Thư tay - Tình gửi đến tình

Tới giờ, còn mấy ai viết thư tay trao nhau nữa? Thế nhưng tôi, hay một số tín đồ của thủ công, đam mê giấy bút, chữ viết tay, vẫn sẽ đều công nhận tầm quan trọng của thư tay trong việc khơi gợi cảm xúc của chúng ta, giữa thời đại công nghệ số mà cái gì cũng yêu cầu độ nhanh nhạy như chạy đua với thời gian này.


Tôi đặt bút viết những dòng này ngay sau khi nhận được lá thư tay của một đứa bạn thân hồi cấp 2. Nó gõ cửa nhà tôi lúc bảy giờ tối, và đưa cho tôi chiếc phong bì vintage có dán tem đầy đủ. Một cách chân thành và ngây ngô, nó bảo:


“Tao quê mùa quá, giờ đến việc đưa thư ra bưu điện gửi cũng không biết cách, nên tao phải tự làm bác đưa thư đây.”


Tôi cầm cái tập phong bì giấy trên tay, con tem bạc màu dưới ánh đèn cao áp, nỗi xúc động trào dâng, những bức thư lục đục thức dậy trong kí ức.

Tới giờ, còn mấy ai viết thư tay trao nhau nữa?

Thế nhưng tôi, hay một số tín đồ của thủ công, đam mê giấy bút, chữ viết tay, vẫn sẽ đều công nhận tầm quan trọng của thư tay trong việc khơi gợi cảm xúc của chúng ta, giữa thời đại công nghệ số mà cái gì cũng yêu cầu độ nhanh nhạy như chạy đua với thời gian này.

 

1. Gửi gắm tình cảm, sự quan tâm, tình thương chân thành đến đối phương.


Cầm bức thư trên tay? Bạn thấy gì? Bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu sự chau chuốt, tỉ mỉ trong từng cái đặt bút lên giấy. Hẳn là ai đó phải nghĩ đến bạn nhiều lắm, phải dành cho bạn một sự quan tâm đặc biệt, và tất nhiên, muốn gây bất ngờ cho bạn nữa. Khi một tin nhắn có thể gửi đi thông tin tới người nhận và nhận lại hồi âm rất nhanh sau đó, một bức thư đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, và nó truyền tới thông điệp, nó đậm cái tình, mùi vị của gần gũi, quen thuộc, mà đôi khi tin nhắn không thể làm được.

 

2. Người đọc thư sẽ dành nhiều sự chú ý hơn tới thông điệp từ bức thư


Một ngày, chúng ta nhận được số lượng khổng lồ những email, tin nhắn và cuộc gọi, mà thời gian và sự bận rộn khiến ta chỉ có thể tiếp nhận những thông tin đó một cách qua loa, đại khái, để nhanh chóng chuyển sang việc tiếp theo, hoặc bị những thông báo khác chèn vào gây xao nhãng.


Bức thư tay ấy kéo tôi lại một góc, bỏ ngoài tai tiếng thông báo từ messenger, emails, hoàn toàn dành riêng một khoảng lặng, một khoảng thời gian chậm lại để nhấm nháp từng câu chữ và những ý nghĩa đặc biệt riêng của chúng. Sức mạnh của một lá thư tay là có thể tách ta ra khỏi một vòng xoáy điên cuồng của “đồ ăn nhanh” và thật sự giữ tâm trí tập trung vào nội dung cụ thể nào đó mà không lo sự can thiệp của những yếu tố khác.


Đây cũng là một trong những lí do tại sao các nhãn hàng thường đính kèm một tấm thiệp trong kiện hàng sản phẩm của mình hay gửi những bức thư tay cảm ơn khách hàng. Hơn ai hết, họ hiểu rằng thông điệp đến từ một lá thư sẽ là công cụ marketing hiệu quả chiếm được cảm tình từ khách hàng, khẳng định vị trí của nó trong thời đại tự động và tối ưu hóa. Người nhận sẽ cảm thấy được trân trọng, ấm áp, gần gũi hơn và tuyệt nhiên cũng bị hối thúc phải làm điều gì đó tốt đẹp đáp trả các nhãn hàng.

 

3. Phát triển khả năng ngôn ngữ, thể hiện cảm xúc qua ngôn từ.


Đã bao lâu rồi bạn chưa ngồi xuống và rành mạch từng suy nghĩ của mình lên trang giấy? Hay việc đó giờ đã trở nên khó khăn biết chừng nào vì bạn không biết sẽ bắt đầu từ đâu, những luồng suy nghĩ lộn xộn trôi vèo qua tâm trí chỉ vì lâu nay, bạn đã quen với việc tư duy gấp gáp như một cái máy?


Chọn lọc, chau chuốt từ ngữ, sắp xếp câu sao cho uyển chuyển, mượt mà, dễ hiểu, lại chạm tới trái tim người nhận,… đều là những yếu tố giúp phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ của mỗi người. Thêm vào đó, việc viết ra còn là cách khiến ta biết cách bộc lộ, chuyển những cảm xúc, tình cảm của mình tới người nhận một cách khéo léo và tinh tế. Phải thật sự lắng lại, cho những xúc cảm trồi lên khỏi bề mặt, một việc chẳng thể nào làm được nếu trong trí óc ta luôn bận rộn những bộn bề, suy nghĩ.

 

4. Chấp nhận sự không hoàn hảo


Mặc dù những con chữ luôn được chau chuốt, cẩn trọng đặt lên từng dòng kẻ, những lỗi sai cỏn con vẫn là điều không thể tránh khỏi. Những nét gạch xóa, vài chấm đen lem mực, đôi khi mang lại cảm xúc chân thực hơn cả những bức thư tay đều đặn tăm tắp từ đầu đến cuối. Sự không hoàn hảo nhưng lại cho ta cảm giác trọn vẹn những tình thương chân thành, nóng hổi nhất từ tấm lòng người ấy dành riêng cho ta. Với tôi, những gạch xóa ấy mới nói lên cả quá trình sắm sửa và tỉ mỉ trong từng công đoạn chuẩn bị.


Suy cho cùng, có cố gắng để căn chỉnh mọi thứ hoàn hảo đến đâu thì vẫn sẽ có những lỗi lầm, thiếu sót không thể tránh khỏi trong quá trình thực hiện. Tôi mong bạn không coi đó là những vết đen cần phải tẩy sạch, mà hãy nghĩ như thể chúng ta đang viết một lá thư tay gửi người thân thương, mà những gạch sai lại nói lên nhiều ý nghĩa hơn hết: về sự không hoàn hảo của bất kì điều gì, nhưng chí ít, chúng ta biết chấp nhận và để nó trở thành một mảnh ghép không thể thiếu trong tổng thể hài hòa của vạn vật.


Kết


Tôi kẹp bức thư cùng tập hồ sơ cũ, định quen tay cầm máy nhắn cảm ơn nó một tin, nhưng nghĩ thế nào, lại quyết định hồi đáp nó qua thư.


Dẫu thời đại công nghệ số có phát triển vượt bậc, mươi, mười, hai mươi năm nữa, những bức thư tay, dù chỉ điểm vài tấm trong những ngõ ngách nào đó của phố phường, của họ hẹn, trong tập vở sinh viên,…vẫn sẽ đem đến một điểm nhấn đặc biệt, mà mỗi lần bắt gặp lại kéo ta không chỉ chậm lại một nhịp trong hiện tại, mà còn về với quá khứ, chạm tới tất cả những gì chân thành tuôn ra dưới ngòi bút xuất phát từ trái tim…


Tác giả: Lunatic

Ảnh: Pinterest

BẢN THẢO
Bài viết liên quan