[Tản văn] Gửi Em – Những Chàng Trai/Cô Gái Thấu Cảm

Thấu cảm là một món quà Trời ban, nhưng đồng thời nó cũng là một gánh nặng chẳng dễ gì nhấc xuống. Để sống an nhiên, Người Thấu Cảm cần phải học cách yêu lấy chính mình.

Gửi Em – Những Chàng Trai/Cô Gái Thấu Cảm, Người Đã Yêu Nhiều, Và Cũng Đã Tổn Thương Quá Nhiều


Em thân mến!


Cho phép Ta gọi Em – Những Con Người Thấu Cảm – là Những Chàng Trai/Cô Gái Đã Yêu Nhiều, Và Cũng Đã Tổn Thương Quá Nhiều. Ta muốn gọi Em như vậy, vì trái tim bao dung Em mang.


Có lẽ Em đang thắc mắc Ta là ai, và vì sao một người xa lạ như Ta lại viết những dòng này cho Em. Cũng có thể Em cho rằng, chắc hẳn những gì Em sắp đọc là điều gì đó mang đậm tính chất của những lời răn dạy khô khan cứng nhắc. Ta đã từng rất đắn đo khi đặt bút viết cho Em, bởi không thể biết chắc những điều mình viết sẽ gợi lên trong Em điều gì. Một chồi non ấm áp mang đến động lực để Em tin và yêu thương bản thân mình hơn, sống an nhiên hơn? Hay tất cả sẽ chỉ là những lời nói phát ra từ…một tâm hồn già nua lẩn thẩn, song lại thích nói và nói rất nhiều! =D


Ban đầu chính bản thân Ta cũng không chắc điều gì đã thôi thúc mình viết ra nhưng dòng này. Có lẽ vì Ta đang sắp đầu hàng sự yên lặng trong thế giới nội tâm của mình. Hoặc bởi một lý do khác xem chừng thuyết phục hơn – từ lâu Ta đã luôn khát khao gợi lên một cuộc đối thoại chỉ riêng dành cho Những Người Thấu Cảm: giữa Ta – Kẻ Cô Đơn trong dòng suy tưởng của bản thân, và Em – những người suốt bấy nhiêu lâu nay đã luôn sống với đời bằng con tim chân thành, trao đi nhiều và cũng nhận lại không ít tổn thương! Ta mong qua cuộc đối thoại này, cả Ta và Em đều có thể cùng nhau phá tan chiếc vỏ ốc mang tên “Cô Đơn”, “Chán Ghét Sự Nhạy Cảm” của bản thân, cùng hiểu, cùng sẻ chia những suy tư sâu kín nhất. Ta mong đợi vào một ngày mà ở đó Em và Ta đều đã bước qua hết chặng đường đầy thử thách, trở thành những con người hoàn toàn mới, yêu cuộc sống với tất cả lòng nhiệt thành mà vẫn không quên rằng chính bản thân mình cũng cần được yêu thương, trân trọng.


Ta đoán có lẽ Em cũng sẽ thắc mắc về mối liên hệ giữa thấu cảm và tình yêu. Nghe có vẻ không liên can gì nhỉ? Nhưng Em biết không! Người ta vẫn bảo những con người mang trong mình khả năng thấu cảm là những cá nhân với trái tim chứa đựng sự bao dung rộng lớn, cùng tình yêu chân thành vượt qua tất cả những lề thói khắt khe nhất của cuộc đời. Vì lẽ đó, trong lá thư này Ta sẽ nói về tình yêu với phạm trù nghĩa rộng hơn cách hiểu thông thường, sẽ không chỉ gói gọn trong khuôn khổ của tình yêu đôi lứa, mà còn là tình yêu cho người, cho đời, là những sự quan tâm san sẻ mà Em trao đi. Và cuối cùng, là tình yêu dành cho chính bản thân Em.



Thế giới xung quanh biết gì về Em?


Những Con Người Thấu Cảm (Empath) như Em thường được biết đến với đặc điểm riêng biệt và nổi bật nhất: hiểu và chia sẻ cảm xúc. Em có khả năng “đọc vị cảm xúc” của người đối diện mà không phải tốn quá nhiều thời gian suy nghĩ để tìm ra bản chất và gọi tên những cảm xúc ấy. Nói chính xác hơn, đó là khả năng nắm bắt ngay tức khắc trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc của một cá nhân khác dựa vào trực giác nhanh nhạy. Qua việc lắng nghe, cùng những quan sát chuẩn xác về ngôn ngữ cơ thể hoặc biểu cảm gương mặt của người đối diện, Em đã có thể biết chính xác suy nghĩ cũng như những cảm xúc trong họ. Đi liền với khả năng đọc vị cảm xúc ấy là khả năng phản ứng, chia sẻ cũng bằng phương cách thuộc về phạm trù phi lý trí mà chỉ riêng những người thấu cảm như Em mới có. Em không chỉ dừng lại ở việc hiểu, mà còn có thể chia sẻ cảm xúc (empathy) với người khác như thể đó chính xác là những gì Em đang trải qua, trong khi những người xung quanh Em thường chỉ dừng lại ở sự đồng cảm (sympathy) trước bất hạnh của người đối diện. Với khả năng chia sẻ cảm xúc như vậy, Em sẽ thường rơi vào trạng thái khó phân biệt được đâu là cảm xúc của người, đâu là của mình.


Một đặc điểm đáng quý khác của Người Thấu Cảm là họ luôn sống chân thật với chính mình và với thế giới xung quanh họ. Nhờ khả năng thiên phú trong việc đọc vị cảm xúc của người đối diện, Những Người Thấu Cảm như Em có thể phát hiện gần như ngay tức khắc khi họ nói dối, hoặc những hành động việc làm của họ thiếu vắng sự thành thật. Ở chiều hướng ngược lại, Em đánh giá rất cao sự chân thành, và xem trọng giá trị của điều đó hơn tất thảy những gì còn lại. Việc này có thể dùng để giải thích vì sao Em sẵn sàng đón nhận sự thật tàn khốc, còn hơn là phải nghe những lời nói dối dù chúng có được bọc trong lớp đường ngôn từ hoa mỹ đi chăng nữa. Mà cũng vì thế nên đôi khi Em sẽ cảm thấy hụt hẫng trong các mối quan hệ, thậm chí cảm thấy tổn thương khi ai đó lừa dối Em, dù mục đích thực sự của lời nói dối kia là để gìn giữ mối quan hệ giữa Em và họ. Em cũng sẽ thấy vô cùng áy náy nếu lúc nào đó Em buộc phải nói ra những lời không thật với lòng mình.


Đi liền với sự thành thật trong từng nấc thang cảm xúc là khát khao được sẻ chia, được thấu hiểu ở tầng mức mà nhiều khi những người xung quanh Em khó có thể nắm bắt được. Song khát khao ấy không phải lúc nào cũng được đáp lại một cách tương xứng, và chính điều này là nhân tố đẩy Em vào nỗi cô đơn thường trực. Thế giới xung quanh Em khó có thể hiểu được Em, vì cách suy nghĩ, nhìn nhận thế giới của Em mang một chiều kích khác biệt. Điều đó giải thích cho việc Em thường dễ bị người khác hiểu nhầm.


Người ta cũng biết đến Em theo nghĩa “Người Cực Kỳ Nhạy Cảm” (Highly Sensitive People). Tuy nhiên “Người Cực Kỳ Nhạy Cảm” không nhất thiết đồng nghĩa với “Người Thấu Cảm” (*). Cách hiểu về Người Thấu Cảm theo hướng không đánh đồng với yếu tố cực kỳ nhạy cảm thường căn cứ trên nhiều phương diện khác nhau. Chẳng hạn, 1) Nếu phải làm một phép liên tưởng về Em, Ta sẽ nghĩ về Em như “một chiếc máy copy cảm xúc và năng lượng từ môi trường xung quanh”. Em dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi khi bị ảnh hưởng bởi loạt cảm xúc đến từ môi trường xung quanh. Cảm giác căng thẳng trong Em có thể xuất phát từ một không gian náo nhiệt đầy những âm thanh hỗn tạp, hoặc chỉ đơn giản là vì nơi đó có quá nhiều người. Trong môi trường như vậy, Em sẽ liên tục phải hấp thu một lượng lớn những cảm xúc khác nhau từ những người khác. Em sẽ vui cùng người, buồn cùng người. Rất nhiều khi những cảm xúc tích cực chưa chắc đã tốt cho Em. Các cuộc tụ họp vui vẻ với quá nhiều người cũng trở nên không khác gì mấy so với những bối cảnh đầy kịch tích. Em thường thấy mình “quá tải” trong những tình huống như vậy, thấy mình dễ rơi vào trạng thái mất thăng bằng về mặt cảm xúc, hoặc thậm chí cạn kiệt nguồn năng lượng tinh thần. 2) Em thừa hưởng những giác quan tinh nhạy trước ánh sáng, âm thanh, mùi vị. Bên cạnh đó Em còn có thể tạo ra những mối liên kết đặc biệt với động vật và thiên nhiên. Dưới đôi mắt của Em, cỏ cây và các loài sinh vật khác cũng có đời sống và tình cảm hệt như con người. Khả năng ấy tạo ra nơi Em một đời sống nội tâm vô cùng phong phú. 3) Trong mối quan hệ với những người xung quanh, Em thường rất khó có thể nói “Không” trước lời đề nghị giúp đỡ đến từ họ. Em có xu hướng nhận lấy tất cả, đôi khi hy sinh thời gian và sức lực của bản thân cho những người cần Em, vì điều đó mang lại cho Em cảm giác hạnh phúc. Quỹ thời gian của Em cứ thế bị xé nhỏ thành những phần rời rạc cho những người khác nhau. Em có thể làm rất nhiều điều cho những người xung quanh mà không mong nhận lại sự đáp đền. Nhiều đến mức đôi khi khiến người Em yêu cảm thấy như thể họ đang bị đặt ra ngoài lề cuộc sống của Em. Song, đó là một nhận định không đúng với sự thật, bởi Em luôn đối đãi với mọi người theo mức công bằng nhất có thể. 



Ta thấy gì nơi Em?


Rất nhiều lần trong những khoảng khắc bất chợt nào đó của cuộc sống, Ta bắt gặp hình ảnh Em đang loay hoay tự chống đỡ với sự mệt mỏi và những thứ áp lực dai dẳng do chính khả năng thấu cảm mang đến cho Em. Sự mệt mỏi và những áp lực kia như thể một thứ mạng nhện đa chiều phủ chụp lấy Em từng ngày. Nó được dệt nên từ cảm giác cô đơn lạc lõng giữa thế giới mà Em đang sống, từ những kỳ vọng và tiêu chuẩn mang thiên hướng hà khắc mà Em dành cho chính mình, và từ những con người, những mối quan hệ xung quanh Em. Những khi ấy, Ta lại nghĩ đến câu nói “Thấu cảm là một món quà Trời ban, nhưng đồng thời nó cũng là một gánh nặng chẳng dễ gì nhấc xuống”.

Là quà Trời ban, bởi nhờ chính khả năng đó mà Em có thể cảm nhận mọi thứ xung quanh mình với độ nhạy cảm vượt trội mà người khác ít khi có được. Sự nhạy cảm nội tại nếu được nuôi dưỡng, quan tâm đúng cách trong một môi trường thích hợp, thì một ngày nào đó điều vốn dĩ tưởng chừng là một “khiếm khuyết” cần phải gạt bỏ đi kia rất có thể sẽ phát triển thành khả năng thiên phú - về mặt thơ ca, âm nhạc, hội họa v.v... Không ít Người Thấu Cảm đã tạo dựng được cho mình một đời sống phong phú nhiều màu sắc. Họ cũng tìm được thành công trong các lĩnh vực khoa học đòi hỏi sự cẩn trọng và kiến thức chuyên sâu. Người Thấu Cảm nhìn thế giới họ đang sống theo một chiều kích rất khác so với những người không-thuộc-về-thiểu-số như họ. Sự nhạy bén của giác quan và chiều sâu tư duy luôn giúp người thấu cảm nhìn ra những tầng lớp ngữ nghĩa ẩn sau các con chữ, lời nói, tìm ra bản chất thực sự đằng sau những sự vật, sự việc mà họ gặp phải – nhất là những gì đòi hỏi phải dùng đến tư duy trừu tượng. Khả năng thấu cảm cũng sẽ giúp những người như Em nhìn thế giới chung quanh mình không chỉ bằng mắt, mà bằng cả trái tim bao dung. Lòng Em sẽ ít đi những phán xét vô căn cứ, bớt đi cái nhìn thiếu khách quan và phiến diện.


Thấu cảm là một gánh nặng, vì việc tiếp nhận và xử lý thông tin từ môi trường với dung lượng lớn dễ khiến con người ta rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng. Hẳn là hơn ai hết, Em hiểu rất rõ cái cảm giác dấy lên trong lòng mỗi lần chứng kiến những sự việc thương tâm mà bản thân Em hoàn toàn chẳng thể làm gì để giúp đỡ, hoặc ngăn sự việc đó lại không cho nó xảy ra. Chắc rằng tâm tư của Em cũng chẳng thể nhanh chóng trở về trạng thái an yên sau mỗi lần lắng nghe những dòng tâm sự chất chứa nỗi buồn của một ai đó. Em sẽ lắng nghe bằng cả đôi tai và trái tim, nhưng cũng vì thế mà đôi khi Em thấy mình như kẹt lại trong sự bất lực của bản thân, vì không thể làm gì để thay đổi kết quả của sự việc. Em cũng sẽ phải đối diện với những dằn xé nội tâm đến từ tiêu chuẩn đạo đức mà Em đặt ra cho riêng mình: tránh né mọi mâu thuẫn xung đột, không bao giờ đặt người khác vào tình thế khó xử, giúp đỡ người khác khi họ cần, không bao giờ nói dối, đặt hạnh phúc và nhu cầu của người khác lên trước hết. Trong tâm tưởng của Em luôn luôn tồn tại một giọng nói đầy nghiêm khắc, và nó sẵn sàng lên tiếng trách móc mỗi lần Em thấy “mình đã làm không đúng”, “mình không nên hành xử theo cách như vậy”, dẫu rằng có thể Em biết rõ trong bối cảnh đó, Em đã làm tốt nhất những gì có thể.


Một cách vô thức, Em thường bị cuốn về phía những người từng bước qua chặng đường quá khứ không mấy bằng phẳng, cuốn về phía những cái tôi mang đầy tổn thương. Khi đứng trước họ, Em sẽ luôn dùng cái nhìn thấu suốt cùng sự bao dung mà đối đãi. Những người xung quanh Em có thể chỉ nhìn thấy hành động mà “những người không buông được quá khứ” kia đang làm là điều đáng phê phán. Còn Em, Em dùng con tim mình để nhìn nhận sự việc. Điều đó giúp Em vượt qua bề nổi của sự việc và đưa ra những đánh giá nhân ái hơn, đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu và cảm với họ, như thể chính em đang trải qua bước đường họ đã đi. Em dễ quên những điều người khác đã làm tổn thương đến Em, và cũng sẽ tha thứ cho họ rất nhanh, bởi trong từ điển thường nhật của Em, “chấp nhất”, “thù hận” luôn đồng nghĩa với “gánh nặng” và “đau khổ”. Mà Em thì không bao giờ muốn trái tim mình bị lấp đầy bởi những điều như vậy.


Thế nhưng, nếu lòng bao dung của Em chỉ được dẫn dắt bởi con tim mà thiếu đi sự phân tích sáng suốt của lý trí, Em sẽ bị đẩy vào những rắc rối không đáng có, mất nhiều thời gian và sức lực hơn. Ta cũng thấy rất nhiều khi người ta xem sự hiện diện của Em như là một điều hiển nhiên, và vì thế nên họ không bao giờ biết cách trân trọng. Ngược lại với những nỗ lực yêu thương, mong muốn giúp đỡ mà Em đã trao đi, điều Em nhận về không ít khi là thái độ vô tâm, thờ ơ, hờ hững, xem đó là “đương nhiên”, hoặc “không cần thiết”, hoặc biến Em thành “con người công cụ” – họ chỉ nhớ đến Em khi họ có việc cần nhờ vả!


Em có thấy mình ngày càng khó mở lòng để bước vào mối quan hệ mới sau quá nhiều lần nhận lại sự hụt hẫng như vậy?


Ta phần nào hiểu nỗi cô đơn mà Em mang. Không cô đơn sao được khi những cảm nhận chân thật, sâu lắng đến từng ngóc ngách, từng cung bậc cảm xúc nơi Em trong mắt người khác lại trở thành “quá nhạy cảm”“yếu đuối”“suy nghĩ thái quá”, hoặc thậm chí đôi khi là “lập dị”! Không cô đơn sao được nếu mong muốn được sẻ chia, được thấu hiểu nơi Em luôn bị đáp lại bằng những câu nói tưởng chừng hợp lý, hợp hoàn cảnh: “Mày suy nghĩ nhiều quá! Bớt bớt lại đi, nghĩ nhiều vậy có được gì đâu!”, “Nhạy cảm quá vậy?!”, “Mạnh mẽ lên chứ gì mà yếu đuối vậy?!”, “Chuyện bé tí teo như con kiến, có gì đâu mà phải lo lắng?!”. Những câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt song thực chất lại ẩn trong đó sự vô tâm của người đời, đến một lúc nào đó cũng thành công trong việc khiến Em tin rằng bản thân Em không bình thường, rằng Em phải tìm cách nào đó để khắc phục những “khuyết điểm” của mình. Đến cuối cùng, Em sẽ thực sự tin rằng bản thân Em không hề có chút giá trị, rằng “mình thực sự kém cỏi!”. 



Trong tình huống đó, thông thường chúng ta sẽ chọn cách hoặc giấu nhẹm những suy nghĩ trong lòng và sống khép kín trong thế giới của riêng mình – thế giới của cái tôi kém cỏi, nhạy cảm và suy nghĩ quá nhiều, hoặc cố gắng biến mình thành một con người hoàn toàn khác với chân ngã, để hòa mình vào số đông nhằm trốn chạy nỗi cô đơn. Ta hiểu đó có thể là những lựa chọn duy nhất mà Em có, và điều đó hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Bởi lẽ, khi buộc phải giấu nhẹm những suy nghĩ và sống trong chiếc vỏ ốc của chính mình, người ta có nguy cơ mất dần các kết nối với thế giới xung quanh, và luôn bị cái cảm giác thấy mình lọt thỏm giữa đám đông đeo bám. Nhưng sẽ ra sao nếu chọn cách sống dưới vỏ bọc của một con người lúc nào cũng phải gồng mình lên tỏ ra vui vẻ hòa đồng? Ta dám chắc tận sâu trong tâm can Em sẽ luôn là cảm giác mệt mỏi thường trực. Mệt mỏi vì không được sống là chính mình!


Ta hiểu việc nhìn nhận và đánh giá bản thân theo chiều hướng tiêu cực mà Em đã và đang trải qua hoàn toàn không phải là sự lựa chọn trong tự do của Em. Chúng ta đang sống trong một thế giới được vận hành bằng một loạt những tiêu chuẩn của số đông, mà trong đó “vui vẻ”“hoạt bát”“mạnh mẽ”“lạc quan” luôn là những giá trị được người ta xưng tụng và khuyến khích. Những giá trị đó dần trở thành một trong những khuôn mẫu để định nghĩa một con người, quyết định họ có được chào đón bởi đám đông hay không. Nó gạt những người thuộc về thiểu số ra khỏi cuộc chơi chung, làm thế giới đơn điệu hơn khi phủ nhận sự tồn tại của những cá thể thiểu số - mà thực chất là nhân tố rất cần để hình thành một thế giới đa nguyên. Nó cũng khiến Em thấy rằng, dù có cố gắng để bản thân mình cứng cáp, cố tỏ ra vui vẻ bao nhiêu chăng nữa thì vẫn không tài nào xóa được nỗi chênh vênh trong lòng.


Thật khó để tìm được cho mình một chỗ đứng thăng bằng và vững chãi khi bản thân đang thuộc về nhóm thiểu số chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng dân số thế giới phải không Em?


Trong đôi mắt Em Ta nhìn thấy những nỗ lực bền bỉ từng ngày để vượt qua cơn trống trải trong lòng, và thoát khỏi khối áp lực dai dẳng. Ta cũng hiểu Em đang làm tất cả những gì có thể để một ngày nào đó khi đứng trước người thân và bè bạn, Em không còn phải thu mình trong cái tôi “yếu đuối”“nhạy cảm”, song sẽ là một con người hoàn toàn mới, có thể tự nhiên thoải mái hòa mình vào đám đông. Ta đoán điều này chính là lý do khiến Em phải tự buộc chặt mình vào một loạt những quy chuẩn mà Em tự đặt ra cho chính mình.


Có bao giờ Em tự đặt câu hỏi rằng vì sao Em luôn thấy mình bị cuốn vào những mối quan hệ khiến trái tim Em khô héo đi từng ngày? Có bao giờ Em nhận ra mình dường như luôn tự nhận lấy tất cả lỗi lầm, hoặc dùng tất cả mọi lý do có thể xuất hiện trong đầu để biện minh, để tha thứ cho hành động sai trái của một ai đó? Em có thấy mình ngày càng mệt mỏi và kẹt mãi trong cái vòng lẩn quẩn của tổn thương – tha thứ - rồi lại tổn thương? Và dù nhận thức được rất rõ điều ấy, Em vẫn không có cách nào thoát ra, vẫn thấy mình nhiều lần dứt áo ra đi nhưng rất nhanh sau đó lại tiếp tục “quay về chốn cũ”?


Ta mong một lúc nào đó Em sẽ nhìn lại tình cảm mà Em đang theo đuổi, rằng Em đang tìm kiếm điều gì trong mối quan hệ ấy? Là cảm giác được yêu thương che chở? Chắc hẳn không, vì trái tim Em nhận được nhiều nỗi đau hơn là cảm giác ấm áp mà nó tìm thấy. Là nơi Em tìm thấy một tâm hồn đồng điệu và có thể cùng Em chia sẻ từng khoảnh khắc vui buồn của cuộc sống? Có lẽ cũng không nốt, vì Em vẫn một mình loay hoay với việc lo lắng cho người mình thương, một mình lạc lõng với những nghĩ suy chỉ của riêng Em.


Có phải Em đã từng đặt câu hỏi, rằng “Phải chăng khi đã có sự thấu suốt bước đường người đã đi qua, sau khi đã cảm lấy cái đau của người, buồn cùng giọt nước mắt của người, điều duy nhất còn lại nơi Em chỉ là sự đau khổ?”.


Em biết không, cái vòng lặp không hồi kết kia được tạo ra bởi bàn tay của Những Kẻ Ái Kỷ (Narcissists), khao khát giúp đỡ người khác, cùng lòng bao dung thiếu mất sự sáng suốt của lý trí trong Em. Họ đôi khi cũng có khả năng “đọc vị” cảm xúc của người đối diện chỉ trong vài tích tắc. Nhưng ngược với Em, họ sẽ chỉ dùng khả năng đó để đáp ứng những nhu cầu mang đậm màu ích kỷ của họ. Hãy hỏi chính lòng mình, Em đang tìm kiếm điều gì trong những mối quan hệ như vậy? Có phải Em tin rằng người mà Em đang gắn bó cũng thực sự yêu thương Em? Hay Em nghĩ họ từng trải qua nhiều tổn thương, những gì Em đang làm là một sự bù đắp tương xứng cho những gì họ đã trải qua? Hoặc, đâu đó sâu thẳm trong lòng mình Em vẫn nuôi hy vọng, thậm chí tin rằng một ngày nào đó – Em – sẽ là người có thể thay đổi được họ, chữa lành những tổn thương trong họ, đưa họ thoát khỏi cái bóng xấu xí của những chuyện đau buồn quá khứ?


