Thế Nào Là Thiên Kiến Tiêu Cực?

Bạn đã bao giờ thấy mình đắm chìm trong việc dày vò hoặc dằn xé những lỗi lầm của mình chưa? Những chỉ trích thường tác động mạnh mẽ hơn những lời khen ngợi, và tin xấu thường thu hút …

Bạn đã bao giờ thấy mình đắm chìm trong việc dày vò hoặc dằn xé những lỗi lầm của mình chưa? Những chỉ trích thường tác động mạnh mẽ hơn những lời khen ngợi, và tin xấu thường thu hút nhiều sự chú ý hơn tin tốt. Sở dĩ như vậy là vì những sự kiện tiêu cực có tác động mạnh mẽ đến não bộ chúng ta hơn những cái tích cực. Các nhà tâm lý học gọi đây là những thiên kiến tiêu cực, và nó có thể tác động mạnh mẽ đến hành vi, quyết định và thậm chí là những mối quan hệ của bạn.

CogBlog – A Cognitive Psychology Blog » Negativity Bias


Vậy, thế nào là thiên kiến tiêu cực?

Thiên kiến tiêu cực là xu hướng mà chúng ta không chỉ tiếp nhận những tác nhân kích thích tiêu cực nhanh hơn mà còn đắm mình vào những sự kiện này. Còn được biết đến là sự bất đối xưng giữa tích cực – tiêu cực, thiên kiến tiêu cực này có nghĩa là chúng ta cảm thấy sự dày vò vì bị quở trách mạnh mẽ hơn niềm vui của lời khen ngợi.

Hiện tượng tâm lý học này giải thích vì sao những ấn tượng xấu ban đầu có thể khó mà vượt qua và vì sao những chấn thương trong quá khứ lại để lại những tác động dai dẳng. Trong hầu hết bất cứ tương tác nào, chúng ta gần như để ý đến những điều tiêu cực và sau đó nhớ chúng kỹ hơn. Là con người, chúng ta có xu hướng:

  • Nhớ những trải nghiệm đau buồn lâu hơn những cái tích cực.
  • Gợi nhớ lại những lời chê trách hơn là những lời khen
  • Phản ứng mạnh mẽ hơn trước những tác nhân kích thích tiêu cực
  • Nghĩ về những điều tiêu cực thường xuyên hơn những điều tích cực
  • Phản ứng gay gắt trước những sự kiện tiêu cực hơn những sự kiện tích cực tương ứng

Ví dụ, bạn có thể đang có một ngày làm việc tuyệt vời cho đến khi một đồng nghiệp đưa ra một lời nhận xét trái chiều khiến bạn thấy khó chịu. Rồi sau đó bạn thấy mình buồn phiền bởi những lời lẽ của anh ta cho đến hết ngày làm việc. Khi bạn về nhà và có ai đó hỏi ngày hôm đó của bạn thế nào, bạn sẽ trả lời rằng nó thật tệ – ngay cả khi nhìn chung đó là một ngày khá tốt mặc cho có một sự việc tiêu cực đi nữa.

Thiên kiến hướng đến điều tiêu cực này khiến bạn tập trung nhiều hơn vào những điều tồi tệ xảy ra, khiến cho chúng trở nên quan trọng hơn bản chất thực sự. 

Các nhà nghiên cứu nói gì

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số một loạt các sự kiện tâm lý, mọi người có xu hướng tập trung nhiều hơn vào cái tiêu cực khi họ cố gắng hiểu ý nghĩa của thế giới. Chúng ta chú ý đến các sự kiện tiêu cực hơn những sự kiện tích cực. Chúng ta có xu hướng học hỏi nhiều hơn từ kết quả và các trải nghiệm tiêu cực. Chúng ta thậm chí có xu hướng đưa ra quyết định dựa trên thông tin tiêu cực nhiều hơn dữ liệu tích cực.

Đó chính là “những điều tồi tệ” cuốn lấy hết mọi sự chú ý của ta, bám vào trí nhớ ta, và, trong nhiều trường hợp, ảnh hưởng đến những quyết định ta đưa ra.

Động lực

Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng thiên kiến tiêu cực chi phối động lực hoàn thành nhiệm vụ. Người ta có ít động lực hơn khi động cơ được xem như là phương tiện để đạt được thứ gì đó hơn là khi cũng động cơ đó sẽ giúp họ tránh mất mát thứ gì đó.

Điều này có thể đóng vai trò trong động lực theo đuổi mục tiêu của bạn. Thay vì tập trung vào điều bạn sẽ có được nếu nỗ lực hướng tới thứ gì đó, bạn gần như đắm mình vào điều bạn có thể phải từ bỏ để đạt được mục tiêu đó. 

Performance Magazine What is more effective in motivating the ...
Hệ thống phân bậc động lực
Cao nhất là Làm vì những hưởng lạc có sẵn= tránh mất hưởng lạc
Tiếp đến là Vì giải thưởng => Làm hài lòng người khác => Không vì lý do gì (Na ná làm vì đam mê)

Tin xấu

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tin tức tiêu cực gần như được xem là đáng tin cậy. Bởi vì thông tin tiêu cực thu hút nhiều sự chú ý hơn, nên nó cũng được nhìn nhận là mang tính xác thực hơn. Đó có lẽ là lý do vì sao tin xấu dường như thu về cho mình nhiều sự quan tâm hơn.

Quan điểm chính trị

Những khác biệt trong thiên kiến tiêu cực cũng có liên quan đến hệ tư tưởng chính trị. Một số nghiên cứu cho thấy những người thuộc đảng bảo thủ có thể có phản ứng tâm lý mạnh mẽ hơn trước thông tin tiêu cực so với những người thuộc đảng tự do. Chẳng hạn, một số bằng chứng đã chỉ ra rằng những người tự coi mình là những người bảo thủ chính trị có nhiều khả năng xem các tác nhân kích thích mơ hồ là mối đe dọa.

Những khác biệt như thế trong thiên kiến tiêu cực có thể lý giải vì sao người ta gần như đánh giá cao những điều truyền thống và an toàn trong khi số khác lại cởi mở hơn trong việc tiếp nhận những điều mơ hồ và sự thay đổi.

Những ví dụ về Thiên kiến tiêu cực

Thiên kiến tiêu cực có thể có nhiều tác động thực tế đến cách người ta suy nghĩ và hành động. Có tình huống hay sự kiện nào dưới đây quen thuộc với bạn không?

  • Bạn nhận được một bản đánh giá công việc mà nhìn chung là tích cực, ghi nhận sự thể hiện tốt và những thành tựu của bạn. Bên cạnh đó là một vài góp ý mang tính xây dựng, chỉ ra những điểm bạn cần cải thiện, và rồi bạn thấy mình bám vào những điểm lưu ý đó. Thay vì cảm thấy vui về những khía cạnh tích cực trong bản đánh giá thì bạn lại thấy phiền muộn bởi những nhận xét góp ý. 
  • Sau cuộc tranh luận với người quan trọng, bạn thấy mình tập trung vào những thiếu sót nơi đối phương. Thay vì nhìn nhận những điểm tốt của họ, bạn cứ nhai đi nhai lại những điểm chưa hoàn hảo nơi họ. Ngay cả những lỗi nhỏ nhất cũng được khuếch đại, trong khi các đặc tính tích cực thì lại bị bỏ qua.
  • Bạn vẫn nhớ rất rõ lần bị bẽ mặt trước mặt bạn bè, dù cho sự kiện đã xảy ra nhiều năm trước. Bạn thấy mình co rúm vì xấu hổ bởi điều đó, dù cho bạn bè của bạn có lẽ đã quên sạch tự thuở nào.
Negative Bias: Why We're Hardwired for Negativity

Bằng chứng

Xu hướng chú ý nhiều hơn đến điều tồi tệ và bỏ qua những điều hay ho của chúng ta gần như là kết quả của sự tiến hóa. Ở thời kỳ sơ khai trong lịch sử nhân loại, việc chú ý đến những mối đe dọa tồi tệ, nguy hiểm và xấu xa trong đời sống gần như là vấn đề sống còn. Những ai cảnh giác hơn trước nguy hiểm và chú ý hơn đến những điều tồi tệ xung quanh họ thì có khả năng sống sót cao hơn. Điều này có nghĩa là họ cũng có nhiều khả năng truyền sang thế hệ sau những gen làm cho họ cảnh giác trước nguy hiểm. 

Góc nhìn tiến hóa chỉ ra rằng xu hướng đắm mình vào những điều tiêu cực hơn những điều tích cực này là cách đơn giản để não bộ cố gắng giữ cho chúng ta được an toàn.

Overcoming Negativity Bias – moodsmart

Sự phát triển

Nghiên cứu cho thấy thiên kiến tiêu cực này bắt đầu xuất hiện từ thời thơ ấu. Trẻ sơ sinh ẵm ngửa có xu hướng chú ý hơn đến nét mặt và tông giọng hay ho, nhưng sự biến chuyển diễn ra khi trẻ gần lên một tuổi. Các nghiên cứu về não bộ đề cập trong thời gian này, trẻ bắt đầu trải nghiệm nhiều phản ứng của não bộ trước các tác nhân kích thích tiêu cực. Điều này cũng chỉ ra rằng thiên kiến tiêu cực của não bộ xuất hiện trong khoảng độ nửa năm đầu đời trở đi. Cũng có một số bằng chứng cho thấy thiên kiến này thực chất có thể còn xuất hiện sớm hơn trong quá trình phát triển.

Một nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ sơ sinh khoảng ba tháng tuổi có những dấu hiệu của thiên kiến tiêu cực khi đưa ra những đánh giá xã hội về người khác. 

Phản ứng của não bộ

Bằng chứng thần kinh học đã chỉ ra rằng có một sự xử lý thần kinh đáng kể trong não để phản ứng trước các kích thích tiêu cực. Các nghiên cứu liên quan đến việc đo lường tiềm năng liên quan đến sự kiện (ERP), cho thấy phản ứng của não trước các kích thích cảm giác, nhận thức hoặc vận động cụ thể, đã chỉ ra rằng các kích thích tiêu cực gợi ra phản ứng não lớn hơn so với những cái tích cực.

Trong các nghiên cứu được tiến hành bởi nhà tâm lý học John Cacioppo, những người tham gia được cho nhìn các bức ảnh tích cực, tiêu cực hoặc trung tính. Các nhà nghiên cứu sau đó quan sát hoạt động điện trong não. Hình ảnh tiêu cực tạo ra một phản ứng mạnh mẽ hơn nhiều ở vỏ não so với hình ảnh tích cực hoặc trung tính.

Bởi vì thông tin tiêu cực khiến cho hoạt động trong khu vực xử lý thông tin quan trọng của não tăng lên, nên hành vi và thái độ của chúng ta có xu hướng được định hình mạnh mẽ hơn bởi các tin tức, trải nghiệm và thông tin xấu.

Những ảnh hưởng

Mặc dù chúng ta có thể không còn phải cảnh giác cao độ như tổ tiên thời xa xưa của chúng ta cần phải như thế để tồn tại, nhưng khuynh hướng tiêu cực vẫn đóng vai trò quan trọng trong cách hoạt động của não bộ chúng ta. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiên kiến tiêu cực có thể có nhiều kiểu tác động đến cách mọi người suy nghĩ, phản ứng và cảm nhận.

Một số khía cạnh trong đời sống thường ngày mà bạn có thể cảm thấy như hệ quả của thiên kiến này bao gồm các mối quan hệ, quá trình ra quyết định và cách bạn nhìn nhận mọi người. 

Các mối quan hệ

Thiên kiến tiêu cực có thể tác động sâu đến các mối quan hệ của bạn. Thiên kiến này có thể khiến người ta mong đợi điều tệ hại nhất nơi ngươi khác, đặc biệt là trong những mối quan hệ thân thiết mà chúng ta đã biết nhau trong một thời gian dài.

Chẳng hạn, bạn có thể dự đoán một cách tiêu cực cách đối phương phản ứng trước một điều gì đó và xâm nhập vào các cơ chế phòng vệ đang ở trạng thái cảnh giác cao của bạn. Tranh cã và oán giận thường là hệ quả. Khi nói đến các mối quan hệ, bạn nên nhớ rằng những nhận xét tiêu cực thường ảnh hưởng hơn những nhận xét tích cực. Ý thức được việc bản thân có xu hướng bám vào những điều tiêu cực cũng quan trọng không kém. Hiểu được xu hướng tự nhiên của con người này, bạn có thể tập trung vào việc tìm cách khoan dung với người khác và thôi trông đợi những điều tệ hại.

Ra quyết định

Thiên kiến tiêu cực có thể ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định. Trong công trình nổi tiếng của mình, hai nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel Kahneman và Tversky đã chỉ ra rằng khi ra quyết định, người ta luôn luôn đặt nặng các khía cạnh tiêu cực của sự việc hơn là khía cạnh tích cực.

Xu hướng “phóng đại” mặt tiêu cực này cũng tác động đến những lựa chọn mà người ta đưa ra cũng như các nguy cơ mà họ sẵn lòng chấp nhận. Khi hình dung các bối cảnh liên quan đến việc kiếm được một số tiền cụ thể hoặc mất đi số tiền đó, thì nguy cơ mất mát luôn chiếm đóng phần lớn hơn trong tâm trí con người. Người ta thường sợ các hệ quả của tác động tiêu cực hơn là khao khát những thành quả tích cực tiềm năng, ngay cả khi hai khả năng này ngang nhau. Họ cũng có những phản ứng tiêu cực mạnh mẽ hơn khi mất 20 đô-la so với khi có được 20 đô-la.

Don't fear the lion: How to overcome negativity bias | Dropbox Blog
Đừng để nỗi sợ chi phối bạn


Nhận thức

Khi hình thành ấn tượng về người khác, người ta cũng có xu hướng tập trung nhiều hơn vào những thông tin tiêu cực. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy khi được cho những tính từ “xấu” lẫn “tốt” để mô tả đặc tính của một người nào đó, thì người tham gia thường chú trọng đến những điểm xấu khi hình thành ấn tượng ban đầu.

Làm thế nào để vượt qua Thiên kiến tiêu cực

Thiên kiến tiêu cực có thể gây hại đến sức khỏe tinh thần của bạn. Nó có thể khiến bạn đắm chìm trong những suy nghĩ bi quan, tổn thương đến các mối quan hệ của bạn với những người thân yêu, và cũng khiến bạn khó mà duy trì cái nhìn lạc quan về cuộc đời. May thay, có một số bước bạn có thể thực hiện để thay đổi tư duy của mình và đánh bại xu hướng thiên vị những suy nghĩ tiêu cực. Bao gồm những điều sau:

Ngưng những cuộc độc thoại tiêu cực

Bắt đầu chú ý đến kiểu suy nghĩ thường hay xuất hiện trong tâm trí bạn. Sau một sự việc xảy ra, bạn có thể thấy mình nghĩ “Tôi lẽ ra không nên làm như thế.” Kiểu độc thoại tiêu cực này định hình cách bạn nghĩ về bản thân và người khác. Tốt hơn hết là hãy dừng những suy nghĩ như thế lại khi chúng khởi sinh. Thay vì bám vào những sai lầm trong quá khứ vốn không thể thay đổi, hãy xem bạn học được gì từ đó và làm thế nào để ứng dụng vào tương lai.

Độc thoại tích cực để cuộc sống tốt đẹp hơn

The Importance of Positive Self-Talk – San Diego – Sharp Health News

Tái định hình tình huống

Cách bạn trò chuyện với bản thân về những sự kiện, trải nghiệm và những người xung quanh đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình cách bạn diễn giải sự việc. Khi bạn thấy mình diễn giải điều gì đó theo cách tiêu cực hay chỉ tập trung vào mặt xấu của tình huống, thì hãy tìm cách tái định hình các sự kiện đó theo cách tích cực hơn. Điều này không có nghĩa là phớt lờ những mối nguy có thể xảy ra hay lúc nào cũng nhìn đời với cặp kính màu hồng – mà chỉ đơn giản là tái tập trung để bạn có thể nhìn nhận công bằng trước các sự kiện tích cực. 

Hình thành những mô thức mới

Khi bạn thấy mình đang ngẫm nghĩ về mọi thứ, hãy tìm kiếm một hoạt động tích cực để kéo mình ra khỏi suy nghĩ tiêu cực này. Ví dụ, nếu bạn thấy mình đang nhớ lại một số sự việc hay kết quả khó chịu nào đó, hãy cố chuyển hướng sự chú ý của bạn sang nơi khác và tham gia vào một hoạt động mang lại cho bạn niềm vui. Nghe những bản nhạc vui tươi, đi dạo hoặc đọc một cuốn sách hay luôn là những cách giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực.

Tận hưởng những khoảnh khắc vui vẻ

Vì chúng ta cần nhiều hơn những trải nghiệm tích cực đáng nhớ, nên quan trọng là phải để ý hơn đến những điều tốt đẹp xảy ra. Bởi những điều tiêu cực có thể nhanh chóng được di chuyển và lưu trữ vào trong bộ nhớ dài hạn của bạn, bạn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có được hiệu quả tương tự từ những khoảnh khắc hạnh phúc. Vì vậy, khi một điều gì đó tuyệt vời xảy ra, hãy dành một chút thời gian để thực sự tập trung vào nó. Gợi nhắc lại khoảnh khắc này nhiều lần trong đầu và tập trung vào những cảm xúc tuyệt vời mà ký ức gợi lên.

Chú thích của dịch giả: Các tiềm năng liên quan đến sự kiện (ERP) là các điện áp rất nhỏ được tạo ra trong các cấu trúc não để đáp ứng với các sự kiện hoặc kích thích cụ thể (Blackwood và Muir, 1990).

(Theo:https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3016705/#:~:text=Event%2Drelated%20potentials%20(ERPs),Blackwood%20and%20Muir%2C%201990).)
Dịch: Goonie
Biên tập: Tuấn Ngọc
Minh họa: (Ảnh tham khảo trên internet)
Nguồn: https://www.verywellmind.com/negative-bias-4589618
A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan