Thanh xuân . chấm . hết . khi nào?

Ta không thể sống ở tuổi đôi mươi hai lần nhưng ta có thể lựa chọn cách sống 'thanh xuân' ở những năm tháng về sau, đầy nhiệt huyết!

Mấy đứa em họ tôi hay nói câu :"trẻ không chơi, già đổ đốn", nói xong một cái chúng nó đi chơi một cách nhiệt tình, đi chơi như chưa từng được chơi, tụi nó còn hay khoe cho tôi xem hình tụi nó đi chơi. Có lần tụi nó vừa học xong buổi sáng ở đại học Đà Lạt, chợt một đứa trong tụi nó thốt lên câu:"ước gì được ra biển chơi", xong cái tụi nó nhìn nhau đúng 3 giây sau, mấy đứa con gái tự đèo nhau trên con honda ra ngoài Phan Thiết, đúng chỉ ra ngắm biển, chụp choẹt, đổ xăng mấy chục nghìn, xong. Mấy đứa nó những cái ngày cuối cấp 3, hẳn phải mong đợi cái ngày lên đại học như thế nào, rời xa vòng tay ba mẹ, tung bay và xõa.


Ngày ấy tôi cũng vậy, luôn mong đi thật xa để có thể tự đứng trên đôi chân của mình, có lẽ bởi bố mẹ luôn bao bọc tôi quá nhiều. Thời học trung học là cái thời tôi kìm nén sự nổi loạn của mình, nén từ ngoài vào trong, nhiều khi không kìm nén nổi đến nỗi trút hết lên bố mẹ, nhiều hơn là bố tôi bằng thái độ vùng vằng, cãi lại. Ngoài những cuộc cãi vã trong gia đình, tôi chẳng còn tâm trí đâu mà đi chơi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến một cách để tránh khỏi những xung đột, giằng xé, tự làm khổ lẫn nhau trong gia đình đó là 'chạy trốn'. Và cách hợp lý nhất để tôi có thể chạy trốn mà không sợ chết đói, đó là vào đại học với câu nói trong đầu quyết tâm "phải vào ĐH, học gì cũng được, miễn là xuống Sài Gòn". Có thể nói tôi của thời trung học là một đứa ương bướng, lì lợm, khó ưa nhưng lại khá nhút nhát trong các mối quan hệ khác ngoài gia đình.


Thế là cuối cùng tôi đã bước vào cánh cửa đại học , ở Sài Gòn, và bắt đầu một sai lầm đầu tiên , đó là việc chọn ngành học. Trước đó, bị sự 'căm ghét, mâu thuẫn' che mờ mắt, tôi đã không để tâm đến tầm quan trọng của việc chọn ngành. Mới bước vào đời bằng sự thực dụng, như bao người khác, dù không thích nhưng tôi vẫn chọn ngành tài chính-ngân hàng, là ngành đang hot lúc đó. Lúc mới đầu vào, ai chẳng háo hức, nhưng từ một đứa chưa bao giờ biết ngủ gục ra bàn, sau một thời gian cũng đã biết cảm giác ngủ trên lớp là như thế nào, cũng hay bỏ tiết hơn. Dẫu biết rằng tất cả những điều này là tôi đang gieo một cái nhân nào đó nhưng tôi chưa biết sợ là gì.



Tưởng rằng có thể sống cuộc sống của riêng mình, được tự do khi bước ra khỏi vòng tay của ba mẹ | Ảnh: Impakter


Trong khoảng thời gian đó, tôi cũng đồng thời tham gia vào câu lạc bộ (clb) đầu tư tài chính và clb âm nhạc của trường và một số clb, khóa học kỹ năng ngoài trường nhằm cải thiện tính năng động cũng như tự tạo thêm nhiều cơ hội cải thiện bản thân cho mình. Bên cạnh đó tôi cũng xin làm trong một quán ăn ở gần trường, nơi đã mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Nhìn lại những ngày đó để biết rằng, cho dù có đi theo hướng nào đi nữa, bản thân tôi lúc đó đã cố gắng hết sức có thể, để sau này lỡ có rẽ sang một hướng khác, tôi cũng sẽ không bao giờ hối hận vì con đường mình đã đi qua. Nếu có ân hận, cũng là bài học để sau này tôi có thể hành xử theo một cách tốt hơn. Nếu không có tuổi trẻ với nhiều lần hành xử ngu ngốc của mình thì liệu bây giờ tôi có biết trân trọng nhiều thứ như tôi bây giờ không?


Tính tôi hay mơ mộng, yêu nghệ thuật, thích sáng tạo. Nếu từ đầu không lựa chọn cái ngành trái ngược đó, chưa chắc tôi đã chủ động kết bạn, tích cực tham gia nhiều như vậy, và có những người bạn mới đem đến cho tôi nhiều bài học và đều để lại những ấn tượng riêng, những câu chuyện đa chiều. Kể cả những người bạn hồi ở chung ký túc xá, vì cùng ngành cho nên đến mỗi kỳ thi đều thức tới sáng ôn bài. Một đứa lười, nước đến chân mới nhảy, có những công thức toán tôi học trên lớp chưa bao giờ ôn lại, nhờ hỏi mấy đứa bạn cùng phòng tốt bụng bày cho cách làm mà đạt được điểm B, nó là loại điểm cao nhất mà tôi có thể đạt lúc đó, nên tới giờ nhớ mãi.


"Hỡi những kẻ cứ mãi theo đuổi đến cùng một thứ không dành cho mình, những kẻ tự hành hạ mình, có thấy mệt chưa?" Sẽ có hai kẻ cất tiếng trả lời, một là kẻ thích chinh phục những điều không tưởng, một là những kẻ 'bẻ lái' giữa đường. Tất nhiên sẽ có nhiều người không bao giờ phải tự hỏi câu hỏi như vậy, đơn giản là bởi họ đã biết mình là ai, mình cần gì, thích gì và sẽ làm gì rồi.


Giữa năm hai, tôi lại một lần nữa lựa chọn 'trốn chạy', cố gắng trốn thoát khỏi sự vô định, cũng kể từ đây tôi cho mình cái quyền tự quyết nhiều hơn. Bạn đã bao giờ trải qua những lúc mình đưa ra một quyết định gì đó có ý nghĩa với bản thân mình và khi đó mình cũng là người duy nhất ủng hộ mình? Những đứa trẻ không gắn kết mấy với gia đình như tôi thường sẽ không muốn chia sẻ về những quyết định táo bạo nào đó của mình. Cụ thể là tôi đã tự ý dừng việc học trên trường, dành toàn bộ thời gian của mình cho những mối quan tâm và trải nghiệm khác của mình. Tôi đã không cho gia đình biết việc này vì biết chắc chắn họ sẽ làm gì, lúc đó dù sao tôi cũng đã quyết tâm và cũng không muốn làm kẻ hiểu chuyện, cho đến khi họ tự phát hiện và tìm một cái kết mới cho tôi.


Trước đây từng có một người thầy - người anh dạy chúng tôi về cách làm thế nào để thuyết phục, và lấy được sự tin tưởng của phụ huynh, một công đôi việc- mình vừa đạt được mong muốn của mình, vừa làm bậc cha mẹ không buồn về quyết định của mình. Có, tôi có áp dụng theo cách dùng lời nói đi đôi với cam kết và hành động dựa trên việc thay đổi thái độ, mặt đối mặt, 'tỏ ra mình trưởng thành', để chứng tỏ là "ba mẹ ơi con đã lớn rồi, ba mẹ có thể yên tâm, tin tưởng vào quyết định của con..." Thời gian càng về sau tôi càng hiểu rằng nó không đơn giản như việc: tự dưng gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe gia đình, tự dưng về đến nhà cái là quét nhà, lau nhà, phụ bếp núc, rồi tự dưng hỏi bố bị đau xương thế nào... không đơn giản như vậy để chứng tỏ mình trưởng thành, mong muốn có được sự tin tưởng mà mình chưa từng có. Rốt cục, nó là cả một quá trình dài, chỉ cho đến khi bạn trưởng thành thật sự, lúc đó không cần thiết phải chứng minh nữa rồi.


Một sự thật phũ phàng là càng cố chứng minh sự trưởng thành, trông càng giống như một đứa trẻ cố gắng đạt con điểm mười vì muốn được thưởng quà. Tin tưởng, dù là trong mối quan hệ nào, cũng không đơn giản đôi ba ngày mà là cả một quá trình tiếp xúc, sẽ có người quan sát cách hành xử trong vô thức của bạn, rồi đánh giá bạn. Còn về phần tôi, trước khi học đại học vẫn luôn được bao bọc quá kỹ, đến việc nấu cơm tôi cũng không được tin tưởng giao cho, làm chuyện gì trong nhà cũng có người phê bình nên lúc đó tôi cũng không đủ tin tưởng là họ sẽ ủng hộ mình chọn ngành khác hoặc một con đường khác. Và đó đến giờ, tôi không có bất kỳ một sự hối hận nào khi đã bỏ ngang ngành học mà tôi học một cách hời hợt như vậy, dừng lại ở số điểm trung bình 6.3, một con số tượng trưng cho những ngày tháng lơ tơ mơ, không hạng top cũng không hạng chót. Chỉ đơn giản là bản thân tôi đã không hài lòng và lựa chọn cuộc chơi khác, tôi đã không thể trông chờ con số đó tốt lên, vì tôi không trả lời được câu hỏi "một thứ có tốt đến mấy cũng không phải thứ tôi thích, có nó rồi, sau đó sẽ thế nào?


Những quyết định ngày ấy thiên về 'linh tính' là nhiều, còn bây giờ những quyết định của tôi dựa trên phương châm sống của bản thân cũng như những sở thích, sở trường, nói chung là tôi không còn muốn ép mình làm những điều ngược với mình. Dù là linh tính hay là phương châm sống, tôi thấy những sự lựa chọn đều đi theo đúng quỹ đạo nó vốn có, và cần có thời gian để khám phá ra.


Những tháng năm đầu đời được tạo thành từ những sự - nhiều khi ngây thơ, nhiều khi quyết liệt, trái chiều để rồi trong mắt mọi người nó có thể là những 'sai lầm'. Trốn chạy hay từ bỏ cũng là một sự lựa chọn, nhưng là sự lựa chọn có sự trả giá. Đứng giữa những ngã rẽ trong cuộc đời, chúng ta buộc phải tự lựa chọn hoặc không, cuộc đời sẽ chọn cho ta. Kết quả là, sau khi cân đo đong đếm những sự lựa chọn, ta buộc phải chấp nhận trả một cái giá tương xứng, đôi khi thậm chí còn hơn cả những gì chúng ta nhận được. Dù sẵn sàng trả giá hay chưa, một khi đã lựa chọn sẽ không có đường lui, vì vậy việc của mình là cứ vui vẻ mà sống tiếp và hoàn thành những gì mình muốn làm. Sống như một khuôn mẫu từ những sự kỳ vọng vô hình mà khó quá thì thôi bỏ qua, ta cứ sống đơn giản thôi, việc gì phải khổ như thế! Đơn giản nhưng không tầm thường, ta sống cuộc đời mình.


Từng có nhiều người lướt qua cũng như nhiều chuyện xảy ra trong cuộc đời... theo một cách nào đó đã dạy tôi biết yêu thương gia đình mình nhiều hơn và nhận lấy nhiều bài học về cách nhìn người, nhìn việc một cách đa chiều hơn. Tôi đang ở những ngày cuối tuổi hai mươi tư viết những dòng này và lại một lần nữa cảm thấy mình như một đứa trẻ chập chững vào đời, bắt đầu lại, một cuộc sống mà tôi yêu thích. Lại vẫn háo hức! Ừ thì, nếu mà cuộc đời này có thêm nhiều chuyện vùi dập tôi, kể mà có ngã thì tôi sẽ khóc một trận thật to, rồi lại đứng lên thay vì câm nín đến khi tâm hồn héo úa... và 'sự khởi đầu' sẽ nối chuỗi tiếp nhau, sinh sôi nảy nở ở bất kỳ thời gian nào bạn sẵn sàng, không nhất định là chỉ ở đầu mỗi một năm mới. Mỗi một khởi đầu mới, ta lại mỉm cười...


Tác giả: Nhung Nhím 308

BẢN THẢO
Bài viết liên quan