Thế Nào Là Sống Lạc Quan?

Thế nào là sống lạc quan? Sống lạc quan là khi ta có thể nhìn nhận thế giới dưới một góc độ tích cực. Nó trái ngược kiểu sống bất lực, nhu nhược. Bằng cách tập tự đối thoại với …
Thế nào là sống lạc quan?

Sống lạc quan là khi ta có thể nhìn nhận thế giới dưới một góc độ tích cực. Nó trái ngược kiểu sống bất lực, nhu nhược. Bằng cách tập tự đối thoại với nội tâm mình và thay những suy nghĩ tiêu cực bằng những điều tích cực hơn, mọi người có thể sẽ học được cách làm thế nào để sống một cách lạc quan.

Lợi ích

Lối sống lạc quan đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích vô hình hơn là ta nghĩ. Một số điều hay mà lối sống này mang lại đã được các nhà nghiên cứu khám phá ra, bao gồm:

  • Có một sức khỏe tốt hơn: Một nghiên cứu cho thấy những người biết cách sống lạc quan từ tuổi 25 thì về sau, vào khoảng 45 đến 60 tuổi sẽ khỏe mạnh hơn so với những người bi quan cùng trang lứa.
  • Kéo dài tuổi thọ: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người lạc quan có xu hướng sống lâu hơn những người bi quan.
  • Giảm mức độ stress: Những người lạc quan không chỉ ít bị căng thẳng hơn, mà họ còn đối mặt với stress tốt hơn. Họ có xu hướng kiên cường hơn và vực dậy tinh thần sau thất bại cũng nhanh hơn những người khác. Thay vì bị rơi vào trạng thái quá tải hay cảm giác chán nản trước các sự việc tiêu cực, họ sẽ tập trung vào việc tạo ra những thay đổi tích cực để cải thiện cuộc sống của mình.
  • Động lực mạnh mẽ hơn: Trở nên lạc quan hơn cũng có thể giúp bạn “giữ lửa” khi theo đuổi mục tiêu. Ví dụ như khi cố gắng giảm cân chẳng hạn, những người bi quan có thể bỏ cuộc vì họ tin rằng chế độ ăn kiêng không bao giờ có tác dụng với mình. Trong khi đó, những người lạc quan thường tập trung vào những thay đổi tích cực mà họ làm được, từ đó mỗi ngày một cố gắng nhiều hơn để hoàn thành mục tiêu.
  • Sức khỏe tinh thần tốt hơn: Những người lạc quan có mức độ hạnh phúc cao hơn so với những người bi quan. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng dạy cách sống lạc quan có thể cải thiện  trầm cảm một cách đáng kể.
Graphic design teamwork concept Free Vector

Có một nghiên cứu được thực hiện qua việc đưa những đứa trẻ có yếu tố nguy cơ mắc trầm cảm vào một chương trình dạy về các kỹ năng sống lạc quan. Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy, những đứa bé có các yếu tố nguy cơ thường biểu hiện các triệu chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng sau hai năm. Tuy nhiên, trong số những bé được tham gia lớp học về việc sống lạc quan và chống trầm cảm, chỉ có một nửa số bé có biểu hiện triệu chứng trầm cảm sau nghiên cứu.

Lạc quan vs bi quan:

Những người bi quan có xu hướng tin rằng những điều tồi tệ chỉ đơn giản là buộc phải xảy ra với họ, rằng họ luôn mắc phải sai lầm, rằng những kết quả tiêu cực là mặc định tìm tới họ. Trong khi ở một tư tưởng khác, những người lạc quan lại luôn mong đợi những điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Team lạc quan có xu hướng xem thất bại là mẹ thành công, rằng thất bại chỉ là nhất thời do hoàn cảnh không ủng hộ. Thay vì từ bỏ hay cảm thấy bất lực khi bản thân chưa thành công, những người lạc quan lại thường xem những trở ngại trong cuộc sống là những thử thách mà họ phải vượt qua và chinh phục nó.

Người lạc quan và người bi quan có xu hướng khác nhau trong cách giải thích những sự việc hay sự kiện xảy ra trong cuộc đời họ. Cốt lõi của sự khác biệt trong cách giải thích sự việc giữa 2 tuýp người này thường là:

  • Tính cá thể: Khi mọi thứ đi sai hướng, những người lạc quan có xu hướng đổ lỗi cho những yếu tố khách quan, cho hoàn cảnh bên ngoài. Trong khi đó, những người bi quan phần lớn lại tự trách mình khi gặp những điều không may trong cuộc sống. Cũng theo cách này, những người lạc quan có xu hướng xem những việc tốt đến với họ là do kết quả của sự nỗ lực của bản thân, trong khi những người bi quan lại nghĩ rằng điều tốt là do hoàn cảnh mang lại, có lẽ là “trên trời rơi xuống” chẳng hạn!
  • “Nhất thời” hay “mãi mãi”: Những người lạc quan thường xem những khoảng thời gian tồi tệ chỉ là nhất thời, như kiểu “just a bad day..not a bad life”. Cũng nhờ điều này mà họ thường có khả năng đứng lên sau thất bại tốt hơn. Trái lại, những người bi quan thường xem các sự kiện tiêu cực là một thứ gì đó trường tồn và không thể thay đổi. Đây là lý do tại sao họ thường dễ bỏ cuộc hơn khi mọi thứ trở nên khó khăn.
  • Tính toàn diện: Khi những người lạc quan gặp thất bại ở một lĩnh vực nào đó, họ sẽ không để nó ảnh hưởng đến niềm tin về khả năng của họ trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, những người bi quan lại hay xem thất bại là điều tất yếu. Nói cách khác, nếu họ thất bại ở một chuyện, họ có xu hướng nghĩ rằng mình không thể nào thành công ở chuyện nào khác.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người bi quan thường thuộc nhóm thiểu số. Hầu hết mọi người (ước tính dao động trong khoảng từ 60% đến 80%) có xu hướng lạc quan ở các mức độ khác nhau.

International Poster Exhibit “The Right To Education” | Every year, Poster for Tomorrow chooses a basic human right to draw attention to. Then, they invite the global design community to make posters on the theme that are exhibited around the world on International Human Rights Day, December 10th. | Ohio Northern University
Nguồn gốc

Học cách lạc quan là một khái niệm xuất hiện từ một nhánh tương đối mới của ngành tâm lý học – là tâm lý học tích cực. Học cách lạc quan được mô tả bởi nhà tâm lý học Martin Seligman, người được coi là cha đẻ của phong trào tâm lý học tích cực. Theo Seligman, quá trình học cách sống lạc quan là một cách quan trọng để giúp mọi người tối đa hóa sức khỏe tinh thần và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chính Seligman đã nêu ra rằng công việc của ông ban đầu thường tập trung vào sự bi quan. Là một nhà tâm lý học lâm sàng, ông có xu hướng tìm các vấn đề bất ổn và nghĩ cách khắc phục chúng. Mãi cho đến khi một người bạn chỉ ra rằng công việc của ông lẽ ra nên là về sự lạc quan, ông ta mới thực sự bắt đầu tập trung vào việc tìm những điểm tích cực và làm cho nó tốt hơn.

Sống vô dụng

Công việc của Seligman ngay từ đầu là tập trung vào những người có lối sống bất lực, dễ dàng từ bỏ công việc vì luôn có suy nghĩ rằng những điều họ làm không mang đến một giá trị tích cực hay một sự thay đổi khả quan nào cả.

Hướng suy nghĩ và lập luận đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành thói sống vô dụng này. Cái cách mà chúng ta giải thích những điều xảy đến với cuộc đời mình, dù cho là do yếu tố chủ quan bên trong hay khách quan bên ngoài, đều có những tác động cụ thể đến quyết định từ bỏ hay tiếp tục cố gắng của ta.

Một hướng đi mới trong tâm lý học

Với những kết quả thu được khi thay đổi cách tiếp cận bệnh nhân, Seligman đã cho ra đời một cuốn sách xoáy sâu vào việc học cách sống lạc quan. Việc làm này của ông đã thúc đẩy cho sự phát triển của lĩnh vực tâm lý học tích cực. Seligman tiếp tục trở thành chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, được bầu với số phiếu lớn nhất trong lịch sử của APA. Chủ đề tâm lý học tích cực mà ông đề cập lúc bấy giờ đã trở thành chủ đề của năm.

Ông ấy tin rằng ngành tâm lý học chỉ mới hình thành được một nửa. Nhà tâm lý học tiếp cận bệnh nhân còn khá cứng nhắc, chỉ ở một phương diện nghiên cứu và thực hiện các biện pháp điều trị về tâm thần, chấn thương và sang chấn tâm lý, nhưng lại không nhận ra rằng cũng cần phải tập trung vào việc làm thế nào để hạnh phúc và làm thế nào để sống một cuộc sống tốt. Ông quan niệm nếu chúng ta có thể học cách trở nên lạc quan, thì ta có thể có cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Bạn có thể học được cách lạc quan?

Mặc dù rõ ràng sự lạc quan mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng sau cùng lại tồn tại một câu hỏi rằng liệu chúng ta có thể học cách sống với những quan điểm tích cực hơn hay không? Liệu những người bi quan nhất có thể điều chỉnh thế giới quan của họ?

Lạc quan là tố chất bẩm sinh, hay là một kỹ năng có thể học được?

Các nhà nghiên cứu cho rằng ngoài yếu tố di truyền, mức độ lạc quan còn bị ảnh hưởng bởi những quá trình phát triển của thời thơ ấu, bao gồm cả sự ấm áp của cha mẹ và sự ổn định tài chính gia đình.

Tuy nhiên, việc làm của Seligman cho thấy việc học các kỹ năng có thể giúp bạn trở thành một người lạc quan hơn. Bất cứ ai cũng có thể học những kỹ năng này, bất kể tại xuất phát điểm họ là người bi quan đến mức nào?

Cần thời gian để cải thiện sự lạc quan?

Nghiên cứu của Seligman cho thấy khi trẻ còn nhỏ, việc dạy trẻ các kỹ năng lạc quan đúng lúc có thể mang lại nhiều lợi ích, giúp trẻ có kỹ năng siêu nhận thức để kiểm soát những suy nghĩ của bản thân, nhưng  việc này cần thực hiện trước tuổi dậy thì. Dạy các kỹ năng như vậy trong giai đoạn quan trọng này có thể là chìa khóa để giúp trẻ tránh khỏi một số bệnh lý tâm lý, bao gồm cả trầm cảm.

Mô hình ABCDE

Seligman tin rằng bất cứ ai cũng có thể học cách trở nên lạc quan hơn. Ông đã sáng tạo ra một bài kiểm tra về độ lạc quan để giúp mọi người khám phá ra họ lạc quan đến mức nào. Những người có nhiều sự lạc quan trong cuộc sống có khả năng tự cải thiện sức khỏe tinh thần của mình, trong khi những người bi quan lại có lợi thế là có thể giảm nguy cơ mắc chứng trầm cảm.

Phương pháp tiếp cận cách sống lạc quan của Seligman dựa trên các phương pháp điều chỉnh nhận thức được phát triển bởi Aaron Beck và liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý được tạo ra bởi Albert Ellis. Cả hai phương pháp đều tập trung vào việc xác định những suy nghĩ tiềm ẩn ảnh hưởng đến hành vi và cố gắng nhuộm những màu sắc tích cực vào những suy nghĩ này.

Colorful hand drawn productivity concept Free Vector

Cách tiếp cận của Seligman được gọi là mô hình “ABCDE” về việc học cách lạc quan:

  • Adversity (Nghịch cảnh) là tình huống đòi hỏi sự phản ứng từ cá thể
  • Belief (Niềm tin) là điều quyết định cách chúng ta nhìn nhận sự việc
  • Consequence (Kết quả) là cách chúng ta cư xử, phản ứng, hoặc cảm nhận khi đối mặt với nghịch cảnh.
  • Disputation (Tranh luận) là nỗ lực của bản thân để đấu tranh tư tưởng.
  • Energization (Năng lượng) là kết quả từ việc cố gắng thử thách niềm tin của chúng ta.

Sử dụng mô hình này để học cách lạc quan hơn:

Adversity (Nghịch cảnh)

Hãy suy nghĩ về một nghịch cảnh mà bạn đã phải đối mặt gần đây. Đó có thể liên quan đến sức khỏe, gia đình, các mối quan hệ, công việc hay bất kỳ thử thách nào mà bạn phải vượt qua.

Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng gần đây bạn vừa bắt đầu một chế độ tập thể dục mới nhưng bạn đang gặp khó khăn với việc tiếp tục tuân theo nó.

Belief (Niềm tin)

Ghi lại những suy nghĩ đang hiện lên trong tâm trí bạn khi bạn nghĩ về điều này. Hãy thành thật với bản thân hết sức có thể và đừng cố gắng khoác một vỏ bọc bên ngoài hay tự điều chỉnh cảm xúc của bạn.

Trong ví dụ trước, bạn có thể nghĩ những điều như “Tôi không giỏi trong việc tuân theo chế độ tập luyện của mình”, “Tôi sẽ không bao giờ có thể đạt được mục tiêu của mình” hoặc “Có lẽ tôi không đủ sức để đạt được mục tiêu của mình.”

Consequence (Kết quả)

Xem xét những điều xuất hiện từ niềm tin mà bạn đã ghi lại ở bước 2. Những niềm tin đó có dẫn đến hành động tích cực hay chúng khiến bạn ngày càng khó đạt được mục tiêu?

Trong ví dụ của chúng tôi, bạn có thể nhanh chóng nhận ra rằng những niềm tin tiêu cực mà bạn thể hiện khiến việc gắn bó với chế độ tập luyện mới trở nên khó khăn hơn. Có lẽ bạn sẽ bắt đầu chán nản, bỏ qua việc tập luyện thường xuyên hơn hay có ít động lực hơn để đến phòng tập hơn lúc trước.

Dispute (Tranh luận)

Tự tranh luận với chính niềm tin của bạn. Hãy suy nghĩ về những định kiến của bạn từ bước 2 và tìm kiếm những ví dụ chứng minh rằng những điều đó sai. Cố tìm những ví dụ thực tế để “dập lại” những giả thuyết ban đầu của bạn.

Ví dụ, bạn có thể nhớ lại những lần bạn đã thành công trong việc hoàn thành những bài tập trước. Hoặc những lần khác bạn cũng đã từng đặt mục tiêu,  ra sức tập luyện vì nó và cuối cùng đã chinh phục được nó.

Energization (Năng lượng)

Giờ thì tự cảm nhận xem bạn đang cảm thấy như thế nào sau khi tự tranh luận với nội tâm mình. Việc “bật lại” với những ý niệm ban đầu của bản thân mang đến cho bạn những cảm xúc gì?

Sau khi nghĩ về những lần bạn đã tập luyện vất vả cho mục tiêu của mình, bạn có thể cảm thấy có nhiều năng lượng và động lực hơn. Bây giờ bạn lại thấy rằng thực tế không tuyệt vọng như trước đây bạn nghĩ, ngọn lửa nhiệt huyết trong bạn lại được thắp lên để bạn tiếp tục thực hiện các mục tiêu của mình.

Học cách lạc quan có thể mất thời gian

Hãy nhớ rằng, đây là một quá trình liên tục mà bạn có thể cần phải lặp lại thường xuyên.  Khi bạn thấy mình gặp khó khăn khi đối mặt với thử thách, hãy nỗ lực làm theo các bước này. Sau đó, bạn sẽ dễ dàng xác định được những niềm tin bi quan đang ẩn sâu trong tâm trí bạn và tự mình đấu tranh với những suy nghĩ tiêu cực này.  Quá trình này suy cho cùng có thể giúp bạn cải thiện những suy nghĩ tiêu cực và đối diện những thử thách trong đời với một góc độ lạc quan hơn.

Lời phê bình & những cạm bẫy tiềm tàng

Một số nhà phê bình cho rằng những chương trình rèn sự lạc quan thực chất là dạy cách giảm sự bi quan hơn là dạy cách sống lạc qua. Vài nhà nghiên cứu khác lại tin rằng cách diễn giải vấn đề không thật sự liên quan đến sự lạc quan như trước đây ta từng nghĩ.

Một và nhà nghiên cứu khác cũng cho thấy lạc quan cũng có thể có mặt tiêu cực.  Những người lạc quan quá mức hoặc lạc quan phi thực tế lại thường dễ tự ái. Một vài khuynh hướng lạc quan cũng có thể khiến người ta bất chấp rủi ro về sức khỏe và tham gia vào những hoạt động nguy hiểm do họ đánh giá thấp mức độ đe dọa của những việc đó với bản thân mình.

Trong khi một số nghiên cứu chỉ ra những cạm bẫy tiềm tàng của sự lạc quan thái quá hoặc phi thực tế, hầu hết các nghiên cứu lại ủng hộ ý kiến ​​cho rằng có một mối liên hệ tích cực giữa sự lạc quan và sức khỏe tổng thể. Ví dụ, lạc quan là một yếu tố dự báo về một sức khỏe thể chất tốt khi người ta già đi.

Lời nhắn từ tác giả

Có lẽ điều đáng khích lệ nhất về sự lạc quan là nó có liên quan đến các kỹ năng có thể học và đưa vào thực tế. Suy cho cùng, học cách lạc quan mang lại cho ta nhiều thứ hơn là chỉ cải thiện sức khỏe của bạn hoặc tránh xa các bệnh về tâm lý như trầm cảm hoặc lòng tự trọng thấp.  Seligman cho rằng rằng đây cũng có thể là một lộ trình để chúng ta tìm thấy mục đích sống của mình. “Lạc quan là một điều vô giá cần thiết cho một cuộc sống có ý nghĩa. Với niềm tin vững chắc vào một tương lai tốt đẹp, bạn có thể sống hết mình với cuộc đời trở nên xuất sắc hơn là bạn nghĩ,”- ông giải thích.

———————————
Dịch: Gia Linh
Biên tập: Ngọc
Nguồn: https://www.verywellmind.com/learned-optimism-4174101
Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan