính bản thân ta. Chúng ta có lẽ sẽ phải tốn nhiều công sức để tìm được những vật dụng ta cho rằng là “đúng” với chức năng nào đó, ta từ chối cả trăm thứ mà về mặt giá trị vật chất thì chúng hoàn toàn có thể sử dụng được, chỉ để có được những thứ mà chúng ta tin rằng có thể truyền tải thông điệp chính xác về con người của chúng ta.


Chúng ta quan trọng hóa vấn đề lên vì những vật dụng đều mang ý nghĩa theo cách riêng của chúng. Dù hai chiếc ghế cùng có một vai trò về mặt vật chất, nhưng vẫn có thể nói lên những quan niệm sống hoàn toàn khác biệt.


Một chiếc ghế được tạo ra bởi đôi tay của kiến trúc sư người Thụy Sĩ Le Corbusier vào thế kỷ 20 sẽ cho ta thấy được khả năng, niềm hứng khởi với tương lai, tinh thần quốc tế, sự mất kiên nhẫn với hồi ức lẫn sự cống hiến cho lý lẽ. Một chiếc ghế khác được làm bởi nhà thiết kế người Anh William Morris vào thế kỷ 19 sẽ cho ta thấy được tính ưu việt của thế giới trước cách mạng công nghiệp, vẻ đẹp của truyền thống, sức quyến rũ của sự kiên nhẫn lẫn sức lôi kéo của người dân địa phương. Chúng ta không viết ra những lời thoại chính xác này trong đầu khi nhìn vào những chiếc ghế, nhưng dưới ngưỡng cửa ý thức, chúng ta có trách nhiệm phải sẵn sàng đáp lại những thông điệp mà những vật dụng này đang và sẽ lan tỏa đến thế giới.


Một đồ vật mang đến cảm giác “đúng” là khi nó truyền tải được những phẩm chất mà chúng ta muốn có theo cách lôi cuốn nhưng lại không thật sự sở hữu chúng trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Một vật dụng yêu thích mang đến cho chúng ta cảm giác sở hữu những giá trị hiện vật mạnh mẽ hơn, dù cho nó rất mỏng manh trong chính chúng ta, nó thúc đẩy và khuyến khích những giá trị quan trọng bên trong ta. Những thứ nhỏ nhất trong nhà chúng ta luôn biết cách thì thầm, cổ vũ, nhắc nhở, cảnh báo hoặc sửa sai, khi ta làm những việc như nấu bữa sáng và tính toán sổ sách vào ban đêm.


Bởi vì chúng ta đều muốn và cần nghe những điều này, cho nên chúng ta đều sẽ bị lôi kéo về những vật dụng khác nhau. Đó là một khía cạnh chủ quan khi nói về cách mỗi người tự cảm nhận cái đẹp. Tuy nhiên, sự khác nhau của chúng ta về sở thích không hề tùy ý và ngẫu nhiên, chúng được quyết định bởi sự thật rằng chúng ta sẽ lựa chọn những thông điệp mà chúng ta muốn nhận được dựa vào những thứ mang đến cảm giác bấp bênh và bị đe dọa trong cuộc sống của ta.


Công cuộc tìm kiếm để xây dựng một ngôi nhà liên quan đến nhu cầu ổn định và tổ chức con người phức tạp của chúng ta. Chỉ nhận thức được chúng ta là ai trong tâm trí là không hề đủ. Chúng ta cần thứ gì đó hữu hình hơn, vật chất hơn và dễ chạm được hơn để xác định được những khía cạnh đa dạng đồng thời dễ thay đổi của con người chúng ta. Chúng ta cần phải dựa dẫm vào những thứ như dao kéo, tủ sách, tủ đựng vật dụng giặt là và ghế bành để định hướng con người hiện tại và con người mà ta muốn trở thành ở tương lai. Chúng ta cố gắng tập hợp những mảnh ghép của mình vào cùng một nơi chứa, khôi phục bản thân từ những tan vỡ. Nhà là nơi tâm hồn của chúng ta cảm thấy như nó đã tìm được một nơi chứa thích hợp, nơi mà những vật dụng xung quanh ta âm thầm nhắc nhở ta về những lời hứa xác thực nhất và tình cảm chân thực nhất của ta.


Sau một trận mưa tầm tã, những tia nắng đầu tiên chiếu rọi vào căn phòng ấm áp của ta. Mọi thứ bên trong ngôi nhà ấy như đang nói rằng: Bạn còn có tôi. | Nguồn ảnh: Unsplash.com


------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: Khuynh Thần

Nguồn bài viết: <https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/why-we-need-to-create-a-home/

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan