Tình Yêu Không Là Thứ Giữ Người Ta Lại Trong Một Mối Quan Hệ

Trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt là các nền văn hóa phương Tây, mọi người thường đặt nặng tình yêu — và những ánh hào quang đầu tiên nó mang lai.

Trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt là các nền văn hóa phương Tây, mọi người thường đặt nặng tình yêu — và những ánh hào quang đầu tiên nó mang lai. Sự hấp dẫn vật lý và “phản ứng hóa học” trong cơ thể thúc đẩy chúng ta đến với một người. Sau đó, chúng ta rơi vào lưới tình, rồi xây đắp nên một mối quan hệ lâu dài hoặc đi tới hôn nhân.Nhưng đáng buồn thay, các mối quan hệ thường dễ bị mất lửa, hay gặp trục trặc và cuối cùng đột ngột tan vỡ. Tình yêu không đủ lớn có thực sự là nguyên nhân chính của điều này? Hẳn là sẽ có người nghĩ như vậy! Rốt cuộc, khi các mối quan hệ đổ vỡ, chúng ta thường nghe thấy người mới thất tình thốt lên rằng:

“ Tớ hết yêu anh ấy rồi”

“ Bọn tớ đường ai nấy đi rồi”

“Tớ yêu quý cô ấy thật nhưng tớ không còn tình cảm yêu đương gì nữa”

“ Tớ cứ nghĩ là mình yêu cô ấy nhưng hóa ra lại không phải vậy”

Trong cuốn sách của tôi – “Tại sao bạn không hiểu tôi? Vượt qua 9 tư tưởng độc hại cản trở mối quan hệ tình cảm”, tôi nhận thấy rằng sự thấu hiểu thì quan trọng hơn cả tình yêu, đặc biệt là trong các mối quan hệ thân mật và trong việc nuôi dạy con cái. Chúng ta cần dạy con cái điều này để khi lớn lên, chúng nhận thức được tầm quan trọng của việc thấu hiểu người khác trong quá trình hình thành các mối quan hệ chân chính, lành mạnh. Tôi đã đặc biệt nhấn mạnh tầm ảnh hưởng đáng kể của việc thấu hiểu trong các bài viết và sách về chủ đề nuôi dạy con cái và những buổi nói chuyện với trẻ nhỏ.Trong hơn 30 năm làm chuyên gia tâm lý, tôi chưa từng thấy có người trưởng thành nào nhìn lại tuổi thơ của mình và phàn nàn rằng cha mẹ họ quá là biết thấu hiểu. Và cũng tương tự như vậy, tôi đã gặp nhiều cặp đôi ly hôn còn yêu nhưng chưa bao giờ thực sự hiểu nhau. Tôi cho rằng nhiều mối quan hệ rạn nứt và hôn nhân tan vỡ không phải do hai người không yêu nhau mà vì họ không hiểu nhau.

Sự thấu hiểu sâu sắc này được gọi là sự đồng cảm. Đó là khi ta nhận thức rõ ràng hơn, nhạy cảm hơn và trực quan hơn với những người chúng ta yêu thương. Nhưng thấu hiểu không đơn thuần chỉ là kiến ​​thức. Không phải lúc nào có kiến ​​thức cũng đồng nghĩa với thấu hiểu. Và nếu như bạn không hiểu ai đó, bạn không thể yêu họ trọn đời.

 

Thấu hiểu là khi bạn có thể đặt mình vào vị trí của nửa kia – và thực sự cảm nhận được cảm giác của họ và có khả năng nhìn thấu được lý do ẩn giấu đằng sau mỗi hành động. Thấu hiểu và cảm thông chính là chất keo gắn kết của mọi mối quan hệ khăng khít. Nó khuyến khích chúng ta sống chậm lại, cố gắng đặt mình vào vị trí của người kia. Sự đồng cảm càng sâu sắc thì tình yêu càng tràn đầy và trọn vẹn. 

 

Khi bạn thực sự lắng nghe thì bạn có nhiều khả năng xác định được những cảm xúc mà nửa kia đang trải qua và đang thể hiện. Điều này giúp bạn hiểu lý do tại sao người ấy lại cảm thấy theo cái cách như vậy, để rồi từ đó bạn có thể nhìn rõ các khúc mắc của họ và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn. Khi xung đột căng thẳng nảy sinh và các cảm xúc bùng phát mạnh mẽ, việc biết và xác định cảm nhận của người kia là rất quan trọng.

 

Cố gắng thấu hiểu để sau đó được thấu hiểu

Steven Covey, trong cuốn sách “Bảy thói quen của người thành đạt”, đã viết rằng “hầu hết mọi người không lắng nghe để hiểu; họ lắng nghe để trả lời.” Tất cả chúng ta đều muốn được nhìn thấy, được lắng nghe và được thấu hiểu. Nếu một mối quan hệ chỉ có tình yêu mà không có sự thấu hiểu thì sẽ rất dễ gặp phải những mâu thuẫn. Và khi nó đã xảy ra, thì chia ly là điều tất yếu. Đương nhiên là khi 2 người cãi vã gây gổ càng nhiều thì họ càng cảm thấy chán ghét đối phương.Có một sự thật đau lòng là tình yêu thôi là chưa đủ. Tôi cố gắng mỗi ngày để hiểu rõ hơn về những người tôi yêu thương. Sự sẵn lòng và cố gắng để hiểu ai đó là tối quan trọng. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tình yêu bền chặt thì được củng cố bởi lòng mong muốn thấu hiểu. Tình yêu mà không có sự thấu hiểu thì chỉ úa tàn như một bông hoa thiếu nước.

 

Biết và hiểu ai đó là một quá trình cần thời gian

Bạn không cần phải hiểu ai đó để có thể yêu họ, nhưng bạn cần hiểu ai đó để yêu họ trọn đời. Nếu bạn cho mình cơ hội để hiểu những người thân yêu, bạn sẽ ngày càng trở nên yêu họ nhiều hơn. Tuy nhiên, với các mối quan hệ tình cảm, cái tôi dường như là yếu tố cản trở sự thấu hiểu. Thường thì chúng ra luôn muốn chứng minh rằng mình đúng, luôn muốn hay giành phần thắng trong các cuộc tranh cãi. Thế nhưng điều này không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ khiến nửa kia trở nên hoài nghi về mối quan hệ. Tôi cũng đã từng mắc sai làm tương tự trong những mối tình trước đây của mình.

 

Kết luận

Thật không đúng nếu bảo rằng tình yêu chỉ toàn khó khăn trắc trở. Các mối quan hệ có thể phức tạp, lộn xộn, để hiểu cảm xúc của người khác không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó không phải là điều bất khả thi. Cảm xúc là trung tâm và khi bạn và nửa kia cùng hiểu những cảm xúc, nó sẽ trở nên dễ chịu hơn và không làm đảo lộn mối quan hệ của bạn.Không phải tất cả các cặp đôi đều có thể cùng nhau đi một quãng đường dài, nhưng tất cả các mối quan hệ đều có thể trở nên viên mãn với sự thấu hiểu được đề cao, nó thậm chí còn quan trọng hơn cả tình yêu. Tình yêu là điều tuyệt vời nhưng để phát triển mối quan hệ tốt đẹp thì bạn cũng cần đến sự thấu hiểu – thứ làm sâu sắc thêm tình yêu bằng sự tin tưởng, cam kết và tôn trọng.

 

Dịch: Epiphyllum

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/liking-the-child-you-love/202007/what-really-holds-relationships-together-its-not-love

——————

Theo dõi các kênh chính thức của A Crazy Mind tại:

🌱Youtube: http://bit.ly/YT-ACM

🌱Website: https://acrazymind.vn/

🌱A Crazy Mind (Page): https://www.facebook.com/acrazymindVN/

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan