Theo đuổi "hạnh phúc" khó nắm bắt

Chúng ta được nuôi dạy với suy nghĩ rằng sợ hãi chính là liều thuốc kịch độc

“Hãy chọn hạnh phúc”

“Hãy yêu thương”

“Nếu điều này không mang lại lợi ích gì, hãy buông nó đi”

“Càng nhiều thì càng tốt”

“Grass is greener” (1)

“Hãy chỉ giữ và nhận những rung cảm tốt đẹp”

Trong nền văn hóa hiện đại này, chúng ta đã được dạy để tìm ra tất cả câu trả lời qua màn hình vi tính và chúng ta muốn có tất cả mọi thứ. Những hình ảnh đẹp đẽ và những meme chỉ cho chúng ta mọi điều mà chúng ta nghĩ là mình cần phải làm ngay bây giờ. Chúng ta dường như đã đánh mất chiếc la bàn có sẵn trong chúng ta - chính là trực giác mà bẩm sinh đã có. Chúng ta cho rằng chúng ta phải làm mọi thứ, phải đảm nhiệm mọi vai trò và phải cho thế giới thấy được “sự to lớn” của chúng ta.

Từ “tâm linh” hay được dùng một cách không chính xác do không phải ai cũng thực sự hiểu ý nghĩa thực sự của việc nuôi dưỡng tâm hồn bên trong con người, bất kể tín ngưỡng của chúng ta là gì. Dù cho chúng ta có tin vào điều gì đi nữa, mỗi chúng ta đều đang trên hành trình riêng, nhưng tất cả chúng ta đều có sự kết nối. Chúng ta thường quên đi những sự kết nối đó, và “tâm linh” chúng ta trở thành bản ngã, cái tôi và thứ gì đó lớn lao hơn để khoe trương ra bên ngoài.

Chúng ta đánh mất sự thỏa hiệp, sự kết nối, động lực và nghỉ ngơi, cho đi và nhận lại. Chúng ta coi đó là nền văn hóa của riêng mình.

“Hãy chọn hạnh phúc” và những điều tốt đẹp hơn sẽ đến với cuộc đời bạn vào bất cứ khoảnh khắc nào. Chúng ta luôn nghĩ hạnh phúc chính là những tấm hình đẹp đẽ đã qua chỉnh sửa trên instagram và tin rằng sắc đẹp và sự hoàn hảo mới là tình yêu mà chúng ta dành cho mình. Điều này rất nực cười và có thể khiến cho rất nhiều người trong số chúng ta, những người đang tìm kiếm con đường “tâm linh” của riêng mình cảm thấy bản thân đã bỏ lỡ cơ hội để tìm ra con đường đó. Sự thật là, bạn chẳng bỏ lỡ cơ hội nào cả. Những điều được coi là hạnh phúc kia không thực sự giúp đỡ chúng ta trên con đường phát triển “tâm linh” của chính mình, bất kể niềm tin và tôn giáo của chúng ta là như nào đi nữa.

Vấn đề đầu tiên là chúng ta đang chạy theo ảo tưởng về hạnh phúc và gắn liền khái niệm “tâm linh” với hạnh phúc. Chúng ta quên rằng tất cả những cảm xúc tạo nên con người chúng ta đều quan trọng để cảm nhận và trải nghiệm. Ngay cả những cảm xúc khó khăn, tiêu cực cũng sẽ phần nào dẫn lối chúng ta đến nơi bản thân ta thuộc về. “Tâm linh” là một lối thoát để chúng ta tìm thấy sự kết nối với nhau, một lối thoát cho tất cả những xúc cảm của chúng ta, một lối thoát dẫn ta đến một nơi bình yên, thấu hiểu và tràn đầy yêu thương. Ying và Yang (Âm dương), sáng và tối, đẹp đẽ nhưng lại hỗn loạn. Tâm linh là một cuộc hành trình khám phá ra những điều có thể giúp bạn trở thành một phần có ích của cộng đồng và một phần không thể thiếu của thế giới. Trong thời kỳ hiện đại ngày nay, chúng ta đã tự biến “tâm linh” đó thành bản ngã và cái tôi của chính mình.

“Tâm linh” của phương Tây hay “Mọi sự phát triển cá nhân đều có mặt tối”

Việc cảm thấy mọi thứ (tức giận, buồn bã, bất an) trừ “hạnh phúc” khiến bạn cảm thấy thật sai lầm, tồi tệ và không có tinh thần. Điều này khiến bạn cảm thấy ngột ngạt và tránh né mọi thứ. Chúng ta tin rằng có điều gì đó đang không ổn nếu như chúng ta không hề hạnh phúc, và do đó phải luôn cố gắng để thoát khỏi cuộc sống hiện tại và đi tìm một điều gì đó khác. Chúng ta mượn tay những viên thuốc hay bất cứ điều gì để đánh lạc hướng bản thân, để không cảm thấy sự thiếu hụt về hạnh phúc. Chúng ta trốn sau màn hình, sau những thiết bị, nơi chúng ta cảm thấy an toàn và dễ dàng hơn để tương tác với mọi người mà không phải đào quá sâu vào những mối quan hệ hay để lộ ra quá nhiều con người thật của mình.


Ảnh: Dung Ho | Behance



Bạn có nhận thấy rằng như vậy chính là đang đánh giá những người thể hiện sự giận dữ hay sợ hãi không? Bạn có biết rằng tức giận cũng là một cảm xúc tự nhiên của con người, và là một phản ứng hoàn toàn chính đáng trong nhiều tình huống hay không? Chúng ta nghĩ tức giận là sai trái và không tốt, nhưng đó là một cảm xúc hoàn toàn bình thường của con người. Kìm nén cảm xúc để bạn có thể duy trì bản thân sẽ dẫn đến tính không thực, suy nghĩ rối loạn và thiếu nhận thức thực sự về chính mình.

Chúng ta được nuôi dạy với suy nghĩ rằng sợ hãi chính là liều thuốc kịch độc

Nỗi sợ hãi và tức giận phát triển trong ta như một phần của kinh nghiệm và quá trình học hỏi - một cách để vượt qua được thời kỳ hỗn loạn và tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. Những cảm xúc này tồn tại để đồng hành cùng ta trên con đường yêu thương. Vậy mà, tâm trí con người trong thời kỳ hiện đại lại phát triển để tin rằng có điều gì đó thật sai trái và tồi tệ với những yếu tố thiết yếu này của cảm xúc. Chúng ta đang coi thường và gạt bỏ những điều mà theo chúng ta là quá xấu xí để đối mặt.

Chúng ta đang nói dối chính bản thân mình, và cả những người xung quanh chúng ta, chỉ để trở thành người có đủ “tâm linh” (hay tinh thần) trong mắt người khác. Luôn luôn lạc quan để rồi vùi dập những xúc cảm mà rồi cuối cùng bản thân cũng phải đối mặt. Bạn đang ở đây, ngay bây giờ, trên hành tinh này, và là một con người. Một con người không hoàn hảo, chứ không phải là Phật hay Thánh. Tôi có đồng ý để bản thân ngồi yên trong đau khổ cả cuộc đời mình không? Không, đương nhiên là không. Tôi có ủng hộ việc cảm nhận những cảm xúc chết tiệt này khi chúng nảy sinh nhưng ta cần đối thoại với chúng để có thể thực sự học hỏi được điều gì đó về những gì sắp xảy ra, về cách chữa lành và cách để buông bỏ. Sau đó là cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy có tinh thần, và việc hòa nhập với môi trường xung quanh sẽ không phải là một bài tập quá khó khăn nữa. Sẽ không ai tuyên án bạn chỉ vì bạn đã không giả vờ bản thân hạnh phúc khi bạn đang đau khổ. Bạn sẽ không thể cảm nhận và xử lý những điều tồi tệ nếu bạn đeo lăng kính màu hồng của mình 24/7 đâu.

Cuộc sống mà không phải lúc nào cũng tràn ngập cầu vồng và ánh sáng cùng những bức ảnh tự chụp khi hoàng hôn buông với mái tóc gợn sóng trên bãi biển và thân hình hoàn hảo, đó mới là một cuộc sống đẹp đẽ. Cuộc sống này là một mớ hỗn độn ở tất cả mọi nơi, dù là nơi bạn tìm thấy chính mình đi nữa.

Chúng ta quên rằng mọi cảm xúc làm nên tính con người trong ta đều phải được trân trọng và trải nghiệm. Rằng không phải lúc nào cũng ta cũng được lựa chọn cách chúng ta cảm nhận từng khoảnh khắc, chúng ta chỉ có thể chọn cách phản ứng lại và vượt qua những cảm xúc của bản thân. Tất cả xúc cảm đều nâng đỡ chúng ta chứ không chỉ có “hạnh phúc”. Hạnh phúc rất cuốn hút để cảm nhận, để theo đuổi, nhưng cũng chỉ là tạm thời. Nếu chúng ta chỉ biết chăm chăm tránh đi mọi xúc cảm khác, chúng ta sẽ dành cả đời để theo đuổi, không phải để sống một cuộc đời đúng nghĩa.

Việc “đuổi theo hạnh phúc” đang tạo nên một nền văn hóa vô cùng buồn và cô đơn. Vì chúng ta đang buông tay và từ bỏ nhau vào thời điểm mà chúng ta có thể đạt được bước đột phá lớn nếu chúng ta sẵn sàng đối mặt với những điều khó khăn. Hạnh phúc có nghĩa là tìm thấy niềm vui trong những gì chúng ta có, bao gồm cả những điều may mắn và những điều khó khăn, từ ngày này qua ngày khác.

Tôi tin rằng nếu ta chăm chỉ tìm kiếm, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ tìm thấy thứ gì đó hoặc người nào đó sau cùng sẽ đem lại cho ta hạnh phúc. Mặc dù khi làm điều này, ở bất cứ nơi đâu bạn đi qua, bạn sẽ để lại những tranh cãi không hồi kết về cách sống đó. Một bí mật mà ít người biết (vì chúng ta quá bận rộn chạy theo “hạnh phúc” khó nắm bắt) là nếu ta dồn toàn lực vào nỗi đau của mình và “cảm nhận tất cả những gì có thể cảm nhận”, và học cách yêu thương cuộc sống mà chúng ta đã tạo dựng lên từ những sự thật đẹp đẽ, chúng ta sẽ mở được cánh cửa của niềm vui và những trải nghiệm tuyệt vời hơn của cuộc đời. Những sự kết nối mãnh liệt hơn, sâu sắc hơn và đầy ý nghĩa. Đó chính là câu trả lời bạn cần.


(1) Cỏ ở phía bên kia luôn xanh hơn. Câu này tương tự câu “Đứng núi này trông núi nọ”, ý chỉ cảm giác bối cảnh người khác tốt hơn mình, dù thực sự có thể không phải vậy


Người dịch: LISA

Theo dõi dịch giả tại: Góc của LISA

Tác giả: Kathryn Kos, M.Ed., NTP

Link bài gốc


BẢN THẢO
Bài viết liên quan