[Tản văn] Dạ dày trong tâm trí

“Phản ứng cơ bản của con người đối với khoái cảm không phải là thỏa mãn, mà là thèm muốn nhiều hơn nữa. Do đó, bất kể chúng ta đạt được gì, nó chỉ làm tăng sự thèm muốn của chúng ta chứ không phải sự thỏa mãn của chúng ta ”.(Yuval Noah Harari)

Dạ dày trong tâm trí



“Phản ứng cơ bản của con người đối với khoái cảm không phải là thỏa mãn, mà là thèm muốn nhiều hơn nữa. Do đó, bất kể chúng ta đạt được gì, nó chỉ làm tăng sự thèm muốn của chúng ta chứ không phải sự thỏa mãn của chúng ta ”.(Yuval Noah Harari)


Dĩ nhiên, để cung cấp chất dinh dưỡng cho bản thân, việc lấp đầy dạ dày mỗi người thức ăn, nước uống liên quan vô cùng cần thiết. Tuỳ vào hoàn cảnh, nhu cầu, chúng ta điều chỉnh liều lượng hấp thụ phù hợp từ đó bản thân sẽ phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Trong quá trình thưởng thức, các bạn đã cân nhắc vấn đề khi nào chúng ta nên dừng lại hay chưa? Đó là lúc việc ăn của bạn cả thèm chóng chán, đạt đến độ thỏa mãn hoặc muốn tiêu hoá thêm chúng nhiều hơn. Dần dần, tùy giới hạn suy nghĩ muốn được thoả mãn quyết định bạn nên tiếp tục tiếp nhận loại thức ăn này hay không. Ít ai biết rằng, thực tế, cuộc sống chúng ta cũng như vậy: lấp đầy để thỏa mãn chứ không phải là hạnh phúc.


Bạn đã sống “đủ no”?


Thời gian qua, mỗi khi nhìn thấy những quyển sách dự định mua được giảm giá, tôi nhanh tay đặt hàng mà không ngần ngại chút nào. Từ đó, không khác các đứa trẻ bỏ quên, lần lượt từng quyển sách mới còn xếp gọn gàng trên kệ chưa được sử dụng. Có những ngày tối tăm mặt mũi, đọc sách không còn là việc cần thiết như đã từng. Chỉ có lúc nghỉ giải lao hoặc khoảng trống bé xíu nào đó, sách mới giết chết thời gian trống thay vì tôi phải chờ đợi nó trôi qua mà không biết làm gì. Dạo gần đây, tôi mới biết mình nạp lượng sách nhiều quá mà chưa tiêu thụ thông minh đống miligam quặng chữ kia thế nên tạm ngừng ý định mua thêm sách.


Hiện tại, xã hội còn bao nhiêu chuyện như vậy ấy thế mà chúng ta vô tình quên đi thậm chí coi đó là lẽ thường. Có bao giờ, ngay chính cuộc sống chính mình, bạn nghĩ đến vấn đề “có mới nới cũ” thường xuyên lặp lại? Chỉ vì mấy tấm ảnh sống ảo câu tương tác trên mạng xã hội, bản thân bỏ ra lần lượt khoảng tiền mua sắm một cách phung phí. Không cân nhắc kĩ càng mà sẵn sàng lựa chọn giá trị nào đó, ta cuối cùng cho hối hận giày vò, không quan tâm và lạnh lùng bỏ qua giá trị một cách nhẫn tâm. Chẳng hạn, nhiều người trẻ sở hữu những món đồ không cần thiết trong nhà chất thành đống cho tới khi không còn nơi để chứa đựng thì giờ đây trở thành rác thải là bổn phận hầu hết chúng. Đến cả các mối quan hệ, không khó để nhận ra, thoạt đầu những gì mà mỗi cá nhân dành cho đối phương là sự cuồng nhiệt, yêu thương vô bờ. Tuy nhiên, theo kết quả nhận được, hầu hết mỗi cá nhân lại tìm đến người bạn mới, tình yêu mới và những mối quan hệ không rõ ràng mới để trải qua lại cảm giác mới lạ, kích thích như lần đầu. Vậy nên thực trạng chia tay, ly hôn chóng vánh, nhiều sợi dây kết nối lần lượt giãn đứt đã trở thành món cơm bữa quen thuộc không khác gì chuyện lạ. Hay lúc có được sở thích, công việc ổn định mà bản thân mong muốn điều gì đó tốt hơn suy cùng lại lăn ra than thở với thiên hạ. Tôi nhớ tới các bài viết tâm sự người trẻ, họ, những người vì trông ngóng công việc như ý đã rải CV nhiều nơi dẫn đến đang làm công việc ổn định ở nơi này nhưng trông “núi nọ” làm việc ở nơi khác tốt hơn. Thế nơi nào là điểm dừng lành mạnh nhất dành cho ta?


