Tại sao một số người không thể nói lời xin lỗi?

Có phải họ chỉ cứng đầu, không chịu chấp nhận sự thật? Hay phải chăng có trở ngại tâm lý nào đó ngăn họ chịu trách nhiệm với những hành động của mình, và ngăn cản việc nói câu xin lỗi, dù điều này thật sự giản đơn?

Kể từ khi bắt đầu viết một loạt bài trong chuyên mục “Gửi anh”, tôi đã nhận được rất nhiều lá thư từ độc giả. Mọi người hỏi tôi rằng tại sao có một số người họ biết dường như không thể nói lời xin lỗi, thậm chí là khi sai rành rành.


Có phải họ chỉ cứng đầu, không chịu chấp nhận sự thật? Hay phải chăng có trở ngại tâm lý nào đó ngăn họ chịu trách nhiệm với những hành động của mình, và ngăn cản việc nói câu xin lỗi, dù điều này thật sự giản đơn?


Rõ ràng là trong số chúng ta, ngay cả những người chu đáo nhất, đôi khi cũng gặp trở ngại trong việc xin lỗi. Khi ấy, thường là vì một trong hai lý do: (1) chúng ta không đủ quan tâm tới đối phương hay mối quan hệ với họ để phải cảm thấy khó xử về sai lầm của mình và xin lỗi vì điều đó, hoặc (2) tin rằng lời xin lỗi trong trường hợp đó là không cần thiết.



Lấy ví dụ, bạn nổi cáu với một đồng nghiệp vì bị người đó làm phiền khi deadline đang gần kề. Nếu bạn nghĩ người đó vốn có định kiến với bạn từ trước, vậy thì có thể bỏ qua việc xin lỗi, vì bạn cảm thấy điều này sẽ không giúp mối quan hệ giữa hai người trở nên tốt đẹp hơn.


“Những người không thể nói lời xin lỗi thường có vẻ là kẻ ngoan cố. Nhưng họ làm vậy không phải vì họ mạnh mẽ, mà bởi họ rất dễ bị tổn thương.”


Vậy còn những người, không bao giờ chịu thừa nhận sai lầm của bản thân. Điều gì ngăn cản việc nói lời xin lỗi khi họ rõ ràng đã sai? Với những người như vậy, việc nhận lỗi và xin lỗi dường như là việc quá sức về mặt tâm lý. Đưa ra một lời xin lỗi ám chỉ rằng họ đã gây rắc rối cho người khác, và điều này khiến họ cảm thấy xấu hổ.


Những người không thể xin lỗi thường có cảm giác tự ti sâu sắc, đến độ cái tôi mỏng manh của họ sẽ bị tổn thương mạnh mẽ nếu thừa nhận rằng mình sai. Vì vậy, các cơ chế bảo vệ đôi khi vô thức được kích hoạt, và có thể họ sẽ đổ lỗi cho người khác, thậm chí sẵn sàng tranh chấp những thứ đã quá rõ ràng nhằm tránh phải hạ mình. Bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, phủ nhận sự thật, hay tấn công những người trong cuộc, những người không biết xin lỗi lại sai càng thêm sai, và điều đó làm họ cảm thấy quyền lực hơn là bị hạ thấp.


Thật không may, phần đông trong chúng ta hiểu nhầm sự phòng thủ mỏng manh tới từ những người này thành dấu hiệu của sức mạnh tâm lý. Đó là bởi nhìn từ bề ngoài, họ tỏ ra là cứng rắn. Nhưng không phải vì bản thân mạnh mẽ, mà bởi vì họ rất dễ bị tổn thương từ bên trong.”


Về mặt tâm lý, việc thừa nhận rằng chúng ta đã sai là một cảm giác khó chịu và cay đắng, nó phá vỡ ý thức của chúng ta về bản thân. Để có thể nhận trách nhiệm và xin lỗi, lòng tự trọng của chúng ta phải đủ mạnh cho việc tiếp thu những sự khó chịu đó. Thật vậy, nếu lòng tự trọng cao và vững vàng, chúng ta sẽ chịu đựng được vết thương tạm thời do sự thừa nhận gây ra mà không khiến những bức tường bao quanh cái tôi của mình bị sụp đổ.



Nhưng nếu lòng tự trọng cao nhưng lại mong manh, thì hành động xin lỗi có thể xuyên thủng các bức tường phòng thủ và trực tiếp đánh vào bản ngã của chúng ta. Quả thật, như một quy luật tâm lý, cơ chế phòng thủ của một người càng chắc chắn thì cái tôi bên trong lại càng mỏng manh.


“Sai lầm mà chúng ta thường mắc khi đối mặt với một người không thể nói lời xin lỗi là trở nên giận dữ và cố gắng giành chiến thắng trong cuộc tranh cãi với họ. Nhưng có một thực tế đáng buồn là: Chúng ta sẽ không bao giờ giành chiến thắng. ”


Sai lầm mà chúng ta thường mắc khi đối mặt với một người không thể nói lời xin lỗi là trở nên giận dữ (dù rằng chính đáng) và cố gắng giành chiến thắng trong cuộc tranh cãi với họ (vì lẽ phải ở bên ta!) . Nhưng có một thực tế đáng buồn là: Chúng ta sẽ không bao giờ giành chiến thắng. Ngay cả khi chứng minh rằng những người đó đã sai bằng bằng chứng rõ ràng, không thể phản bác được, họ cũng sẽ phủ nhận những sự thật đó hoặc cãi cùn bằng cách nói những câu như “Tại sao cậu luôn làm mọi thứ trở nên khó chịu thế?!?”.


Trong những lúc như vậy, điều tốt nhất mà chúng ta nên làm là đưa ra quan điểm của mình một cách bình tĩnh và thuyết phục nhất có thể, sau đó từ từ thoát ra khỏi cuộc tranh luận ngay khi nó không còn hiệu quả nữa, như là lúc bạn nhận ra đối phương bắt đầu cãi cùn hoặc đưa ra những lời nhận xét vặt vãnh. Khi họ bình tĩnh lại và không còn cảm giác bị tấn công, chúng ta có thể nhìn thấy được sự ăn năn trên gương mặt họ. Liệu những người đó có tử tế hơn hay níu kéo chúng ta? Có lẽ đây là cách mà những người không thể nói xin lỗi cố gắng hàn gắn mối quan hệ một cách an toàn nhất. Bằng việc cố gắng sửa đổi hậu quả của sai lầm, họ có thể cảm thấy hài lòng hơn là cảm thấy tồi tệ về bản thân.


“Nếu người không thể nói lời xin lỗi có mối liên hệ chặt chẽ với bạn, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn là thứ nên được sử dụng. Hãy nhắc nhở bản thân rằng bên dưới vẻ ngoài cứng đầu và ngoan cố, họ là con người cực kỳ dễ bị tổn thương."


Được rồi, vậy bạn cần làm gì với những người như vậy trong cuộc sống? Đặc biệt nếu như họ là thành viên gia đình, đồng nghiệp hay bạn bè thân thiết? Nếu không phải thường xuyên tiếp xúc, việc giảm thiểu giao tiếp nên được cân nhắc. Còn nếu có quan hệ khăng khít, bạn hãy cố gắng giảng hoà với họ.


Cách tốt nhất là chấp nhận những hành vi đó, dù chúng có thể gây khó chịu, và dần dần bạn sẽ nhận ra rằng về mặt tâm lý, họ chỉ đơn giản là không có khả năng nói lời xin lỗi. Hơn nữa, điều đó sẽ không thay đổi. Học cách chấp nhận có thể giúp bạn thoát khỏi các cuộc tranh cãi và giúp hạn chế cảm giác thất vọng, tức giận và tổn thương.


Vậy nên, nếu người không thể nói lời xin lỗi có mối liên hệ chặt chẽ với bạn, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn là thứ nên được sử dụng. Hãy nhắc nhở bản thân rằng bên dưới vẻ ngoài cứng đầu và ngoan cố, họ là con người cực kỳ dễ bị tổn thương.


Điều mấu chốt là: Tất cả chúng ta đều có những lúc không chịu thừa nhận lỗi lầm của bản thân. Nhưng khi ai đó không bao giờ chịu trách nhiệm và thường không có khả năng xin lỗi, thì đó là dấu hiệu cho thấy họ là người có bản ngã mong manh và ý thức về bản thân rất yếu.

______

Người dịch: Trang Thu

Biên tập viên: Dan

Gốc: We all know people who just can’t apologize — well, here’s why

Nguồn ảnh: Pinterest.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan