Tại sao chúng ta chẳng thể tự chữa lành?

Cơ thể, tâm trí và cả cảm xúc của chúng ta đều là những sáng tạo tuyệt vời của mẹ tự nhiên và có tính năng tự chữa lành. Vậy nhưng tại sao giờ đây chúng ta lại chẳng thể tự phục hồi?

Với nền y học hiện đại phần lớn chúng ta đều có một niềm tin vô thức rằng mọi căn bệnh đều có thể điều trị khỏi một cách nhanh chóng nhờ một loại thuốc nào đó. Đau đầu, uống một viên giảm đau, hết đau đầu! Đau vai, đau cổ, cứng cơ bôi gel/xịt lạnh hay cao dán, cơn đau tan biến! Và chính niềm tin ‘ngay tức thì’ này khiến chúng ta phớt lờ đi việc giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề. Chúng ta không thể trị khỏi dứt điểm một căn bệnh nếu chỉ điều trị những triệu chứng bên ngoài. Ngay sau khi cơn đau biến mất, chúng ta quên lãng nó ngay lập tức và tiếp tục nhịp sống bận rộn như chưa từng có cơn đau nào xảy ra. 


Những chuyên gia về sức khỏe, dinh dưỡng hay PT chỉ là những người tư vấn và giúp đỡ chúng ta, còn trách nhiệm chữa bệnh thuộc về chính chúng ta. Cơ thể, tâm trí và cả cảm xúc của chúng ta đều là những sáng tạo tuyệt vời của mẹ tự nhiên và có tính năng tự chữa lành. Vậy nhưng tại sao giờ đây chúng ta lại chẳng thể tự phục hồi? 


Chúng ta không thể tự phục hồi bởi vì:


Chúng ta không có thời gian để mình nhận biết rằng mình đang căng thẳng, "Tôi đang bận chết đi được! Làm gì còn thời gian mà suy nghĩ đến điều gì khác," "Không phải điều này là bình thường, tất cả mọi người đều như vậy hết sao?"


Chúng ta ngại thay đổi và xây dựng những thói quen lành mạnh hơn, "Tôi không có thời gian để tập Yoga, chạy bộ hay bất kỳ môn thể thao nào," "Bình thường tôi toàn ăn uống tùy hứng như vậy, chẳng sao cả."


Chúng ta tự giới hạn bản thân trong một khung tư duy lối mòn, "Tôi ghét công việc này nhưng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác. Tôi có những hóa đơn phải trả, còn những kế hoạch phải thực hiện..."


Chúng ta phớt lờ nhu cầu được chăm sóc, được nghỉ ngơi của cơ thể, "Nhìn xem tôi còn lúc nào để làm việc đó? Mấy thứ phù phiếm."


Chúng ta luôn trong vòng quay 'nỗ lực không ngừng'. Ngừng nỗ lực là thất bại. "Tôi không được phép thất bại. Thất bại là dấu chấm hết của mọi thứ."


Chúng ta sợ phải đối diện với sự thật, với những vấn đề lớn hơn. "Tôi có quá nhiều trách nhiệm, còn quá nhiều thứ phải lo toan. Tôi không thể làm được điều đó được đâu. Tôi không thể từ bỏ công việc/mối quan hệ/môi trường... đó." 


Vậy đó chúng ta có thời gian và mối quan tâm cho tất cả ngoại trừ dành cho chính mình. Hệ quả là nếu chúng ta không dành thời gian cho sức khỏe thể chất/tinh thần/tâm trí thì chúng ta sớm hay muộn cũng sẽ phải dành thời gian cho bệnh tật. Chúng ta sẽ không thể tự chữa lành nếu chúng ta không giải quyết các vấn đề cơ bản khiến chúng ta bị bệnh. 



Nếu không có gì thay đổi, thì sẽ chẳng có gì thay đổi


Có một câu nói rất hay “If nothing changes, nothing changes.” (Tạm dịch: Nếu không có gì thay đổi, thì sẽ chẳng có gì thay đổi)


Hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian suy nghĩ, có thể là than vãn, khóc than cho bản thân nữa nhưng sau đó hãy HÀNH ĐỘNG!


Chúng ta có thể thử làm một số việc được cho là mang lại bình yên cho tâm trí như trị liệu bằng năng lượng, thiền định, yoga hay bất kỳ liệu pháp nào, tốt thôi! Nhưng dù cho chúng ta có làm tất cả những điều trên mà chúng ta không có bất kỳ hành động nào để thay đổi hoàn cảnh sống hiện tại thì chúng ta không thể chữa lành. Những việc đó chỉ giúp chúng ta bình tĩnh thư giãn trong một thời gian ngắn mà thôi. Những điều tiêu cực sẽ thổi bay nó khỏi bạn một lúc nào đó. Nếu chúng ta tập yoga và vẫn duy trì các mối quan hệ độc hại, tiếp tục công việc tồi tệ nơi chúng ta cảm thấy mình không được tôn trọng, bị lạm dụng hay bất kỳ điều tiêu cực nào khác thì về lâu dài chúng ta sẽ không thấy khá hơn. Chúng ta vẫn sẽ thấy mình giống như trong hiện tại.


Việc tìm kiếm điều gì hỗ trợ và tạo ra môi trường thích hợp để cơ thể/tâm trí/cảm xúc của chúng ta tự chữa lành thuộc về chính chúng ta. Hãy bắt đầu hành trình tìm kiếm!


Người viết: Mộc Yên


BẢN THẢO
Bài viết liên quan