Nếu đạt đến sự thỏa mãn nhất định đã được vạch ra, đối với một phía cá nhân, việc cần thêm những thứ mới mẻ là một điều xa xỉ khó thực hiện vì nó tiêu tốn khá nhiều năng lượng. Chính vì thế, suốt quãng đời còn lại, họ quá hài lòng và tự hào với những thành tựu đã giành được. Theo đuổi cuộc sống “người lười" vô tình sai lầm trở thành tiêu chuẩn sống bình thản, tối giản của nhiều người. Ở thế giới khắc nghiệt này, buông xuôi tất cả ý chí, nghị lực sống khiến ta chỉ có thể yên vị tại chỗ. Yên vị đến nỗi đến khi mình hao mòn đi phần nào đành phải ăn bám vào chủ thể khác để sinh tồn mà chẳng tự lấy đi bằng sức lực chính mình. Giống như việc. Đồ dùng bạn đã hết nhưng chính bạn không muốn mua sắm thứ gì đó hữu dụng hơn. Trì trệ trong một mối quan hệ bình yên, không sóng gió, bạn không hề chủ động kết nối hay tiến lên. Bằng lòng với công việc hiện tại, tâm trí buồn chẳng thực hiện tốt vai trò để thăng tiến. Hay đứng trên vinh quang, sự mạnh mẽ, khát khao và tham vọng giờ đây là một mảng màu xám trôi dạt đâu đó ở một thế giới thăm thẳm không hình thù...


Dạ dày ẩn nấp sâu trong tâm trí con người


Khi hấp thụ cùng một loại thức ăn quá nhiều trong khoảng thời gian dài, bạn thường có dấu hiệu buồn nôn hay cảm giác muốn được ăn đã biến mất. Ngược lại, thưởng thức một món ăn lâu ngày với mức độ vừa phải góp phần tăng thêm sự ngon miệng và thèm ăn ở vị giác. Trở lại với cuộc sống chúng ta, quá trình thực hiện một giá trị mới mẻ thường hướng đến việc kích thích sự chiếm lĩnh tiềm tàng trong con người. Khoảnh khắc giành được điều mình muốn, sự hứng thú và hân hoan cùng với đối tượng sẽ có xu hướng giảm đi. Thay vì bằng lòng, những giá trị mới thậm chí lớn hơn sinh ra và thu hút những dạ dày nấp sâu trong tâm trí con người. Chính vì thế, cứ thế, chúng xảy ra vô số lần theo quy trình và trở thành một hiện tượng.



“Các nhà tâm lý học Shane Frederick và Geo Loewenstein đã nghiên cứu hiện tượng này và đặt tên là hiệu ứng thích nghi với khoái lạc. Để minh hoạ quá trình thích nghi này, họ đưa ra các nghiên cứu về những người trúng xổ số. Thông thường, việc trúng xổ số sẽ cho phép một người sống cuộc đời trong mơ của mình. Tuy nhiên, mức độ hạnh phúc của họ rốt cuộc sẽ quay trở lại như mức trước khi xổ số. Họ bắt đầu xem nhẹ chiếc Ferrari và căn biệt thự mới của mình, giống như trước đây từng xem nhẹ chiếc xe bán tải rỉ rét và căn hộ chật chội của họ.” (Trích từ tài liệu tham khảo [1])


Thật rằng, con người là một sinh vật khách quan luôn đánh giá chất lượng cuộc sống của mình. Họ vừa là kẻ hưởng thụ món ăn vừa là ban giám khảo nhận xét những gì vừa ăn được. Do đó, thoả mãn, mục tiêu được cho là hạnh phúc con người luôn đeo bám ta suốt cả một đời. Quả thật, chất lượng cuộc sống của bạn đủ tốt hay không tùy thuộc vào cách nhìn nhận và phân tích về hoàn cảnh từng trường hợp. Cùng với khát vọng, tiềm năng, những gì bạn làm đều hướng đến sự thỏa mãn bản thân. Điều muốn nói ở đây, rút ra từ thực trạng trên, con người chúng ta đều thèm muốn thứ mình cần nhiều hơn.


Lấp đầy và thay đổi bản thân


Vào một tiết học trên trường, người giáo viên đã tâm sự rằng: “Khi yêu thương người khác, trước hết, miếng ăn phải lấp đầy chính mình.” Đối với tôi, điều ấy không hề sai bởi vì nếu ta không biết thỏa mãn chính mình thì thật khó để hài lòng với người khác và mọi thứ xung quanh. Theo đuổi những thứ có giá trị hơn đó là khát vọng sống đáng ngưỡng mộ. Thế nhưng, nghĩ đến tương lai tốt đẹp, hiện tại ở đó không dịch chuyển liệu cuộc sống ta đến lúc nào mới có thể đạt đến thỏa mãn. Từ bây giờ, nhiều câu hỏi được đặt ra: Vậy chúng ta sống “đủ no" trong khi vẫn có thể có hạnh phúc như thế nào?


Đứng trước nhiều món ăn, không cần thiết bạn phải thưởng thức hết chúng mà lựa chọn một phần trong số đó. “Các nhà Khắc kỷ cho rằng cách tốt nhất để đạt sự thoả mãn bất cứ ham muốn nào nảy sinh trong chúng ta, mà là học cách bằng lòng với cuộc sống hiện tại - học cách trở nên vui vẻ với bất cứ thứ gì chúng ta nhận được.” (Trích từ tài liệu tham khảo [1]) Thời gian là duy nhất ta không thể thế chấp bằng tiền bạc, sự hão huyền hay sự chần chừ, mong đợi sự tốt đẹp hơn hết. Tôi biết rằng bạn đang vật vã chinh phục thế giới riêng mình nhưng không vì thế mà luôn gắn sự bất mãn vào tất cả mình đã có được. Đừng biến sự thèm muốn trở thành nô lệ bạn thay vì bạn muốn giành lấy sự cầm quyền ấy! Những gì bạn đạt được trong cuộc sống cũng đủ để đáp ứng nhu cầu của bạn rồi.


Chắc chắn, tiếp theo quá trình tiếp nhận gian nan, nghỉ ngơi để dành thời gian tiêu hoá vô cùng thiết yếu cho con người. Bạn mua một món đồ mới nên dành thời gian sử dụng chúng. Bạn có mối quan hệ nên trân trọng, vun đắp giữ gìn. Bạn có được công việc nên chăm chỉ thực hiện để thăng công tiến chức… Từ đó, bạn mới thực sự hài lòng với cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc trong từng phút giây. Tất nhiên, ăn nhiều thứ một lúc trong một ngày sẽ tạo cảm giác quá tải tương tự việc thèm muốn cũng có áp lực riêng nó. Vậy nên, hãy phân chia khoảng thời gian phù hợp và thoải mái để chuyện tiêu hoá trở nên dễ chịu và hiệu quả.




Có thể nói rằng, những món ăn mới thường kích thích giác quan chúng ta và tạo ra các cảm giác tò mò. Xây dựng nên sự tham vọng ở giá trị mới mẻ là cơ hội bạn chạm đến nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống chúng ta không thể thiếu sự cân nhắc khi lựa chọn. Bởi vì, lựa chọn đi liền với trách nhiệm ràng buộc cá nhân. Tham vọng từ lâu đã hóa thân một con dao hai lưỡi bén nhọn. Nó chỉ vực dậy sự tiềm tàng từ đứa trẻ bên trong cho nên bạn chẳng thể hơn người ta từ chính suy nghĩ mãnh liệt ấy. Nhìn nhận lại, cuộc sống không thể quá nhiều tham vọng áp đặt cùng một lúc. Thế nhưng, tham vọng đủ để thức tỉnh một con người lười biếng khi đang ngủ quên thời gian dài.


Những guồng quay cuộc sống không ngừng chuyển biến ép đẩy con người ta vào nhiều ngõ ngách chẳng ai tường tận. Ngưng chạy theo hình ảnh tốt đẹp của người khác cũng là cách bạn dọn dẹp từng ham muốn chính mình. Vậy nên, nếu dạ dày dễ dàng lấp đầy thì bạn vơi đi một phần phiền muộn, lo âu cuộc sống rồi. Từ ấy, việc yên tâm sống hết mình thì bình thản, an yên giờ chỉ còn vấn đề thời gian.


Tài liệu tham khảo:

[1] Chủ nghĩa khắc kỷ (William B. Irvine)


Tác giả: Anh Phuong

------------------

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT



BẢN THẢO
Bài viết liên quan