The Color Purple - Câu chuyện về chấn thương tâm lý và năng lực ứng phó kiên cường

Bộ phim điện ảnh lấy bối cảnh ở Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20, kể cuộc đời của Celie, cô gái từng bị lạm dụng và mang thai ngay từ khi còn trẻ. Mọi người thì cư xử như thể sự việc hoàn toàn bình thường...


The Color Purple (tạm dịch: Màu Tím) là cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer (một trong những giải thưởng danh giá nhất của Mỹ về báo chí và văn học) của nhà văn người Mỹ gốc Phi Alice Walker. Năm 1985, Steven Spielberg đã sản xuất bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết. Phim có cốt truyện kể về chủng tộc, vai trò giới tính, bạo lực gia đình, tình đoàn kết nữ giới và chấn thương tâm lý sâu sắc.


Bộ phim điện ảnh này là một kiệt tác có thể được phân tích từ nhiều góc độ khác nhau. Từ góc độ tâm lý học, cốt truyện này hấp dẫn và xác thực về sự phát triển sớm của chấn thương tâm lý, tình đoàn kết và cách sử dụng ngôn từ.  Những điều này thể hiện niềm hy vọng và thành tựu cá nhân.


Alice Walker đã viết ra một cách khéo léo về thực tế đáng sợ ảnh hưởng đến hàng triệu người. Ngày nay, trong thời điểm mà nạn phân biệt chủng tộc một lần nữa đi đầu trong các cuộc thảo luận công khai, chúng tôi quyết định chọn hồi tưởng về bộ phim tuyệt đẹp này. Đó là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc duy trì những câu chuyện về niềm hy vọng này tiếp tục tồn tại.


Cốt truyện


Bối cảnh của bộ phim điện ảnh diễn ra ở Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Câu chuyện tập trung vào cuộc đời của Celie, do diễn viên Whoopi Goldberg thủ vai. Celie là một cô gái 14 tuổi đã bị lạm dụng thân thể và mang thai hai lần bởi chính người cha dượng. Những đứa con của cô ấy bị mang đi làm con nuôi, và mọi người đều cư xử như thể sự việc hoàn toàn bình thường.


Gia đình ép cô kết hôn với một gã góa vợ đủ tuổi làm cha cô. Celie, như bao người phụ nữ còn lại trong câu chuyện, chăm lo nhà cửa, con cái và là một đối tượng tình dục. Cô tìm được cách duy trì sự tỉnh táo của mình bằng cách viết thư cho Chúa. Cô tin rằng chỉ có Chúa biết rằng cô tồn tại. Cô tiếp tục viết những lá thư gửi cho em gái Netie, người mà cô bị bắt ép phải rời xa.


Trong phim có năm nhân vật chính là người Mỹ gốc Phi. Họ định hình nên câu chuyện tàn nhẫn này về sự lạm dụng, sự ghê tởm, đánh mất nhân tính, và cuộc đấu tranh vì tri thức và tìm kiếm một địa vị trong xã hội.


“Tôi nghèo đói. Tôi là người da đen, tôi có thể xấu xí, và chẳng biết nấu nướng. Nhưng tôi sống ở đất nước này.”


-Celie, tác phẩm The Color Purple (tạm dịch: Màu Tím)-


| Ảnh: Maria Orlova | Nguồn: pexels


Trưởng thành với nỗi đau trong tâm hồn


Bộ phim điện ảnh cho thấy một cá nhân có thể phát triển chấn thương phân ly theo nghĩa đen, thông qua nhiều trường hợp bạo lực thân thể, tình dục và tâm lý. Loại chấn thương tâm lý này thường gặp trong rối loạn căng thẳng sau chấn thương và lạm dụng tình dục ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt trong thời thơ ấu và thời kỳ vị thành niên.


Rối loạn này có khuynh hướng gây tê liệt cảm xúc, một cách cô lập những cảm xúc tiêu cực mà ký ức về một sự việc đau buồn có thể gây ra. Khi sự việc tái diễn và lặp đi lặp lại liên tục theo thời gian, hậu quả có thể rất khủng khiếp. Sự phân ly là một cơ chế bảo vệ với tác dụng làm tê liệt. Nó có thể ngăn chặn dòng ký ức và chuyển chấn thương tâm lý sang một bộ phận cơ thể. Cơ chế bảo vệ này thể hiện thông qua cảm xúc, cơn bốc đồng, mất kiểm soát hoặc mất khả năng nói. Nó cũng có thể biểu hiện bằng ngôn ngữ cơ thể.


Mảnh vỡ này xảy ra sau một trải nghiệm đau thương phá hủy hoàn toàn hệ thống tự bảo vệ của một người. Nó hoàn toàn ngăn cách họ với môi trường xung quanh và gây tổn hại đáng kể cho nhận thức của họ về sự an toàn cá nhân và lòng tự tôn.


Những chấn thương tâm lý được góp nhặt và niềm hy vọng


The Color Purple cho thấy một thực tế mà hàng triệu phụ nữ trên khắp thế giới phải trải qua: lạm dụng tình dục và các tình huống bạo lực về thể chất và tâm lý. Trong nhiều trường hợp, đó là một loại chấn thương tâm lý dành riêng cho một nhóm người. Phụ nữ bị xâm hại quyền lợi và phải áp dụng những kế hoạch để vực dậy tinh thần.


Những chấn thương tâm lý được góp nhặt cụ thể trong bộ phim điện ảnh này liên quan đến biểu hiện khách quan, đó là một quá trình đối xử vô nhân đạo với phụ nữ. Những kẻ lạm dụng coi họ là những món đồ không có suy nghĩ, không có cảm xúc có thể bị bóc lột, bêu riếu và lợi dụng theo ý muốn.


Các nạn nhân bị lạm dụng đôi khi vô thức lựa chọn cách tách biệt bản thân về mặt tinh thần ra khỏi bản thân đang chịu sự đau khổ. Đây là một cách thức tự bảo toàn mạng sống. Nếu nó dai dẳng trong một thời gian dài hơn, nó có thể gây ra những tổn thương sâu sắc.


------------


Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: Ori

Ảnh: pexels

[Online] Available at: 

<https://exploringyourmind.com/the-color-purple-a-story-of-trauma-and-resilience/


BẢN THẢO
Bài viết liên quan