Tại sao chúng ta lại sợ cái chết và làm thế nào để vượt qua nỗi sợ này?

Bạn có thể ngạc nhiên bởi những yếu tố ảnh hưởng đến thái độ của chúng ta đối với cái chết.


Cái chết - nó tước đi thứ gì mà khiến chúng ta sợ hãi như vậy? Đó là kết thúc cuối cùng! Nhưng trong khi một số người sợ hãi cái chết, những người khác lại chấp nhận nó như một điều không thể tránh khỏi. Vậy tại sao một số người lại sợ chết hơn những người khác?


Hoá ra cách chúng ta nghĩ về cái chết có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và hành động trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2016 cho thấy nỗi sợ hãi trước cái chết có thể khuếch đại mong muốn trả thù và bạo lực chính trị của chúng ta. Những người Palestine, Israel và Hàn Quốc tham gia được gợi nhắc về nỗi đau cá nhân hoặc cái chết, và sau đó được hỏi về ý kiến ​​của họ xem các xung đột chính trị cụ thể nên được giải quyết thế nào. Những người được gợi nhắc về cái chết có nhiều khả năng ủng hộ hành động quân sự hơn những người chỉ nghĩ về nỗi đau.


Sợ hãi cái chết cũng khiến chúng ta khó vượt qua nỗi đau buồn hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy những người sợ hãi cái chết thường có triệu chứng đau buồn kéo dài sau khi mất đi người thân hơn so với những người chấp nhận cái chết. Đối với nhân viên y tế - người chăm sóc các bệnh nhân hấp hối, nỗi sợ hãi về cái chết của chính họ có thể gây trở ngại trong việc giao tiếp hiệu quả với bệnh nhân và gia đình.


Có một vài điều có thể ảnh hưởng một cách tinh vi, hoặc không quá tinh vi đến mức độ chúng ta sợ cái chết.

1. Người già có xu hướng ít sợ chết hơn

Photo by Moe Magners from Pexels


Bạn có thể nghĩ rằng điều này sẽ ngược lại, nhưng xu hướng này đã được chỉ ra hết lần này đến lần khác trong các nghiên cứu. Chúng ta có xu hướng cho rằng ai đó càng lớn tuổi thì dường như họ càng gần với cái chết, và do đó họ càng sợ hãi điều đó. Nhưng điều thú vị là tuổi càng cao thì càng dễ chấp nhận cái chết.


Điều này có thể là do những người lớn tuổi đã trải qua cuộc sống nhiều hơn, vì vậy họ ít sợ hãi việc bỏ lỡ. Hoặc có thể là do họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc chứng kiến ​​và xử lý cái chết của người khác.

2. Niềm tin tôn giáo làm tăng nỗi sợ hãi của chúng ta (nhưng nó phức tạp)

Đây là một điều phản trực giác. Bạn có thể nghĩ rằng niềm tin tôn giáo, thứ thường bao gồm niềm tin vào thế giới bên kia hoặc một ý nghĩa xâu xa hơn đối với cuộc sống, sẽ khiến mọi người cảm thấy tốt hơn về sự kết thúc của cái chết. Nhưng các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có tín ngưỡng mạnh mẽ hơn cũng có nỗi sợ hãi lớn hơn trước cái chết, bất kể là văn hóa hay tôn giáo nào.


Nhưng điều đáng chú ý là cũng có những nghiên cứu cho thấy điều ngược lại.


Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, ít nhất là trong số những người phương Tây, những người sợ chết nhất là những người theo sùng đạo vừa phải. Cả những người ngoại đạo và những người rất sùng đạo đều ít sợ chết hơn.


Photo by Mikhail Nilov from Pexels


Có lẽ việc sùng đạo vừa phải đặt mọi người vào “điểm tốt nhất tồn tại” vì sợ chết - họ không thoải mái như những người ngoại đạo, nhưng họ cũng không có niềm tin mạnh mẽ về thế giới bên kia như những người rất sùng đạo vẫn làm. Cũng có thể rằng quả trứng xuất hiện trước con gà - những người đặc biệt sợ cái chết tìm đến tôn giáo như một cơ chế đối phó, nhưng cuối cùng họ lại không sùng đạo lắm.

3. Trải nghiệm sự nguy hiểm

Tương tác của bạn với nguy hiểm cũng có thể thay đổi nỗi sợ về cái chết của bạn. Mặc dù một số trải nghiệm khiến bạn ít sợ chết hơn, nhưng quá nhiều trải nghiệm có thể tăng nỗi sợ hãi trong bạn.


