Tin Vào Trực Giác, Nên Hay Không?

Trực giác không phải lúc nào cũng xuất hiện với bạn trong cuộc sống. Thế nhưng, một khi đã xuất hiện, nó chắc chắn là chính xác. Bạn đứng trong nhà tắm và chợt nhớ đến người nhạc sĩ đã …

Trực giác không phải lúc nào cũng xuất hiện với bạn trong cuộc sống. Thế nhưng, một khi đã xuất hiện, nó chắc chắn là chính xác.

Bạn đứng trong nhà tắm và chợt nhớ đến người nhạc sĩ đã sáng tác bài hát mà bạn nghe được trong xe hơi tối qua. Bạn đang mơ ngủ sau khi nhấn nút tạm dừng báo thức và trong đầu bạn chợt nảy ra một đoạn thuyết minh hoàn hảo cho cuộc thi hoạt hình của dân New York tuần trước. Hay bạn bất chợt nhận ra điều gì đó trong bức tranh ở đầu bài viết này. Đó chính là trực giác. Nó đột ngột. Thường xảy đến bất ngờ. Và có vẻ chắc chắn. 

Câu hỏi đặt ra ở đây là… liệu bạn có thể tin vào nó hay không?

Tuần này, nhóm những tiếng nói hàng đầu trong việc nghiên cứu trực giác đã nêu ra một quan niệm mới về giá trị của trực giác, những tiếng nói hàng đầu ấy cụ thể là John Kounios, Edward Bowden và Mark Beeman, cả ba cùng làm việc với ý tưởng của Carola Salvi. Trong nhiều năm qua, họ đã tiến hành nhiều việc có ích như sử dụng fMRI để quan sát cơ sở của trực giác trong não bộ, và cho thấy cách chuẩn bị não bộ giúp nó tạo ra trực giác. Ngày nay, trên tạp chí Thinking & Reasoning, người ta thắc mắc rằng liệu những câu trả lời xuất phát từ trực giác có khả năng đúng hay không. Cụ thể, làm cách nào để một giải pháp được đưa ra bởi trực giác hiệu quả như giải pháp được đưa ra bằng sự phân tích?

Nhưng không may, đây là một câu hỏi bất khả thi – Điều này có nghĩa là bạn không thể chỉ đưa cho ai đó một loạt những vấn đề nan giải, hỏi rằng liệu họ dùng trực giác hay khả năng phân tích để giải quyết, sau đó so sánh chất lượng của các câu trả lời, đúng không?

Thực chất, bạn có thể làm vậy.

Đó là vì trong những năm qua, Kounios, Beeman, Bowden và Salvi đã tìm ra căn cứ cho việc này. Cụ thể, họ đưa ra các loại vấn đề có thể được giải quyết bằng việc sử dụng một trong hai chiến thuật. Có bốn loại vấn đề, bao gồm sự liên kết từ xa (ví dụ: “Từ nào đi với các từ con cua (crab), cây gỗ thông (pine) và nước sốt (sauce) để tạo thành một từ ghép hoặc một cụm từ phổ biến?”), phép đảo chữ cái (ví dụ: tạo từ “dear” từ từ “read”), câu đố bằng hình vẽ (ví dụ: na fish, na fish tạo thành ‘tunafish’), và các vấn đề về thị giác (ví dụ: nét phác thảo về một con cú không rõ ràng gây ảnh hưởng đến sự tập trung trong não bộ). Họ cũng chỉ ra rằng con người rất giỏi trong việc phân biệt xem liệu họ sẽ giải quyết vấn đề bằng trực giác (“câu trả lời đột nhiên xuất hiện trong tâm trí, có phần khá bất ngờ, người tham gia trả lời thường gặp khó khăn trong việc nêu ra giải pháp thu được”) hay bằng khả năng phân tích (“câu trả lời dần xuất hiện trong tâm trí, có sử dụng chiến thuật như tạo ra từ ghép cho một từ sau đó thử nghiệm nó với các từ khác, người tham gia trả lời có khả năng nêu ra cách giải quyết mà họ tìm được”).

Đúng vậy, bạn có thể chỉ đưa cho ai đó một loạt các vấn đề nan giải, hỏi xem liệu họ dùng trực giác hay khả năng phân tích để giải quyết, sau đó so sánh chất lượng của các câu trả lời. Trên thực tế, đó chính xác là những gì mà các nhà nghiên cứu đã thực hiện. 

Họ bắt đầu với 120 vấn đề về sự liên kết từ xa. Trong số những câu trả lời mà người ta đưa ra dựa vào trực giác, có 93.7% là chính xác. Trong khi đó, chỉ 78.3% những câu trả lời được phân tích là chính xác. Sau đó họ chuyển qua 180 phép đảo chữ: Trực giác mang đến 97.6% câu trả lời đúng trong khi phân tích chỉ cho ra 91.6% đáp án chính xác. Ở các câu đố bằng hình vẽ, trực giác chiến thắng với 78.5% so với 63.2% thuộc phân tích. Về các vấn đề thị giác, trực giác chiến thắng với 78.4%, 41.5% là từ phân tích. Bản thân tiêu đề của bài nghiên cứu đã nói lên tất cả: “Các giải pháp được giải quyết bằng trực giác thường chính xác hơn là các giải pháp được phân tích cụ thể.”

Giờ đây, bạn chắc chắn có thể đưa ra hàng loạt những yếu tố khác có thể chống lại những kết quả này – có lẽ những câu hỏi được trả lời bằng trực giác là những câu hỏi dễ hơn, hoặc có thể mọi người đã thử sử dụng trực giác trước và phải dùng đến phân tích khi trực giác thất bại? – nhưng bạn có thể yên tâm rằng các nhà nghiên cứu cũng có cùng mối quan tâm này và đã cố gắng hết sức để đảm bảo trực giác và phân tích được so sánh một cách tương đồng nhất có thể.

Tại sao kết quả này lại xảy ra? Tại sao một giải pháp nhanh chóng không sử dụng phương pháp cụ thể nào lại chính xác hơn những đáp án có căn cứ, có sự tham gia của lý trí và có phương pháp cụ thể? Các tác giả viết, đa phần những lời giải đáp cho điều này cho rằng có lẽ do trực giác mang sắc đen hoặc trắng – nó có thể mang đến một câu trả lời chắc chắn hoặc sẽ không có câu trả lời nào cả (nhiều người tham gia đã dùng toàn bộ thời gian được cho mà vẫn không thể đưa ra bất kỳ câu trả lời nào – phải chăng họ đang tìm kiếm một trực giác chẳng bao giờ xuất hiện?). Mặt khác, phân tích không mang sắc đen và trắng – việc phân tích đến từ màu đen, thông qua nhiều sắc thái xám cho đến khi người tham gia đưa ra được câu trả lời cuối cùng…ngay cả câu trả lời đó là sai.

Một cách giải thích khác có thể đến từ cách mà một kích thích “lan truyền” trở thành một câu trả lời. Ví dụ, các tác giả đã chỉ vào các từ pine, crab và sauce trong một bài thực hành sự liên kết từ xa. Thử sử dụng cách phân tích và bắt đầu từ một từ bất kỳ. Bạn liên tưởng đến điều gì khi nhắc đến “pine”? Bạn chắc chắn sẽ nghĩ tới hình nón (cone) và cái cây (tree). Những hình ảnh này được “châm mồi” bởi từ “pine”. Thế nhưng sự châm mồi này dần yếu đi có cả ba từ pine, crab và sauce, trong khi đó từ “apple” lại có thể đi được cùng với mỗi từ đã cho. Trong ví dụ này, thật khó để nghĩ ra từ ‘apple’ bằng việc phân tích một từ duy nhất và lại dễ dàng hơn khi phương án được đưa ra bằng trực giác từ sự kết hợp cả ba từ. 

Tuy nhiên, những lời giải thích này có thể không phải là điều gì đó có ý nghĩa với bạn, cụ thể như việc tại sao bạn có thể suy ra phương án bằng việc sử dụng phân tích hoặc trực giác. Một câu hỏi quan trọng hơn hết chính là chúng ta phải làm gì với trực giác khi nó xuất hiện trong đời sống hằng ngày. Và trong trường hợp này, dường như điều quan trọng là bạn nên tin tưởng nó. Hoặc, ít nhất nó có thể sẽ tốt hơn một giáp pháp bạn có được thông qua việc phân tích!

Dịch: Châm

Biên tập: Catthi

Minh họa: Internet

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/brain-trust/201603/should-you-trust-your-insight

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan