Tôi chỉ là người bình thường - Khi xung quanh là những người ưu tú

Tốc độ sống của mỗi người là khác nhau và quỹ đạo thành công của chúng ta không đồng nghĩa với quỹ đạo thành công của người khác. Tôi chỉ muốn là một người bình thường, nỗ lực sống một đời không nuối tiếc.

Có những ngày chênh vênh khi tôi phát hiện ra bằng tuổi tôi, hoặc ít tuổi hơn tôi, có những bạn đã đạt được những thành tựu xuất sắc hơn mình. Tôi luôn tự an ủi mình rằng mình không giống họ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không thể đánh đồng đích đến của họ so với bản thân mình. Mặc dù đã tự nhủ không biết bao lần nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy mình thua kém hơn các bạn đồng trang lứa.


Tôi có một người em, hậu bối học sau tôi một khóa. Gia đình em có gia thế, kinh tế không cần phải lo lắng nhiều. Ở tuổi đôi mươi, em đã đại diện trường đi thi các cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ trong và ngoài nước. Em xinh đẹp, tài năng, học piano chuyên nghiệp từ nhỏ và trong mắt những người ngoài cuộc như tôi thì em là viên ngọc quý mà bất kì ai cũng phải ngưỡng vọng. Em quen với ánh đèn sân khấu, quen với những cuộc phỏng vấn chớp nhoáng của những nhà báo săn tin, quen với cách nở nụ cười như một thói quen mà quên mất rằng cũng có những lúc em thực sự muốn khóc. Công chúng nhìn em và nói: “Ôi con bé này sướng thật, mới it tuổi đã được đi đây đi đó, đại diện quốc thể dự thi hoa hậu năm châu”. Sự thật thì sao? Đằng sau ánh hào quang của sân khấu, em lại thèm một bữa cơm nhà giản dị, thèm một chiều Hồ Tây lộng gió nhấm nháp ly cà phê, thèm được ngủ một giấc mà không bị chuông điện thoại liên tục làm phiền.


Làm người ưu tú có vất vả không?


Có chứ. Trên đời này chẳng có gì miễn phí. Và thành công luôn được trả giá bằng những hi sinh âm thầm. Tôi nhớ có một nhà văn nổi tiếng từng nói: “Muốn đội được vương miện, bạn phải chịu được sức nặng của nó”. Tất nhiên, chiếc vương miện rất nhẹ vì nó được thiết kế để vinh danh người chiến thắng nhưng chúng ta không hề hay biết, đằng sau chiếc vương miện bé xíu kia là “sức nặng” của truyền thông, của dư luận của những scandal liên tục được công chúng bàn tán. Đó còn là “sức nặng” của mồ hôi công sức, của những giây phút cô đơn khi không biết con đường này ta chọn là sai hay đúng.


Em nói với tôi: “Khi đã lựa chọn con đường này, em phải chấp nhận làm dâu trăm họ, em dần học được cách chai lì với những “gạch đá” chê bai, để rồi tự an ủi chính mình, chị biết không, có những ngày em chỉ ngủ được hai ba tiếng, mỗi bữa ăn không được quá 500 calo, những giờ luyện tập cường độ cao khiến em rã rời chân tay mà vẫn phái cố gắng ép mình để đạt được tiêu chuẩn mong muốn”. Em nhìn tôi cười nhạt: “Khán giả nhìn em trên sân khấu, họ tung hô trong thoáng chốc, rồi lúc sau có thể viết ngay những bình luận ác ý ném về phía em như những lưỡi dao vô hình.

Em là hình mẫu, là ước mơ của bao người bình thường nhưng khi đã đạt đỉnh vinh quang em lại chỉ mong những ước mơ bình thường mà nhiều người đang chán ghét. Có phải chúng ta đã từng so sánh bản thân với một ai đó ưu tú hơn mình, người này có gia thế hơn, được nương nhờ bố mẹ, người kia có tài năng thiên bẩm, không cần luyện tập chăm chỉ mà vẫn xuất sắc hơn người, rồi những ai đó nữa hơn ta từ vạch xuất phát, chúng ta than thân trách phận, yên vị ngồi đó để ngắm nhìn những người mà bạn đang ghen ghét kia tiến về phía trước mỗi ngày.


Có những người ưu tú vẫn không ngừng cố gắng.


Bạn nghĩ sao nếu những người ưu tú, họ luôn ý thức được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, ngày ngày học hỏi và làm việc chăm chỉ, mặc kệ những lời đồn ra đoán vào của công chúng? Nghị lực của họ đến từ quá trình “vượt sướng”, họ có tất cả, gia thế, địa vị, kinh tế, tài năng, nhưng họ không cho phép mình được quyền dựa dẫm và ỷ lại vào công sức của người khác. Hôm trước gặp lại một người em, sau hai năm không gặp “công tử bột” ngày nào đứng trước mặt tôi đã trở thành một con người khác. Em ăn vận giản dị, làn da rám nắng, em bảo tôi đó là thành quả của chuyến đi xa và cũng là cơ hội để em tìm gặp những người đồng đội của mình cho một dự án start-up sắp tới. Nhiều người nói em chẳng cần lo nghĩ gì vì có ba mẹ chống lưng, từ quyền lực đến kinh tế, nhà em không thiếu thứ gì nhưng đường đường là một thằng đàn ông khởi nghiệp, em chẳng còn mặt mũi nào đi gọi vốn từ ba mẹ mình nữa”. Nói là làm, dù cho dự án của em có những thăng trầm tưởng như muốn từ bỏ, nguồn vốn đầu tư cũng dần cạn kiệt, em vẫn cố gắng để chăm lo cho đồng đội và từng bước vượt qua khó khăn.

“Em không nhận hỗ trợ của ba mẹ, đơn giản là vì đó là tiền của ba mẹ, không phải của em, nhà cửa, laptop, hay các mối quan hệ làm ăn cũng vậy!". Em luôn tâm niệm rằng: “Những thứ không phải là của mình thì mãi mãi không phải là của mình” Em đâu có phải là người khuyết tật cần được nhận trợ cấp từ người nhà, em có đầy đủ chân tay, trí tuệ và bản lĩnh sống, cớ sao phải sống một đời tầm gửi”. Lời cảm khái của em khiến tôi khâm phục ý chí của một người trẻ, cuộc sống thượng lưu mà em được cảm nhận ngay từ khi còn bé không khiến em lựa chọn một kiếp sống lười biếng, an nhàn. Chúng ta luôn mong cầu một cuộc sống nhẹ nhàng hưởng lạc, không cần làm gì vẫn có thể tận hưởng giàu sang, nhưng hạnh phúc với những thứ phù du cũng chỉ đến và đi trong chốc lát, tôi hiểu rằng niềm hạnh phúc vững bền chỉ đến khi chúng ta trải qua những ngày dài nỗ lực không mệt mỏi. Nhờ mất mát ta mới trân trọng sự hiện diện của ai đó, nhờ đau thương mà ta mới quý trọng những phút giây hạnh phúc bên mình. Không có bùn nhơ làm sao có được hoa sen tỏa hương thơm ngát. Sen trong bùn mà bùn lại ở trong sen.




Em chỉ muốn là một người bình thường

Trở lại thế giới của chúng ta, những con người bình thường sống những ngày bình thường. Không gia thế, không địa vị, không tài chính, không mối quan hệ, tôi xuất phát từ một con số không thậm chí là con số âm khi gia đình tôi còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tôi của năm năm sau, mười năm sau vẫn chỉ ngồi đó than thân trách phận.

Tôi sinh ra trong một gia đình bậc trung, có khi chỉ lo cơm ăn, áo mặc, học hành đã là một kì tích. Ba mẹ tôi bôn ba ở thành phố đông đúc, những ngày tháng tuổi thơ phải liên tục chuyển nhà khiến tôi ám ảnh vì sự cố chấp của ba mẹ “Tại sao cứ phải ở thành phố hả mẹ?”. Mẹ chỉ cười và bảo tôi: “Vì mẹ muốn các con có một cuộc sống tốt hơn”. Bước đến trường, tôi bắt đầu nhận ra các bạn xung quanh có những thứ mà tôi không có, có bạn có áo mới, có bạn có cặp sách mới, tập viết mới, trong khi tôi toàn được dùng đồ cũ mà mẹ đã xin của các anh chị khóa trước về. Tôi không có thành tích nổi bật, không đảm nhiệm vai trò cán bộ lớp, tôi chỉ là một tổ viên, cũng không phải là thành viên “có nhiều điểm tốt nhất” hay “hoạt động tích cực nhất”, cũng không được thưởng hoa điểm mười… Có những lúc tôi chạnh lòng và tổn thương vì không thể theo kịp chúng bạn. Nhưng rồi thời gian trôi đi, tôi dần nhận ra hạnh phúc không phải là khi tôi sở hữu một vài món đồ đắt tiền hay có một chức vụ, một tài năng hơn người nào đó. Hạnh phúc là khi tôi chấp nhận rằng : “Đúng, tôi chỉ là một người bình thường, nhưng tôi sẽ là một người bình thường hạnh phúc!”. Chẳng ai có thể đảm bảo rằng khi bạn có danh vọng, địa vị, tiền bạc, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn và cuộc đời ngập tràn ý nghĩa! Hạnh phúc cạn cợt ấy sẽ nảy sinh khi lòng tham của chúng ta không ngừng đòi hỏi phải có nhiều, có nhiều hơn nữa. Quyền lực ư? Thế nào là đủ? Tiền bạc ư? Thế nào là giàu? Tất cả những giá trị ngoại thân ấy sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không nuôi dưỡng và bồi đắp giá trị cốt lõi bên trong. Tôi không giàu sang nhưng luôn mở rộng tấm lòng san sẻ và giúp đỡ người khác, tôi sẵn sàng cho đi vô điều kiện thông qua những dự án cộng đồng, tôi sẵn sàng lắng nghe bạn của tôi chia sẻ về những niềm đau và mất mát, tôi có thể trao đi nụ cười với bất kì ai mà tôi gặp…

Tốc độ sống của mỗi người là khác nhau và quỹ đạo thành công của chúng ta không đồng nghĩa với quỹ đạo thành công của người khác. Tôi chỉ muốn là một người bình thường, nỗ lực sống một đời không nuối tiếc.


Dù cuộc sống có khó khăn thế nào đi chăng nữa, luôn có những việc bạn CÓ THỂ làm và thành công. Đừng bao giờ bỏ cuộc!

-   Stephen Hawking  -


Tác giả: Lily Trương

Ảnh: Pinterest





BẢN THẢO
Bài viết liên quan