Đây là một ví dụ: Trong một nghiên cứu rất thú vị, các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng những vận động viên mới bắt đầu nhảy dù, vận động viên nhảy dù trung cấp và chuyên nghiệp để chia sẻ cảm xúc của họ về cái chết. Không có gì ngạc nhiên khi những vận động viên mới bắt đầu nhảy dù, với trung bình chỉ 1 lần nhảy, đã sợ chết khiếp. Những vận động viên nhảy dù trung cấp, với trung bình 90 lần nhảy, ít sợ hãi hơn rất nhiều. Nhưng - đây mới là phần thú vị - những vận động viên nhảy dù chuyên nghiệp, người đã nhảy hơn 700 lần, sợ chết hơn những vận động viên nhảy dù trung cấp.


Điều này cho thấy rằng chỉ đơn giản là mạo hiểm với cái chết nhiều hơn không làm giảm nỗi sợ hãi của bạn về nó. Có thể có một đường cong lĩnh hội, trong đó việc có được một số kinh nghiệm khiến bạn cảm thấy ít lo lắng hơn (có thể vì bạn có được cảm giác kiểm soát tốt hơn), nhưng có nhiều kinh nghiệm khiến bạn nhận thức rõ hơn rằng sau cùng thì bạn không thể lừa được cái chết.

4. Sức khỏe thể chất

Điều này thì ít ngạc nhiên hơn: Những người có sức khỏe thể chất tốt hơn có xu hướng ít sợ chết hơn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có sức khỏe thể chất tốt hơn có xu hướng cảm thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa hơn. Họ cũng có xu hướng có sức khỏe tinh thần tốt hơn. Đây là những yếu tố khiến họ ít sợ hãi trước chết hơn. Theo một cách nào đó, điều này có thể đáng khích lệ ngay cả đối với những người không thể kiểm soát sức khỏe thể chất của mình. Họ vẫn có thể tìm thấy ý nghĩa cuộc sống và luyện tập sức khỏe tinh thần để giảm bớt nỗi sợ hãi hiện hữu.


Photo by Sarah Chai from Pexels


5. Dạng thức gắn bó

Dạng thức gắn bó đề cập đến cách chúng ta suy nghĩ và cư xử trong các mối quan hệ thân thiết. Chúng được hình thành sớm trong cuộc sống nên khi trưởng thành, chúng ta thường khá quen với bản thân. Những người gắn bó vững chắc có xu hướng trở thành đối tác tâm sự, đáng tin cậy và đem đến sự giúp đỡ. Những người gắn bó không chắc chắn có thể quá lo lắng và kiểm soát, hoặc xa cách và khó gần, hoặc kết hợp cả hai.


Khi nói đến cảm giác của họ về cái chết, những người có dạng thức gắn bó vững chắc ít sợ chết hơn những người có dạng thức gắn bó không chắc chắn. Điều này thật thú vị bởi nó cho thấy rằng có một mối quan hệ với khía cạnh thân thiết đến cách chúng ta nghĩ về cái chết.

Bạn có thể làm gì để bớt sợ hãi cái chết?

Tất cả các nghiên cứu này cho thấy rằng nỗi sợ hãi cái chết có thể thay đổi tùy thuộc vào niềm tin và kinh nghiệm của chúng ta. Vậy chúng ta có thể làm gì để bớt sợ hãi cái chết?


Một số điều ảnh hưởng đến nỗi sợ chết của bạn, chẳng hạn như tuổi của bạn, thì không thể kiểm soát được. Và hầu hết chúng ta có lẽ không thể (hoặc sẽ không) nhảy dù 90 lần. Nhưng các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số điều khác mà chúng ta có thể làm:

1. Giúp đỡ các hậu bối

Thuật ngữ “tính truyền thừa” (generativity) đề cập đến mối quan tâm đến những người trẻ hơn và mong muốn nuôi dưỡng và hướng dẫn họ. Khi người lớn tuổi có ý thức hơn về tính truyền thừa, họ cũng có xu hướng nhìn lại cuộc đời của mình mà không hối tiếc hay đau khổ. Việc này dẫn đến ít sợ hãi cái chết hơn cũng là dễ hiểu.


