Tâm thần phân liệt: Sống trong sự sợ hãi

Tâm thần phân liệt là một dạng rối loạn tâm thần đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng. Bệnh biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh, về lâu dài có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân.

Dạo gần đây tôi đang phải vật lộn với những công việc hàng ngày của mình với tư cách là một người bị mắc chứng tâm thần phân liệt. Mọi gánh nặng đè lên vai tôi chất chồng như núi, tôi chẳng thể nào thực hiện nỗi dù cho trước đó tôi đã vượt qua chúng hàng trăm lần. Nếu phải đếm số lần tôi tự nhủ rằng bản thân chẳng thể làm được đâu chỉ trong một ngày, chắc chắn con số sẽ vượt qua số ngón trên hai bàn tay. Tôi cứ mãi ám ảnh về những việc mình đã làm sai, những lỗi lầm mình đã mắc phải, tôi chẳng thể ngừng lặp đi lặp lại việc này và rồi cuối cùng tự kết thúc bằng câu “mày là kẻ thua cuộc”. Thậm chí khi mọi việc tôi làm là đúng đắn, tôi vẫn nghĩ như vậy.


Khi tôi có những suy nghĩ trên, tôi không bao giờ quy chúng cho chứng bệnh tâm thần phân liệt, tôi chưa bao giờ tự nói với bản thân: “Vì căn bệnh này nên mình mới có những suy nghĩ như thế.” Tôi thực sự tin rằng mình chẳng thể hoàn thành công việc một cách tử tế được, rằng tôi đã mắc quá nhiều lỗi, và tôi là một kẻ thất bại. Tôi đã chứng kiến rất nhiều người hạnh phúc, can đảm, tự tin và hiếu kỳ xung quanh môi trường làm việc của mình. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh hàng ngày đối với tôi khi phải thức dậy vào buổi sớm để đi làm, và tôi luôn tự hỏi tại sao tôi không thể nào giống như họ. Tôi thường xuyên so sánh mình với người khác và nghĩ xem bản thân đã làm gì sai. Tại sao tôi không thể vui vẻ? Tại sao tôi lúc nào cũng lo lắng rằng mọi thứ mình làm sẽ thất bại? Tại sao tôi phải sống và thở trong sự sợ hãi? 


Tôi buộc phải hỏi chuyên gia tham vấn tâm lý của mình rằng trước đó anh ấy đã từng gặp ai khác mắc chứng tâm thần phân liệt hay chưa, liệu những người giống tôi có nỗi sợ ngay từ những việc nhỏ nhất mà họ phải hoàn thành như một phần trong cuộc sống hàng ngày hay không. Câu trả lời đã khiến tôi bất ngờ, đáp án là có. 


Rất nhiều người mắc chứng tâm thần phân liệt phải sống trong nỗi sợ bởi bộ não hoạt động không dựa vào hoặc tin tưởng trí nhớ. Ví dụ, khi một người bình thường (không bị rối loạn tâm thần) phải trình bày điều gì đó với sếp, họ nhớ rằng: “Ồ, mình đã nói như vậy vào tháng trước rồi.” Họ nhớ rõ họ đã làm tốt như thế nào, mọi người hài lòng với phần trình bày ấy ra sao, và lần này họ sử dụng những kinh nghiệm trước đó để thuyết trình với sự tự tin nhất có thể. Mỗi lần họ đạt được thành công là một lần họ thêm củng cố niềm tin vào bản thân.


Đây không phải là những gì mà tôi trải qua. Khi tôi phải thuyết trình, tôi cứ nghĩ về tất cả những chuyện tồi tệ đã xảy ra. Tôi chẳng thể nhớ bất cứ điều gì tích cực về buổi thuyết trình lần trước, và nếu có, tôi sẽ nghĩ chúng theo hướng khác. Tôi đón nhận những tràng pháo tay nhưng lại biến nó thành điều gì đó tiêu cực, như kiểu tự nói với bản thân rằng họ vỗ tay chỉ vì thương hại tôi và màn thuyết trình tệ hại kia. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình là một người thuyết trình giỏi. Họ chỉ cảm thấy tôi thật đáng thương, hoặc tôi là một kẻ lừa đảo. Tôi khiến họ nghĩ rằng bản thân đang làm tốt nhưng thực chất là tôi rất tệ.



Tôi biết được từ chuyên gia tham vấn tâm lý của mình rằng đây là trường hợp của rất nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt, những người chẳng thể dựa vào trí nhớ (theo hướng tích cực) để phấn đấu trong cuộc sống. Sẽ luôn có những bóng mây tiêu cực đeo đẳng lấy chúng tôi, mặc dù chúng tôi chẳng có lỗi gì cả. Chúng tôi nhận định rằng bản thân không hề nghĩ mọi chuyện theo hướng tiêu cực, mà chúng chính là sự thật. Chúng tôi cứ nghĩ về những chuyện này bởi chứng tâm thần phân liệt, nó ăn mòn chúng tôi từng ngày và đánh lừa về những thứ mà chúng tôi không làm được.


Tôi nghĩ rằng những kiến thức cơ bản mà tôi đang nhắc đến sẽ giúp ích cho nhiều người mắc chứng tâm thần phân liệt nếu họ đọc được. Chúng ta không thực sự là những kẻ thất bại toàn tập, chỉ là chứng rối loạn đang cố gắng khiến chúng ta gục ngã. Chúng ta cần phải chiến đấu với nó và tự nhủ rằng: “Tôi làm được, tôi làm được, tôi làm được.” Chúng ta cần tìm kiếm các phần trí nhớ về những gì mà chúng ta thực sự đã trải qua và chọn cách tin tưởng chúng như sự thật. Chúng ta không phải kẻ lừa đảo, và mọi người không hề nghĩ xấu về chúng ta. Chúng ta là người tốt, những người đang nỗ lực hết mình để sống một cách có ích và hiệu quả nhất có thể.


Tuy nhiên, cũng có vài điều mà chúng ta không thể làm được. Ví dụ, một số bệnh nhân tâm thần phân liệt chẳng thể năng động như tôi, số ít bị khuyết tật và không thể làm việc. Điều này không có gì đáng phải xấu hổ cả. Tôi cũng có những thứ không làm được, thật ra là rất nhiều, nhưng quan trọng là chúng ta phải bao dung với bản thân và chấp nhận mọi khiếm khuyết. Chứng tâm thần phân liệt vô cùng khắc nghiệt và nó sẽ mãi mãi ở đó, nó sẽ không bao giờ rời khỏi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự an ủi rằng bản thân thực sự không hề có lỗi khi phải sống chung với căn bệnh này, và chúng ta đang làm rất tốt trong việc đối mặt với nó. Chúng ta đều đang sống sót với thứ đang cố khiến mình gục ngã, và đó là điều đáng khiến ta tự hào. Hãy tiếp tục sống, bạn đang làm những gì tốt nhất có thể, đó mới là điều quan trọng. 


Biên dịch: Bò.

Biên tập: Khuynh Thần

Ảnh: Burst

Tham khảo: https://www.psychologytoday.com/us/blog/paper-souls/201801/schizophrenia-living-in-fear

BẢN THẢO
Bài viết liên quan