Tại Sao Tin Tức Sai Lệch Lại Hấp Dẫn Như Vậy?

Việc tìm thấy những thứ ta không ngờ tới trên mạng hẳn không còn là chuyện gì xa lạ. Đối với tôi, một thứ đồ chơi cho mèo có hình dạng của Putin mà tôi tìm thấy vào mùa đông …

Việc tìm thấy những thứ ta không ngờ tới trên mạng hẳn không còn là chuyện gì xa lạ. Đối với tôi, một thứ đồ chơi cho mèo có hình dạng của Putin mà tôi tìm thấy vào mùa đông năm 2017 chắc chắn là một dấu ấn đặc biệt.

Nhưng một số phát hiện lại không được dễ chịu như thế. Gần đây, trong bối cảnh dịch corona, đã có nhiều phát hiện không-dễ-chịu-mấy trên mạng. Một trong số chúng là phim ngắn “Plandemic”, một video viral (lan truyền) cho rằng, trong rất nhiều thứ khác, rằng khẩu trang kích hoạt vi-rút và vắc-xin chống corona sẽ giết chết hàng triệu người. Sau đó có một thuyết âm mưu liên tục lan truyền rằng Bill Gates đã tạo ra vi-rút corona để ông ta có thể dùng vắc-xin để đưa những con chíp siêu nhỏ vào người phần lớn dân số Hoa Kỳ mà ông ta sẽ dùng để theo dõi mọi người.

Mặc dù những khẳng định này có thể đang được phổ biến rộng rãi hơn chúng đáng lẽ ra phải vậy, còn có một chuỗi các mẩu thông tin sai lệch về căn bệnh mới này nhưng ít cực đoan hơn. Ví dụ như, nhiều người tin rằng khẩu trang không có hiệu quả đối với vi-rút và trẻ em thì không thể mắc bệnh do vi-rút. Hoàn toàn có thể hiểu được tại sao mọi người lại tin vào những mẩu tin sai lệch này, đặc biệt là khi những tuyên bố này thường được đưa ra bởi những nguồn đáng tin trước đó trong dịch.

Bất kể bạn nhìn nó như thế nào, thông tin sai lệch và thuyết âm mưu đang lan truyền với tốc độ đáng báo động. Điều này dẫn tới việc Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) tuyên bố một “đại dịch thông tin”. Và đúng như thế, một khảo sát gần đây của cư dân Hoa Kỳ tìm thấy rằng 23 phần trăm tin rằng vi-rút được tạo ra một cách có chủ đích (chỉ 6 phần trăm tin rằng nó vô tình được tạo ra trong một phòng thí nghiệm). Với việc tin tức sai lệch đang ngày càng gia tăng và những quan điểm về vi-rút corona đang ngày càng bị chính trị hoá, việc đưa một cuộc bầu cử quốc gia thêm vào mớ hỗn độn này có khả năng sẽ chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn, gia tăng tính chính trị hoá của những tuyên bố sai lệch về bệnh dịch và làm nó trở nên hấp dẫn hơn để tin vào bất cứ điều gì phù hợp nhất với quan điểm chính trị ngày càng nồng nhiệt của chúng ta.

Mặc dù đa số chúng ta có thể không thực sự nghiêm túc tin vào những thuyết âm mưu kiểu như về Bill Gates, rất nhiều người đang trở thành nạn nhân của thông tin sai lệch về cách truyền nhiễm và điều trị căn bệnh hoá ra lại cực kỳ nguy hiểm – như tin rằng bạc có thể chữa bệnh hay da ngăm bảo vệ con người khỏi việc nhiễm bệnh.

Vậy thì tại sao tin tức sai lệch lại hấp dẫn đến vậy trong những thời khắc khủng hoảng? Thực ra, cũng có ít nhất một vài lời giải thích tương đối đơn giản. Một là, con người thường lo lắng một cách bất thường trong những thời điểm khủng hoảng. Trường hợp này có thể hiểu được. Những người mắc rối loạn lo âu sẽ nói với bạn rằng khi bạn cực kỳ lo lắng, hành trình tìm kiếm sự trấn an trong tuyệt vọng có thể dẫn bạn tới những con đường sai lầm.

Đây chính là thứ đằng sau cái “lỗ thỏ trên mạng” đầy kinh sợ, trong đó một trạng thái tâm trí hoảng loạn có thể khiến bạn kết luận điều gì đó kỳ quái dựa vào cách sự lo lắng của bạn đang chỉ dẫn tìm kiếm trên mạng của bạn. Phần lớn điều này có liên quan đến việc phần lý trí của não bộ không làm việc tốt khi bạn đang cực kỳ căng thẳng nên bạn không thể đáng giá thông tin một cách rõ ràng.

Liên quan đến chuyện này còn là vấn đề về sự xao nhãng. Chúng ta càng xao nhãng, càng có khả năng chúng ta tin vào những tuyên bố sai lệch. Lo âu quá nhiều giống như sống trong một trạng thái xao nhãng liên tục –  giống như kiểu có một tấm màn mỏng trùm lên mọi thứ chúng ta thấy và chúng ta chỉ trầy trật lắm mới nhận ra được nó là gì.

Nhưng điều này không thể là toàn bộ câu chuyện, đặc biệt với những tuyên bố đặc biệt khó tin, như việc nước muối có thể chữa được bệnh do vi-rút corona. Đây chính là chỗ mà chúng ta cần hiểu rằng con người không chỉ đã gia tăng độ khó của việc xử lý thông tin mà họ còn có một khao khát để tin vào một thứ gì đó, bất cứ thứ gì. Để tin tức sai lệch có thể thực sự có tác dụng, phải có một sự tự nguyện từ phía người tiếp nhận (hoặc nạn nhân) thông tin sai lệch để tin vào nó.

Bạn có thể đang nghĩ: tại sao chúng ta lại muốn tin vào những thứ không đúng? Thật ra, những tình huống cực đoan sẽ tạo ra một cơ hội cho chúng ta mong muốn điều này. Trong trường hợp như dịch corona, chúng ta có rất ít câu trả lời dứt khoát cho những câu hỏi của mình. Tại sao điều này lại xảy ra? Làm thế nào chúng ta có thể ngừng nó lại? Sẽ mất bao lâu để ngừng nó? Chúng ta có một vài câu trả lời cho những câu hỏi này nhưng không thứ gì là tuyệt đối trong những tình huống thay đổi không ngừng như vậy. Con người đã quá khó chịu với việc ngồi yên với một khoảng trống trong kiến thức đến nỗi mà họ thà thêu dệt lên sự thật còn hơn cứ sống mà không biết gì.

Nói như vậy không phải để nói rằng chúng ta thêu dệt nên tất cả mọi chuyện. Nếu như có chủ đề nào đó tôi không biết, chẳng hạn như sửa máy giặt, nhưng tôi lại không thấy chuyện đó quan trọng lắm, nên tôi sẽ vui vẻ nói rằng: “Mình không biết.” Nhưng nếu chủ đề đó lại thuộc loại đặc biệt đáng chú ý và quan trọng và tôi không có được câu trả lời tôi muốn từ những nguồn chính thống hay thông thường, tôi sẽ bắt đầu quá trình tìm kiếm trên mạng vào tối muộn một cách hoảng loạn, và nó sẽ dẫn tôi đến những lời giải thích lạ lùng, nhưng lại có thể được chấp nhận một cách kỳ lạ.

Với sự gia tăng của thông tin sai lệch, liệu chúng ta có thể làm gì để đưa mọi người đến thông tin chính xác không? Điều này chắc phức tạp hơn là chỉ đơn giản đưa ra thông tin đính chính, nhưng cũng có kha khá các cách để chống lại thông tin sai lệch. Dưới đây là một vài gợi ý nổi bật:

  1. Cẩn thận với hiệu ứng ảnh hưởng tiếp nối. Hiệu ứng ảnh hưởng tiếp nối chỉ một hiện tượng mà ở đó con người bám chặt lấy những thông tin đã được lật tẩy ngay cả sau khi nó đã được đính chính. Điều này xảy ra vì con người dựng lên một mô hình tinh thần giải thích một chuỗi xác định các sự kiện và khó có thể làm nó gián đoạn một khi nó đã được xây dựng. Một vài biện pháp đã được đưa ra giúp vượt qua chuyện này. Một là đưa ra những lời giải thích thay thế, thay vì chỉ đơn giản lật tẩy thông tin và nói rằng nó sai. Điều này giúp con người xây dựng một mô hình tinh thần mới. Một kỹ thuật có tiềm năng hiệu quả khác là cảnh báo mọi người về hiệu ứng ảnh hưởng tiếp nối trước khi bạn lật tẩy thông tin sai lệch. Trong một số trường hợp, nhận thức này giúp con người tham gia một cách chủ động hơn vào việc loại bỏ thông tin đã được lật tẩy.
  2. Sử dụng cả cách bác bỏ chủ đề và bác bỏ kỹ thuật. Giống như vắc-xin hoạt động bằng cách cho người tiếp xúc với những lượng nhỏ vi-rút đã bị vô hiệu hoá để tạo ra một phản ứng miễn dịch, nó được cho rằng một loại “cấy” tương tự sẽ có tác dụng lật tẩy thông tin sai lệch. Đó là, cảnh báo mọi người rằng bạn sắp sửa lật tẩy thông tin không chính xác (bác bỏ chủ đề) hoặc rằng bạn sắp đặt nghi vấn về phương thức thông tin không chính xác đã được tạo ra (bác bỏ kỹ thuật) có thể hiệu quả hơn trong việc thuyết phục mọi người tin thông tin chính xác hơn là chỉ cung cấp thông tin sửa sai thôi.
  3. Sử dụng phương pháp phỏng vấn tăng động lực. Bồi thẩm đoàn đa số vẫn phản đối sử dụng phương pháp này như một công cụ để chống lại thông tin sai lệch, nhưng có lý do để tin rằng cho mọi người tham gia vào một cuộc hội thoại thấu hiểu về cách họ đã hình thành nên quan điểm có thể giúp họ cởi mở hơn với việc lắng nghe mặt còn lại của sự việc. Kỹ thuật này đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn, vì nó có thể không hiệu quả chỉ qua một lần gặp duy nhất.

Sự lan truyền của thông tin sai lệch xoay quanh COVID-19 đang rất đáng báo động và tồi tệ, nhưng điều này cũng có thể hiểu được với mức độ căng thẳng và thiếu chắc chắn cao như hiện nay. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp tục thử nghiệm các phương thức mới để lật tẩy thông tin sai lệch và tiếp tục đưa ra những cách thức để kiểm soát lo âu trong thời điểm rất bất thường này.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/denying-the-grave/202008/why-is-misinformation-so-appealing

Dịch:  Topaz

Minh họa: GoOn

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan