Thành thật để thừa nhận: Tôi bị ốm tinh thần

Xuất phát điểm là một người học và tốt nghiệp ngành tâm lý. Tôi từng “tự tin” cho rằng bản thân mình miễn nhiễm với những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Sau này, khi trải qua một đợt khủng hoảng vào hai năm về trước. Có rất nhiều khó khăn và sự đau đớn diễn ra bên trong tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.

 

Xuất phát điểm là một người học và tốt nghiệp ngành tâm lý. Tôi từng “tự tin” cho rằng bản thân mình miễn nhiễm với những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Sau này, khi trải qua một đợt khủng hoảng vào hai năm về trước. Có rất nhiều khó khăn và sự đau đớn diễn ra bên trong tưởng chừng như không thể vượt qua nổi.

 

Nhưng khi ấy, tôi không đủ can đảm để nói với bạn bè, gia đình, thầy cô những điều bản thân đang cảm thấy và trải qua. Cũng chẳng dám lên Google để nhận diện, tìm hiểu vấn đề của mình. Có thể vì sợ, sợ ai đó thắc mắc hỏi rằng “ học tâm lý mà gặp về vấn đề tâm lý là sao”, hoặc chính tôi sống trong nỗi sợ, sợ phải thừa nhận hay đối mặt những vấn đề tinh thần đang có.

 

Hiện tại tôi đã đi qua cơn bão đêm của ngày ấy, không thể nhớ hết đã vượt qua như thế nào. Khi đọc về give away này, một động cơ nào đó khiến tôi vừa lên Google search về hai từ Trầm Cảm, và hiểu rằng, thời gian trước, bản thân đã mắc phải căn bệnh này. Có lẽ là may mắn, vì ở mức độ nhẹ, cũng như kiến thức trong bốn năm học đại học, dù không lĩnh vội được nhiều, nhưng phần nào cũng hỗ trợ tôi ở một phía cạnh nào đó.

Từng nghe đến những cuốn sách của bác Đặng Hoàng Giang, là một người yêu sách, nhưng tôi luôn chủ động né tránh những cuốn sách đề cập đến chủ đề nặng nề như vậy. 

 

Thời điểm này khi bước vào hành trình mới, tôi đã có thêm chút động lực, sự dũng cảm và khao khát mạnh mẽ được hiểu về những vấn đề liên quan nỗi đau tinh thần không chỉ dành riêng mình, cho mọi người xung quanh, đặc biệt với nhiều người bạn mà tôi quen biết, mong rằng chúng tôi có thể cởi bỏ chiếc áo giáp tự vệ rằng bản thân là người học nhiều, là người học tâm lý, rằng chúng tôi có thể tổn thương như bất cứ ai, bất cứ khi nào, có thể gục ngã nếu xem nhẹ những vấn đề bên trong bản thân đang trải qua, để có thể dũng cảm hơn để tìm kiếm sự trợ giúp, và không sợ sự phán xét của bất kỳ ai, đặc biệt là đến từ chính mình.]

 

Đây là lần đầu tiên, mình dám thừa nhận và viết điều này lên trên mạng xã hội. Ngay cả khi trước đó mình hứa, sẽ bộc lộ hết những tâm tư ở đây. Nhưng sự thật là, mình không có nhiều can đảm đến thế. Phải mất hai năm… cho đến giây phút này, mới có đủ dũng khí để viết.

 

Rằng mình từng trải qua một khoảng thời gian tăm tối, chới với, nhiều mệt mỏi. Hồi đó, vừa xin nghỉ sau một khoảng thời gian kiệt sức với công việc, đồng thời dọn ra khỏi phòng trọ của chị bạn và bắt đầu cuộc sống một mình. Không hề lường trước được những điều sẽ diễn ra tiếp theo đó. Là những ngày mình liên tục rơi vào trạng thái hoang mang lạc lối, không biết bản thân thực sự mong muốn muốn gì, ngày nào cũng khóc và luôn cảm thấy đau mà không biết nguyên nhân tại sao. Xem xét kĩ càng, mình không bị ốm ở chỗ nào trên thân thể cả. Tại sao liên tục cảm thấy đau?

 

Đó là những cơn đau dai dẳng, liên tục. Đau như thể ai lấy búa gõ vào đầu. Dù không phải là vết thương có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng chúng có sức nặng, công phá, làm tê liệt toàn bộ tâm trí, khiến mình không thể kháng cự lại.

 

Nếu đứt tay bạn sẽ biết lấy băng cá nhân để băng bó vết thương lại?

 

Nhưng nếu bạn đau ở bên trong, không hiểu lý do vì sao, bạn sẽ bối rối và không thể biết cách xử trí ra sao?

 

 

Tại sao không chọn nói ra?

 

Giống như điều đã viết ở trên, có lẽ xuất phát từ việc xem nhẹ vấn đề về tinh thần, tự mặc định, bao biện với bản thân: “Mình biết về kiến thức tâm lý nên mình không thể bị vấn đề tâm lý được .” Đến bây giờ vẫn không hiểu tại sao hồi đó lại có những suy nghĩ trẻ con và non nớt đến thế.

 

 

Thật ra 4 năm đại học, tụi mình học nhiều lý thuyết về nguồn gốc, cơ chế hoạt động, các vấn đề thuộc về tinh thần. Nhưng điều đó không có nghĩa sinh viên tâm lý có khả năng“ đọc vị” người khác như một thầy bói tâm linh hay biết người khác nghĩ gì như mọi người vẫn thường nghĩ. Bởi hiểu về tâm lý, đương đầu tâm lý ngoài việc phải không ngừng nâng cao kiến thức, cần phải được đào tạo giám sát chuyên môn kỹ lưỡng nhiều năm. Nó còn đòi hỏi một bề dày kinh nghiệm trong sự từng trải về cuộc sống.

 

Nhưng hồi đó mình chưa đủ khả năng để hiểu rõ về điều này.

 

Thứ hai có lẽ là lý do chính nhất vẫn là do mình SỢ . Sợ sẽ làm bố mẹ thất vọng, sợ mất đi hình tượng đứa con gái năng động, nhạy bén ngày nào. Sợ phải thừa nhận rằng mình yếu kém, mất phương hướng, chán nản, nhiều sợ hãi.

 

Có lẽ bạn cũng biết, ở thời đại của bố mẹ chúng mình, gánh nặng mưu sinh khiến họ không có cơ hội tiếp cận và hiểu được sự nguy hiểm tiềm tàng của vấn đề tâm lý, chính họ trong giờ phút này đây cũng đang phải chịu đựng, trở thành nạn nhân nỗi đau tinh thần mà không hay biết.

 

Làm sao bạn có thể đủ dũng khí nói với bố mẹ, những người ngày ngày vất vả lao động khó nhọc rằng: “ con đang bị bệnh tinh thần”, trong khi bạn đã được cho ăn học đàng hoàng, không phải lo lắng quá nhiều tiền bạc, được học những gì bản thân yêu thích, và sau đó trở nên hoảng loạn và đau yếu trong tâm tư. Vấn đề nằm ở đấy.

Còn nhớ 7 năm trước, khi lên nhà một người bạn chơi, bố của bạn ấy biết mình chọn học tâm lý mà không không phải ngành nghề khác như kinh tế, công an hay bác sĩ, chú ấy đùa đùa phán câu xanh rờn: “học tâm lý về chữa bệnh cho bò à”. Lúc đó mình không bận tâm nhiều về câu nói đó, có lẽ vì biết chú đùa nên không buồn lòng gì cả.

 

Bây giờ trong khoảnh khắc viết những điều này, nhớ lại, mới hiểu trong tâm thức người lớn vẫn luôn xem nhẹ và coi thường những ảnh hưởng đến từ tinh thần và điều này vô thức truyền lại cho thế hệ sau. Dù chúng ta may mắn tiếp cận kiến thức, nhưng nỗi sợ bị phán xét, sự tự ti phải thừa nhận khi gặp phải rắc rối trong tâm lý vẫn ăn sâu bên trong tiềm thức mỗi người.

 

Sau trận đại dịch Covid 19 dường như mọi người bắt đầu nhận ra và ý thức hơn về tầm quan trọng sức khỏe tâm trí. Với mình đó thực sự là một chuyển biến tích cực, mang nhiều ý nghĩa.

 

Trải qua những ngày tháng đau đớn và hệ lụy tổn thương tinh thần ít nhiều vẫn còn hiện diện, mình hiểu ra rằng không thể và không nên xem nhẹ nỗi đau, bất kể đó nỗi đau thuộc về thể chất hay tinh thần, chúng đều cần nhận được sự quan tâm, thừa nhận ngang bằng nhau, đôi khi tinh thần cần nhận diện kỹ càng hơn vì đó vấn đề đang báo động trong cuộc sống hiện tại. 

 

Không phải chỉ có gãy chân, gãy tay thương tích đầy mình mới khiến con người ta nằm im một chỗ, đau tâm lý vẫn có khả năng biến cuộc đời một người trở nên lụi bại, hoang tàn, đôi khi đáng sợ hơn thế.


 

Trên trang Spychiatry.org có viết:

 

Trầm cảm (rối loạn trầm cảm nặng) là một bệnh lý phổ biến và nghiêm trọng ảnh hưởng tiêu cực đến cách bạn cảm thấy, cách bạn suy nghĩ và cách bạn hành động, gây ra cảm giác buồn bã và / hoặc mất hứng thú với các hoạt động mà bạn từng yêu thích. 

 

Các triệu chứng trầm cảm có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng và có thể bao gồm:

 


Cảm thấy buồn hoặc có tâm trạng chán nản
Mất hứng thú hoặc mất niềm vui trong các hoạt động đã từng yêu thích
Thay đổi cảm giác thèm ăn – giảm hoặc tăng cân không liên quan đến ăn kiêng
Khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều
Mất năng lượng hoặc tăng mệt mỏi
Gia tăng hoạt động thể chất không có mục đích (ví dụ: không thể ngồi yên, đi lại, viết tay) hoặc cử động hoặc giọng nói bị chậm lại (những hành động này phải đủ nghiêm trọng để người khác có thể quan sát được)
Cảm thấy vô giá trị hoặc tội lỗi
Khó suy nghĩ, tập trung hoặc đưa ra quyết định
Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử

Ngoại trừ dấu hiệu cuối cùng là suy nghĩ về cái chết, thời gian đó mình gần như đã rơi vào tất cả các dấu hiệu kể trên. Chúng kéo dài suốt nhiều tháng. Âm ỉ và đau đớn.



Theo thống kê Sức khỏe Tâm thần California:

 


“Cứ 20 người trưởng thành ở Mỹ thì có 1 người mắc bệnh tâm thần mỗi năm. Tại California, 1.243.000 người lớn mắc bệnh tâm thần.
Cứ 6 thanh niên Hoa Kỳ từ ngày 6–17 thì có 1 người bị rối loạn sức khỏe mỗi năm. 396.000 người California từ 12–17 tuổi bị trầm cảm. Tại California, 1.243.000 người lớn mắc bệnh tâm thần.
5.566.000 người lớn ở California có trạng thái sức khỏe tâm thần. Dân số của San Francisco nhiều hơn 6 lần.
Hơn một nửa số người Mỹ báo cáo rằng COVID-19 đã có tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ. Vào tháng 2 năm 2021, 46,1% người lớn ở California cho biết có các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm. 21,9% không thể được tư vấn hoặc trị liệu cần thiết.”

Phải chăng dưới dáng vẻ hoàng nhoáng của một nền kinh tế vững mạnh? Con người ta lại chứa đựng những vấn đề bên trong không thể nói ra thành lời?

 

 

Nhiều khi vẫn có cảm giác rùng mình khi nhớ khoảng thời gian đã qua.

 

Viết ra những điều này, thật lòng mình chỉ mong tất cả chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn khi tiếp cận sức khỏe tinh thần. Can đảm hơn để tìm kiếm sự giúp đỡ từ người tin tưởng, tốt hơn là họ có chuyên môn vững vàng để đồng hành, giúp bạn thoát khỏi con quái thú to lớn đang nương náu bên trong chực chờ làm loạn.

 

Giống như khi đau răng, bạn sẽ vội vàng và nhanh chóng tìm đến nha sĩ, hãy coi nỗi đau tinh thần cũng tương tự như vậy. Không chảy máu, không xước sát ở bên ngoài, không ai nhìn thấy, không có nghĩa chúng không tồn tại, bạn sẽ không đau, kiệt quệ, tổn thương hay mất mát.

 

Và nhớ đừng đổ lỗi cho bạn thân vì bạn trầm cảm, hoang mang, khủng hoảng, hay có vấn đề tâm lý. Tuyệt đối không nên. Thay vào đó hãy tìm cách cách giải cứu bản thân trước tiên, đó là điều quan trọng và cần thiết nhất.

 

Mong rằng hiện tại và những ngày sau, tất cả chúng ta sẽ dành sức khỏe tinh thần một vị thế quan trọng. Để bản thân, mọi người xung quanh được sống khỏe mạnh bình an hơn giữa cuộc đời này.

 

Ảnh trong bài: Canva

 

Nguồn tham khảo:

 

  1. Spychiatry.org
  2. Nghiên cứu trích dẫn từ Nami California( National Aliiance on Mental Illness)


BẢN THẢO
Bài viết liên quan