Tầm quan trọng của nghệ thuật đối với sự phát triển của trẻ em

Các loại hình nghệ thuật khác nhau có thể tiết lộ những suy nghĩ, cảm xúc và sở thích khác nhau.

Có thể bạn đã biết rằng nghệ thuật là một phương pháp tuyệt vời để điều trị chứng lo âu và căng thẳng ở trẻ em. Tuy nhiên, liệu bạn có biết nó cũng ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển về nhận thức và thể chất của trẻ hay không? Hãy đọc tiếp để tìm hiểu thêm về những lợi ích tuyệt vời của nghệ thuật nhé!


Nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhiều hơn bạn nghĩ, những hoạt động liên quan đến chúng hỗ trợ trẻ em học các môn khác nhau như đọc viết và toán. Nó cũng thúc đẩy sự phát triển về thị giác, vận động và xã hội.


Phương thức sử dụng nghệ thuật để diễn đạt như một công cụ giao tiếp sẽ làm gia tăng khả năng của trẻ. Các loại hình nghệ thuật khác nhau cũng có thể tiết lộ những suy nghĩ, cảm xúc và sở thích khác nhau.


Lina Idárraga (nhà giáo dục và chuyên gia về nghệ thuật thị giác ở trẻ em) nhận định rằng nghệ thuật cho phép trẻ thể hiện cảm xúc của mình ra bên ngoài, nó cũng có thể mang lại lợi ích cho những người khuyết tật.


Cô tin rằng trẻ em truyền đạt ý tưởng và cảm xúc thông qua âm nhạc, khiêu vũ và biểu hiện cơ thể. Nếu người lớn biết cách diễn giải ngôn ngữ này, họ sẽ có thể hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm của trẻ.


Các nhà tâm lý học cũng cho biết nghệ thuật có tác động tích cực đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, thời thơ ấu là giai đoạn lý tưởng để giáo dục trẻ tất cả các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, bởi khi còn nhỏ, bộ não của chúng giống như miếng bọt biển có thể “hấp thụ” thông tin một cách dễ dàng.




Tầm quan trọng của nghệ thuật đối với sự phát triển của trẻ



1. Âm nhạc


Chơi và nghe nhạc giúp trẻ phát triển trí tuệ, thính giác, xúc giác, ngôn từ và kỹ năng vận động.

Âm nhạc là ngôn ngữ toàn cầu, trẻ nghe nhạc trong quá trình lớn lên học được cách thư giãn và hòa đồng hơn với những đứa trẻ khác. Âm nhạc cũng kích thích kỹ năng nghe và trí tuệ cảm xúc của chúng.


Những bản nhạc dành cho trẻ là công cụ giảng dạy tuyệt vời. Sự gieo vần, tính lặp lại cùng với cử động tay là cách thú vị giúp trẻ tăng vốn từ vựng và hiểu rõ nghĩa từ hơn.


Hát và nghe nhạc cùng trẻ sơ sinh không chỉ tạo ra những thay đổi về mặt tâm sinh lý mà còn thúc đẩy mối quan hệ tình cảm bền chặt giữa cha mẹ và con cái.


Photo by Paige Cody on Unsplash




2. Văn học


Các nhà tâm lý học giáo dục chuyên về giáo dục mầm non đồng ý với quan điểm con người khó mà phát triển thói quen đọc sách khi đã trưởng thành. Nhìn chung, niềm yêu thích đọc sách chỉ có thể được xây dựng trong thời thơ ấu.


Đọc sách cho trẻ là một trong những trải nghiệm làm giàu tâm trí nhất trên thế giới, nó giúp chúng phát triển các kỹ năng nhận thức như trí nhớ, ngôn ngữ và trí tưởng tượng.


Trẻ nhỏ có thể khám phá ra một thế giới lạ thường trong những trang sách. Khi chia sẻ sách và các câu chuyện với trẻ từ sớm, chúng sẽ nhìn nhận việc này như một hình thức giải trí chứ không phải là bài tập về nhà. Điều đó sẽ khiến cho việc kết hợp sách vào các trò chơi hoặc vào thời gian rảnh của chúng sau này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.


Cho dù những đứa trẻ có bắt đầu đọc ở trường hay không thì khả năng này cũng phải được củng cố thêm ở nhà để có thể phát triển một cách đầy đủ. Ngoài ra, việc đọc sách với trẻ cũng giúp mối quan hệ của bạn với chúng trở nên gắn bó hơn.




3. Vẽ và tô màu


Vẽ và tô màu là hai hoạt động cực kỳ có ích. Chúng giúp phát triển các kỹ năng vận động tinh vi, viết, đọc, sáng tạo, đồng thời nâng cao lòng tự trọng cùng với những thứ khác.


Không chỉ vậy, vẽ và tô màu còn là cách tuyệt vời để trẻ thể hiện cảm xúc lẫn tình cảm của chúng. Hơn nữa, các hoạt động này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhân cách và sự trưởng thành tâm lý của trẻ.


Nếu bạn muốn khuyến khích sự sáng tạo tự nhiên, các chuyên gia khuyên bạn nên cho trẻ cơ hội được vẽ tranh và tô màu tự do. Bằng cách đó, trẻ có thể tự do bộc lộ trí tưởng tượng và sự sáng tạo của mình. Hãy đưa cho chúng các vật liệu như bút chì màu, đất sét, màu vẽ tay hay màu nước, và để chúng thỏa thích thử nghiệm trên bảng đen, bìa cứng, tấm bạt hoặc thậm chí là những bức tường.


Người họa sĩ có cả vũ trụ trong tâm trí và bàn tay mình.”

-Leonardo da Vinci-


Photo by Phil Hearing on Unsplash




4. Kịch nghệ


Tham gia vào kịch nghệ có thể giúp trẻ học hỏi thêm những phẩm chất giá trị như sự tôn trọng và sự bao dung.


Kịch nghệ cho phép những đứa trẻ đặt mình vào địa vị của các nhân vật khác xa với chúng. Từ đó, trẻ em học được cách đồng cảm với các nhân vật thông qua việc sống trong trải nghiệm của họ. Điều này giúp chúng trở nên cởi mở và thấu cảm hơn.


Kịch nghệ cũng mở ra cánh cửa dẫn đến trí tưởng tượng và sự sáng tạo.




5. Ngôn ngữ cơ thể


Vận động lẫn sử dụng ngôn ngữ cơ thể tác động tích cực đến sự phát triển thể chất và sự tăng trưởng khỏe mạnh. Nhờ vậy mà trẻ em học được cách tự tin thể hiện bản thân, duy trì sự linh hoạt, khả năng di chuyển, chạy và nhảy tự nhiên của chúng. Nó cũng giúp trẻ trong việc giữ cân bằng, phối hợp và kiểm soát cơ thể.



Ngoài những khả năng thể chất này, biểu hiện cơ thể thông qua các chuyển động còn có lợi cho trí tuệ cảm xúc của trẻ. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cơ thể cũng mang lại lợi ích tích cực cho năng lực xã hội cũng như sự sáng tạo của chúng.


Photo by Gabby Orcutt on Unsplash




Sử dụng nghệ thuật để thúc đẩy sự phát triển cho phép trẻ thể hiện bản thân theo bất cứ cách nào mà chúng muốn. Nếu bạn có trẻ em ở nhà, điều tốt nhất bạn có thể làm là nuôi dưỡng khía cạnh nghệ thuật của chúng.


Trí tưởng tượng không trở nên lớn lao cho tới khi con người, với lòng can đảm và sức mạnh, sử dụng nó để sáng tạo.”

-Maria Montessori-


----------


Dịch bởi: Stew

Biên tập: Khuynh Thần

Ảnh bìa: Photo by Estée Janssens on Unsplash

Nguồn bài gốc: The Importance of Art for Child Development. Exploring your mind. (2019). Retrieved from https://exploringyourmind.com/importance-art-child-development/.


----------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan