Tìm mình trong thế giới Hậu tuổi thơ - Những bản giao hưởng đầy dữ dội của cuộc đời

Còn hành trình của mình, mình biết con đường này là một cuộc chạy bền, mọi thứ chỉ là vừa bắt đầu.

 

“Tặng những người trẻ đang đi tìm mình và cha mẹ của họ.”

 

Lời tựa đầu tiên và cũng là duy nhất của cuốn sách. Mình cực kỳ thích lời tựa này, như thể là một món quà, như thể cuốn sách được dành cho chính mình vậy. Khi giở những trang đầu tiên, mình biết hành trình của cuốn sách sẽ vô cùng muôn màu và cũng đầy sóng gió.

 

“Tìm mình trong thế giới Hậu tuổi thơ” là những cuộc đời khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau của người trẻ được chính họ kể lại, song song với lời kể về quá khứ, tuổi thơ của những người là cha mẹ.

 

Những tổn thương, nỗi đau, trống rỗng, lạc lối, mình nghĩ có lẽ ai cũng sẽ thấy phần nào bản thân mình trong cuốn sách. Là những nỗi niềm, sẻ chia về gia đình, nơi tưởng như là an toàn nhất lại là nơi tàn phá cuộc đời của họ.

 

Cuốn sách đưa chúng ta đi qua nhiều kiểu bất ổn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. 

 

Một thế giới vắng bóng người lớn về tinh thần và vật chất.

Những đứa trẻ bị nhầm vai. Khi những đứa trẻ phải đảm nhiệm vai trò của cha mẹ, để họ dẫn dắt ngược lại cha mẹ mình. Sự nhập nhằng giữa những bản thể.

Cha mẹ ái kỷ, hay có thể gọi dễ hiểu hơn đó là sĩ diện. Một tù ngục mang tên tình yêu.

 

Những người trẻ trong cuốn sách đều là những người thông minh, tài giỏi, sâu sắc. Nhưng có một điểm chung là mang nỗi đau rất lớn từ gia đình. Có những nỗi đau lớn đến nỗi khiến họ trở nên vô cảm. Có người khao khát được cha mẹ công nhận bản thân, dù cho họ đoạt được bao nhiêu giải thưởng, làm không biết bao nhiêu dự án cộng đồng. Lạc lối, bơ vơ, trống rỗng trong gia đình của mình. Lại có những người bị chính cha mẹ đặt điều, nói xấu, sỉ nhục. Có người lại bị cha mẹ áp đặt quá nhiều thậm chí là đánh đập dẫn tới phát điên (theo đúng nghĩa đen). Khi gia đình chỉ là tên gọi, ngoài ra không một ai có thể giao tiếp hay trò chuyện một cách gần gũi và cảm thấy an toàn. 

 

Không ít lần mình đã phải dừng đọc, để lấy lại bình tĩnh. 

 

Những người con của những gia đình bất ổn đó luôn mang theo một nỗi sợ là liệu họ có giống như thế hệ trước không?

 

“Thế còn những người con của những cha mẹ này, họ sẽ phải mang gánh nặng tuổi thơ theo suốt đời? Họ sẽ trở thành một phiên bản mới của cha mẹ mình, điều mà nhiều người trẻ trong cuốn sách này luôn lo sợ?”

 

Trong lúc đọc quyển sách, không ít lần mình nhớ tới tựa gốc của tác phẩm “Những người khốn khổ”: “Les Misérables”, có nghĩa là “khốn nạn, khốn cùng”. Những con người bị giam cầm trong chính tư tưởng của mình. Bị chính tư tưởng ấy điều khiển. Một sự khốn cùng đến khốn nạn. Tựa như những nhân vật trong cuốn sách. 

 

Liệu có ánh sáng ở phía trước, có lối thoát nào không?

 

Hành trình chữa lành của những người trẻ trong cuốn sách những khúc chuyển giao đầy mạnh mẽ, cũng đầy dịu dàng giữa vô vàn tổn thương.

 

Khi họ có cơ hội chia sẻ nỗi đau một cách an toàn, nhận được sự đồng cảm của cộng đồng họ đang tham gia. Học cách đối diện, học cách yêu lấy bản thân, học cách buông bỏ oán giận. Nhận ra cha mẹ mình cũng là những người từng bị tổn thương từ chính người thân và rồi họ dù không cố ý, đã vô thức lặp lại những gì mà họ từng trải qua. Họ cũng là kết quả của một tư tưởng, một môi trường không lành mạnh.

 

Cuộc hành trình ấy chỉ vừa mới bắt đầu, có thể ta không thay đổi được những người đi trước, có những thứ dường như đã hòa làm một với máu thịt, nhưng ta vẫn có thể từng chút thay đổi bản thân. Mình biết nó rất khó, và đôi khi những ám ảnh xưa vẫn quay về, những người trẻ trong cuốn sách cũng thế. Điều đầu tiên ta cần làm, đó là trắc ẩn với chính mình. 

 

“Đây là sự thương cảm hướng vào trong, coi bản thân là thực thể để mình chăm sóc và quan tâm, đặc biệt trong lúc mình đau khổ nhất. Khi xuất hiện, nó đem tới cảm giác nhẹ nhàng, được an ủi; lo âu và buồn phiền lắng xuống.”

 

“Trắc ẩn với chính mình không phải tự thương hại. Người tự thương hại coi mình là một loser, một kẻ thất bại, không đáng được tôn trọng,....Điều đó, nếu không dẫn tới cảm giác tự ghét bỏ thì cũng dẫn tới cảm giác mình bị cô độc, ngoài lề,....Ngược lại, nhân từ với chính mình khiến ta quỳ xuống để đỡ bản thân lên.”

 

Bên cạnh những câu chuyện là phân tích, sẻ chia của tác giả, giúp ta nhìn rõ hơn từng lớp trong câu chuyện. Đồng thời là những kiến thức về tâm lý. Các kiểu gắn bó bao gồm gắn kết vững vàng, gắn kết lo âu, gắn kết né tránh, hỗn độn - mất phương hướng. Hay bị phá hủy về cảm nhận bản thân khi bị người chăm sóc chối bỏ, không công nhận.

 

Những ảnh hưởng về thể chất đối với chấn thương tinh thần lâu dài trong tuổi thơ có thể làm thay đổi cấu trúc não bộ, nguy cơ cao chảy máu não ở tuổi già. Trẻ nhỏ lớn lên trong môi trường thiếu vắng sự gắn kết an toàn và phát triển cảm xúc có vùng đồi hải mã nhỏ hơn. Đó là nơi quan trọng cho trí nhớ, điều hòa cảm xúc, stress và thích ứng tâm lý xã hội. Do đó, họ khó cân bằng cảm xúc và kém dẻo dai về tinh thần hơn. Ngoài ra, ở trong môi trường tiêu cực quá lâu khiến họ nhìn cuộc đời bằng con mắt khắc nghiệt và sợ hãi hơn. Những chấn thương không biến mất, khi một sự kiện cuộc đời nào đó khơi dậy, vết thương sẽ lại chảy máu. Và còn rất nhiều.

 

Cuốn sách đưa mình đi từ đau buồn, xót xa, phẫn nộ, đồng cảm đến chữa lành. Cũng là tấm gương soi chiếu lại những gì bên trong mình. 

 

Những thế hệ sau tuy có đau thương nhưng rồi sẽ có hy vọng. Trong những bản nhạc u ám kia, ta vẫn có thể tìm thấy ánh sáng. Họ đang nỗ lực từng ngày một.

 

Như Trang trong chương Ngục tù của tình yêu: “Có tình yêu, đam mê công việc những người bạn tuyệt vời, nên lúc này tôi không cảm thấy hận thù thế giới. Tương lai của tôi không đơn giản, tôi biết vậy, nhưng tôi sẽ cố gắng để mình không trở nên căm hận và chua chát.”

 

Hay Li trong chương Những đứa trẻ bị nhầm vai: “Tôi phải tự chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình, phải học cách yêu lành mạnh…Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để trở thành một người khỏe mạnh, khước từ là nạn nhân các cơn cảm xúc vật vã và dữ dội của mình….tình yêu thương không bao giờ nên trở thành gánh nặng cho người khác và chính bản thân mình.”

 

Minh Khuê trong Khúc chuyển giao số một: “Liệu tôi có chấp nhận những thứ tôi đã đánh mất, chấp nhận cái hỗn loạn bên trong mình, và từ đó đi tiếp với cuộc đời của tôi? Hãy chúc tôi may mắn.”

 

Xuân Dương trong chương Hành trình chữa lành: “Tôi biết mình vẫn chưa khỏe mạnh hoàn toàn. Nhìn lại quá khứ, có lúc tôi vẫn tức giận. Nhìn vào tương lai, nhiều lúc tôi vẫn sợ hãi….Nhưng mỗi lần giận dữ, đau đớn hay lo sợ trỗi lên, tôi lại cố gắng nhìn vào nó và đọc tên nó ra…tôi vẫn đang học để trưởng thành.”


Ảnh: Emilia-chan (Pinterest)


Nhưng ta cũng cần biết rằng trong thế giới ấy, không phải ai cũng có thể may mắn có cơ hội để nhận diện tổn thương một cách an toàn và chữa lành. 

 

Trong chương Ngục tù tình yêu, Hồng Long tự gọi mình là cái nhà đã hỏng móng rồi. Nếu có con sẽ nỗ lực để nó tránh xa bố mẹ mình ra. 

“Rồi tôi sẽ dặn con là sau này mày đừng để con mày sống gần tao. 

Con mày không nên gần tao.

Sẽ không tốt cho nó đâu.”

 

Hải Như lặng lẽ khóc, mà nói : “Tôi chẳng có ai trên đời. Không có mục tiêu, không có tương lai. Tôi không muốn như thế này nữa bạn ạ, nhưng tôi có thể làm gì?”

 

Hay Đan trong chương Đứa trẻ bị nhầm vai vẫn đang loay hoay tìm lối thoát cho sự nhập nhằng cái tôi giữa mẹ và cậu. Khi sự đổi vai về cảm xúc diễn ra quá sớm, Đan có xu hướng đặt nhu cầu cảm xúc của người khác lên trên mình, đồng thời khiến quá trình xác lập ranh giới, tách rời bản thể cá nhân khỏi cha mẹ bị nhòe. 

 

Rõ ràng những tổn thương, gánh nặng tưởng như vô hình có thể tàn phá một con người khủng khiếp như thế nào. Mong rằng, dù là bất cứ ai trong gia đình có thể chậm lại chút, quan sát, lắng nghe cảm xúc, tâm tư, cả những tổn thương bên trong chính mình và các thành viên. Bởi ta không thể cho thứ mà ta không có. Nếu bên trong chưa lắng nghe được những nỗi đau của mình, rất khó để có thể lắng nghe người khác. Đừng để mọi thứ là quá muộn. Mình chợt nhớ đến một câu trong cuốn Cha mẹ độc hại-Vượt qua di chứng tổn thương: “Có những thứ nhân danh tình yêu khiến người ta đau đớn.”. Nhưng mình biết đó chắc chắn không phải là dáng hình của tình yêu.

 

Còn hành trình của mình, mình hiểu con đường này là một cuộc chạy bền, mọi thứ chỉ là vừa bắt đầu. Mình cũng từng mang nỗi sợ sẽ phải sống trong vòng lặp tổn thương của thế hệ suốt đời, sợ vòng lặp sẽ tiếp tục đến thế hệ sau, sợ rằng con của mình lại sẽ như mình. Dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ, đi tìm ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Mình biết vẫn sẽ có những ám ảnh quay lại những đau đớn lại trồi lên. Là nỗi ám ảnh về hôn nhân, thấy mình lạc lõng, cô độc hay nỗi đau khi không được công nhận như mình vốn là. Quá trình học hỏi, sửa chữa, yêu thương sẽ không dễ dàng, thậm chí có lúc ta cảm thấy đau đớn hơn cả trước khi ta bắt đầu. Nhưng mình biết mình sẽ không bỏ cuộc và vượt qua. Khi đi đến tận cùng, cũng là lúc ta hiểu và ôm lấy vết thương ấy. Quá khứ, nỗi đau vẫn ở đó nhưng nó không định nghĩa được cuộc đời mình sẽ tệ như thế. Để khi nhìn lại một đời, mình thấy tự hào vì đã có mặt trên đời.

 

Lời cuối cùng, dành tặng những ai đang trên hành trình khó khăn nhưng cũng diệu kỳ này:

“Khi bắt đầu chữa lành, bạn không chỉ chữa lành cho chính mình mà còn cho cả những thế hệ đi trước thông qua bạn.” 

_Sưu tầm_

-----------

Tác giả: Hồng Hạnh.

Gặp mình tại The Fool

Ảnh bìa tự chụp.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan