[Review Sách] Thí Nghiệm Đầu Hàng – Bạn Chỉ Việc “Đầu Hàng” Và Mặc Cho Số Phận An Bài?

Xuyên suốt cuốn sách là câu chuyện kể về cuộc đời của chính tác giả Michael Allan Singer, người thành lập của Medical Manager, chương trình quản lý thông tin y tế tốt nhất những năm 1990, giám đốc điều …

Xuyên suốt cuốn sách là câu chuyện kể về cuộc đời của chính tác giả Michael Allan Singer, người thành lập của Medical Manager, chương trình quản lý thông tin y tế tốt nhất những năm 1990, giám đốc điều hành của công ty đại chúng cùng tên. Có thể nói ông là một người thành công và đáng ngưỡng mộ. Và tác giả Michael, hay còn gọi là Mickey, đã bắt đầu chính xác từ hai bàn tay trắng, với khởi điểm là mức lương 5000$ một năm, cùng với một con xe tải VW, và thậm chí còn không có một nơi để ở cố định. Nhưng như tác giả đã nói, ông chỉ việc “đầu hàng” và mọi thứ để cho cuộc đời quyết định. Tại sao lại vậy? Đơn giản là vì “cuộc sống vẫn ổn khi tự vận hành”.

Và để mà nói ấn tượng của tôi với cuốn sách này là gì thì trước tiên hết hẳn phải là sự hòa trộn hài hòa và hoàn hảo các yếu tố. Từ những yếu tố khoa học tới tâm linh, từ triết học phương Đông cho đến phương Tây, sự hòa hợp về quan điểm của cả Phật giáo và Thiên Chúa giáo… Và trên tất cả, là sự Đầu Hàng và Nỗ Lực.

Mickey, theo như ông tự nhận, vốn là người thậm chí chưa từng nghĩ một lần nghĩ tới tôn giáo chứ đừng nói là theo tôn giáo hay theo thuyết vô thần. Những trải nghiệm kỳ diệu của tác giả bắt đầu khi ông quan sát được giọng nói trong đầu mình. Điều đó dẫn ông tới với Thiền Tông, một trong các tông phái của Phật giáo. Và quả thật, không chỉ với ông, mà với cả tôi, thiền cũng là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Tiếp sau đó, ông tiếp cận và gặp gỡ hơn với nhiều người hơn, khiến cho ranh giới giữa các tôn giáo trong ông đã không còn. Ông vẫn thiền tụng, ông vẫn theo Phật giáo, nhưng ông vẫn có thể gọi thế lực siêu nhiên của cuộc sống là Chúa. Điều này khiến tôi nhớ tới cuốn sách “Triết học huyền bí Sant Mat”, một triết học nói rằng mọi tôn giáo vốn đều là một. Trong Thiên Chúa giáo cũng có thiền, nhưng nó được gọi là “lắng nghe âm thanh của Chúa”. Và những âm thanh đó được gọi bằng nhiều cái tên trong các tôn giáo khác nhau, nhưng suy cho cùng chính là lắng nghe nội tâm của chính mình. Đó chính là điểm giao đầu tiên của khoa học và tôn giáo mà tôi muốn nói tới. Việc lắng nghe nội tâm đó chính xác là việc được gọi là “phân tâm” theo như học thuyết của Freud và Jung, hai nhà tâm lý học vĩ đại. Điểm giao thứ hai của hai lĩnh vực tưởng như đối lập này chính là “con mắt thứ ba”. Như tác giả đã miêu tả trong cuốn sách về lần gặp gỡ đầu tiên của ông và Yoganada, một bậc thầy thiền tông, là dòng năng lượng tập trung giữa cặp lông mày, nơi được gọi là Con Mắt Thứ Ba hoặc Con Mắt Tâm Hồn. Hình ảnh con mắt thần thánh này xuất hiện ngầm trong mọi nền văn hóa từ Ai Cập, trên cây trượng của thần Osiris, có niên đại từ 1224 TCN, có khắc họa hai con rắn cuộn tròn quanh thân trượng, tụ họp lại trên đỉnh, trên đỉnh có gắn một quả thông hay hình ảnh quả thông trong tay của vị thần bốn cánh Marduk của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại. Và còn hơn thế, thực sự trong não bộ có một cơ quan tương tự mắt người được gọi là Tuyến Tùng(pineal gland), theo tên của quả thông (pine cone). Và vị trí nơi năng lượng tập trung mà tác giả miêu tả chính là Thùy Trán, hay chính xác hơn là Hồi Trước Trung Tâm, chứa vỏ não vận động chính, thứ điều khiển những chuyển động lý trí của những phần cơ thể cụ thể. Đó là lý do tác giả cảm thấy năng lượng tập trung tại đó? Liệu có phải là sự sắp đặt hoàn hảo của Cuộc Đời như tác giả đã nói? Khi mà những quan điểm, tín ngưỡng của các tôn giáo lại bất ngờ có trong các kết quả khoa học? Hay tôn giáo chỉ là các khái niệm bao quát, chung chung và phóng đại do sự thiếu hụt về kiến thức và khoa học?

Nguồn ảnh: Tiki

Điều thứ hai ấn tượng với tôi chính là khái niệm của hai chữ “đầu hàng”. Cho tới tận trang 231, tôi mới có thể hiểu, “đầu hàng” chính là “buông bỏ tiếng nói ở bên trong”. Thật sự câu chuyện của tác giả Mickey khiến tôi đôi lúc phải bối rối hai chữ “đầu hàng” này. Trong phần lớn các câu chuyện của ông, việc ông làm chính là đầu hàng, chấp nhận những điều gì xảy đến với ông. Bị ép phải dạy một người xa lạ? Chấp nhận. Bị ép làm bài kiểm tra đánh giá? Chấp nhận. Nhưng có những lúc việc đầu hàng của ông chính là chờ đợi: chờ đợi một mảnh đất, một căn nhà phù hợp hay chờ đợi sự xuất hiện của một người “hoàn hảo” nào đó theo cách nói của ông trong những tình cảnh éo le. Và thậm chí “đầu hàng” trong những câu chuyện của ông còn là sự đấu tranh? Và hóa ra, những “hành động” đó không phải “đầu hàng”. Đối với tác giả, đó là một định nghĩa đơn giản hơn rất nhiều. Có lẽ, theo tôi hiểu, với tác giả Mickey, “đầu hàng” chính là khoảnh khắc bạn chấp nhận kết quả. Nhưng tôi không chỉ ấn tượng vì sự khó hiểu trong định nghĩa của hai chữ “đầu hàng”, nó còn hơn thế.

Đối với tác giả Mickey Singer, ông chỉ việc “đầu hàng” và mặc cho số phận an bài. Và ông đã có gì? Bắt đầu từ một giảng viên trường đại học, một người chủ trì các buổi tu đạo nhóm nhỏ, cho tới thành lập một công ty tầm cỡ như Personalized Programming. Từ một Ngôi Đền Vạn Vật đơn sơ cho tới cơ sở nghiên cứu rộng hơn 8000 mét vuông. Từ một gã hippi với lương đồng lương 350$ một tháng tới một giám đốc điều hành một công ty đại chúng trị giá hàng triệu đô, Medical Manager. Ông có mọi thứ chỉ nhờ việc đầu hàng cuộc sống và mọi thứ đều xảy ra vô cùng thuận tiện, thậm chí “còn hơn cả truyện cổ tích”. Nhưng liệu việc “đầu hàng” có đúng? Tôi không cho là vậy. Tôi đồng ý hơn với quan điểm của chủ tịch công ty Medical Manager, Marty Wygod, một trong những người mà tác giả luôn ngưỡng mộ, “bạn phải cứng rắng và ít nhất kiểm soát được số mệnh của mình”. Tại sao lại vậy? Bởi vì tôi thấy mọi thứ trong câu chuyện của tác giả chỉ đơn giản là QUÁ THUẬN LỢI. Bạn dám chắc bao nhiêu phần trăm rằng nội dung bài kiểm tra của mình ngày mai rơi đúng hai trang sách mà mình vừa đọc? Liệu bạn có dám chắc rằng luôn có một khoản tiền được chuyển đến vào đúng giai đoạn cần tiền nhất, và số tiền đó vừa đủ để bạn hoàn thành giai đoạn tiếp theo khi đang xây dựng một ngôi nhà? Điều đó quả thực “giống như chuyện cổ tích” theo như tác giả đã viết. Và cuộc sống này không phải câu chuyện mà mỗi người trong chúng ta là một nhân vật chính trong câu chuyện đẹp đẽ và hoàn hảo như vậy. Vậy nên thay vào việc ngồi chờ mặc cho số phận tung hứng như một quả bóng thì tôi muốn tự mình tìm kiếm các cơ hội hơn. Còn với bạn? Bạn nghĩ sao? Mỗi lối sống đều có cái hay riêng, sự bình thản và yên bình của sự đầu hàng và sự kích thích không ngừng của việc tranh đấu tới cùng, bạn nghĩ mình phù hợp với điều gì? Cuộc đời của bạn là do chính bạn quyết định.

Điểm thứ ba, và cũng là điểm quan trọng nhất, điểm ý nghĩa nhất của tôi với cuốn sách này chính là những bài học. Có thể thấy trong xã hội hiện nay, một thái độ bình thản và an nhiên là rất hiếm có và ít khi được trải nghiệm. Chúng ta sợ hãi phải nói trước đám đông, sợ hãi phải thể hiện bản thân mình, sợ phạm sai lầm, sợ khiến một ai đó tổn thương. Nhưng… những nỗi sợ đó có là thật? Nó là một điều chưa xảy ra, TẤT CẢ NHỮNG NỖI SỢ đó. Và cả bạn và tôi đều không thể nào đoán trước được điều gì chưa xảy ra. Làm sao để biết được những nỗi sợ đó có thành hiện thực hay không? “Tôi sợ để đề phòng khi nó thực sự xảy ra”? Việc sợ hãi thì đề phòng hay chuẩn bị được điều gì chứ? Hay nó chỉ khiến kết quả trở nên tồi tệ hơn nếu nó đúng như những gì bạn nghĩ? Và chính cuốn sách này sẽ giúp bạn dẹp bỏ nỗi sợ đó. Khi bắt đầu, tác giả của cuốn sách, cũng như bạn, lo lắng và sợ hãi rất nhiều thứ, nhưng qua những trải nghiệm của mình, ông đã có thể vượt qua nỗi sợ đó. Và bạn cũng có thể vượt qua nỗi sợ qua những câu chuyện của ông, bởi đúng như tác giả Mickey nói, “bởi vì chúng ta là con người, và chúng ta có một khả năng phi thường là học hỏi từ kinh nghiệm của người khác”.Cuốn sách “Thí nghiệm đầu hàng” của tác giả Mickey Singer sẽ chỉ bạn những cách để vượt qua hay thậm chí là xóa bỏ nỗi sợ của mình, từ việc phân tách bản thân ra khỏi nỗi sợ cho tới việc tự vấn tại sao mình lại phải sợ điều ấy và rồi sử dụng sự thực để phủ định hoàn toàn nó.

Và còn một bài học đắt giá không kém mà tôi đúc rút được từ cuốn sách, sẵn sàng thay đổi. Nỗi sợ thay đổi, hay Metathesiophobia là điều ngày càng dễ thấy hiện nay. Tác giả viết rằng bản thân vốn vô cùng sợ thay đổi. Lúc phải bán đi công ty yêu quý của mình, lúc ông phải thay đổi lối sống từ trầm tư sang cung phụng, giao hội nhiều hơn thay vì tĩnh lặng một mình, hay lần đầu ông quyết định dạy học cho một ai đó. Các bạn cũng vậy phải không? Chúng ta luôn muốn được đứng trong Comfort Zone và rất ngại thay đổi, vì nó không xác định, đầy rủi ro, nguy hiểm và khó chịu, vì nó là những thứ gì đó không biết trước được nằm trong Danger Zone. Một nhân vật tôi vô cùng ấn tượng trong Naruto, Orochimaru, từng nói, “Either people change or they die before they do. It’s one or the other” (tạm dịch:con người phải thay đổi hoặc họ sẽ chết. Chỉ có thể là một trong hai). Và tất cả các câu chuyện của tác giả Mickey, vâng, tất cả, đều chứng minh một điều rằng thay đổi là một việc đúng đắn và ta cần phải chấp nhận nó.

Cuốn sách “Thí nghiệm đầu hàng” là một cuốn sách đáng để đọc. Với lời văn bình thản và nhẹ nhàng, tôi có thể cảm nhận được sự bình tĩnh và sự thư giãn của tác giả qua từng câu chữ, điều đó khiến cho người đọc đồng cảm và trở nên trầm lắng, bình tĩnh hơn. Với những câu chuyện có thật và không phóng đại, nó khiến cho độ xác thực và đáng tin của cuốn sách tăng cao. Cùng với sự hồi hộp, lôi cuốn và hấp dẫn ở phần cuối, nơi xảy ra những tranh chấp pháp lý và những tình tiết biến đổi cùng giọng văn gần gũi, cởi mở giúp cho người đọc không bị nhàm chán.

Review bởi Master Mind – A Crazy Mind team

Bạn là bên xuất bản và phát hành sách thể loại tâm lý? Bạn muốn giới thiệu những đầu sách đó đến đông đảo độc giả – những người có niềm đam mê tìm hiểu kiến thức tâm lý? Vậy thì mời bạn tham khảo hợp tác truyền thông sách qua link nhé: https://acrazymind.vn/hop-tac-review-sach-cung-a-crazy-mind/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan