Tìm lại dũng khí để yêu sau tổn thương tình cảm

Hãy lưu tâm đến và mở lòng ra hơn với những tổn thương đang chất chứa trong lòng bạn.

“Sự tổn thương là một mối rủi ro mà chúng ta cần phải đối mặt nếu chúng ta muốn có được những mối quan hệ.” – Brene Brown (“Staying vulnerable is a risk we have to take if we want to experience connection.”


Rơi vào lưới tình hay một mối quan hệ nào đó có thể khiến bạn thấy như đi đánh trận mà không mặc giáp, nhất là khi bạn đã từng bị tổn thương sâu sắc trong quá khứ. Trước tiên thì, cảm giác về một cuộc tình lãng mạn sẽ có thể đến rất ư là dễ dàng và thậm chí là không cần tốn tí ti công sức nào cả. Tuy nhiên, một khi bạn bị tổn thương, thì bạn lại có xu hướng gấp ba lần số áo giáp để phòng bị cho vòng đấu tiếp theo. Rồi thì đương nhiên, bận quá nhiều áo giáp sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong di chuyển. Rồi thì trên chiến trường, bạn cũng đi đứng một cách cứng nhắc với lớp vỏ bảo vệ dày quá mức cần thiết. Vâng, mục đích của việc này là để người khác không được tổn thương bạn, tuy nhiên, nó cũng khiến bạn không thể ra đòn tấn công mang tính quyết định được. 


Khi trận chiến qua đi và chúng ta may mắn còn tồn tại, thì đó là lúc bạn cởi bỏ tất cả lớp áo bảo thủ ra và lại sống tự do tự tại một lần nữa. Nhưng, chuyện này không phải nói là làm được. Một cách tự nhiên, nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ: “Cởi bỏ hết đống áo giáp này sau ngần ấy tổn thương ư? Đây có phải là một lựa chọn khôn ngoan không?”. Vâng, vì thế, một lần nữa, chúng ta lại tiếp tục vác lên mình chiếc áo giáp để bảo vệ bản thân khỏi những hiểm nguy, những cơn đau xoáy vào tim và cả những nỗi đau khác. Chúng ta đóng cửa lòng trước những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống – những điều vô cùng ý nghĩa – và chúng ta cũng thất bại trong việc nhận ra rằng mặc dù chúng ta mặc nhiều giáp đấy, nhưng chúng ta thực chất… đã chết từ trong trận chiến rồi.


“Ngăn cấm” tình yêu sau khi đã chịu nhiều thương tổn.

Khi người khác làm tổn thương chúng ta, chúng ta dễ dàng “phong tỏa” trái tim mình khỏi kết nối với mọi người trong tương lai. Bằng cách dựng lên thành lũy kiên cố bảo vệ quả tim nhạy cảm, chúng ta hướng tới mục tiêu ngăn cản những điều tệ hại đó lại diễn ra một lần nữa. Điều đáng lưu ý là, nếu ta đau càng nhiều, thì thành trì ta gầy dựng – cũng sẽ càng kiên cố.

Chúng ta thường tưởng rằng bản thân rất khôn ngoan và thực tế khi quyết định đóng cửa lòng với các mối quan hệ thân thiết. Và đương nhiên, lý lẽ đó trông khá là hợp lý. Tại sao ta lại phải mở lòng cho những thứ từng làm tổn thương ta chứ, đúng không? Con người là một sinh vật đủ thông minh để biết mình cần phải tránh xa khỏi những mối hiểm nguy nào với họ. Để bảo vệ bản thân mình khỏi sự đau khổ, con người có xu hướng tê liệt bản thân và bật chế độ tự vệ – đây là một điều bình thường và hoàn toàn ổn trong vài trường hợp. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể có được những mối quan hệ ý nghĩa cho đến khi, ta đạt đến trạng thái thỏa thuận được với “nỗi đau” và vượt qua được nó.


Có một lý do mà con người từ chối đối mặt với sự thương tổn. Nó tựa như cảm giác đổ cồn vào một vết thương hở. Dù là nó chữa lành cho ta, nhưng cái quá trình khốn kiếp đó sẽ đau như cháy da bỏng thịt. Bởi thế, thay vì ráng chữa cho lành, nhiều người chọn cách khép mình lại, đổ lỗi cho người khác bởi sự tàn nhẫn của họ và cuộn mình thật chặt trong cái vỏ kén do mình tạo ra. Họ tự huyễn hoặc bản thân rằng, đây là cách duy nhất để tiếp tục tồn tại trên cõi đời này, vì những tổn thương trong quá khứ đã dạy họ biết về một thế giới tàn độc – quá mạo hiểm để yêu và quá dễ bị tổn thương bởi một ai đó.


Sự quan trọng của các mối quan hệ và cả sự tổn thương

“Sẽ không có một phương thuốc nào có thể thay thế sự kết nối giữa con người với nhau. Cũng sẽ không tồn tại một dược liệu nào có thể lấp đầy nhu cầu được cảm thông của con người. Không hề tồn tại thứ thuốc chữa bách bệnh. Lời giải đáp cho mọi đau khổ trên đời này nằm trong chúng ta và nằm giữa chúng ta với nhau.” – Tiến sĩ. Joanne Cacciatore. (“There simply is no pill that can replace human connection. There is no pharmacy that can fill the need for compassionate interaction with others. There is no panacea. The answer to human suffering is both within us and between us.”)


Dù cho chúng ta có mong muốn hay không thì sự gắn kết giữa con người với nhau là một trong những khía cạnh chủ yếu nhất của một cuộc sống hạnh phúc và thỏa mãn. Bên cạnh thức ăn, nước uống, nơi ăn chốn ở, thì các mối quan hệ – cũng nằm trong tốp đầu của danh sách. Bởi thế, dù là chúng thật khó để duy trì theo năm tháng, chúng là một phần quan trọng của cuộc đời mà ta mặc nhiên không thể phớt lờ hay né tránh.


Mối quan hệ giữa con người quan trọng đến nổi chúng ta đã được liên kết sinh học với nhau bởi vì chúng. Hãy thử nghĩ về một cuộc sống nếu không có bạn bè, gia đình hay các mối thâm tình, thì sẽ buồn chán và vô nghĩa đến cỡ nào? Con người luôn có một khát khao cháy bỏng là được yêu thương, được công nhận về chính bản chất của họ và họ cũng luôn muốn đem đến những điều tương tự cho người khác. Bạn có biết rằng, một đứa trẻ sơ sinh cần được ôm ấp, yêu thương, vuốt ve để giúp chúng có được một sự phát triển khỏe mạnh về mặt tâm lý không? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ nhỏ nếu không có được sự kết nối với con người và sự yêu thương, chúng sẽ không phát triển bình thường, và trong vài trường hợp, điều đó thậm chí còn dẫn đến cái chết cho chúng.


Chính vì thế, nhận thức được sự nguy hiểm trong việc khước từ các mối quan hệ và học cách điều hướng bản thân khi lạc vào vùng đất vô định của sự tổn thương, là một điều cực kỳ quan trọng. Khi chúng ta đánh mất “khả năng bị tổn thương” và khép mình lại, thì đồng thời chúng ta cũng mất luôn cả năng lực cảm nhận niềm vui đến từ các mối quan hệ. Brene Brown đã nói rằng: “Chúng ta không thể chọn lựa loại cảm xúc nào để tê liệt nó lại, khi ta đóng băng cảm xúc đau khổ, ta cũng sẽ làm bất động những cảm xúc tích cực.” (We cannot selectively numb emotions; when we numb the painful emotions, we also numb the positive emotions.)


Bạn có tin không nếu tôi nói rằng có một cách có thể giúp bạn vừa có thể yêu và vừa có thể bảo hộ tốt cho con tim của bạn? Đây là một chiếc áo chống đạn tân tiến, không hề nặng nề nhưng vẫn có thể che chắn cho bạn khỏi những hiểm nguy. Bạn đương nhiên sẽ vẫn thấy đau khi bị trúng đạn, nhưng bạn rồi sẽ vẫn sống tốt. Chính là việc bắt đầu bằng sự yêu thương và học cách tin tưởng vào sự phán đoán của chính bản thân mình; đối xử bản thân mình bằng tất cả tình yêu quý, sự tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự tự tế. Một khi bạn làm được điều đó, bạn sẽ mang đến một “bạn” chân thật nhất – trân trọng những tổn thương trong quá khứ. Bạn sẽ nhận ra rằng, bạn xứng đáng được chiến đấu để sở hữu cơ hội có được những mối quan hệ ý nghĩa mà không cần phải gánh theo những cảm xúc nặng nề nơi trái tim.


Con người ta thường tự vấn bản thân mình khi họ bị một ai đó từ chối, và họ có thể bị tổn thương cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Một phần thương tổn đến từ câu hỏi rằng, họ có xứng đáng được yêu theo cách của họ không. Vài người chọn cách phong tỏa ranh giới với người khác. Vì họ đã không được yêu khi họ là chính họ, rồi họ tiếp thu điều đó như một tín hiệu tương tự với việc – họ không xứng đáng được yêu.


Tôi biết, bạn đã nghe không biết bao nhiêu lần rằng, trước khi biết trân yêu người khác, bạn phải biết trân quý bản thân mình cái đã. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp bạn bị tổn thương nhiều lần đấy. Bởi vì nếu bạn thật sự biết quý trọng bản thân, thì nỗi đau, dù có, cũng không có cửa mà cày sâu cuốc bẫm như thế. Khi bạn biết yêu bản thân, bạn sẽ học được cách mở lòng và chấp nhận tình cảm của mọi người kể cả sau đổ vỡ.


Tình yêu đặc biệt này sẽ đóng vai trò như một chiếc áo chống đạn hữu hiệu. Nó cho phép bạn tổn thương và cũng cho phép bạn có cơ hội quan tâm người khác. Đó là lý do tại sao “sự mong manh dễ vỡ”, cảm xúc tổn thương, không phải là một điểm yếu – cần bị bài trừ khỏi thế giới này – mà nó là một thế mạnh. Một khi bạn học được cách thấu hiểu cảm xúc của mình – bao gồm cả nỗi đau – là một phần của những trải nghiệm trong cuộc sống của con người, bạn sẽ biết yêu trở lại, biết tổn thương, biết chữa lành và rồi lại tiếp tục biết yêu. Bạn sẽ thấy dễ hơn trong việc tạo dựng các mối thâm tình với người khác. Hãy lưu ý rằng, bạn cần thời gian để tự chữa lành và đánh giá lại những sai lầm trong mối quan hệ trước, trước khi bắt đầu một cái mới. Bạn cần nhận ra vai trò của mình trong sự đổ vỡ, không chạy trốn hay đổi lỗi cho ai khác đã làm cho bạn không được yêu. Bạn phải học từ quá khứ, cảm nhận nỗi đau của sự mất mác và sau đó…tha thứ cho nó, để nó ra đi.


Cho phép bản thân được tổn thương đòi hỏi bạn phải mở khóa phần trái tim mà bạn đã đóng chặt từ lâu. Những nỗi đau sẽ khó được thể hiện vì chúng nằm ở những phần kí ức bị từ chối. Nhưng một khi bạn bắt đầu có được cảm giác của “cái tôi” trở lại rồi, thì việc người khác nhìn bạn thế nào – chả quan trọng, vì bạn đã biết nhận thức và biết mở lòng với sự tổn thương. Rồi một khi bạn cảm nhận được một cách trọn vẹn bản thân mình, bạn sẽ thấy bạn không cần đóng cửa lòng nữa. Bạn sẵn sàng đổ cồn vào để sát trùng vết thương và cho chúng thời gian để lành, để rồi bạn lại tiếp tục có cơ hội yêu. Khi bạn yêu bản thân đủ sâu đủ đậm, bạn cũng sẽ chẳng cần sự công nhận từ bất kỳ ai. Bạn đã cần rất nhiều nghị lực để trân quý bản thân mình, vì vậy, không cần đếm xỉa đến lời nói của người khác.


Art: Anastasia Trusova

Nguồn:https://www.psychologytoday.com/us/blog/your-emotional-meter/201710/how-find-the-courage-love-again-after-being-hurt

Dịch: Vũ Mẫn

Biên tập: Ngọc

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan