Tình yêu "đích thực" dưới góc nhìn của Tâm Lý Học

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao một số người lại có thể gắn bó với nửa kia cả một đời người, nhưng cũng có nhiều cặp đôi lại chỉ có thể quen nhau một cách chóng vánh? Tình yêu là điều gì đó vô cùng phức tạp, nhưng sự phức tạp này lại có tính chất hấp dẫn một cách mãnh liệt đối với con người chúng ta.

Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao một số người lại có thể gắn bó với nửa kia cả một đời người, nhưng cũng có nhiều cặp đôi lại chỉ có thể quen nhau một cách chóng vánh? Tình yêu là điều gì đó vô cùng phức tạp, nhưng sự phức tạp này lại có tính chất hấp dẫn một cách mãnh liệt đối với con người chúng ta. Theo học thuyết Nhân văn của Abraham Maslow, yêu và được yêu là một trong số năm nhu cầu cơ bản của con người, đồng thời sự thỏa mãn về yếu tố này phần nào sẽ giúp con người đạt được sự an lạc trong tâm hồn.


Học thuyết tam giác tình yêu của Robert Sternberg nhận định một tình yêu "đích thực" cần có đầy đủ 3 thành phần chính: Sự thân mật (Intimacy), sự đam mê (Passion) và sự cam kết (Commitment).


Sự thân mật


Yếu tố thân mật là sự kết nối và cảm giác gần gũi của cả hai trong một mối quan hệ yêu đương. Những người yêu nhau thường chia sẻ mọi điều thầm kín từ tận đáy lòng, những điều mà họ chưa từng bộc lộ với bất kỳ ai cho đối phương. Điều này sẽ giúp cả hai hiểu rõ về nhau hơn và có thể tránh xảy ra sự mâu thuẫn hoặc xung đột trong tương lai. Mỗi lúc giận nhau, một vài cặp đôi sẽ chọn cách giữ im lặng, nhưng cũng có vài cặp khác thì lại sẵn sàng chia sẻ những cảm xúc mà bản thân đang phải trải qua cho nửa kia biết. Sự thấu hiểu là nguyên nhân chính dẫn đến sự đồng cảm, và cặp đôi nào càng chia sẻ nhiều, mối quan hệ giữa họ càng bền chặt.


Sự đam mê


Nếu nghĩ đơn giản thì đây là cảm giác bị quyến rũ về mặt ngoại hình của nửa kia. Lúc này, bạn sẽ cảm thấy đối phương cực kỳ xinh đẹp và hoàn hảo trong mắt mình, vì thế mà lại có câu "tình nhân trong mắt hóa Tây Thi". Điều này dẫn đến sự lãng mạn và đôi khi còn liên quan đến yếu tố tình dục. Bạn sẽ muốn gần gũi về mặt thể xác với đối phương, muốn người kia nắm tay mình, ôm mình và hôn mình một cách nồng nhiệt nhất.


Sự cam kết


Bất cứ ai khi yêu cũng đều mong nửa kia và mình có thể cùng cam kết với nhau trong mối quan hệ của cả hai người. Tình yêu "đích thực" đề cao sự thủy chung và sự bền bỉ cho dù xảy ra những thăng trầm trong cuộc sống. Đó cũng là lý do mà các cặp đôi thường muốn một cái kết đẹp xảy ra cho chính mình và nửa kia của họ. Nếu hai người càng yêu nhau thì khao khát được về chung một nhà càng lớn.


Nguồn: @huuduong (Unplash)


Tuy nhiên, trên đời này tồn tại rất nhiều loại tình yêu, và không phải tình yêu nào cũng đều đáp ứng được cả ba yếu tố mà Sternberg đã đề cập trước đó.


Tình bạn


Ngoài tình yêu đôi lứa, con người sống trên đời rất cần có những mối quan hệ thân thiết xuất phát từ tình bạn trong sáng và lành mạnh. Bạn bè là những người mà ta có thể chia sẻ bất cứ chuyện gì trên đời, nhưng lại không hề tồn tại sự hấp dẫn về mặt thể xác cũng như mong muốn được cam kết với nhau mãi mãi như những cặp vợ chồng khác.


Tình một đêm


Có thể bạn đã nghe đến một vài khái niệm như "tình một đêm" hoặc "FWB (Friend With Benefit)". Những người trong mối quan hệ này thường cuốn lấy nhau một cách cuồng nhiệt bởi thể xác và tình dục. Họ bị hấp dẫn bởi vẻ ngoài của nhau, nhưng lại không thích chia sẻ bất cứ chuyện gì cho đối phương, và tất nhiên chẳng hề muốn có một sự ràng buộc nào với người còn lại.


Tình yêu trống rỗng


Mọi người thường bảo: "Vợ chồng quan trọng ở tình nghĩa, hết tình vẫn còn nghĩa." Câu này ám chỉ một mối quan hệ không hề có sự đam mê về mặt thể xác, đồng thời cũng không có sự gắn kết bởi tương tác chia sẻ giữa hai bên. Mối quan hệ này được duy trì chỉ bằng sự cam kết vì một lý do nào đó. Ví dụ: Một cặp vợ chồng cưới nhau vì yêu, sau một thời gian dài thì sự đam mê về thể xác không còn, họ cũng chẳng chịu chia sẻ bất cứ điều gì cho đối phương biết, nhưng họ lại có sự cam kết bởi giấy tờ hôn nhân và chịu chấp nhận chung sống với nhau vì những đứa con của chính họ.


Tình yêu hòa đồng



Đây là loại tình yêu lý tưởng chỉ sau tình yêu "đích thực" thuộc định nghĩa của Sternberg, và mối quan hệ này thường xảy ra ở những cặp vợ chồng già. Sau một thời gian dài chung sống, hai người đã qua độ tuổi mà hormone sinh dục hoạt động mạnh mẽ, vì vậy hứng thú trong việc thể xác cũng giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, họ vẫn vô cùng gắn kết và luôn chia sẻ mọi trải nghiệm trong cuộc sống với người bạn đời, đồng thời luôn giữ sự cam kết cho dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa. Suy cho cùng thì họ cũng đã bên nhau được gần hoặc hơn nửa chặng đường đời, và nhiều cặp đôi vẫn luôn mong rằng bản thân sẽ có được tình yêu này khi về già.


Lời kết: Không có tình yêu nào giống với tình yêu nào, và chúng ta sống trên đời đều có mong muốn yêu và được yêu. Tình yêu không phải chỉ xuất phát từ đôi lứa, mà còn có thể đến từ cha mẹ, anh chị, người thân, bạn bè và thầy cô. Tình yêu đẹp nhất là khi con người biết quý trọng và tận hưởng những gì mà họ đang có. Nếu bạn vẫn chưa có mối tình nào, đừng lo lắng, biết đâu "người ấy" sẽ đến vào một ngày mà bạn không ngờ đến nhất. 


Tác giả: Khuynh Thần

Nguồn ảnh: Unsplash

Nguồn tham khảo:

Feuerman, M. (2021). Sternberg's Triangular Theory and the 7 Types of Love. Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/types-of-love-we-experience-2303200



BẢN THẢO
Bài viết liên quan