Tin hay không tin?

Seeing is believing, but sometimes the most real things in the world are the thing we can’t see.



Xuyên suốt đoạn đường từ thiếu thời đến trưởng thành, đời luôn hỏi tôi thế này: “Chứng kiến nhiều chuyện đen tối thế này thì ngươi có thôi tin chưa?” Xổ lồng, những chú chim non chào thế giới thực tế, chúng luôn bị bủa vây bởi hàng đống hoài nghi, rằng cuộc sống dưới kia đáng sợ thế nào, mặt đất tẻ nhạt ra sao. Rồi liệu tôi đã từng tận mắt thấy phép lạ chưa mà dám chắc nịch Đấng Sáng Tạo hay ông bụt, bà tiên là có thật. Công nhận, vấn đề muôn thuở của loài người chính là muốn sáng tỏ bí ẩn vũ trụ bằng cách cố tìm cho bằng được các chứng cứ hữu hình. Không ai phủ nhận tính thuyết phục của nó, thế mà người người lại hằng quên mất một điều, “Có thấy mới tin, nhưng đôi khi những thứ thật nhất trên đời lại là những thứ không thể nhìn thấy.” 


(Seeing is believing, but sometimes the most real things in the world are the thing we can’t see. - Chris Van Allsburg)


Một đề tài chưa bao giờ lỗi thời, cuộc tranh luận không hồi kết giữa bọn trẻ mỗi lần nhắc tên ông già Noel, phép thuật và ti tỉ thứ khác liên quan đến vùng đất cổ tích. Không hề có ngoại lệ, bởi mỗi một đứa trẻ vào thời khắc bại lộ sự thật, đều lung lay hy vọng, đứng trước nguy cơ sụp đổ đức tin. Vẫn tồn tại những băn khoăn nhất định, cho cả tôi và bạn. Tuy nhiên, luôn có quan điểm thế này được lấy làm chủ đạo trong rất nhiều bộ phim thiếu nhi, bài học mà mọi đứa trẻ đều từng nghe qua ngoài các tiết giảng đạo đức. Đó là hãy tin, vì câu chuyện sống động nhất thực chất ẩn sâu nơi trái tim bạn, hãy mở rộng tâm trí thì theo đó khu vườn nhiệm màu mới có lý do thức dậy. Nghe có lý lắm chứ, ý thức vốn quyết định vậy chất mà.


Như đoàn tàu tốc hành Bắc Cực quanh co giữa lằn ranh nghi hoặc, The Polar Express quả là chuyến du hành dài thật dài, dường như những pha lệch ray cốt để gỡ rối mớ trăn trở trong lòng cậu bé (nhân vật trung tâm), để cậu xác định lại một lần nữa, liệu mình đã đủ tin tưởng hay chưa. Mối tương quan giữa đức tin và đời sống tình cảm luôn như thế, hiếm lúc nào hoàn hảo. Chúng ta có thể không bị lay động khi nghe tin tốt lành; dẫu vậy chúng ta lại khó tránh khỏi cơn tức giận ngay khi lời cầu nguyện bị từ chối. Tương tự, thông điệp được truyền tải trong bộ phim rằng, Giáng Sinh hay bất kỳ mọi sự thiêng liêng nào khác cần lắm một niềm tin tuyệt đối, không vướng bận lời giải đáp logic. Giả như vậy thì nó ắt hẳn là FACT, còn gì là đức tin nữa.


Đức tin đích thực liên quan nhiều đến trái tim hơn là cái đầu. Niềm tin chân chính liên quan đến sự tin cậy hay với Kitô hữu là tin cậy triệt để vào Đức Chúa Trời, chứ không có nghĩa là ủng hộ một tập hợp các tuyên bố về Đức Chúa Trời. Rốt cuộc, đức tin của bạn dựa vào điều gì? Để bạn tin, có cần phải nhìn thấy bàn tay của Chúa Trời đang di chuyển hoặc cảm nhận phép chữa lành cùng vô vàn dự báo tiên tri khác?



NIỀM TIN LÀ NGUYÊN NHÂN


Tại khoảnh khắc đám trẻ nhao nhao trước sự xuất hiện của ông già Noel, sau khi đã vượt hành trình để đáp xuống lãnh địa xứ tuyết, nhân vật “tôi” tuyệt nhiên lại chẳng thể hoà cùng bầu không khí ấy, rơi vào hoang mang, xoay mòng những dấu hỏi. Tại sao cậu không thể nghe thấy tiếng chuông hay nhìn rõ xe tuần lộc? Tôi cho rằng đó là vấn đề của cửa sổ tâm hồn. Một khi cố chấp phủ rèm thì ngay cả rành rành trước mặt cũng chẳng cách nào thông suốt được. Nhưng nếu chịu thật tâm tin tưởng, tiếng chuông gió trong trẻo mà cậu được trao tặng ấy sẽ vang vọng mãi, như lời nhắc nhở nội tại. Hệt cách mà người dẫn tàu luôn dặn: “Những thứ thật nhất trên đời là những thứ không thể nhìn thấy.”


Marcus Borg trích dẫn một phép ẩn dụ được sử dụng bởi Soren Kierkegaard, một triết gia vĩ đại và một Cơ đốc nhân cấp tiến của thế kỷ 19, người đã tuyên bố rằng đức tin giống như trôi trong đại dương sâu thẳm. Borg nói, nếu chúng ta hoảng sợ, căng thẳng và vật lộn, cuối cùng chúng ta sẽ chìm. Nhưng nếu chúng ta thư giãn và tin tưởng, chúng ta sẽ nổi, cho dù nước sâu đến đâu. Học cách thư giãn trong nước, tin tưởng vào sức nổi của nó, bỏ qua nỗi sợ của chúng ta - tất cả những điều này là chìa khóa để có thể nổi ở vùng nước sâu. 


Lẽ đó, có chăng nhờ ơn bí quyết này, nhiều môn đồ, kẻ tử đạo có thể xoá bỏ sợ hãi ban đầu và biến đổi thành những nhân chứng can đảm, những người làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Giê-su với sự táo bạo đáng kinh ngạc, ngay cả khi đối mặt với phản ứng chống đối và cái chết. Bởi, niềm hy vọng được đặt trong trái tim của mỗi người chúng ta sẽ neo giữ linh hồn, vững chắc và an toàn, bất kể điều gì xảy ra trong cuộc sống này.

— — —


Kinh Thánh dạy rằng “đức tin là chắc chắn về những gì chúng ta hy vọng và chắc chắn về những gì chúng ta không thấy” (Hebrews 11:1). Vì vậy, đức tin là chắc chắn về những thực tế mà chúng ta tin là đúng nhưng chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng ta hoạt động bằng đức tin hàng ngày. Ví dụ, khi tôi bật công tắc, tôi tin rằng điện sẽ chiếu sáng bóng đèn mặc dù tôi không bao giờ nhìn thấy điện.


Trong cuốn sách "Đa dạng của Kinh nghiệm Tôn giáo" của William James từng đề cập: "Tại sao tâm trí của một số người rất cởi mở với đức tin, trong khi những người khác lại bị bó buộc trước những ý tưởng đó?" Không ai thực sự rõ ràng niềm tin là gì. Hầu hết mọi người đều tin rằng họ có ý chí tự do. Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể tự do tin vào bất cứ điều gì chúng ta muốn, phải không? Chắc chắn là không rồi! Những gì chúng ta tin là một chức năng của giáo dục và kinh nghiệm. Đối với bất cứ điều gì người ta tin, đều có nguyên nhân của niềm tin đó.



CẢ LOGIC VÀ LÝ DO


 “Đức tin về chính nó, nếu nó không có tác dụng thì đã chết” (James 2:17).


Đức tin thường bị hiểu lầm là đối lập với kiến ​​thức; tuy nhiên, một đức tính cơ bản của tôn giáo, tâm linh là trí tuệ lý trí, xuất hiện do các điều kiện và sức mạnh linh hồn. Do đó, lý trí là một thuộc tính tinh thần, và chúng ta có thể thấy rằng Đức tin nảy sinh thông qua ứng dụng của nó. Chỉ kiến ​​thức thôi là chưa đủ, vì vậy muốn tinh thần và trí tuệ tạo ra sự chắc chắn thì nó phải được đưa vào hành động theo phương thức: cho phép chúng ta nhận được sự xác nhận của thần linh và cơ hội để phản ánh. Đồng thời, suy tư còn củng cố đức tin và tăng khả năng phục vụ của chúng ta. Có thể hiểu, niềm tin là sự hiểu biết có ý thức được thể hiện bằng hành động.


Niềm tin sở dĩ liên quan đến sự hiểu biết bao gồm cả logic và tư duy, được hình thành từ thời kỳ các quy luật tự nhiên thịnh hành, bắt nguồn từ các sự kiện tự nhiên - sự sống và cái chết, ngày và đêm - đã luôn được chứng minh là chắc chắn.


Từng nghe về các tín đồ Hồi giáo, họ luôn cháy bỏng niềm tin mãnh liệt vào Allah, kiến ​​thức và Quyền năng tối thượng của Ngài. Tuy nhiên, đức tin vào Hồi giáo không có nghĩa là con người không làm gì cả khi chờ đợi sắc lệnh của Allah. Ngược lại, con người nên suy nghĩ, lập kế hoạch và đưa ra những lựa chọn đúng đắn trước tiên. Trong khi đó, đức tin tự nó không đủ để đảm bảo sự cứu rỗi mà cần được đi kèm với những hành động tốt. 


Hay thời vắt mũi chưa sạch, tôi biết một tình cảnh khá quen thuộc, đó là luôn phục kích một giáo phái hiện thực tại những trang truyện cổ tích, bác bỏ và khăng khăng điều này: Phép màu là những điều nhảm nhí, hão huyền nhất trên đời và chỉ có trẻ con mới tin chúng. Ơ thì, chúng mình là trẻ con mà. Ơ nếu vậy thì rốt cuộc đứa trẻ mới sinh và người tu hành cách biệt lớn đến thế nào. Chẳng phải họ đều được mệnh danh thiên thần với lối sống không dính bụi trần sao.


Từ kinh nghiệm gặp gỡ, có thể cam đoan rằng, người tu hành có thể đã từng sa chân tội lỗi trong quá khứ, thế nhưng nhờ tu luyện cốt cách, nhờ lòng tin sáng trong vào cái thiện mà họ mới chiến thắng được cám dỗ. Riêng phần đứa bé mới sinh hay mọi sinh linh ngây thơ khác, chúng chưa đủ trải đời, chưa đủ tiếp xúc nhiều điều xấu xa nơi trần thế, nên dĩ nhiên chúng dám tin đời màu hồng. Chính vì vậy, nếu nói đức tin nhảm nhí thì tôi đoán, mình nên nhìn những vị cha xứ và nữ tu trước tiên. Họ đủ sáng suốt, chuẩn mực để biết mình trông chờ cũng như truyền bá điều gì, và rất cần tách biệt hẳn hoi giữa tư tưởng ngô nghê và thanh cao.


Bởi lẽ, tin tưởng là sự lựa chọn, nhưng niềm tin là phước lành.


Hy vọng tất cả mọi người đều thấu được chân lý đó.


—————

Tác giả: Cát Phương

Nguồn ảnh: Burst

BẢN THẢO
Bài viết liên quan