Tâm thần phân liệt và diễn biến trước đó

“Pha tiền triệu” (triệu chứng báo trước bệnh) là giai đoạn ngay trước khi xảy ra đợt loạn thần đầu tiên, và nó thường được phát hiện trong sự nhận thức muộn màng.


Pha tiền triệu (triệu chứng báo trước bệnh) là giai đoạn vô cùng quan trọng trước khi diễn ra các phản ứng dữ dội của căn bệnh tâm thần phân liệt.


Thi thoảng, tôi nghe những người tâm thần phân liệt nói rằng họ sẽ phải gánh chịu căn bệnh này cả đời, nhưng nhận định này không hoàn toàn chính xác.


Giống như nhiều chứng bệnh sinh học khác, tâm thần phân liệt có tuổi khởi phát điển hình. Ví dụ, rất ít người ở độ tuổi 30 mắc bệnh Alzheimer, nó có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Tương tự, bệnh tâm thần phân liệt có xuất phát điểm thường không rõ ràng cho đến những năm cuối của thời niên thiếu hoặc đến giữa những năm ở tuổi đôi mươi. Một số người đến năm ba mươi tuổi mới mắc phải, nhưng điều này ít phổ biến hơn. Nói chung, nếu một người mắc chứng tâm thần phân liệt càng trễ thì tiên lượng (dự đoán về sự tiến triển của bệnh) càng tốt hơn.


Đối với tâm thần phân liệt, các triệu chứng loạn thần khởi phát được gọi là "cơn loạn thần đầu tiên" hoặc "giai đoạn đầu". Trước khi phát bệnh, một người thường phải trải qua những thay đổi đáng kể trong tính cách của họ. Họ có thể mất hứng thú với những thứ mình từng yêu thích như chơi nhạc cụ, tham gia thể thao, làm việc hoặc dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Cuối cùng, họ thậm chí có thể mất động lực để thức dậy vào buổi sáng, đi học lẫn đi làm; hoặc mất hứng với việc chăm sóc bản thân, quên ăn uống và tắm rửa.


Nguồn ảnh: cottonbro on Pexels


“Pha tiền triệu” là giai đoạn ngay trước khi xảy ra đợt loạn thần đầu tiên, và nó thường được phát hiện trong sự nhận thức muộn màng. Trong quá trình diễn biến, chúng ta không có cách nào để nhận biết được liệu sự thay đổi tính cách đến từ những trải nghiệm xảy ra ở tuổi vị thành niên hay chúng bị ảnh hưởng bởi các chứng bệnh về não. 


Cơn loạn thần đầu tiên của tôi xảy ra sau khi trở về từ chuyến đi đến Châu Phi, lúc ấy tôi hai mươi tuổi và là sinh viên đại học đang sống xa gia đình. Sau ba tháng sống ở miền đất đó để phục vụ những người nghèo khổ, tôi cũng trở về Mỹ. Trước khi chuyến đi bắt đầu, tôi vốn dĩ là một sinh viên luôn giành được điểm A trong các môn học khó nhằn, nhưng sau khi trở về, đột nhiên tôi chẳng thể nào vượt qua được kỳ thi của mình. Đó là năm cuối cấp và lẽ ra tôi phải tốt nghiệp vào tháng năm, nhưng thay vào đó thì tôi lại bỏ học và trở thành một tên lông bông.


Khi nhìn lại, thật khó để nói chính xác giai đoạn tiền triệu của tôi bắt đầu từ lúc nào. Tuy nhiên, tôi tin rằng bệnh tâm thần phân liệt đã xuất hiện từ khi tôi còn học năm nhất.


Đại học Nam California ở Los Angeles vốn dĩ là ngôi trường mơ ước của tôi, và tôi bắt đầu nhập học vào mùa thu năm 1999. Ngay sau khi đến đây, tôi đã lao đầu vào các tiết học khó nhằn, nghiên cứu và điều hành với tư cách là nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng tại đó. Cha mẹ tôi thường lo lắng việc tôi làm quá sức và chẳng thể tận hưởng đời sống sinh viên, tuy vậy, họ cũng khá tự hào về thành tích và điểm số học thuật của tôi. Bây giờ nhìn lại thì lúc ấy, tất cả bạn bè của tôi đều bận rộn và luôn cạnh tranh lẫn nhau trong học tập, tôi thực sự đã hòa nhập vào môi trường này.


Tuy nhiên, điều khiến tôi khác biệt với họ là tôi chẳng bao giờ có thể nghỉ ngơi dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà không nghĩ gì về nghiên cứu của mình hoặc các kỳ thi sắp diễn ra. Tôi không bao giờ đến các bữa tiệc hay tham gia các hoạt động xã hội, ngay cả khi tôi có thời gian.


Kế đến, sau học kỳ đầu tiên chuyên tâm làm việc trong phòng nghiên cứu ở năm nhất, điểm số của tôi bắt đầu sụt giảm. Điều này thật khó hiểu, tôi đã bị ám ảnh về việc bản thân cần làm một cái gì đó hơn thế nữa. Tôi tin rằng công việc nghiên cứu của mình có thể mang lại các giải thưởng, thứ mà tôi chẳng thể giành được nếu chỉ đạt những điểm A trên lớp. Tôi chưa bao giờ xem xét kỹ càng về sự thật rằng dấu hiệu điểm số thấp đi sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chính tôi.


Trong năm thứ hai, tôi vẫn tiếp tục chuyên tâm vào việc học ở trường. Tôi đã đạt điểm rất cao trong các môn vật lý kỹ thuật, hóa sinh nâng cao và một lớp phương trình vi phân vốn nổi tiếng với độ khó của nó. Có vẻ như con đường tôi đi lại quay về đúng với quỹ đạo ban đầu của nó một lần nữa.


Tuy nhiên, tôi lại quay sang một ngã rẽ khác còn tồi tệ hơn vào đầu năm học, lúc sự kiện 11/9 xảy ra (tổ chức khủng bố Hồi giáo sử dụng 2 chiếc máy bay Boeing 767 đâm vào tòa tháp đôi thuộc khu phức hợp Trung tâm Thương mại thế giới). Một lần nữa, tôi lại bắt đầu tìm kiếm điều gì đó lớn hơn để làm ngoài việc gầy dựng sự nghiệp theo hướng truyền thống. Tôi trở nên ám ảnh với việc đi du lịch trải nghiệm. Kể từ thời điểm đó, điểm số của tôi liên tục thấp dần. Sang đến học kỳ hai, dù cho tôi học những môn khá nhàn hạ nhưng vẫn chỉ đạt điểm C. Tôi đã dành tất cả thời gian của mình để lên kế hoạch cho một chuyến đi mang tính nhân văn dài ngày đến Châu Phi.


Bất kỳ sinh viên đại học nào cũng phải trải qua một thời kỳ "tụt dốc" và việc đạt điểm thấp hơn trong khoảng thời gian nào đó là điều quá đỗi bình thường. Ngoài ra, đôi lúc sinh viên cũng được khuyến khích đi du lịch nước ngoài để tìm hiểu về các nền văn hóa và ngôn ngữ mới, những thứ mà tôi đang làm. Tôi đã hòa nhập vào cộng đồng một lần nữa mà chẳng hề biết rằng bệnh tâm thần phân liệt sắp khởi phát trong tôi.


Các triệu chứng phổ biến ở giai đoạn đầu bao gồm: né tránh xã hội, nghi ngờ, hoang tưởng khuếch đại, mất tập trung, giảm chức năng học đường và có thái độ thù địch.


Cha mẹ và thầy cô nên biết rằng bệnh tâm thần phân liệt có thể phát triển trong những năm học cấp 3 hoặc đại học. Khi học sinh có sự thay đổi đáng báo động về nhân cách hoặc mất hứng thú với những thứ mà họ từng yêu thích nhưng không thể lý giải được, điều quan trọng là phải xem lại tiền sử bệnh tật của gia đình. Liệu gia đình có tiền sử mắc bệnh hay không? Nếu có, những học sinh này nên được đánh giá cẩn thận bởi một chuyên gia sức khỏe tâm thần để xem chúng có các dấu hiệu cảnh báo khác hay không. Ngay cả khi không biết tiền sử bệnh tâm thần trong gia đình, những học sinh này vẫn cần được lưu ý.


Học sinh trung học và đại học sẽ hưởng lợi rất nhiều từ việc được giáo dục về các dấu hiệu cảnh báo bệnh tâm thần phân liệt đang rộ lên gần đây. Không có gì phải xấu hổ khi yêu cầu sự giúp đỡ, và việc can thiệp sớm là điều quan trọng giúp đạt được kết quả tốt nhất có thể. Tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và trầm cảm là những căn bệnh liên quan đến não bộ có thể điều trị được ở hiện tại. Mặc dù bị chẩn đoán mắc bệnh tâm tâm thần, nhưng những người cam kết điều trị lâu dài vẫn có thể sống một cuộc đời hạnh phúc và đầy ý nghĩa.


-----------------

Người dịch: YM

Biên tập: Khuynh Thần

Nguồn ảnh bìa: Alex Green on Pexels

Nguồn bài viết: <https://www.psychologytoday.com/us/blog/recovery-road/201909/schizophrenia-and-what-happens

Tác giả bài viết: Bethany Yeiser




BẢN THẢO
Bài viết liên quan