Tôi Đã Từng Rất Có Thái Độ Rất Gay Gắt Với Những Người Tự Tử

Những người chọn cho mình cái chết là những kẻ ngu ngốc, đáng bị lên án và chê trách. Bạn có nghĩ như thế không?


Một người đàn ông treo cổ tự sát vì nợ nần, vì hổ thẹn khi không lo được cuộc sống đầy đủ cho vợ con.


Một cô gái trẻ ôm con nhảy sông tự tử vì bị chính gia đình mình, người chồng hắt hủi không nhận đứa con. 


Một cậu học sinh cấp ba rạch tay tự tử vì áp lực thi cử. 



"Những người tự tử là những kẻ coi thường mạng sống của chính mình, là những người không đáng được coi trọng, và đáng bị khinh thường. Trong khi có bao nhiêu người ngoài kia đang cố gắng từng ngày giành giật lấy sự sống, thì lại có những người khỏe mạnh, lành lặn tìm đến cái chết. Thật không thể nào mà hiểu được họ đang nghĩ cái gì trong đầu."


 Đó chính là suy nghĩ của tôi khi đọc được các câu chuyện về những người tử tự. Lúc đó, đối với tôi những người tự tử là những kẻ ích kỷ, đáng trách và rất đáng ghét. Sau này, khi được học, xem những bài giảng trên youtube, nghe được nhiều câu chuyện và va chạm nhiều hơn với cuộc sống, tôi bắt đầu có cái nhìn khác về những người tự tử. 


Tôi bắt đầu đi tìm câu trả lời cho chính mình. 


"NGƯỜI TỰ TỬ LÀ NGƯỜI ĐÁNG THƯƠNG HAY ĐÁNG TRÁCH?"


Tôi biết, nếu chúng ta dùng đến lý trí để phân tích một câu chuyện tự tử của ai đó, thì chúng ta có vô vàn lý do đúng, và những người tìm đến cái chết dù với bất kỳ lý do nào thì cũng là những người sai, ngu dại và ngốc nghếch. 


Người đàn ông đó thật ích kỷ khi đi tìm cái chết, và để lại cho vợ con một khoản nợ lớn mà chính anh ta cũng không gánh vác nổi. Họ sẽ sống ra sao khi mà vợ thì mất chồng, con mất cha. Rồi người góa phụ ấy phải một mình gồng gánh với những nỗi lo về kinh tế và trụ cột của một người đàn ông, cuộc sống của họ rồi sẽ đi về đâu?


Cô gái trẻ đó thật nhẫn tâm và điên rồ khi ôm theo đứa con vô tội của mình nhảy sông. Cô ta có thể quyết định mạng sống của mình nhưng không có quyền tước đi mạng sống của bất kỳ ai, kể cả là con của mình. Đó cũng chẳng khác gì là một cách giết người cả.


 Còn cậu nhóc học sinh cấp ba đó thì thật là dại dột, nông cạn khi tìm đến cái chết. Nó có nghĩ đến gia đình, bố mẹ, người thân sẽ ra sao khi mất đi đứa con của mình không? Không thể thông cảm và tha thứ cho những con người ích kỷ như thế được.


 Đó có thể là tất cả những suy nghĩ, phán xét của chúng ta khi nghe được những câu chuyện đó, nhưng như thế thì có vội quá không nhỉ? Chúng ta chỉ mới nhìn câu chuyện ấy theo lý trí hoặc một góc nhìn nhất định nào đó mà chúng ta muốn mà thôi. Vậy khoan đã, nếu chúng ta đã dùng lý trí để nhìn nhận vấn đề thì tại sao không dùng cả trái tim để thấu hiểu, để bao dung và vị tha hơn. Tôi tin, lúc đó chúng ta sẽ không nói như thế với họ nữa.


"Tại sao cứ bế tắc, bất lực lại tìm đến cái chết mà không suy nghĩ xem có cách nào để giải quyết vấn đề hay không? Tại sao lại không cố gắng thêm một chút nữa? Tại sao ra đi mà không nghĩ đến người ở lại?"


Có phải đó là tất cả những thắc mắc của chúng ta khi nói đến những người tự tử không? Tôi thì lại nghĩ khác, có thể họ đã cố gắng rất nhiều rồi, và nếu họ có một sự lựa chọn nào tốt hơn cái chết, tôi tin là họ đã không làm thế. Vì trong chúng ta, kể cả những người tự tử đều rất sợ cái chết. Nhưng khi họ đã rơi vào bước đường cùng không lối thoát, khoảng thời gian đó chính là khoảng thời gian đáng sợ nhất trong cuộc đời của họ. Cứ như thế, họ sống trong những nỗi lo, những khủng hoảng, bế tắc rồi cuối cùng là rơi vào tuyệt vọng. 


Hãy thử nghĩ xem, biết đâu trước lúc quyết định tìm đến cái chết, họ đã phải giằng xé tâm can nhiều đến nhường nào. Có thể họ sợ nếu cứ tiếp tục rơi vào tình trạng thế này, thì họ sẽ không làm chủ được bản thân và cứ thế lao vào những tệ nạn, tìm đến những thú vui tai hại. Họ sợ mình bị trầm cảm, có những hành động mất kiểm soát và sẽ gây nguy hiểm cho người thân, họ sợ mình sẽ phát điên lên, nặng hơn là phải vào trại tâm thần. Họ không muốn mình trở thành một con người tệ nạn như thế, càng không muốn mình sẽ làm gánh nặng cho gia đình. Họ sợ ảnh hưởng đến người thân và trong mớ suy nghĩ hỗn loạn ấy, họ nghĩ cách giải quyết tốt nhất lúc đó là giải thoát cho chính mình, cũng như đảm bảo an toàn cho những người thân yêu của họ.


       


Những người lựa chọn cái chết là những người đã đi đến bờ vực của tuyệt vọng, chẳng còn một cánh tay nào dang lấy để đỡ họ cả, hoặc nếu có thì họ cũng chẳng còn sức để nắm lấy nữa rồi. Khi không còn một lối đi nào cho mình nữa, tất thảy đều muốn giải thoát. Tôi đã đưa ra cho mình rất nhiều giả thuyết về mỗi câu chuyện. Biết đâu, trước khi treo cổ tự tử, người đàn ông đó đã tìm đủ mọi cách để trả nợ, để vợ con có cuộc sống đầy đủ hơn, nhưng khi không làm được anh ta đã luôn dày vò, dằn vặt bản thân, lòng tự trọng của anh ta trỗi dậy và không ngừng sỉ nhục chính mình. Đến một lúc, sự hành hạ đó ngày một nhiều hơn, anh ta không thể chấp nhận và tha thứ cho mình được và anh ta quyết định tìm đến cái chết.


Biết đâu, trước khi ôm con đi nhảy sông, cô gái trẻ ấy đã phải đối diện với tòa án lương tâm của chính mình, tội lỗi và không ngừng cắn rứt khi bắt đứa con vô tội phải chết cùng. Nhưng cô ấy lại có một nỗi sợ khác, nếu cô chết đi rồi sẽ không ai lo cho con của mình, khi mà người cha không muốn nhận con và gia đình cô cũng không muốn nhận cháu. Cô sợ khi cô chết đi, con cô sẽ bị bỏ rơi, bị đối xử tệ bạc, lựa chọn ôm con tử tự là lựa chọn mà cô ấy cho rằng đó là cách tốt nhất để bảo vệ con của mình. Biết đâu, cậu nhóc học sinh ấy trước khi lấy con dao để rạch tay, chắc hẳn nó đã có nhiều đêm không ngủ, vật vờ trong những nỗi lo âu, sợ sệt, những áp lực về học tập ngày một đè nặng lên vai. Nó sợ mình không thi đậu vào trường đại học như kỳ vọng của gia đình, nó sợ làm mọi người buồn và thất vọng, nó sợ người khác nhìn mình bằng ánh mắt coi thường, hả hê khi nó thi trượt. Xung quanh nó không có một ai bên cạnh để chia sẻ, động viên, và đôi khi chính nó cũng không thể nói với ai được. Cứ thế, ngày qua ngày, nó gặm nhấm nỗi sợ hãi đó một mình, rồi đêm đêm cứ chìm trong những nỗi lo vô hình như thế. Đến một lúc, khi biết mình không thể chịu đựng được nữa, nó bỏ mặc hết tất cả và tìm đến cái chết. Và biết đâu, trong tất cả bọn họ, trước khi tìm đến cái chết thì đã bị trầm cảm hay tự kỉ rồi thì sao? Lúc đó họ không thể kiểm soát được hành vi của mình nữa. Máu lúc đó lại không hề ghê tởm mà lại rất ngon và đẹp.


Chẳng có ai trên cuộc đời lại mong một ngày mình sẽ tìm đến cái chết để giải thoát, phải không? 


Đừng nói rằng :"Ngoài kia, có biết bao nhiêu đứa trẻ cũng áp lực về học tập chứ có phải mình nó đâu, ngày xưa tao cũng áp lực hơn thế mà vẫn một mình vượt qua đó thôi, mới một tí là đã đòi chết."

Hoặc 

"Nó làm như đời này có một mình nó bị như thế, tao cũng đang một thân một mình nuôi con đây."


Đừng! Xin đừng buông những lời nói như thế với họ, vì mỗi người trong chúng ta là một cá thể khác biệt, suy nghĩ, tính cách hay hành động của chúng ta là hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế mà mức chịu đựng cũng như giới hạn chịu áp lực của mỗi người là không hề giống nhau. 


Đừng so sánh chính mình với bất kỳ một ai khác, đừng nghĩ rằng những gì bản thân mình trải qua là kinh khủng, là đáng sợ nhất và lấy cái đó làm quy chuẩn cho tất cả nỗi đau của người khác. Đừng nghĩ rằng mình là người khổ nhất và không một ai trên đời khổ hơn mình. Đừng xem nỗi đau của mình là vô tận, rồi đi xem thường nỗi đau của người khác. Chúng ta không phải là họ, chúng ta không hiểu cũng như không biết những gì họ phải trải qua nó đáng sợ và kinh khủng ra sao, nên những gì chúng ta thấy chỉ là một bề nổi của sự thật mà thôi. Bởi không phải thấy một người đang vui thì có nghĩa họ không có chuyện buồn, chỉ là họ giỏi giấu cảm xúc của mình trong tảng băng lạnh lẽo mà thôi. Có thể, tận sâu thẳm trong cõi lòng kia là những buốt giá đến tê tái, là những vết thương chằng chịt chẳng thể nào băng bó được. Vì thế, xin đừng lấy tiêu chuẩn và giới hạn chịu đựng của mình rồi áp đặt lên người khác, đó thật sự là một tội ác.


Những người đã ra đi, họ không nghe, cũng như không thấy được những bình luận tiêu cực, những chỉ trích nặng nề, thậm chí là xúc phạm của những người xa lạ để lại trên một bài báo. Mà đôi khi chính những người ở lại, lại vô tình đọc được những bình luận đó. Mọi người ơi, nỗi đau của sự mất mát nó không còn một từ nào để có thể diễn tả nổi, họ đã đủ đau đớn, đủ khổ tâm lắm rồi. Chúng ta có thể đừng buông những lời cay độc với những người đã ra đi, hoặc những người ở lại được không? Nếu trái tim ta chưa đủ bao dung để sẻ chia thì xin hãy lướt qua. Còn nếu có thể, chúng ta hãy cảm thông nhiều hơn, đừng trách móc những người đã chọn cái chết và hãy động viên, gửi bình an đến những người ở lại.


Các bạn biết không, trái tim của chúng ta ấm áp và bao dung hơn chúng ta nghĩ đấy, tại chúng ta chưa mở rộng lòng mình ra mà thôi, không tin cứ thử đi. Khi ta ngưng phán xét, ngưng chỉ trích, thay vào đó là nhìn mọi vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, ta không nhận xét một cách phiến diện và đầy chủ quan nữa, ta sẽ có cái nhìn bao quát và lúc đó trái tim ta sẽ trở nên dịu dàng, tử tế hơn. Rồi một ngày, ta sẽ tìm được vô vàn điều tích cực trong những tiêu cực, tìm được bình yên trong những con sóng lớn. Lúc đó tự nhiên lòng ta lại nhẹ nhàng, an nhiên và thanh thản vô cùng. Đôi khi, chúng ta cũng không nhận ra sự thay đổi của chính mình nữa. Trái tim của chúng ta kỳ diệu lắm. Vì vốn dĩ chúng sinh ra là để yêu thương, để bao dung và tha thứ cơ mà. Đúng không? 


Gửi cho chính tôi và tất cả chúng ta :


"Hãy nói lời cảm ơn và trân trọng những người luôn bên cạnh chúng ta. Hãy dành thời gian để quan tâm, chăm sóc đến những người thân yêu của chúng ta, cùng chia sẻ, lắng nghe để thấu hiểu nhau nhiều hơn. Hãy chân thành và biết tha thứ cho những lỗi lầm. Để chúng ta sẽ cùng nhau xóa tan những nỗi lo, những trống trải và bất an, rồi sẽ không một ai phải cảm thấy sợ hãi và cô đơn nữa. Để không một điều tồi tệ gì sẽ xảy ra với những người thân và với chính chúng ta. Để không một ai phải là người ra đi, hay người ở lại với những ân hận, dày vò. Để không một ai phải hối tiếc, không một ai phải hành hạ hay đay nghiến chính mình trong những nỗi đau vô tận ấy."


Tôi đã tìm được cho mình câu trả lời, còn bạn thì sao?

Nói tôi nghe : THEO BẠN THÌ NGƯỜI TỰ TỬ ĐÁNG THƯƠNG HAY ĐÁNG TRÁCH?

 

Tác giả : Mai Trang 

Ảnh :pinterest 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan