[Tản văn] “KHUÔN MẪU” NÀO CHO NHỮNG THÁNG NĂM RỰC RỠ?

Khuôn mẫu nào cho những tháng năm rực rỡ, hay nói cách khác là nó có tồn tại không?

“KHUÔN MẪU” NÀO CHO NHỮNG THÁNG NĂM RỰC RỠ?


Đến tầm 18 tuổi, tôi lại bắt gặp và đọc nhiều bài viết về cách trải nghiệm, cách học tập và cách sống để ít nhất là có mấy năm đại học “mỹ mãn”, có nhiều kỉ niệm và ra trường có thể kiếm được một công việc ổn định. Có thể vì tôi đang ở độ tuổi đó, nên những bài viết được “suggested” cho tôi cũng bao quanh những vấn đề đó. Còn tôi chưa đọc nhiều về những năm tháng sau trường đại học, khi có gia đình, khi về già, mà cũng có vẻ hiếm ai gọi những năm tháng rực rỡ là ngày nào khác nhiều như ngày tuổi trẻ. 


Ở môi trường đại học hiện tại, tôi càng thấy nhiều lộ trình được vẽ ra bởi những người đi trước, những lời khuyên lặp đi lặp lại, khoan hãy nói nó áp đặt hay không, nhưng hiếm ai có thể kiên trì đi theo một khuôn mẫu nhưng theo cách riêng của mình. Hóa ra, có khuôn mẫu chưa hẳn là xấu, vì là khuôn mẫu hay không thì phụ thuộc vào bản thân mình là chính, mà đôi khi, khuôn mẫu có thể là định hướng.

_____________________________


Tôi thường nghe người ta bảo tuổi trẻ là năm tháng rực rỡ nhất của đời người, phải sống trọn vẹn, phải sống hết mình, sống theo đam mê, sống trải nghiệm, vấp ngã đủ đường. Đôi khi nghe nhiều quá mà tôi thấy mỏi lắm, muốn buông xuôi nhiều, nhưng rồi cái ý nghĩ rằng tuổi trẻ của mình sẽ “không-rực-rỡ-bằng-người-khác” mà tôi lại lồm cồm bò dậy để học, để làm, để nghĩ rằng mình đang bước tiếp, để tự động viên rằng bản thân sẽ bước con đường riêng cách mình mong muốn. 


Có những ngày, tôi “thực tế” đến độ chỉ nghĩ về việc mình sẽ có được bao nhiêu kiến thức sau ngày hôm nay, mình sẽ hơn ai, sẽ hoàn thành được mấy đầu việc trong to-do list. Tôi cứ sợ vội, sợ không kịp, sợ trong khi mình biếng nhác thì có người khác đang nỗ lực không ngừng. Rồi có những ngày chợt khựng lại, tôi giật mình không hiểu bản thân đang làm gì, đang theo đuổi một thứ trên mây nào đó, rõ ràng trong mơ hồ. Có bận tôi cũng tự hỏi: “sao phải lao động không ngừng như thế?”. Vì ai cũng lao động? Vì lao động là nhiệm vụ chính của con người? Hay tôi đang lao động để lấp đầy khoảng trống thời gian, để trốn tránh khỏi khỏi suy nghĩ nhìn nhận thông suốt về bản thân mình? 



Tôi nghĩ rằng, với điều kiện làm được thứ này, có kĩ năng kia, cầm được tấm bằng, trải nghiệm được một vài điều, thì sau 4 năm đại học, tôi cũng sẽ “check” vào được những đề mục (mà tôi cho là sẽ làm nên những tháng năm rực rỡ, một phần dựa vào lời khuyên của người khác) như tôi đang làm một cách tự động với to-do list hằng ngày. Cũng có thể tôi thích làm những điều đó thật, nhưng cách tôi làm thì có vấn đề: tôi nhìn người khác rồi làm, chứ không tự mình làm trước khi hỏi han và học hỏi quá nhiều từ người khác. Nhiều khi, tôi đã đánh mất cơ hội được thử và sai, chăm chăm nhìn về thành tích phía trước thay vì tận hưởng hành trình. Tôi cần phá bỏ khuôn mẫu trong suy nghĩ và hành động của mình, thay vì phê phán những con đường tốt đẹp của người đi trước. Câu chuyện giờ đây quay về việc tìm hiểu chính bản thân mình. 

_____________________________


Tuổi trẻ tôi đang trải qua từng ngày cũng có những khoảnh khắc tuyệt vời. Đó là sự cuồng nhiệt vì những sự làm-học-yêu-sống. Có ngày tôi định nghĩa sự rực rỡ bằng sự bận rộn, sự quay cuồng, hoặc những ngày thấm mồ hôi, sôi nước mắt, là những niềm vui không cất lên lời khi tìm thấy và yêu thương chính mình. Cả tình yêu chớm nở rồi giữ cho riêng mình, đẹp thật đấy, mà sao hay nhớ về những kỉ niệm buồn hơn là vui?


Người ta thường gọi đó là rực rỡ bởi kí ức về những năm tháng ấy hiển hiện và in đậm nhất trong đầu họ, cả những tổn thương, những bải hoải tưởng chừng không đứng dậy đi tiếp được. Đầy đủ gia vị đắng cay mặn ngọt, sao không nhớ cho được, nhưng mà ta cũng cứ luôn luôn muốn chỉ tuổi trẻ của mình có những vị đó, muốn phải có hết tất cả những điều đó chỉ trong một khoảng thời gian là vì sao?


Khi tôi xem video có tựa đề: “ask 5-75, what is your biggest regret?”, lạ một điều là những người trẻ thường hối tiếc những việc đã làm, người lớn tuổi sẽ hối tiếc về những việc mình đã không làm. Có lẽ vì khi già nhìn lại là lúc người ta đã lao lực thể trí, chẳng thể tung tăng khắp chốn, cũng quá mệt để nghĩ rằng ai hơn thua ai nữa, nên nghĩ rằng “có những việc đáng nhẽ mình nên làm để có một thời trai trẻ rực rỡ”. Còn lúc trẻ, ta nghĩ rằng “đáng nhẽ mình nên/phải làm việc này để những tháng năm rực rỡ hơn”. 



Nhưng mà, người ta cứ ấn định tuổi trẻ là những tháng năm rực rỡ ý nhỉ, sao không phải là tuổi thơ, là tuổi già, hay nói cách khác, ngày nào cũng có thể là ngày rực rỡ, phải không? 

_____________________________


Đọc đến đây, bạn có thấy tôi viết những điều bạn chẳng thể áp dụng được vào việc làm cho tuổi trẻ của bạn trở nên rực rỡ hơn mà chỉ khiến bạn suy nghĩ nhiều hơn không? Vì không có khuôn mẫu nào cho tuổi trẻ, định nghĩa rực rỡ cũng không áp dụng cho tất cả mọi người. Khuôn mẫu cũng được, không cũng không sao, rực rỡ theo cách nào cũng được, rực rỡ đến mức độ nào, đến khi nào, miễn là mình thấy vui, thật vui là đáng làm rồi. Nếu làm việc mà không thấy vui thì sẽ phí phạm đời mình. Đừng lãng phí cuộc đời mà hãy vui chơi đi, tiện thể nghĩ ra một vài ý tưởng, một vài khuôn khổ do chính bản thân và cho chính mình. 



Chờ những tháng năm rực rỡ đến bao giờ? Đừng chờ. Thay vào đó, bạn có thể tự nhủ hằng ngày rằng bạn là cội nguồn của những điều đẹp đẽ, rằng rực rỡ hay ko vẫn luôn là lựa chọn của chính bạn ngày hôm nay. Ngày nào cũng vậy. Dần dần, cả đời là những tháng năm rực rỡ. Tuổi thơ sẽ không ngóng chờ năm tháng rực rỡ là cái chi mà chạy vội từ lớp học về nhà rồi lại đến lớp, những người trẻ cũng chẳng xô bồ vội vã góp mặt tứ phía để gom góp kinh nghiệm và trải nghiệm, cả những người già sẽ thấy cuộc đời phía trước còn dài, còn nhiều niềm vui chứ không cần ngoảnh đầu hoài niệm mãi về tuổi xuân. Khi ta thay đổi nhận thức rằng mỗi ngày đều là tháng năm rực rỡ thì sẽ chính là vậy.

_____________________________



Tác giả: liberatesoul

Theo dõi tác giả tại: chuyện của N

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT

BẢN THẢO
Bài viết liên quan