Photo by PNW Production from Pexels


Ngay cả khi bạn không có con hoặc cháu, bạn có thể nuôi dưỡng tính truyền thừa của mình bằng cách hướng dẫn những người trẻ hơn trong sự nghiệp hoặc trong cuộc sống. Bạn có thể làm tình nguyện viên với chương trình Big Brothers Big Sisters, hoặc dạy kèm cho một đứa trẻ hàng xóm hoặc cố vấn cho ai đó trong lĩnh vực nghề nghiệp của bạn.

2. Đừng lảng tránh vấn đề


Chúng ta cố gắng tránh những điều như cái chết - điều vốn khiến chúng ta khó chịu, nhưng việc né tránh có thể khiến những điều đó hiện lên rõ ràng hơn trong tâm trí chúng ta.


Một nghiên cứu thú vị với các trưởng ban tang lễ đã phát hiện ra rằng những người đã chỉ đạo nhiều đám tang hơn thì ít sợ cái chết hơn. Trong số các bác sĩ, việc có nhiều năm kinh nghiệm hơn và tiếp xúc với cái chết nhiều hơn, cũng dẫn đến việc ít sợ chết hơn. Nhưng ngay cả khi bạn không phải là trưởng ban tang lễ hoặc nhân viên y tế, bạn vẫn có thể làm quen với cái chết bằng cách đọc về nó hoặc làm tình nguyện viên với các tổ chức chăm sóc những người mắc bệnh nan y.

3. Có trải nghiệm ngoài cơ thể (mô phỏng) hoặc trải nghiệm cận tử


Đây là một trong những điều hấp dẫn. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trải nghiệm ngoài cơ thể hoặc trải nghiệm cận tử giúp mọi người ít sợ hãi hơn về cái chết. Trong trường hợp trải nghiệm cận tử, có thể những thứ chúng ta phải đối mặt ít đáng sợ hơn đối với chúng ta.


Trong trường hợp trải nghiệm ngoài cơ thể, nó có thể cho chúng ta cảm giác rằng chúng ta đang sống ngay cả khi tách rời khỏi cơ thể của mình. Mặc dù bạn không nên tìm kiếm trải nghiệm cận tử (chúng tôi không muốn nó kết thúc không phải là quá gần), bạn có thể thử một chương trình thực tế ảo mô phỏng trải nghiệm ngoài cơ thể.

4. Nuôi dưỡng ý nghĩa cuộc sống của bạn


Photo by Julian Jagtenberg from Pexels


Bây giờ, đây là mẹo mà tôi nghĩ là quan trọng nhất và có tác động mạnh mẽ.


Chúng ta biết rằng việc nhắc nhở mọi người về cái chết của chính họ có xu hướng khiến họ sợ hãi cái chết. Nhưng nếu ai đó có cảm giác mạnh mẽ rằng cuộc sống có ý nghĩa, thì lời nhắc nhở này sẽ không làm phiền họ .


Nuôi dưỡng ý nghĩa cuộc sống không phải là việc đơn giản, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng cách xác định các giá trị của bản thân, đó là những động lực toàn cảnh hướng dẫn bạn cách vượt qua cuộc sống. Cho dù đó là sự sáng tạo, thành công hay sự thanh thản, hãy suy nghĩ về những giá trị quan trọng nhất đối với bạn và làm chủ cuộc sống của bạn bằng những ý tưởng này.


Mark Twain từng nói: “Nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống. Một người sống hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào.”


Điều này quả thực rất khôn ngoan! Dựa trên nghiên cứu, tôi nghĩ sẽ chính xác hơn nếu thay thế “sống trọn vẹn” bằng “sống có ý nghĩa”. Nhưng đối với một số người, có lẽ những điều này đều giống nhau. Cho dù cuộc sống có ý nghĩa của bạn trông như thế nào, hãy bắt đầu phát triển nó ngay bây giờ, và bạn sẽ cảm thấy quá bận rộn để sợ hãi cái chết.




-------------

Biên dịch: Boba

Biên tập: Roam

Ảnh: Pexels

Nguồn: Jade Wu Ph.D. (2020). Why We Fear Death and How to Overcome It [online]. Available at: https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-savvy-psychologist/202009/why-we-fear-death-and-how-overcome-it?amp&fbclid=IwAR3wwt5Tiyv5srmTS8UTXYRyBU9nFJrNW_heM8wkcEc3WX5xL5dCLvVFp0s [Accessed 9 January 2022]

-------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan