Tại Sao Tâm Trạng Của Ta Thay Đổi Thất Thường Khi Đến Kỳ Kinh Nguyệt?

Nhiều phụ nữ phải trải qua sự thay đổi tâm trạng thất thường và các triệu chứng tâm lý khác trước khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Với hầu hết mọi người, các triệu chứng này tương đối nhẹ. Tuy …

Nhiều phụ nữ phải trải qua sự thay đổi tâm trạng thất thường và các triệu chứng tâm lý khác trước khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Với hầu hết mọi người, các triệu chứng này tương đối nhẹ. Tuy nhiên, một số phụ nữ lại gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân và cuộc sống hàng ngày của họ.

Bài viết này sẽ liệt kê ra các nguyên nhân của sự thay đổi tâm trạng thất thường trước khi đến kỳ kinh nguyệt và liệt kê những triệu chứng khác có thể xảy ra trong khoảng thời gian này. Chúng tôi cũng cung cấp thông tin về cách khắc phục tình trạng khi tâm trạng thay đổi thất thường và cho biết khi nào bạn cần gặp bác sĩ.

Nguyên nhân

Theo Trung tâm MGH về Sức khỏe Tâm thần của Phụ nữ (MGH Center for Women’s Mental Health), vài người quá mẫn cảm với sự thay đổi hormone tự nhiên xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Sự mẫn cảm này có thể khiến họ bị thay đổi tâm trạng thất thường tiền kinh nguyệt.

Sự thay đổi tâm trạng tiền kinh nguyệt một cách nghiêm trọng đôi khi có thể là biểu hiện của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Hội chứng tiền kinh nguyệt ( Premenstrual syndrome – PMS)

Thuật ngữ hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) bao gồm một tập hợp các triệu chứng về thể chất, cảm xúc và hành vi xảy ra trước khi đến kỳ kinh nguyệt.

Nhiều phụ nữ có triệu chứng PMS khi đến kỳ kinh nguyệt và những triệu chứng này thường có biểu hiện nhẹ. Tuy nhiên, có một số người có triệu chứng PMS có biểu hiện nghiêm trọng hơn hoặc có những biểu hiện rõ rệt như chúng tôi mô tả dưới đây.

Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt ( Premenstrual dysphoric disorder -PMDD)

Rối loạn khí sắc tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng nghiêm trọng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Sự khác biệt chính giữa PMS và PMDD là mức độ nghiêm trọng và sự kéo dài của các triệu chứng.

Người mắc phải PMDD sẽ có những thay đổi tâm trạng đáng kể làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân và công việc của họ. Theo Viện Trí tuệ Trẻ em (Child Mind Institute), những triệu chứng này có thể tiếp tục sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc.

Chứng tiền kinh nguyệt trầm trọng* (Premenstrual exacerbation – PME)

* tạm dịch

Một phụ nữ có vấn đề về tình trạng sức khỏe tâm thần từ trước có thể có tình trạng sức khỏe tâm thần tệ hơn trong khoảng thời gian trước khi có kinh nguyệt. Thuật ngữ y tế cho vấn đề này là tình trạng trầm trọng tiền kinh nguyệt (PME).

Một số tình trạng sức khỏe tâm thần có thể trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian ngắn trước khi có kinh nguyệt bao gồm:

  • Lo âu
  • Trầm cảm
  • Rối loạn lưỡng cực

Theo Hiệp hội quốc tế về các rối loạn tiền kinh nguyệt (the International Association for Premenstrual Disorders), PMDD và PME thường khó phân biệt. Tuy nhiên, điều quan trọng là một người phải được chẩn đoán chính xác, vì mỗi triệu chứng sẽ cần có cách điều trị khác nhau.

Triệu chứng

PMS và PMDD có triệu chứng và dấu hiệu của tương tự nhau. Sự khác biệt chính giữa hai hội chứng này là mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của chúng.

Một người mắc phải một trong hai hội chứng trên có thể gặp các triệu chứng về thể chất, hành vi hoặc tâm lý hoặc sự kết hợp của nhiều triệu chứng.

Các triệu chứng bao gồm:

Triệu chứng cơ thể

  • Đau đầu
  • Thèm hoặc chán ăn
  • Đầy hơi bụng
  • Mệt mỏi hoặc không có sức lực
  • Ngực mềm
  • Sưng bàn chân hoặc bàn tay
  • Đau khớp hoặc đau cơ
  • Khó ngủ

Triệu chứng cảm xúc:

  • Khó tập trung
  • Mệt mỏi
  • Đãng trí

Triệu chứng tâm lý

  • Tâm trạng thay đổi thất thường
  • Cảm thấy quá tải hoặc mất kiểm soát
  • Khóc mà không biết lý do
  • Mất hứng thú với hầu hết các hoạt động
  • Hay cảm thấy buồn một cách bất chợt
  • Nhạy cảm với sự từ chối của người khác
  • Xa lánh xã hội
  • Cảm thấy lo âu
  • Tâm trạng chán nản
  • Dễ cáu gắt

Thay đổi tâm trạng thất thường có bình thường không?

Sự thay đổi tâm trạng thất thường và các triệu chứng khác của PMS thường rất phổ biến. Theo ước tính, có ít nhất 90% phụ nữ gặp các triệu chứng về thể chất hoặc tâm lý của PMS trong chu kỳ kinh nguyệt của mình. Đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng này thường có biểu hiện không nghiêm trọng.

Tuy nhiên, PMDD cũng không phải là hội chứng hiếm gặp, có khoảng 3-8% phụ nữ mắc phải hội chứng này trong độ tuổi sinh sản. Các triệu chứng này thường xảy ra với những người ở độ tuổi 20 và có thể chuyển biến tệ hơn theo thời gian.

Một số yếu tố chính gây ra PMDD bao gồm:

  • Stress
  • Đang mắc các chứng rối loạn cảm xúc hoặc lo âu
  • Gia đình có người mắc PMDD

Điều trị và quản lý

Có một số cách điều trị và quản lý hữu hiệu cho những người đang phải đối phó với sự thay đổi tâm trạng thất thường trước khi hành kinh. Một vài cách phổ biến là:

Những phương pháp trị liệu tự nhiên và những thay đổi cần thiết trong lối sống hàng ngày.

Một số phương pháp điều trị phi y học có thể giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của sự thay đổi tâm trạng thất thường tiền kinh nguyệt. Ví dụ:

  • Làm một cuốn nhật ký tâm trạng: Ta có thể thử ghi lại sự thay đổi tâm trạng của mình và thời gian chúng xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể giúp chúng ta nhận ra những nguyên nhân liên quan đến nội tiết tố của sự thay đổi tâm trạng của mình và dự đoán được khi nào chúng sẽ xảy ra.
  • Giữ chế độ ăn uống cân bằng: Một chế độ ăn uống cân bằng gồm ít đường, natri và caffeine có thể giúp giảm bớt sự thay đổi tâm trạng thất thường.
  • Chăm chỉ tập thể dục: Theo Trung tâm MGH về Sức khỏe Tâm thần của Phụ nữ (MGH Center for Women’s Mental Health), tập thể dục nhịp điệu thường xuyên có thể làm giảm các triệu chứng cảm xúc và cơ thể của PMS và PMDD.
  • Giảm bớt căng thẳng: Yoga, thiền hoặc trị liệu bằng phương pháp nói chuyện có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và cân bằng tâm trạng.
  • Uống bổ sung thảo dược: Theo đánh giá năm 2017 của tám thử nghiệm có kiểm soát ngẫu nhiên, thuốc thảo dược có tên là chasteberry là một phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho PMS và PMDD.
  • Uống bổ sung canxi: Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy bổ sung canxi giúp cải thiện sự lo lắng, trầm cảm và sự thay đổi cảm xúc liên quan đến PMS.

Điều trị bằng thuốc

Có một số loại thuốc có thể giúp điều trị chứng thay đổi tâm trạng thất thường trước khi đến kì kinh nguyệt.

Ta có thể sử dụng thuốc tránh thai để hạn chế những triệu chứng trên. Một số người nhận thấy các triệu chứng PMS giảm bớt khi họ sử dụng thuốc tránh thai, trong khi có người khác lại nhận thấy rằng các triệu chứng của họ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, ta nên theo dõi các triệu chứng của mình thật kỹ lưỡng và gặp bác sĩ để được điều trị nếu cần thiết.

Nếu một người mắc PMS hoặc PMDD nặng, bác sĩ có thể sẽ kê toa một trong các loại thuốc sau:

  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SSNRI): Các chất hóa học trong não: serotonin và norepinephrine rất quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng. Các SSNRI, chẳng hạn như venlafaxine và duloxetine, làm tăng mức độ của các hóa chất này trong não. Chúng thường được ưu tiên trong việc điều trị PMDD.
  • Benodiazepin: Đây là một loại thuốc an thần. Chúng thư giãn cơ bắp và giúp làm chậm một số loại hoạt động não. Các bác sĩ có thể kê toa thuốc benzodiazepin để điều trị rối loạn giấc ngủ và lo lắng. Benzodiazepine hay còn được biết đến là alprazolam đem lại hiệu quả trong điều trị PMDD.
  • Thuốc chống sốt rét: Theo đánh giá năm 2015, thuốc chống sốt rét buspirone có thể dùng trong việc chữa trị PMDD.

Khi nào chúng ta cần gặp bác sĩ?

Chúng ta nên gặp bác sĩ khi tâm trạng thay đổi thất thường hoặc có biểu hiện của các triệu chứng liên quan đến PMS hoặc PMDD. Nếu sự thay đổi tâm trạng thất thường trở nên nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày, chúng ta nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Trong quá trình tham vấn, bác sĩ có thể sẽ cố gắng loại trừ các rối loạn tâm lý có thể xảy ra, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo âu. Đây là bước quan trọng trong việc phân biệt PMDD với PME.

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn thay đổi cách sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, hoặc sẽ kê đơn thuốc để điều trị. Nếu sau đó tâm trạng của bạn vẫn tiếp tục trải qua sự thay đổi thất thường, bạn nên gặp bác sĩ để thay đổi hướng điều trị.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com/articles/period-mood-swings#when-to-see-a-doctor

Dịch: Phuong Hoang

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL




BẢN THẢO
Bài viết liên quan