Thế giới của em

Không sao đâu Cát, đấy không phải là lỗi của em. Em là một cô bé tuyệt vời, em không cần phải cố gắng trở thành người khác để mọi người khen thưởng, để mọi người yêu quý nữa.

Nhà mình có một cái vườn to. Ngày xưa, bà trồng hồng xiêm, có cả cây cau, cây trầu không, cây mít, có cả một đống rau dền, đỏ tía.


Hồi bé, mình hay hái trộm lá cây, rồi cắt cắt, tỉa tỉa, cho vào hộp bút, hay vỏ hộp bánh, hộp kẹo. Mấy chiếc hộp nhỏ, che cả tuổi thơ, chứa cả thế giới. Đến giờ vẫn vậy, thế giới của mình vẫn luôn được cất trong những khối hộp như thế.


Hôm nay mình mặc một cái váy giống Maru trong Phòng trống.


“Tràn ngập trong ánh nắng

Ta sinh ra đã bao lâu

Mình ở trong ánh nắng

Một thoáng em đã lên năm”


Hồi năm tuổi, mình làm gì, cũng chẳng nhớ rõ. mình chỉ thấy những ngày mình ngồi một mình ngoài thềm, lấy cái giá của cối xay làm khay bán hàng. Mình bán đủ món, cắt cắt, thái thái từng mảnh lá cây, đến nỗi, ngón tay mình cũng hóa xanh, người mình cũng toàn mùi cây cỏ. Bố mẹ đi chơi, bà xem vô tuyến; hoặc bố đi uống rượu, mẹ trong buồng khóc, bà xem vô tuyến; hoặc mẹ xem vô tuyến, bà nghe đài, bố sang nhà bên hỏi thăm mọi người có khỏe không.


Bố chẳng bao giờ hỏi, mình có khỏe không.


Ngày nhỏ, có lần mình ngồi học ở bàn, còn bố mẹ ngồi đếm tiền. Mình bảo mẹ mổ lợn mình lấy tiền đi, hình như lúc ấy nhà mình đang làm gì đấy cần tiền. Hôm ấy ngồi học, mình không muốn học, định lôi giấy bút ra viết linh tinh, nên lén lút quay lại xem bố mẹ để ý không, thì bố mắng, “Học đi, không phải nhìn, lại định đòi tiền hay sao?”


Chắc đấy là lần đầu tiên mình khóc vì tiền.


Mình bị người khác hiểu lầm cũng nhiều, đặc biệt là mẹ, là bố. Năm lớp một, có lần mình bị đổ tội đánh bạn chảy máu đầu cơ. Mình chỉ biết khóc với những cái cây. Mình chỉ biết cúi mặt xuống thái thái, cắt cắt. Cũng chẳng cần thêm muối vào đống đồ ăn từ lá cây thế nữa, vì mình toàn khóc vào đó, nên nước mắt thôi cũng đã đủ mặn rồi. Chẳng ai tin mình cả.


Hồi bốn tuổi, mình học lớp mẫu giáo, làm lớp trưởng.


Cô giáo hay đi chợ, giống như mình cũng hay đi chợ lá cây. Nhưng cô giáo đi chợ, bỏ lại bọn mình trong lớp, cô nhờ vài người lạ đến trông. Mình hay bị một anh gọi ra ngoài.


Lúc ấy mình chỉ ước, ước gì, mẹ đến đón mình ngay đi, chỉ ước cô giáo đi chợ về nhanh đi, chỉ ước được ai đó đưa về nhà, về với những cái cây, lại cắt cắt, thái thái. Không biết lúc mình bứt lá, cây có đau không nhỉ. Nhưng những lúc ra khỏi lớp ấy, mình đau lắm.



Cũng không biết tại sao, từ sau những năm ấy, mình chẳng bao giờ làm lớp trưởng nữa. Cũng không biết tại sao, từ sau những năm ấy, mình không còn cười nhiều nữa. Đến giờ, mình vẫn luôn có những lúc như vậy, những lúc mình sợ hãi và xù lông với cả thế giới này. Mình chỉ thích những khối hộp của mình, những kỉ niệm trong đó, những thứ đẹp đẽ nhất. Mình quên rồi, quên hết mùi cây cỏ. Duy chỉ có những thứ cảm giác ấy vẫn chẳng bao giờ quên.


Mỗi lần mở những khối hộp con con đó, mình lại nhớ đến Cát - em bé “mình” hồi bé xíu ấy. Nhớ đến những buổi trưa, Cát ngồi khóc ngoài thềm. Nhớ cả cái hôm, chị của nó sang chơi, thế mà lại giằng đồ chơi của nó, thế mà lại đánh nó. Nó khóc.


Bà nó thì bận xem vô tuyến. Còn mẹ đang ở bếp chặt vội con gà. Thế là chẳng ai để ý đến nó. Nó khóc.


Cát ngồi ở thềm khóc ngon lành. Nếu bà và mẹ có hỏi tại sao, nó sẽ nói cho họ biết nó tủi thân ra sao. Nhưng mà bộ phim kia thì hay hơn tiếng khóc của nó, và con gà kia thì cần để tâm hơn nỗi buồn của nó. Vậy là nó cứ ngồi khóc ở đấy, chờ bố nó.


Bố nó về, nó vẫn khóc. Bố đã lại gần, hỏi tại sao. Nó vừa dụi mắt vừa kể, ngẩng lên đã thấy bố nó ngồi trong nhà uống cốc nước đá từ bao giờ. Bố còn kịp thay bộ cộc tay. À, thì ra là bố nóng. Nó không biết liệu mồ hôi có dễ lau hơn nước mắt hay không. Nhưng từ hôm đó, không ai thấy nó ngồi khóc ở thềm thêm một lần nào nữa.


Mình nhớ Cát, rồi lại thương Cát. Mình viết vội một bức thư, mong Cát sẽ thấy được:


Chào Cát,


Em đợi mình lâu chưa vậy?


Mình đây rồi, mình đến rồi đây. Xin lỗi vì để em phải đợi lâu nhé. Mình tắc đường một chút, tắc đường trong ngõ kẹt của chúng mình, tắc đường vì bao vật cản, bao ảo ảnh mà mình nghĩ đó là hạnh phúc. Và hơn hết, mình cố tình đi vòng, vì mình sợ, mình trốn chạy em. Nhưng, ổn rồi, từ bây giờ, mình sẽ không trốn chạy khỏi em nữa.


Em đang ở đâu? Đang ngồi góc thềm, hay trong vườn, hay trong căn buồng nhỏ giấu đầy bí mật của em mà vẫn hay bị mẹ phát hiện ra? Để mình dắt em ra khỏi đó nhé. Đi đi em, em được tự do rồi, muốn khóc, thì ôm mình mà khóc, đừng cúi mặt khóc một mình nữa. Em có nghe tiếng đài loẹt xoẹt trên giường bà nữa không? Em vẫn nghe thấy tiếng mẹ khóc chứ? Bố có còn say rượu không, có vứt bát đũa, có đánh mẹ, có mắng em không?


Không sao đâu Cát, đấy không phải là lỗi của em. Em là một cô bé tuyệt vời, em không cần phải cố gắng trở thành người khác để mọi người khen thưởng, để mọi người yêu quý nữa. Ai bắt nạt em nào, nói với mình, mình sẽ ôm em chặt hơn, yêu thương em thật nhiều hơn nữa. Mình yêu em, Cát ạ.



Từng giọt nước mắt, từng câu chuyện, từng cái nhìn. Mình trân trọng và yêu thương nó. Đôi lúc nó làm mình kiệt sức, đôi lúc nó làm mình mệt mỏi. Nhưng mình không còn căm ghét nó nữa. Mình không còn cảm thấy phiền hà, cũng không sợ người khác thấy phiền vì nó nữa. Chẳng cần phải tìm kiếm ai chấp nhận, vì cuối cùng, mình cũng chấp nhận nó rồi.


Lần nào viết về tuổi thơ, mình cũng nghe Laputa Overture, lần nào như vậy, mình cũng khóc. Mình thương Cát.


Mình mong bạn cũng sẽ thương cô bé, cậu bé thuở nhỏ của mình thật nhiều. Có thể các em ấy đang mắc kẹt đâu đó, có thể các em ấy đang trong một góc tối nào đó, vẫn đang chờ bạn đến, mở cửa để ánh sáng tràn vào, mở cửa để em ấy bước ra.


Tác giả: Tố Diệp

Biên tập: Anh Dương

Nguồn ảnh: Unsplash - Daiga Ellaby, Kate Williams


BẢN THẢO
Bài viết liên quan