Tôi đã xây một nhà tù để giam cầm chính mình

"Tôi là một nhà tù, nơi người tôi giam đang than, đang khóc. Mải mê xây tường bao vây tất cả và dần khi tường đã vươn cao, trong bóng tối âm u, tôi không còn nhìn thấy con người thực của mình đâu nữa." (R. Tago)


Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong sự kì vọng và giáo dục nghiêm khắc của ông bà, cha mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ, người lớn thường chỉ ra đâu là điều hay, lẽ phải và kể cho tôi nghe một vài minh chứng về những đứa trẻ mà họ cho là hư hỏng. Mỗi lời tôi nói ra, mỗi hành động tôi làm, nếu chưa phù hợp sẽ ngay lập tức được nhắc nhở. Có lẽ, tất cả người lớn (ngay cả như tôi bây giờ) đều luôn dành trọn tình yêu thương và mong con cháu mình là một bản sao hoàn hảo nhất. Mọi hành động nghịch bẩn, tắm mưa hay một trò chơi rồ dại đều nằm trong từ điển những việc không nên làm ở gia đình tôi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và biết ơn điều đó, cho đến một ngày… Cuối cùng, ngày đó cũng đã đến – ngày mà tôi phát hiện ra rằng mình đã mắc phải căn bệnh sợ làm sai.


Nỗi sợ ấy cứ ngày ngày lấn át tâm trí tôi, dằn vặt tôi không được làm điều gì nằm ngoài khuôn khổ. Đơn giản là vì tôi sợ phải nhìn thấy ánh mắt thất vọng của người khác dành cho mình. Ngày ngày, tôi chuyên cần đến lớp, hoàn thành đầy đủ bài tập, chào hỏi lễ phép, tuân thủ theo các quy tắc chung một cách không cần nghĩ ngợi. Nếu gặp phải một vấn đề nan giải nào đó, tôi sẽ tìm cớ né tránh hay chọn cách im lặng. Điều đó cứ day dẳng và lặp đi lặp lại như một thói quen đeo bám đến tận bây giờ. Tôi không cho phép bất kì suy nghĩ non nớt nào của mình được thể hiện ra bên ngoài. Tôi giam cầm tất cả nội tâm, nhấn chìm nó vào sâu trong từng lớp địa tầng u linh, lạnh lẽo…


Trong cuộc đấu tranh triền miên bất tận với thị phi, định kiến, tôi đã đoạn tuyệt với những niềm riêng khó giãi bày. Tôi muốn xóa cho kì hết những dấu vết mà mình để lại, đem mình bọc vào một lớp vỏ an toàn. Lớp vỏ vô hình ấy cứ cứng dần, cứng dần từng ngày cho đến khi nó thành tường đồng, lũy sắt không gì ngăn cản nổi.


He whom I enclose with my name is weeping in this dungeon. I am ever busy building this wall all around; and as this wall goes up into the sky day by day I lose sight of my true being in its dark shadow.

I take pride in this great wall, and I plaster it with dust and sand lest a least hole should be left in this name; and for all the care I take I lose sight of my true being.”

(Tôi là một nhà tù, nơi người tôi giam đang than, đang khóc. Mải mê xây tường bao vây tất cả, và dần khi tường đã vươn cao, trong bóng tối âm u, tôi không còn nhìn thấy con người thực của mình đâu nữa.

Tôi hãnh diện vì bức tường cao ngất; lấy cát bụi tôi trát kín tường đi, những sợ nếu còn lỗ nhỏ, tên gọi này sẽ lọt vào trong. Vì cẩn thận chi li, tôi không còn nhìn thấy con người thực của mình đâu nữa.)

R. Tago

Vậy đâu mới là con người thật của mỗi chúng ta? Đây là câu hỏi mà không phải ai cũng có thể trả lời được. Ví như một kẻ thấy người khác mặc váy hoa trong mùa hè, áo len trong mùa đông thì cũng theo trào lưu và không hề đoái hoài việc mình yêu thích điều gì. Chúng ta dễ dàng khi đánh giá người khác nhưng đến lúc nhìn lại mình thì quá khó khăn. Bởi lẽ, từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã quen nghe những lời có cánh mang nội dung khen ngợi. Có người thì bảo tôi nên dịu dàng hơn, nhưng cũng có người bảo tôi phải mạnh mẽ và gai góc hơn. Điều này làm tôi băn khoăn, day dứt về hướng đi đúng của cuộc đời và về những biểu hiện của mình. Chúng ta muốn bản thân không khác biệt quá nhiều với suy nghĩ của mọi người xung quanh nhưng ngay cả thước đo hoàn hảo nhất cũng sẽ có phần ngoại lệ. Tôi ngây thơ nghĩ rằng chỉ có như thế mới có thể thoát khỏi nỗi sợ hãi và hòa nhập với cuộc đời chung. Thế nhưng, có ngờ đâu, tôi đã tự biến mình thành một kẻ tù đày trên chặng hành trình dài vô định.


TIẾNG GÀO THÉT CỦA KẺ LƯU ĐÀY

Dù thời gian có phủ một lớp bụi mờ lên tâm trí nhưng tôi vẫn không nguôi quên được những cơn nóng giận bất chợt lao đến xô chính mình ngả nghiêng giữa vũng bùn lầy lội. Thường ngày, tôi lờ đi những cuộc trò chuyện ở chốn đông người. Ở bất kì nơi đâu, tôi cũng cố tỏ ra bình thản dù sự việc làm mình cảm thấy bực bội và khó chịu đến nhường nào. Nhưng đến ngày nọ… một câu chuyện phiếm mà bạn bè kể lại làm tôi như phát điên. Tôi quát to khi nghe về kẻ có hành vi không đúng đắn, kẻ đã vì lợi ích của mình mà chà đạp lên nhân phẩm của người khác. Tôi tự hỏi nhân vật xa lạ ấy, họ không can hệ gì đến mình thì những phán quyết của tôi liệu có sai? Ngay khi cơn nóng bùng nổ cũng là lúc tôi rụt mình lại trước con mắt ngạc nhiên của đứa bạn thân. Tôi biết mình nhút nhác, tôi càng cố làm mọi cách để khẳng định quan điểm. Tôi càng muốn chứng minh một điều gì đó (dù không chắc nó đúng hay sai) thì nỗi sợ hãi lại như con bão ập đến.



Nếu như lúc nhỏ, tôi sợ bị làm sai ba mẹ mắng thì lớn lên tôi lại càng sợ hãi tột cùng trước dư luận. Thời đại này chỉ với một câu nói gây tranh cãi, một bài đăng trên mạng xã hội có quan điểm khác với số đông thì sẽ dễ dàng hứng chịu búa rìu khắp mọi nơi. Ta không thể mong cầu người khác cảm thông ngay khi chính mình còn không biết hành động của bản thân như vậy là đúng hay sai. Thế là, tôi tiếp tục lánh đời như con cuốn chiếu co mình mỗi khi chạm phải vật lạ. Tôi chối từ bao lời cay đắng, đem cỏ hoa phủ đầy trang Facebook. Thế thì đã sao? Tôi càng muốn mình an nhiên thì nội lực phản kháng bên trong lại càng bùng nổ. Đôi lúc, tôi là đứa trẻ vô tư, không lo không nghĩ; nhưng cũng có đôi lúc tôi thấy mình là một cụ già hay rầu lo, nghĩ ngợi. Vui vẻ đó rồi bất chợt khóc ngay lúc đó, tôi tự hỏi liệu trong mình đang có hai nhân cách giằng xé nhau hay không?


Người ta thường bảo: tôi phải làm như vậy vì đây là quy định chung của thế lực “abcd” nào đó. Mọi hành động của mỗi người đều bị kìm hãm bởi những tác nhân bên ngoài nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Bạn nghĩ còn nỗi đau nào hơn thế? Câu trả lời là khi bản thân lại tự giam cầm chính mình. Vượt qua bức tường của cái “tôi” chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tựa như cội nguồn “Upanishads” từ triết học Ấn Độ, sự dung hòa của những con sông chảy trôi đổ vào biển cả là hành trình giải phóng nội tâm con người. Để có sự dung hòa giữa cái riêng và cái chung, câu hỏi được đặt ra là: Điều gì có thể giúp cho con người vượt qua phiền não, tội lỗi và cả những trói buộc của cuộc đời? Câu trả lời chính là bạn phá vỡ đi bức tường ngăn cách, để cho không khí bên trong và bên ngoài hòa làm một.


Hiện nay, tôi không biết bức tường vây lấy mình đã dày đến bao nhiêu và xung quanh tôi mọi người có bao nhiêu bức tường che chắn như thế. Mỗi chúng ta rốt cuộc cũng chỉ đang nhìn thấy một phần nhỏ của người khác và một phần nhỏ của chính mình. Tôi chọn cách không quan tâm đến điều đó nữa mà sẽ sống thật tốt theo cách tôi muốn. Dù là kẻ tù đày thì tôi cũng chỉ có một lối đi duy nhất, đó là không ngừng tiến về phía trước, tập cách tôn trọng sự lựa chọn của chính mình ở ngay thời điểm nó đang diễn ra. Bạn có nghĩ như tôi không?


Tác giả: Kiều Giang

------------

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/cuocthiVDDT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”


BẢN THẢO
Bài viết liên quan