Tất cả những nhà trị liệu đều là người đã từng bị thương

Nghĩa là người bị thương có thể trở thành nhà trị liệu thực sự cho bất cứ ai. Vì họ có thể hiểu được sự đau đớn của người khác cũng giống như sự đau đớn của chính mình

Carl Jung đã từng nói: “Tất cả những nhà trị liêụ điều là người đã từng bị thương.”


Nghĩa là người bị thương có thể trở thành nhà trị liệu thực sự cho bất cứ ai. Vì họ có thể hiểu được sự đau đớn của người khác cũng giống như sự đau đớn của chính mình. Nhà trị liệu thật sự là người chữa trị cho những người khác bằng việc phục hồi vết thương của mình.


Một nghiên cứu tâm lý học ở Mỹ (1993) tìm ra rằng những người làm việc trong ngành trị liệu tâm lý, nghiên cứu tâm lý cũng như liên quan đến tâm lý chuyên nghiệp đều từng lớn lên hoặc trải qua những nỗi đau trong thời thơ ấu.


Thực nghiệm trên so sánh những nhà trị liệu và những người làm khác ngành, kết quả cho thấy các nhà tâm lý thường có tỉ lệ từng bị lạm dụng thân thể hoặc cảm xúc, từng sinh ra trong gia đình đổ vỡ hoặc mất đi người thân, từng có bố mẹ nghiện ngập hoặc không đảm bảo một gia đình êm ấm, no đủ kinh tế; hoặc từng có gia đình mà người thân mà bố mẹ từng có tiền sử bệnh tâm lý/tâm thần. Khi lớn lên, những đứa trẻ này tìm đến ngành tâm lý học như một cách tự chữa trị cho sự thiếu vắng tình cảm trong tâm hồn mình.


Tuy nhiên, những người làm việc trong ngành nghề khác vẫn có những nền móng tuổi thơ bất hạnh, nhưng tỉ lệ này ở những nhà trị liệu tâm lý là rất cao, hầu như số đông đều bắt gặp một hoặc vài nguyên nhân kể trên.


Một nhà trị liệu tâm lý gia đình từng phát biểu đâu đó rằng: "Tôi luôn muốn làm việc với một người trị liệu đã từng trải qua các triệu chứng tâm lý và từng chịu đựng nỗi đau của sự cô độc. Với những trải nghiệm đó, họ trở nên thấu hiểu hơn với nỗi đau của người khác, họ cảm nhận được nỗi đau mà người trị liệu đang phải chịu đựng, vì đó là những gì họ đã từng phải chiến đấu qua.”

Nếu như bạn đã từng nghĩ hoặc nói rằng, “các nhà tâm lý học” có bao giờ bị trầm cảm không? Thì câu trả lời là không những họ từng cảm thấy chán nản về cuộc sống, mà một trong số họ từng là những đứa trẻ luôn phải chiến đấu với cảm xúc của mình, nhiều người thậm chí từng bị nghiện, từng tự làm đau bản thân, từng có suy nghĩ về cái chết, từng trải qua những mối quan hệ xã hội mà họ không biết cách xử lý,…


Có một thứ mà mình nghĩ một người muốn trở thành một bác sĩ tâm lý cần và luôn có sẵn, đó là “trí tuệ cảm xúc” - họ dễ dàng đọc được cảm xúc của người khác bằng cách đem chính bản thân mình ra soi.


Tuy nhiên, nếu như một người không thể hoặc chưa thể thoát ra khỏi những thống khổ của bản thân mình và bước vào ngành học này chỉ để chữa trị cho mình, họ có thể không thể tập trung hoàn toàn vào việc chữa trị. Cũng như họ thiếu đi cái nhìn về những vấn đề tâm lý không liên quan nhiều tới vấn đề rắc rối mà họ đang muốn giải quyết trong tâm.


Ngoài ra, các nhà trị liệu tuy đã từng chịu đựng nhiều tổn thương trong quá khứ nhưng khi trưởng thành họ thường ít bị rối loạn lo âu hơn, ít bị trầm cảm hơn, khó bị rối loạn giấc ngủ hơn và mối liên hệ với xã hội trở nên tốt hơn so với những người không làm trong ngành này. Một nghiên cứu khác cho thấy những người trị liệu tâm lý thường có tỉ lệ chịu đựng áp lực và cảm xúc u uất như những người trái ngành khác, tuy nhiên họ luôn biết cách sử dụng các phương pháp cải thiện tâm lý hiệu quả. Một yếu tố khác chứng minh cho việc họ có thể cải thiện được cuộc sống tinh thần của bản thân tốt hơn là vì đây là ngành cần rất nhiều học thuật và nghiên cứu, những người theo đuổi ngành này thường là người có văn hoá cao và khả năng xoay sở trong các tình huống, theo đó có khả năng kinh tế không quá kém để có thể điều chỉnh cuộc sống cá nhân và các mối quan hệ (Norcross, 1986).


Anna Freud cũng từng nói: "Muốn trở thành một người trị liệu tâm lý bạn phải có cái nhìn rộng mở về thế giới, bạn không được mang theo bất kì định kiến nào về con người. Bạn không được có suy nghĩ đánh giá câu chuyện của bất cứ ai."


Lúc mình ngồi ở giảng đường đại học tại Anh, giáo sư môn Tâm lý học lâm sàng trong lúc giải lao đã nói với cả một khán phòng rằng: thực ra việc học và biết đến những kiến thức này trước tiên là để các bạn tự thấu hiểu chính mình. Để biết rằng bạn thực sự là ai? Bạn có thực sự là chính mình hay đang bị vùi lấp giữa những định kiến xã hội và mong muốn của những người xung quanh? Việc thấu hiểu bản thân cũng là một trong những điều cần thiết để các bạn có thể giúp đỡ tinh thần của người khác trong tương lai.


Trong 4 năm ở trường đại học, tất cả các giao sư ở khoa Tâm lý và xã hội của mình đều rất kiên nhẫn, rất hỗ trợ sinh viên. Dù các vấn đề liên quan đến học tập, bài luận văn, các tài liệu,..cho đến các vấn đề như cuộc sống xa nhà, cuộc sống ở trường đại học, hay việc cho các lời khuyên về tương lai. Thậm chí họ trả lời từng email ngắt quãng, cả trong lúc đang có kì nghỉ, hay sáng sớm hay tối khuya, từng câu hỏi rất ngố và đôi đứa còn viết sai cả tiếng Anh trong email. Mình cảm nhận được rằng họ dạy sinh viên bằng cả trái tim, họ muốn những người trẻ ngồi trên giảng đường nhận được sự dịu dàng và thấu hiểu nhất của họ (như cách họ muốn nhận được khi còn trẻ). Có lẽ nếu thiếu đi sự đồng cảm, sự thấu hiểu bản thân, họ sẽ không thể dành sự nhiệt huyết đó cho những người trẻ lì lợm như chúng tôi.


Nguồn: Mental Health Professionals Versus Non-Mental-Health Professionals: Childhood Trauma and Adult Functioning (Elliott, Diana M. ; Guy, James D. 1993 )

Nguyen Le Hoai Thuong,

Psychology facts - Tâm lý học Việt Nam

Follow us on Instagram: @psychofacts_tamlyhocvietnam

BẢN THẢO
Bài viết liên quan