Thời gian không thực sự chữa lành mọi vết thương

“Ôi thời gian, người chữa lành vĩ đại, hãy chảy qua tôi và giúp tôi quên đi.” - Betty Smith

Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương không? Mọi người thường trả lời là có. Bài báo này sẽ bàn luận về những sự thật và lầm tưởng xoay quanh lời khẳng định này.


Liệu thời gian có thực sự chữa lành mọi vết thương? Có những nỗi đau hằn sâu đến mức giằng xé tâm hồn bạn, như thể bạn đang ở trong một vực thẳm sâu hun hút không có lối thoát. Bạn nên biết rằng không phải lúc nào thời gian cũng hữu hiệu.

Cuộc sống luôn có những khoảnh khắc thăng trầm và mỗi người quản lý chúng theo cách của riêng họ. Sự thật cho rằng mọi người thường khó vượt qua một số tình huống nhất định khi cảm xúc của họ vượt quá sự cho phép. Họ thậm chí không biết phải bắt đầu từ đâu.

Người ta thường nói rằng thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương và việc bạn cần làm chỉ là chờ đợi. Tuy nhiên, thực tế không phải luôn như vậy. Hãy đọc tiếp để khám phá những nguyên nhân lý giải cho điều này.


“Ôi thời gian, người chữa lành vĩ đại, hãy chảy qua tôi và giúp tôi quên đi.”

-Betty Smith-


Photo by Patrick Pahlke on Unsplash


Thời gian có chữa lành mọi vết thương không?


Có thể bạn từng nghe ai đó nói rằng thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương lòng. Thật sự như vậy sao? Hãy nghĩ xem. Thật khó để những thương tổn sâu sắc lành lại khi bạn chỉ ngồi yên một chỗ và để mặc thời gian trôi. Có lẽ bạn không còn nhạy cảm với nỗi đau nữa nhưng thực sự nó đã được chữa lành hay chưa?


Tại sao điều này lại xảy ra? Bạn có thể không muốn thừa nhận nỗi đau đó, và để không nghĩ về nó thì bạn lấp đầy khoảng thời gian của mình bằng những hoạt động khác nhau. Có lẽ bạn chỉ đang cố né tránh bất cứ yếu tố kích thích nào làm bạn nhớ lại một số kỉ niệm nhất định. Vì vậy, đó là những cảm xúc bị che giấu. Không phải lúc nào nỗi đau cũng chuyển hóa thành nỗi buồn. Trên thực tế, nó thường biểu hiện dưới dạng tức giận hoặc thậm chí là hưng phấn.


Ngẫm về điều này có thể giúp bạn kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ của chính mình


Có những nỗi đau không thể mô tả thành lời. Trong trường hợp này, mọi người thường cố gắng gói gọn và chôn giấu nó vào góc khuất bí mật nhất trong trí nhớ của họ.


Đây là một cơ chế phòng vệ nhằm loại bỏ mong muốn, cảm xúc và suy nghĩ khỏi ý thức của bạn. Theo Sigmund Freud (cha đẻ của Phân tâm học) thì nó là cách để loại bỏ bất cứ điều gì không thể chấp nhận được đối với bạn.


Photo by Patrick Pahlke on Unsplash


Liệu thời gian có thể chữa lành mọi tổn thương nếu bạn chẳng làm gì cả?


Như bạn thấy đấy, khi bạn để mặc thời gian trôi đi và mong nó sẽ chữa lành mọi vết thương thì bạn đang quy trách nhiệm thuộc về mình cho một tác nhân bên ngoài. Nó giống như việc xếp chồng một đống đồ lên cuốn sách mà bạn phải trả lại thư viện, và hy vọng đống đồ đó sẽ khiến cuốn sách bị khuất khỏi tầm mắt của những người trông coi.


Điều nguy hiểm là những gì bị chôn giấu sẽ không ngừng bào mòn động lực hay đè nén ý chí của bạn. Vì vậy, bạn có thể đạt đến trạng thái đau khổ trong khi không biết chính xác điều gì đang làm bạn bị tổn thương.


Hơn nữa, việc gán vai trò dẫn dắt cho thời gian dù nó chẳng phải như vậy (đó chỉ là một giai đoạn) chỉ chứng tỏ bạn đang đánh giá thấp hoặc loại bỏ những chiến lược mà bạn có thể thực hiện để làm mờ đi những vết sẹo mà bạn đã tạo ra.


Đây có thể là một chướng ngại cho bạn trong việc vượt qua những thử thách ở tương lai. Vậy nên, suy nghĩ “thời gian sẽ chữa lành những vết thương” có thể là một trong những kẻ thù lớn nhất của bạn.


Bạn cần phải chấp nhận nỗi đau, bộc lộ ra bên ngoài và biến đổi nó để trở nên kiên cường và có một cuộc sống tốt hơn.


----------


Dịch bởi: Stew

Biên tập: Khuynh Thần

Ảnh bìa: Photo by Niklas Hamann on Unsplash

Nguồn bài gốc: Time Doesn't Really Heal All Wounds. Exploring your mind. (2021). Retrieved from https://exploringyourmind.com/time-doesnt-really-heal-all-wounds/.


----------


BẢN THẢO
Bài viết liên quan