Tại sao trí nhớ của tôi lại tệ đến vậy?

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có khoảng 56% thông tin bị lãng quên chỉ trong vòng một giờ, 66% sau một ngày và 75% sau sáu ngày. Cùng ACM tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này trong bài viết dưới đây.


Mặc dù bạn có thể tự hỏi "tại sao trí nhớ của tôi lại tệ đến vậy?", nhưng “quên” là một phần của cuộc sống và mọi người thường quên nhanh đến mức không thể tin nổi. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có khoảng 56% thông tin bị lãng quên chỉ trong vòng một giờ, 66% sau một ngày và 75% sau sáu ngày.


Thực tế cho thấy trong lúc bộ não có khả năng tạo ra những liên tưởng và suy luận ấn tượng thì khả năng lưu trữ và hồi tưởng các chi tiết của nó lại bị hạn chế. Chúng ta thường hay quên mọi thứ dựa theo những cách thức và nguyên nhân khác nhau. Cùng ACM tìm hiểu kỹ hơn vấn đề này trong bài viết dưới đây.


“Quên lãng” có nghĩa là gì?


Khái niệm “quên” đề cập đến sự mất mát hoặc thay đổi thông tin mà trước đó đã được lưu trữ trong trí nhớ ngắn hoặc dài hạn. Các ký ức cũ này có thể mất đi một cách đột ngột hoặc chậm rãi. Mặc dù điều này là quá đỗi bình thường, nhưng quên quá nhiều hoặc quên một cách bất thường có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn.


Phân rã trí nhớ (Decay)


Bạn đã bao giờ có cảm giác như một thông tin nào đó vừa mới biến mất khỏi trí nhớ của mình? Hoặc có thể bạn biết rằng ký ức vẫn còn đó, nhưng dường như chẳng thể nào tìm lại được. Không thể lấy lại được thông tin nào đó trong bộ nhớ là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của chứng hay quên.


Vậy tại sao chúng ta thường không thể lấy lại thông tin đã được lưu trữ trong trí nhớ? Cách giải thích hợp lý của điều này là do thất bại trong việc truy xuất thông tin từ bộ nhớ, được gọi là lý thuyết phân rã.


Lý thuyết này cho biết mỗi khi tiếp nhận một thông tin mới thì lại có một dấu vết của ký ức được hình thành trong não bộ. Theo thời gian, những dấu vết này bắt đầu mờ dần và biến mất, nếu thông tin không thường xuyên được truy xuất và hồi tưởng lại.


Tuy nhiên, vấn đề của lý thuyết này là đã có nghiên cứu chứng minh rằng ngay cả những ký ức chưa được nhắc hoặc nhớ lại vẫn có thể tồn tại một cách khá ổn định trong trí nhớ dài hạn.


Nghiên cứu cũng cho biết bộ não sẽ tích cực cắt bỏ những ký ức không được sử dụng, quá trình này được gọi là quên một cách chủ động. Khi bộ nhớ bị quá tải, những ký ức không được thường xuyên nhắc lại cuối cùng sẽ biến mất.


Hiện tượng can thiệp (Interference)


Mọi người thường hay quên bởi một hiện tượng được gọi là sự can thiệp, nghĩa là một vài ký ức sẽ cạnh tranh và giao thoa với những ký ức khác. Khi một thông tin mới được tiếp nhận lại khá giống với thông tin đã được lưu trữ trước đó trong bộ nhớ, khả năng gây ra nhiễu thông tin sẽ cao hơn.


Có hai dạng can thiệp cơ bản:


Can thiệp về sau (Proactive interference) xảy ra khi các thông tin được học hỏi trước đây gây trở ngại cho việc nhớ lại của thông tin mới được tiếp nhận.


Can thiệp về trước (Retroactive interference) xảy ra khi thông tin mới được tiếp thu gây cản trở cho việc nhớ lại các thông tin đã được học hỏi trước đó.


Đôi khi hành động ghi nhớ chuyện này có thể dẫn đến việc quên đi những chuyện khác. Nghiên cứu cũng cho thấy việc nhớ lại một số thông tin từ não bộ có thể dẫn đến tình trạng quên lãng để phục hồi dữ liệu. Điều này đặc biệt phổ biến khi các dấu hiệu truy xuất bộ nhớ giống nhau.


Mặc dù điều này gây ra hiện tượng quên lãng, song nghiên cứu lại cho thấy rằng kiểu quên này thực sự có thể được thích ứng. Việc quên đi ký ức này để phục hồi ký ức khác làm giảm khả năng can thiệp xảy ra một lần nữa trong tương lai.


Dù cho hiện tượng can thiệp có thể khiến bạn gặp phải khó khăn trong việc ghi nhớ, nhưng có một số cách có thể giúp bạn giảm thiểu những tác động này. Cách tốt nhất là lặp đi lặp lại quá trình hồi tưởng các thông tin trong cuộc sống hằng ngày. Việc nắm rõ các thông tin mới được tiếp thu sẽ làm giảm thiểu khả năng xáo trộn giữa thông tin cũ và thông tin mới.


Thất bại trong việc lưu trữ thông tin


Đôi lúc, sự thiếu hụt thông tin không hề liên quan đến việc bộ não của bạn đã quên, mà nó liên quan đến vấn đề những thông tin này chưa từng được đưa vào bộ nhớ dài hạn ngay từ đầu. Lỗi mã hóa đôi khi ngăn cản thông tin đi vào bộ nhớ dài hạn.


Tại một thí nghiệm cổ điển, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người tham gia xác định đúng đồng xu của Hoa Kỳ trong một loạt bức ảnh. Mặc dù mọi người đã quen thuộc với đồng xu này, nhưng họ lại rất kém trong việc nhận diện các chi tiết chính.


Nguyên nhân là vì chỉ có những chi tiết cần thiết để phân biệt đồng xu này với các đồng xu khác mới được mã hóa vào bộ nhớ dài hạn của bạn. Việc nhận dạng một đồng xu không yêu cầu phải biết chính xác hình ảnh hoặc các từ ngữ bên trên nó. Bởi vì thông tin này không thực sự cần thiết, hầu hết mọi người sẽ chẳng bao giờ để ý và di chuyển nó vào bộ nhớ cả.


Ký ức cũng có xu hướng được đơn giản hóa. Mặc dù bạn có thể nhớ tổng quát những ý chính, nhưng bạn có khả năng quên đi các chi tiết trong cùng một vấn đề. Đây là chức năng thích ứng, nó cho phép bạn lưu trữ hiệu quả những thứ quan trọng mà bản thân cần nhớ trong tương lai.



“Lãng quên” có động cơ


Đôi lúc chúng ta có thể tích cực làm việc để quên đi một vài ký ức, đặc biệt là những sự kiện hoặc trải nghiệm phiền phức hoặc đau buồn. Những trải nghiệm này có thể gây khó chịu và kích hoạt sự lo lắng, vì vậy cũng có lúc chúng ta lại mong có thể loại bỏ chúng ra khỏi trí não. Hai hình thức cơ bản của “lãng quên” có động cơ là ức chế (một dạng quên có ý thức), và kìm nén (một dạng quên vô thức).


Tuy nhiên, khái niệm ký ức bị dồn nén không được tất cả các nhà tâm lý học chấp nhận. Vấn đề là quá trình này cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Rất khó để nghiên cứu một cách khoa học về vấn đề liệu ký ức có bị kìm nén hay không.


Một lưu ý nữa là các hoạt động trí óc như cố gắng nhắc nhở hoặc nhớ lại là các phương pháp quan trọng để củng cố trí nhớ, và những ký ức liên quan đến sự kiện đau đớn hoặc chấn thương trong cuộc sống ít có khả năng được lưu trữ, thảo luận hoặc hồi tưởng.


Quên đi những ký ức đau buồn và tổn thương có thể giúp mọi người tăng cường khả năng ứng phó. Mặc dù những sự kiện này có thể sẽ không bị lãng quên hoàn toàn, nhưng việc quên đi những chi tiết sống động có thể giúp làm giảm thiểu cảm xúc khó chịu đi kèm, điều này khiến chúng ta chung sống với những cảm xúc đó dễ dàng hơn.


Những lý do khác khiến bạn hay quên


Ngoài ra còn một số yếu tố khác có thể khiến mọi người hay quên. Các nguyên nhân phổ biến còn lại của chứng hay quên bao gồm:


  • Đồ uống có cồn: Uống rượu có thể ảnh hưởng tiêu cực lên trí nhớ, vì vậy tốt nhất bạn đừng nên uống quá một hoặc hai ly mỗi ngày.


  • Trầm cảm: Các triệu chứng phổ biến của trầm cảm bao gồm sa sút tâm trạng và mất hứng thú, tình trạng khó khăn trong việc tập trung và hay quên cũng có thể xảy ra với chứng rối loạn trầm cảm.


  • Thiếu ngủ: Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố trí nhớ, do đó, một giấc ngủ thiếu chất lượng có thể tác động tiêu cực đến trí nhớ của bạn.


  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến trí nhớ bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc cảm và dị ứng.


  • Căng thẳng: Căng thẳng quá mức (cấp tính và mãn tính) cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc gây ra chứng hay quên.


Nếu bạn lo lắng về tình trạng hay quên của mình hoặc nếu nó đi kèm với các triệu chứng khác, hãy đến gặp bác sĩ. Việc can thiệp sớm có thể giúp cải thiện kết quả đối với một số vấn đề và trí nhớ. Vì vậy, điều quan trọng là phải tìm kiếm sự trợ giúp ngay lập tức.


Cách giảm thiểu chứng hay quên


Mặc dù hay quên là một hiện tượng không thể tránh khỏi, nhưng cũng có vài cách mà bạn có thể làm để giúp củng cố thông tin quan trọng trong trí nhớ. Các cách giúp giảm chứng hay quên bao gồm:


  • Tập thể dục: Nghiên cứu cho thấy tập thể dục có thể giúp cải thiện trí óc. Bạn không cần phải dành hàng giờ trên chiếc máy chạy bộ hoặc trong phòng tập để có được lợi ích này, kết quả cho thấy việc tập thể dục trong thời gian ngắn với những động tác nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện nhanh chóng chức năng ghi nhớ.


  • Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc là điều cần thiết cho cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Mặc dù nhu cầu ngủ của mỗi người có thể khác nhau, nhưng khuyến nghị điển hình cho người lớn là từ bảy đến chín tiếng mỗi đêm.


  • Nhắc lại thông tin: Đôi lúc, cách tốt nhất để ghi nhớ điều gì đó và làm giảm nguy cơ bị quên lãng là lặp đi lặp lại thông tin cho đến khi bạn đã lưu trữ nó vào bộ nhớ.


  • Viết ra các thông tin cần ghi nhớ: Khi tất cả các biện pháp trên đều không thành công, hãy ghi lại những thông tin quan trọng để bạn có thể tham khảo sau này. Trong một số trường hợp, hành động viết xuống thực sự có thể giúp bạn ghi nhớ tốt hơn.


Mặc dù tình trạng quên lãng thường bị coi là tiêu cực, nhưng nó thực sự có thể giúp cải thiện trí nhớ. Nó có thể loại bỏ những ký ức không liên quan và chỉ giữ lại các thông tin quan trọng giúp ký ức đã được lưu trữ trở nên mạnh mẽ hơn, hiện tượng này được gọi là lãng quên thích ứng.


Vài lời từ người viết


Mặc dù bạn chẳng thể nào tránh khỏi việc quên lãng, nhưng sẽ cực kỳ hữu ích nếu bạn có thể hiểu được nguyên nhân tại sao. Có rất nhiều lý do khiến bạn hay quên. Trong vài trường hợp, một số yếu tố có thể ảnh hưởng và khiến bạn phải vật lộn để nhớ lại thông tin hoặc những trải nghiệm của chính mình. Việc tìm hiểu các yếu tố đó có thể giúp bạn dễ dàng áp dụng các chiến lược khác nhau để cải thiện trí nhớ trong thực tế.


------------

Dịch bởi: Trúc Phạm 

Biên tập: Khuynh Thần

Ảnh: Pexels

Tham khảo:

Kendra Cherry. (2021). Reasons Why People Forget [Online] Available at: <https://www.verywellmind.com/explanations-for-forgetting-2795045> [Accessed April 10, 2021]

----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan