Thấu Hiểu Là Yêu Thương

Gia đình nơi tưởng như là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta, nơi khiến chúng ta vững tâm nhất nhưng đôi khi lại là những nỗi lòng không thể nói thành lời nhất.

 

Mấy hôm trước mình gặp được một confession trên page A Crazy Mind:

“cha mẹ là lần đầu làm cha mẹ, nhưng mà con cái cũng chỉ có một cuộc đời.”

 

Gia đình nơi tưởng như là chỗ dựa vững chắc cho chúng ta, nơi khiến chúng ta vững tâm nhất nhưng đôi khi lại là những nỗi lòng không thể nói thành lời nhất. 

 

Nơi tưởng như gần gũi nhất đôi khi lại là nơi xa cách nhất, để rồi ngẫm lại là một đời. 

 

Khi đọc được dòng này, trong đầu mình đã nghĩ: “Có lẽ sự thấu hiểu không chỉ nên đến từ một phía mà là từ cả hai. Không phải ép buộc mà tự nguyện để cùng nhau kéo khoảng cách dần ngắn lại.”

 

Chúng ta là gia đình nhưng cũng là những cá thể độc lập. Chúng ta được tạo hóa buộc vào nhau bằng máu mủ và chung sống. Trong quá trình ấy, đôi khi chúng ta làm tổn thương nhau, mang những mảnh vỡ trong tâm hồn mình làm bị thương đối phương. 

 

Mỗi người dù trưởng thành, mang vóc dáng của người lớn nhưng bên trong đều có một đứa trẻ mang những cảm xúc, tổn thương thời thơ ấu không được giải quyết và cả “chiến lược sinh tồn thời thơ ấu”. Đến khi lập gia đình, họ sẽ mang những tổn thương tái hiện lại trong chính gia đình nhỏ của họ trong vô thức. Họ lại vô tình giống như cha mẹ họ, những đứa con lại trở thành như chính họ lúc trước.

 

Cha mẹ chúng ta cũng từng là những đứa trẻ. Cũng từng đau đớn, bất lực trong thân hình trẻ con. Có khi cũng từng bị đánh đập, từng bị ghẻ lạnh, từng bị bỏ rơi về mặt cảm xúc. Dù sống trong cùng một gia đình nhưng mỗi người đều có những nỗi đau riêng, cảm nhận riêng và câu chuyện của riêng mình. 


 

Ảnh: Maria Clara (Pinterest)


Có những câu chuyện trải qua rất nhiều năm, trước khi chúng ta sinh ra rất nhiều chưa hiểu rõ. Cũng có những chuyện của chúng ta cha mẹ không biết. Điều làm chúng ta gần gũi với nhau hơn đó là lắng nghe, thấu hiểu qua những cuộc trò chuyện.

 

Không ít người trong chúng ta gặp tổn thương từ gia đình không phải vì thiếu thốn tình cảm hay bạo lực mà là giao tiếp. Trong sách “Hai mặt của gia đình” có câu: “Tôi muốn những gia đình như vậy biết rằng tình yêu được truyền đi thông qua những cuộc trò chuyện và những cái ôm, không phải qua tâm hồn. Bước đầu tiên trên chặng đường khôi phục sự giao tiếp đã bị phá vỡ giữa bố mẹ và con cái là lắng nghe.”

 

 Lắng nghe “không phải là truyền đạt suy nghĩ của bản thân mà là lắng nghe câu chuyện của đối phương”. Và trong quá trình đó ta cần cả sự thấu hiểu. Điều quan trọng là ta cần biết thấu hiểu như thế nào để vừa tôn trọng đối phương, vừa không để chính mình bị tổn thương vì cảm thấy sự thấu hiểu này chỉ từ một phía.

 

Thấu hiểu vốn có nghĩa là “hiểu tường tận sâu sắc”. Để được như vậy, trước hết chúng ta cần nhìn nhận đối phương như chính họ vốn là, chấp nhận con người thật của đối phương. Không áp đặt những định kiến của bản thân lên họ.  

 

Giữa cha mẹ và con cái còn có khoảng cách thế hệ khiến chúng ta thêm xa nhau. Ai cũng đến với thế gian này chỉ một lần, bản thân mỗi người là một vũ trụ riêng cần được khám phá. Khi ta xem đối phương như một người bạn mà chuyện trò cũng là lúc khoảng cách dần được thu hẹp. Đó là lúc ta dần hiểu rõ hơn về thế giới nhỏ của mỗi người. Đó là lắng nghe mà không phán xét, là hành trình của sự thấu hiểu.

 

Thấu hiểu cũng là bao dung, tha thứ. Điều đó không có nghĩa là cho phép đối phương tiếp tục làm tổn thương chúng ta mà là buông bỏ quá khứ để lòng mình thanh thản. Như page Fresh Energy mà mình theo dõi từng viết: “Bao dung, tha thứ không có nghĩa là bạn chọn che mắt mình lại. Và cho phép người khác tiếp tục vượt giới hạn và làm tổn thương bạn. Chúng là sự chấp nhận và từ bỏ mọi hy vọng về việc có một quá khứ tốt đẹp hơn. Nhưng hiểu chính mình và chọn bản thân xứng đáng được hạnh phúc.”

 

Đồng thời thấu hiểu cũng là tách biệt bản thân với đối phương. Không đồng nhất và nhận trách nhiệm cuộc đời của đối phương lên chính mình. Để đối phương tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình và không thay thế họ chữa lành những thương tổn của bản thân. Chúng ta chỉ có thể đồng hành và hỗ trợ cùng họ. Không đồng nhất những trải nghiệm và cảm xúc của nhau.

 

Trong gia đình, đôi khi điều chúng ta muốn được cha mẹ thấu hiểu, họ lại chẳng thể hiểu hết. Dù cho gia đình yêu thương nhau nhưng cách trao yêu thương lại không phù hợp với mỗi người. Dù chúng ta có mong muốn được cha mẹ thấu hiểu nhưng càng lúc điều nhận về chỉ là thất vọng và đau buồn. Vậy thì hãy thấu hiểu với chính bản thân mình trước nhé. Cho chúng ta một sự công nhận với bản thể vốn có của mình. Học cách đối diện, chữa lành tổn thương bên trong mình. Học cách yêu thương, làm bạn với chính mình. Để bản thân tự chịu trách nhiệm với những nhu cầu và giới hạn của mình. Nếu như chúng ta không thấu hiểu được bản thân thì làm sao có thể thấu hiểu được người khác. Có lẽ chính những người mà ta mong mỏi nhận được sự thấu hiểu lại không thể trao cho bản thân một sự thấu hiểu, thế nên cũng chẳng thể trao cho người khác.




Ảnh: Shura (Pinterest) 


Với mình gia đình là nơi mình được sinh ra nhưng cũng là nỗi đau chẳng thể nguôi. Mình từng oán giận, từng đau lòng, từng tuyệt vọng, từng hoài nghi chính mình, từng muốn chối bỏ số phận. Nhưng cuối cùng mình cũng chẳng thể từ bỏ nơi gọi là “gia đình” ấy. 

 

Gia đình tựa như những câu đố, những câu chuyện chưa kể được lồng vào nhau. Càng trưởng thành, tự mình học hỏi nhiều điều, học cách yêu thương lấy chính mình trao cho chính mình sự thấu hiểu và công nhận mà mình bị thiếu sót. Mình biết mỗi người cần phải tự chịu trách nhiệm cho chính tổn thương của mình. Mình cũng vậy và họ cũng thế. Mình cũng không kỳ vọng họ thay đổi vì mình mà tập trung vào chính mình. Nếu như sự kỳ vọng không được đáp ứng nhận lại sẽ là đau buồn. Thấu hiểu với chính mình và rồi cũng nhận ra những mảnh vỡ trong vũ trụ nhỏ kia không đáng để oán giận nữa, dẫu cho khi đó tình yêu sau những tổn thương đã không còn nhiệt liệt cháy bỏng như ban đầu nữa mà đơn giản là hiểu thôi. 

 

Bởi vì thấu hiểu cũng là yêu thương.

---------

Tác giả: Hồng Hạnh

Gặp mình tại: https://www.facebook.com/thefool.healingwritter/

Ảnh bìa: Jamez Picard (Unplash) 

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan