Tạo Hóa Không Cho Phép Con Người Tận Hưởng Hạnh Phúc – Vì Sao?

Quy luật tiến hóa không cho phép con người luôn được tận hưởng hạnh phúc. Tôi đã luôn tự hỏi cái cảm giác khi đột nhiên trúng vé số và sở hữu một khoản tiền lớn đến mức chẳng thể …

Quy luật tiến hóa không cho phép con người luôn được tận hưởng hạnh phúc.


Tôi đã luôn tự hỏi cái cảm giác khi đột nhiên trúng vé số và sở hữu một khoản tiền lớn đến mức chẳng thể nào xài hết sẽ như thế nào. Tôi sẽ chẳng bao giờ trúng vì tôi không chơi vé số. Nhưng dĩ nhiên, với những người thường xuyên mua vé số, vận may cũng chưa chắc sẽ đến.


Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng buồn. Mặc dù rất khó tin, nhưng sự thật là những người trúng số thường chẳng hạnh phúc hơn so với trước khi trúng giải, một số thậm chí còn trở nên bất hạnh. Ngày nhận được số tiền thưởng là một ngày tuyệt vời với họ. Tuy vậy, sau một đến hai năm, hầu hết đều đã thích nghi với nếp sống mới, và mức độ hạnh phúc của họ lại trở về như lúc chưa trúng số. Họ có thể lái một chiếc xe hơi mới toanh xịn sò nhưng tâm trí họ vẫn chẳng thể thoát khỏi những lần bực dọc vì kẹt xe trên đường.


Tệ hơn nữa, việc trúng số không chỉ đem lại cho họ một khoản tiền đáng mơ ước, mà còn khuyến mãi cho họ thêm vài vấn đề. Đó là khi những người thân và bạn bè nhiều năm không gặp bỗng nhiên nay lại “nhớ” đến bạn và muốn cùng bạn “san sẻ” niềm vui này. Như chia sẻ của Sandra Hayes vào năm 2006, sau khi thắng được 224 triệu đô la Mỹ từ tờ vé số Missouri, những người thân yêu của cô “cứ như biến thành ma cà rồng, cố gắng hút cạn nguồn sống của tôi”.


Sự thật đáng buồn là khi những ước mơ trở thành hiện thực, chúng ta thường không hạnh phúc như ta vẫn tưởng. Đi kèm với những thành tựu mà vừa đạt được sẽ là những thách thức còn khó khăn hơn mà ta phải đối mặt. Như trong một câu ngạn ngữ Đức: “Niềm vui lớn nhất nằm ở sự mong đợi”. Điều này đúng với thực tế hơn so với viễn cảnh “hạnh phúc mãi mãi về sau” mà những bộ phim Disney thường vẽ ra.


Vì sao tiến hóa lại giở trò bịp bợm này với chúng ta? Vì sao nó lại gieo vào đầu ta ước mơ về một hạnh phúc viên mãn cả đời làm phần thưởng khi hoàn thành những mục tiêu trong cuộc sống, để rồi lại chẳng thể cho ta thứ mà nó đã hứa hẹn?

Câu trả lời chính là: tiến hóa không quan tâm liệu loài người có đang hạnh phúc hay không, nó chỉ cần ta hoàn thành tốt chức năng duy trì nòi giống. Hạnh phúc là công cụ mà nó sử dụng để thúc đẩy con người thực hiện những gì có lợi nhất cho bộ gene của giống loài mình. Nếu chúng ta đạt được hạnh phúc viên mãn lâu dài, chẳng phải tiến hóa sẽ mất đi công cụ hữu hiệu nhất của mình rồi sao?

Cái giá của động lực


Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của câu khẳng định trên, chúng ta sẽ xem xét ví dụ sau đây. Hãy tưởng tượng có hai người tiền sử tên là Thag và Crag sống ở thế Pleistocene (kỷ băng hà) trong lịch sử. Hai người họ đều thực hiện được ước mơ của bản thân là tự mình săn được một con voi ma-mút. Như mong đợi, cả hai đều vô cùng hạnh phúc và trở thành người hùng của bộ tộc mình.


Điều khác biệt là, Thag vẫn giữ được cảm xúc hạnh phúc đó rất lâu trong khi Crag đã trở về trạng thái ban đầu chỉ sau một tuần. Vì vẫn chìm trong lâng lâng vui sướng, Thag bỏ bê việc săn bắn, cứ thế nằm trong động và nhớ lại chiến tích của mình. Crag, ngược lại, dấy lên khao khát muốn chinh phục lần nữa. Anh ta muốn săn một con voi ma-mút khác, thế nên anh lại ra ngoài. Và cứ thế, những chiến tích liên tiếp của Crag khiến anh nhận được sự tôn kính từ bộ tộc và được bạn tình chú ý. Có thể nhờ thế mà Crag còn được nhường vị trí ngủ gần đống lửa hơn.

Trong khi đó, anh chàng Thag ngập tràn hạnh phúc của chúng ta dần mất đi sự quan tâm của bộ tộc vì sự kém năng suất của mình. Chẳng ai còn muốn nghe chuyện săn ma-mút khi xưa của anh ta nữa. Lúc này họ chỉ còn dành cho Thag một câu hỏi muôn thuở: “Gần đây anh đã làm được gì cho chúng tôi?”

Anh ta sẽ chẳng quan tâm điều đó – vì trong lòng anh ta vẫn đầy hạnh phúc – nhưng rồi những hệ quả về mặt xã hội và chức năng duy trì nòi giống sẽ đến. Và kết quả là, sẽ có ngày càng ít những người như Thag tồn tại qua quá trình chọn lọc tự nhiên.

Chúng ta có thể thấy mô típ tương tự trong xã hội hiện đại khi xem xét về hiệu quả tạo động lực mà hạnh phúc tạo ra theo thời gian. Những người cảm thấy cực kỳ hạnh phúc trong cuộc sống thường không đạt được nhiều thành tựu, đơn giản vì họ không cần chúng. Ngôi sao giới truyền thông Ted Turner đã nói: “Khó có thể tìm được một người thành công xuất chúng nào không cần đến sự tự ti của mình để làm động lực vươn lên”.

Những kết quả thống kê cũng cho thấy xu hướng đó. Trong một nghiên cứu của Shigehiro Oishi thuộc Đại học Virginia, các nhà nghiên cứu đã thu thập kết quả tự báo cáo về mức độ hạnh phúc của những người tham gia vào giữa những năm 1980. Sau đó, họ so sánh với thu nhập mà những người đó làm ra được trong đầu những năm 2000. Họ nhận thấy rằng những người cảm thấy không hạnh phúc kiếm được ít tiền hơn so với những người hạnh phúc. Kết luận không mấy ngạc nhiên: Những người cảm thấy hạnh phúc thường có nhiều năng lượng và cảm xúc tích cực hơn những người bất hạnh, thế nên họ kiếm được nhiều tiền hơn.

Tuy nhiên, có một phát hiện quan trọng hơn: 15 năm sau, những người tự đánh giá mức độ hạnh phúc của mình ở mức trung bình kiếm được nhiều tiền nhất trong số những người tham gia, trong khi thu nhập của những người cực kỳ hạnh phúc lúc này chỉ ngang ngửa với người bất hạnh.

Rõ ràng là, một ít niềm vui trong cuộc sống sẽ giúp bạn thành công, nhưng quá nhiều thì không tốt cho tài chính của bạn. Đây là lý do vì sao tiến hóa tạo ra chúng ta là những sinh vật hạnh phúc một cách hợp lý, với những khoảnh khắc vui sướng dâng trào nhưng sớm tan biến khi chúng ta trở về mức độ hạnh phúc cơ bản của cá nhân.

Rất nhiều chuyên gia self-help sẽ muốn chúng ta tin rằng mục tiêu tối thượng của con người là đạt được hạnh phúc viên mãn dài lâu. Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh tiến hóa, đó là điều không thể đạt được và cũng chẳng đáng để mơ ước. Cảm xúc hạnh phúc tồn tại qua quá trình tiến hóa vì một mục đích – thúc đẩy chúng ta bước ra khỏi hang và đi săn con voi ma-mút của chính mình, chứ không phải để ta đắm chìm và tận hưởng. Nhưng hạnh phúc không chỉ đơn giản là một động lực thúc đẩy; nó còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ hài hòa giữa tâm trí và cơ thể.

Hãy cùng tìm hiểu vì sao cảm xúc hạnh phúc lại quan trọng đối với đời sống của con người đến vậy, kể cả với những người gần đất xa trời và có thể còn hay cáu kỉnh, cục mịch với người khác.

Mối liên hệ giữa Hạnh phúc với Tuổi Tác và Sức Khỏe

Các nghiên cứu đã cho thấy rằng, người cao tuổi có xu hướng nhớ về những sự kiện tích cực trong cuộc đời nhiều hơn những sự kiện tiêu cực, trong khi ở người trẻ thì có sự cân bằng giữa cả hai. Lý thuyết tâm lý học có ảnh hưởng nhất thời bấy giờ giải thích điều này rằng, người cao tuổi ý thức được về khoảng thời gian ít ỏi còn lại của mình nên họ ưu tiên cho những trải nghiệm mang lại cảm xúc tích cực.

Nhưng khoảng một thập kỷ trước, tôi đã được làm việc với nhà sinh học Robert Trives về ý tưởng của ông cho rằng có cơ sở tiến hóa cho hiện tượng tăng cái nhìn tích cực ở người cao tuổi. Nghiên cứu này đã giúp chúng tôi khám phá ra cách mà cơ thể chúng ta sử dụng năng lượng của nó.

Khi tổ tiên của chúng ta cần một lượng năng lượng nhiều hơn bình thường, có thể là trong các tình huống khẩn cấp như khi bị đuổi bởi một con hổ răng kiếm, thì họ lấy nó ở đâu? Họ có thể mượn nguồn năng lượng của não bộ được không? Không. Não bộ sử dụng 20% sản phẩm của quá trình trao đổi chất trong cơ thể, và con số này ổn định dù là khi ta đang cật lực giải bài tập hay thảnh thơi xem ti-vi. Bởi vì nhu cầu năng lượng liên tục này của não bộ, ta không thể lấy đi năng lượng mà nó đang sử dụng để phục vụ cho mục đích khác.

Hay ta có thể mượn năng lượng từ các cơ bắp? Bởi vì cơ bắp chỉ sử dụng nhiều năng lượng khi cơ thể vận động, còn khi nghỉ ngơi thì không cần dùng tới. Vậy nên theo nguyên tắc thì ta có thể mượn nguồn năng lượng này khi cơ thể không vận động. Nhưng vấn đề là, hầu hết các tình huống khẩn cấp đòi hỏi nguồn năng lượng tức thì mà tổ tiên ta gặp cũng đòi hòi phản ứng của cơ thể – tức là phản ứng của các cơ bắp. Vì thế, các cơ bắp lúc đó không có dư năng lượng cho chúng ta mượn.

Tất cả những lý do trên đưa chúng ta đến hệ miễn dịch – nơi sử dụng năng lượng để bảo vệ ta khỏi bệnh tật. Cũng như não bộ, hệ miễn dịch sử dụng một lượng rất lớn năng lượng, nhưng chủ yếu dùng cho việc phòng ngừa bệnh, giúp chúng ta khỏe mạnh trong tương lai. Và bởi vì chúng ta có một lượng lớn tế bào miễn dịch chạy khắp cơ thể, nên nếu tạm thời cắt giảm cũng không gây ra vấn đề gì lớn. Thế nên câu trả lời chính là hệ miễn dịch. Khi cơ thể cần đến một nguồn năng lượng tiếp trợ khẩn cấp, nó sẽ tìm đến đây.

Khi bị đuổi bởi một con hổ dữ tợn hay chiến đấu với kẻ thù, bạn không cần phí năng lượng cho hệ miễn dịch để nó phòng ngừa bệnh cảm cho mình vào ngày mai. Điều bạn cần làm là chuyển hết năng lượng tập hợp được vào chân, và hy vọng rằng mình còn sống để được bệnh thêm vài lần nữa.

Và kết quả là, hệ miễn dịch của chúng ta đã tiến hóa để hoạt động hết công suất khi chúng ta thấy hạnh phúc, và trì trệ khi chúng ta buồn bã, lo lắng, sợ hãi… Đây là lý do vì sao nỗi muộn phiền dai dẳng thực sự có thể giết chết ta thông qua hiệu ứng suy giảm hệ miễn dịch của nó, đồng thời giải thích vì sao sự cô đơn ở tuổi cao niên còn nguy hiểm đến tính mạng hơn cả thuốc lá. Thực vậy, khi chạm đến ngưỡng cửa 65, việc tụ tập bạn bè hút thuốc, nhậu nhẹt, ăn uống vô độ vẫn tốt hơn so với việc thu rút xã hội và tự giam mình ở nhà một mình.

Với nền tảng lý thuyết này, Trivers đặt giả định rằng những người cao tuổi, qua quá trình tiến hóa, đã phát triển được một chiến lược ứng dụng mối liên hệ trên: tập trung vào những điều tích cực để tăng hiệu quả chức năng miễn dịch. Hiểu biết sâu sắc về thế giới tích lũy được trong quá trình sống càng giúp họ thực hiện điều này dễ dàng hơn, vì họ không cần phải chú ý quá nhiều về những chuyện xảy ra xung quanh. Ví dụ, khi phải tương tác với một nhân viên ngân hàng khó chịu hay một cô tiếp viên hàng không căng thẳng, người cao tuổi có cả một kho kinh nghiệm để tham khảo, và nhờ thế ứng phó hiệu quả mà không cần suy nghĩ nhiều. Và kết quả là họ không bị vướng bận bởi những sự kiện và trải nghiệm không vui trong cuộc sống của mình.

Cún con và Máy bay rơi

Giả thuyết của Trivers sau này đã được kiểm nghiệm bởi học trò của tôi – nghiên cứu sinh tiến sĩ Elise Kalokerinos. Trong suốt một năm trong phòng thí nghiệm, cô cho những người tham gia trẻ tuổi và cao tuổi của mình xem một số bức ảnh về những thứ tốt đẹp (như một rổ cún con đáng yêu) và những thứ tồi tệ (như vụ nổ máy bay). Sau đó cô kiểm tra trí nhớ của họ về các bức ảnh.

Đúng như dự đoán, những người tham gia trên 65 tuổi có xu hướng nhớ về những chú cún nhiều hơn vụ nổ máy bay (điều này gợi ý rằng họ tập trung vào những thứ tích cực nhiều hơn), trong khi những người trẻ nhớ cả hai thứ ngang nhau.

Sau đó, Kalokerinos yêu cầu những người cao tuổi quay lại phòng thí nghiệm vào một hay hai năm sau để xét nghiệm máu và đánh giá chức năng hệ miễn dịch của họ.

Hệ thống miễn dịch rất phức tạp, nhưng trong nghiên cứu ban đầu này, chúng tôi chỉ tập trung vào một loại tế bào bạch cầu tên là CD4+. Những tế bào này hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách kích hoạt những tế bào bạch cầu khác (tế bào B) sản xuất ra kháng thể. Kalokerinos phát hiện ra rằng có mối liên hệ giữa việc nhớ những thứ tích cực thay vì tiêu cực với số lượng tế bào CD4+ trong máu cao hơn và mức độ hoạt động của CD4+ thấp hơn.

Số lượng tế bào CD4+ cao cho thấy rằng cơ thể đang trong điều kiện tốt để sẵn sàng chiến đấu với bệnh tật. Ngược lại, mức độ hoạt động cao của CD4+ cho thấy cơ thể đang bận tiêu diệt các vi khuẩn hay vi-rút gây bệnh truyền nhiễm, có nghĩa là cá thể đang trong tình trạng sức khỏe kém. Nói cách khác, lưu giữ những ký ức tươi đẹp sẽ giúp người cao tuổi khỏe mạnh hơn trong một hay hai năm tiếp theo. Mối liên hệ thuận chiều giữa tính tích cực và nồng độ CD4+ đã củng cố thêm cho giả thuyết rằng tập trung vào những thứ tích cực có thể tăng cường hệ miễn dịch.

Kết quả của nghiên cứu này đi ngược lại với giả thuyết cho rằng người cao tuổi sống tích cực hơn vì nhận thức được về sự hữu hạn của cuộc đời mình. Nhưng nó nhất quán với những nghiên cứu khác chứng minh rằng hạnh phúc có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và tuổi tác.

Ví dụ như trong một nghiên cứu nọ, khi nhà nghiên cứu cho những người tham gia tiếp xúc với vi-rút cảm cúm, họ thấy rằng những người sống vui vẻ và có nguồn lực xã hội tốt ít bị mắc bệnh hơn so với những người bất hạnh và ít nhận được sự hỗ trợ từ các mối quan hệ xã hội. Mặt khác, người hạnh phúc cũng hồi phục vết thương nhanh hơn (vết thương không nghiêm trọng và được thực hiện với mục đích khoa học, không nhằm gây hại tới người tham gia).

Hiệu ứng này cũng có ở “họ hàng” của loài người chúng ta. Trong số những con khỉ hoang dã sống tại vùng núi Morocco, những con có mối quan hệ gắn bó với đồng loại có phản ứng căng thẳng sinh lý thấp hơn khi gặp thời tiết xấu hay khi đối diện với sự hung hăng của các con khỉ khác. Vấn đề then chốt ở loài khỉ và cả loài người chính là tình bạn và sự hỗ trợ xã hội. Những mối quan hệ hiệu quả mà ta có trong cuộc sống hỗ trợ rất nhiều đối với hoạt động của hệ miễn dịch.

Chấp nhận cả sự tích cực lẫn tiêu cực

Nói tóm lại, mục đích của hạnh phúc là gì? Như bạn đã thấy, không hề có câu trả lời duy nhất cho câu hỏi này. Một mặt, hạnh phúc tạo động lực cho chúng ta làm những việc nhằm duy trì sự sống và thực hiện tốt chức năng duy trì nòi giống, mặt khác, nó giữ cho ta khỏe mạnh. Nhưng hạnh phúc bản thân nó không phải là một đích đến.

Tiến hóa thường bắt con người phải hy sinh hạnh phúc của mình vì những mục tiêu khác. Như việc những người chưa từng trải qua cảm giác thất bại, giậm chân tại chỗ hay tuyệt vọng sẽ đánh mất một cơ hội quý báu để học được cách nhìn người, xử lý tình huống và đánh giá sự việc. Thực vậy, cảm xúc tiêu cực cũng quan trọng như cảm xúc tích cực, đôi khi còn quan trọng hơn. Và những bài học mà thất bại đem lại cho ta còn nhiều hơn những gì mà thành công có thể dạy.

Dịch: Lyo Kiu

Biên tập: Hương

Minh họa: Gia Khánh

Nguồn: http://discovermagazine.com/2019/march/the-happiness-dilemma

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan