Tết Nay Liệu Có Còn Vui Như Tết Xưa?

Ai đã làm cho cái tết của chúng ta trở nên vô vị? Ai đã lấy đi cái hương vị tết ngày xưa của chúng ta?


"Tết nay có thực sự không còn vui hơn tết xưa?"  

Đó là câu hỏi luôn hiện hữu trong đầu tôi mỗi dịp Tết đến. Bởi vì lúc đó, tôi luôn nhận được những lời than thở, kêu ca của nhiều người về một cái tết nhạt nhẽo và buồn chán.


 "Tết nay chán quá, chẳng có gì vui."


"Thèm lắm cái hương vị tết ngày xưa, mọi người được quây quần bên nồi bánh chưng, không như bây giờ ai cũng dí mắt vào điện thoại, chẳng ai nói với ai lời nào."


Có lẽ chẳng ai còn xa lạ với những lời ca cẩm như vậy nữa nhỉ? Vì đôi khi chính chúng ta đã từng nói như thế, cả tôi nữa, tôi cũng đã từng chán ghét và than thở đủ điều mỗi dịp tết đến. Nhưng tôi không muốn chịu cái cảm giác ấy mỗi khi xuân về, thế là tôi bắt đầu nghiêm túc tự đặt câu hỏi cho chính mình. 


"Tại sao tôi lại không cảm nhận được hương vị ngày tết trong những năm gần đây? Tại sao tôi lại cảm thấy chán trong mỗi dịp tết?"


Tôi nhận ra một điều, thực ra chúng ta luôn than thở và thấy chán vào những ngày đầu xuân của năm mới, nhưng lại luôn háo hức, sắm sửa, chờ đợi một cái tết vào những ngày cuối năm. Chẳng phải bạn đã phải chạy hết chợ này, shop kia để tìm cho được chiếc vali ưng ý, hay tìm tung cái Shopee, Lazada chỉ để tìm mấy cái áo khoác, áo len để về mặc đi chơi tết sao? Chẳng phải bạn đã háo hức đi mua vé tàu, vé xe hay máy bay và chờ đợi từng ngày để được về quê? Bao nhiêu cảm xúc dâng trào, lâng lâng khó tả cuốn lấy bạn vào những ngày tháng cận kề ấy. Thế rồi, điều gì đã khiến bạn chán nản khi vào dịp đầu năm? Vào những ngày ấy, cái facebook của tôi bỗng đầy rẫy lời than thở, trách móc rằng tết thời nay không còn vui nữa, rồi lơ mơ kể lể về cái tết thời còn bé xíu và không ngừng thốt lên "thèm cái hương vị tết ngày xưa".


Vậy, có thật là tết thời nay không còn vui hơn tết xưa nữa không? Và nếu thực sự là như vậy thì chúng ta đang trách móc ai? Ai đã làm cho cái tết của chúng ta trở nên vô vị? Ai đã lấy đi cái hương vị tết ngày xưa của chúng ta? 

Là thời gian, là những sự đổi mới xung quanh chúng ta, là những người quen của chúng ta bỗng trở nên khác đi?


KHÔNG! LÀ DO CHÍNH CHÚNG TA. 


Thực ra, tết vẫn ở đấy, và vẫn nguyên vẹn như xưa. Vẫn hai ba tết cúng ông táo, vẫn hoa đào, hoa mai, cây quýt, xôn xao người đứng mua. Vẫn cây nêu rực cả hai con đường vào mỗi tối. Rồi chợ tết ngày nào cũng đông đúc, chen chúc muốn nghẹt thở. Vẫn đồ ăn truyền thống theo từng vùng miền. Bánh chưng xanh là thứ không thể thiếu. Và những phong tục trong ngày tết vẫn được diễn ra; tảo mộ, lì xì đầu năm mới, đi chúc tết gia đình, bạn bè, người thân. Những điều này vẫn tồn tại cho đến tận bây giờ. Vậy thì tại sao chúng ta lại than rằng tết nay khác tết xưa? Nó khác ở chỗ nào trong khi mọi thứ vẫn được giữ và truyền từ đời này qua đời khác? 




Thực ra, sở dĩ chúng ta thấy nó khác và không còn vui như xưa nữa là bởi vì chúng ta không còn là những đứa trẻ. Hãy thử nghĩ mà xem. Hồi bé, định nghĩa một cái tết vui của bạn là gì? Là được nghỉ học, là được nhiều tiền lì xì, là được mẹ cho đi chợ tết ăn bánh, mua đồ đẹp. Là được người thân đi làm ăn xa trở về và mua cho đôi dép, cái mũ. Được bố mẹ cho đi chơi, dẫn đến từng nhà ăn tết. Là được ăn kẹo, hướng dương, ăn mứt, uống nước ngọt mà chẳng phải xin tiền mẹ. Chẳng phải cả năm thì đây là dịp bạn được ăn uống sung sướng nhất sao? Rồi những thứ đồ ăn mà chỉ mỗi khi đến tết bạn mới được ăn nữa. Có phải tất cả những điều đó đã khiến cho những đứa trẻ năm xưa như chúng ta có một cái tết thật vui, thật hạnh phúc không? 


Còn bây giờ những đứa trẻ ấy đã lớn hơn. Chúng chẳng còn mong được lì xì, cũng chẳng mong được đi chợ tết hay được ăn đồ ăn một cách thỏa thích nữa. Chúng có nhiều mong muốn khác, nhiều khi những mong muốn ấy còn nhiều và tham lam hơn những đứa trẻ năm xưa. Chính điều đó đã giết chết chúng với cái tết của hiện tại. Thế rồi, chúng điềm nhiên đi trách móc cái thời gian sao mà tàn nhẫn đã lấy đi hương vị tết xưa của chúng. Năm đó, khi nồi bánh chưng được nấu lên, những đứa trẻ lại tụm năm tụm ba quay quay cái nồi, rồi bày đủ trò nghịch ngợm, chơi không biết chán. Còn bây giờ, vẫn nồi bánh chưng ấy, những đứa trẻ năm đó vẫn còn, nhưng chúng chẳng buồn mà buôn chuyện, cũng chẳng thèm tìm trò chơi. Chúng chụp cái nồi đang hừng hực ngọn lửa đỏ với đủ góc rồi đăng lên facebook với dòng chữ "tết năm nay chán quá" và bận bịu với những bình luận trên cái bài đăng ấy. Vậy thì, chúng ta tìm gì cái hương vị tết năm ấy trong khi chính chúng ta là người đã bỏ quên, đã gạt chúng sang một bên?


Tôi biết rằng, chúng ta chẳng thể sống mãi trong những kí ức, những hoài niệm về tết xưa được. Chúng ta cũng chẳng thể mong được lì xì mãi, cũng chẳng thể cảm thấy vui sướng vì được ăn kẹo thỏa thích, cũng không lấy làm hạnh phúc khi được một bộ đồ mới. Cũng không còn khóc vì một quả bóng, tuột tay làm nó bay lên trời. Vì chúng ta thực sự đã lớn. Bắt chúng ta đón tết như một đứa trẻ là điều không dễ dàng. Nhưng chúng ta có thể đón một cái tết thật vui, thật hạnh phúc theo cách của riêng mình. Theo cách của những đứa trẻ đang lớn. Bạn biết không, trong khi có bao nhiêu người ngoài kia không thể về ngồi chung mâm cơm đón giao thừa với bố mẹ, thì bạn lại hạnh phúc có được điều ấy. Đặc biệt, ở thời điểm dịch bệnh, đi lại, kinh tế khó khăn, thì việc về quê ăn tết nhiều khi là quá sức đối với rất nhiều người. Họ chỉ có thể gặp người thân qua màn hình điện thoại, và giấu đi những giọt nước mắt mặn chát sắp rơi. Nhưng chúng ta thì lại may mắn hơn, mâm cơm hôm nay vẫn có bố ,có mẹ, có những người yêu thương ngồi cùng. Đó chính là một cái tết mà rất nhiều người mong muốn. Vì sau cùng, ý nghĩa của tết cũng chính là đón những người con xa quê trở về mái ấm của mình, cùng những cái ôm thật ấm áp, với những giọt nước mắt hạnh phúc sau bao áp lực, mệt mỏi ngoài kia.


Bây giờ thì tôi đã hiểu. Tết có vui hay không phụ thuộc vào chính những mong muốn của chúng ta. Nếu thấy đủ, ắt sẽ đủ, nếu thấy thiếu, thì nhìn ở đâu cũng thấy rỗng. Thực ra, tết vẫn ở đấy, chẳng đi đâu cả, vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có lòng ta là đã sứt mẻ, nên nhìn đâu cũng thấy chẳng còn vẹn nguyên.



Sau cùng đối với tôi, một cái tết trọn vẹn đó là khi bạn được đón giao thừa với những người mình thương yêu. Đó là khi bạn biết tất cả những người thân của bạn đều khỏe mạnh và số lượng thành viên trong gia đình không giảm bớt. Đó thực sự là một cái tết trọn vẹn. 


Chỉ còn một ngày nữa thôi, chúng ta sẽ bước sang năm mới. Chúc cho tất cả chúng ta sẽ có một cái tết thật hạnh phúc, đầm ấm và đầy ý nghĩa, trọn vẹn theo cái cách mà chúng ta mong muốn. Để rồi sẽ không ai trong chúng ta phải quay lại cái tết của một năm nào đó và nói "giá như".


Từ tận đáy lòng, tôi thật sự mong hạnh phúc và bình an đến với bạn - những người vẫn đang dành một chút thời gian cho tôi. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe, chân cứng đá mềm trên hành trình của riêng mình, và lúc nào cũng đong đầy yêu thương để cảm nhận hơi ấm của cuộc đời. 


Tác giả : Mai Trang

Ảnh : by me




BẢN THẢO
Bài viết liên quan