Tỉnh lại đi các Chàng Trai/Cô Gái Thấu Cảm! Đừng tự biến mình thành chiếc máy ATM của lòng bao dung mà người ta có thể bòn rút vô tội vạ. Đôi khi Em phải để người ta tự học cách đứng dậy trên chính đôi chân của mình. Nó cũng giống như việc gà con nở ra từ trứng vậy. Những chú gà tự lực phá vỡ lớp vỏ cứng để chui ra ngoài thường có sức sống bền bỉ và lực sinh tồn mạnh mẽ trong thế giới tự nhiên. Còn những chú gà chào đời thông qua sự trợ giúp của bàn tay con người sẽ có sức sống và khả năng sinh tồn kém hơn. Con người ta cũng vậy, nếu họ có thể đứng lên từ vũng lầy của chính mình, Ta tin chắc họ đã tiến lên một tầm cao mới về sức mạnh nội tại, và không điều gì có thể cướp mất sức mạnh đó khỏi tay họ. Họ sẽ cứng cáp hơn, vững vàng hơn trước những sóng gió cuộc đời.


Ta hoàn toàn không có ý khuyên Em sống như một kẻ vô tâm, Ta đang nói đôi khiSống chân thành, sống tận tình tận nghĩa với đời vẫn, và sẽ luôn là giá trị trường tồn. Đó là điều sẽ khiến người ta nhớ về Em nhiều nhất khi Em và họ bị chia cách bởi không gian và thời gian.




Hãy cứ ở cạnh bên những người xung quanh và dành cho họ sự khích lệ động viên với tất cả sự chân thành những lúc họ yếu lòng, nhưng đừng xem đó như một nghĩa vụ rồi tự cột chặt mình vào đó. Em không phải là nhân vật phải thay người khác giải quyết những rắc rối trong cuộc đời của họ.


Có một câu nói thế này, “Người ta không thể trao đi cái mà bản thân họ không hề có”. Cũng vậy, Em không thể mang yêu thương thực sự đến cho người khác khi Em vẫn còn chưa biết cách yêu lấy chính mình. Ta mong Em sẽ không đánh đồng việc dành một không gian riêng, thời gian riêng cho bản thân với hành động ích kỷ. Ngược lại, đó là một nhu cầu chính đáng để Em có thể hồi phục lại năng lượng sau một ngày dài, tìm lại nhưng an yên trong lòng mình. Ta cũng mong Em sẽ phân tách rạch ròi giữa cảm xúc Em hấp thụ từ người khác, với những cảm xúc thực sự nảy nở từ trái tim Em. Khi đã phân tách rạch ròi, tự Em sẽ là người phải quyết định điều gì nên giữ lại, điều gì nên gạt đi. Và sau cùng, hãy giữ khoảng cách với Những Kẻ Ái Kỷ. Em có thể vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ bạn bè với họ, nhưng đừng để họ lèo lái Em theo cách họ muốn.


Thấu cảm luôn cần phải song hành cùng lý trí!


Viết cho Em, từ những năm tháng chông chênh đã qua.

Mèo Mun





Ghi chú dành cho bạn đọc:


-      Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn:

o  10 Traits of An Empath - Signs You Are A Highly Sensitive Person - Brain Dose

o  The Difference Between Highly Sensitive People and Empaths - Psychological & Educational Consulting

o  5 Signs You're an Empath – Psych2go

o  10 Reasons Why YOU SHOULD NEVER MESS with An EMPATH | The World's Highly Sensitive People - On Track

o  Why You Should Stop “Saving” People – Prince Ea


(*) Cũng có ý kiến cho rằng Empath đồng nghĩa với Highly Sensitive People. Xem thêm tại:

o  Top 4 Reasons Why an Empath Struggles In Life - Christina Lopes, DPT, MPH


- Hiện trên Google và YouTube có rất nhiều bài viết/clip xoay quanh chủ đề Người Thấu Cảm (Empath). Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm để rút ra kết luận cho riêng mình. =D

Bài viết mang quan điểm cá nhân của tác giả, chỉ mang tính chất tham khảo. Rất có thể bài viết vẫn còn nhiều chỗ chưa hợp lý cần được điều chỉnh. Rất mong quý độc giả sẽ đọc bài của Mèo Mun với tinh thần suy xét và đối chiếu với những nguồn đáng tin cậy khác. Hoan nghênh mọi góp ý và trao đổi của các bạn! =D


***********************************

Tác giả: Mèo Mun

Theo dõi tác giả tại: Mun và Những Vụn Vặt Nhân Gian

Nguồn ảnh: Lưu trữ cá nhân của tác giả + Ảnh 4: https://numinous.tv/love-buddah/


(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan