Tổng Quan Về Tâm Thần Phân Liệt: Những Điều Bạn Cần Biết

Tâm thần phân liệt là một loại bệnh lý tâm thần ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ. Điều này dẫn tới những vấn đề mãn tính liên quan tới rối loạn suy nghĩ và hành vi. Người bệnh …

Tâm thần phân liệt là một loại bệnh lý tâm thần ảnh hưởng tới hoạt động của não bộ. Điều này dẫn tới những vấn đề mãn tính liên quan tới rối loạn suy nghĩ và hành vi. Người bệnh thường cần có sự chăm sóc và điều trị kéo dài cả đời.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng tâm thần phân liệt ảnh hưởng đến khoảng 0,3% tới 0,7% dân số (từ 3 trong 1000 người cho đến 7 trong 1000 người). Căn bệnh này ảnh hưởng tới mọi người bất kể chủng tộc hay màu da. Tỉ lệ mắc ở đàn ông thường cao hơn phụ nữ một chút.

Triệu Chứng

Triệu chứng của tâm thần phân liệt được phân thành 2 nhóm: triệu chứng dương tính (positive) và triệu chứng âm tính (negative). Những thuật ngữ này không nhằm ngụ ý rằng triệu chứng đó là tốt hay xấu như vài người có thể nghĩ (vì positive và negative có thể bị hiểu lầm thành tích cực và tiêu cực), mà nó nói tới cách thức mà các triệu chứng biểu hiện.

Triệu Chứng Dương Tính

Những triệu chứng dương tính là những vấn đề lẽ ra không nên có [ở một người bình thường] (ví dụ như ảo giác).

Chúng được gọi là triệu chứng “dương tính” vì chúng đại diện cho một yếu tố được bổ sung vào trải nghiệm điển hình trong mỗi ngày của ai đó (người bệnh).

Một vài triệu chứng dương tính của tâm thần phân liệt bao gồm:

·         Ảo giác

·         Hoang tưởng

·         Tư duy và lời nói vô tổ chức

Ảo giác: Trong cơn ảo giác, một người sẽ nghe, thấy, cảm nhận hay ngửi thấy thứ gì đó không thực sự có thật. Thông thường nhất thì triệu chứng này gây nên ảo giác khiến người bệnh nghe thấy những giọng nói mà chỉ riêng họ mới nghe được. Những giọng nói đó có thể là lời đe dọa, lời an ủi hay bất cứ điều gì. Thỉnh thoảng, người bệnh sẽ trải nghiệm những giọng nói đó như những ý nghĩ xâm nhập, nhưng thường thì nó như thể đến từ thế giới bên ngoài.

Hoang tưởng: Hoang tưởng là những niềm tin sai lầm mà người bệnh bám lấy mà không ai khác có cùng niềm tin này với họ. Một người bị hoang tưởng có cái nhìn rất cứng nhắc về một tình huống và không thể bị thuyết phục bằng lý lẽ để từ bỏ chúng. Ví dụ, một người bị tâm phân liệt có thể tin rằng anh ta là đối tượng bị nhắm đến trong một âm mưu của chính phủ hay những người ngoài hành tinh đang cố điều khiển hành động của anh ta.

Lời nói vô tổ chức: Những người có triệu chứng này có thể khiến người khác thấy khó hiểu vì những câu nói của họ không liên quan với nhau hoặc vì họ thường xuyên thay đổi chủ đề một cách không hợp lý đối với người nghe. Dù vậy, lời nói của họ vẫn có thể có ý nghĩa với chính họ vì nó kết nối với những trải nghiệm bên trong họ.

Triệu Chứng Âm Tính

Những đặc điểm dường như không có hay biểu hiện ở mức độ nhẹ ở những người bị tâm thần phân liệt được gọi là những triệu chứng âm tính, bao gồm:

·         Suy giảm biểu lộ cảm xúc

·         Thiếu những những hoạt động có mục tiêu

Những người bị tâm thần phân liệt cũng có thể có những triệu chứng khác về mặt nhận thức như khó tập trung hay ghi nhớ, hoặc khó khăn trong việc lập kế hoạch cho các hoạt động. Họ cũng có thể rất kém trong việc chăm sóc bản thân, trong các chức năng liên nhân cách, học tập hoặc nghề nghiệp. Người bệnh cũng cảm thấy khó khăn hơn trong việc tham gia vào những hoạt động cộng đồng hay có những mối quan hệ ý nghĩa.

Sự Biến Động của Các Triệu Chứng

Các triệu chứng có thể có những giai đoạn tiến triển tệ dần và những giai đoạn có sự cải thiện. Những lúc các triệu chứng trở nên tệ hơn được gọi là “flares” hoặc “relapses”(tạm dịch: flares=bộc phát; relapses=tái phát). Với việc điều trị, hầu hết các triệu chứng có thể sẽ giảm nhẹ đi hoặc biến mất (đặc biệt là những triệu chứng dương tính). Giai đoạn thuyên giảm bệnh đề cập đến việc người bệnh, trong 6 tháng hoặc hơn, không xuất hiện các triệu chứng hoặc chỉ trải nghiệm các triệu chứng ở mức độ nhẹ.

Nhìn chung, các triệu chứng âm tính có xu hướng khó điều trị hơn những triệu chứng dương tính.

Trong mô hình y sinh truyền thống về tâm thần phân liệt, những triệu chứng này đơn thuần mang tính bệnh lý. Dù vậy, những người ở trong giai đoạn nghe thấy giọng nói phản đối, cho rằng việc nghe thấy những giọng nói thỉnh thoảng là những trải nghiệm rất ý nghĩa và nó không nên được nhìn nhận như là một dấu hiệu bệnh lý đơn thuần.

Độ Tuổi Khởi Phát

Các triệu chứng sớm của tâm thần phân liệt thường lộ hiện dần rồi trở nên nghiêm trọng và rõ ràng hơn với những người xung quanh. Thường thì những triệu chứng của tâm thần phân liệt bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi vị thành niên đến giữa 30. Nhưng thỉnh thoảng các dấu hiệu cũng xuất hiện ở độ tuổi thấp hoặc cao hơn khoảng đó. Ở nữ giới, các triệu chứng thường xuất hiện ở độ tuổi muộn hơn so với nam giới.

Những Thay Đổi trong Não Bộ

Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu về cách mà tâm thần phân liệt ảnh hưởng tới não bộ, vì căn bệnh này có mối liên hệ với một số thay đổi về chức năng của não. Những thay đổi trong não bộ phản ánh sự tồn tại của những triệu chứng cụ thể của căn bệnh. Dưới đây là những vùng não bộ được cho rằng bị rối loạn chức năng khi chủ thể mắc tâm thần phân liệt:

·         Thùy thái dương trung (medial temporal lobe) (gây nên những vấn đề về trí nhớ làm việc)

·         Thùy thái dương thượng (superior temporal lobe) (gây nên những vấn đề trong việc xử lý dữ kiện âm thanh)

·         Thùy trán (gây nên vấn đề với khả năng ra quyết định và ức chế)

Chẩn Đoán

Không có một phương pháp thử máu hay quét não đơn giản nào có thể giúp những người làm trong lĩnh vực sức khỏe chẩn đoán được bệnh tâm thần phân liệt. Để chẩn đoán căn bệnh này, bác sĩ sẽ cần xem qua hồ sơ bệnh án đầy đủ và thực hiện một bài kiểm tra sức khỏe. Nhà lâm sàng cũng sẽ cần loại ra các chứng bệnh tâm thần khác cũng có thể gây ra ảo giác và hoang tưởng (ví dụ như Hội chứng Morgellons [2]). Ví dụ, những người bị rối loạn phân liệt cảm xúc [3] có nhiều triệu chứng giống tâm thần phân liệt nhưng cũng sẽ có những vấn đề đặc trưng về mặt cảm xúc và tâm trạng (khí sắc).

Một số tình trạng y khoa khác cũng có thể gây nên những triệu chứng giống như tâm thần phân liệt bao gồm:

·         Các rối loạn liên quan đến chất [kích thích]

·         Sa sút trí tuệ

·         Các bệnh liên quan đến viêm và tuyến nội tiết [4]

·         U não

·         Tình trạng mê sảng

Trong một số trường hợp, cá nhân có thể sẽ cần thực hiện những bài kiểm tra bổ sung để loại trừ trường hợp mắc những tình trạng y khoa như trên.

Tầm Quan Trọng Của Thời Gian Trong Tâm Thần Phân Liệt

Thời gian kéo dài của các triệu chứng cũng rất quan trọng trong việc chẩn đoán. Để được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt, một người phải biểu hiện triệu chứng trong ít nhất sáu tháng. Nếu bạn hoặc người thân yêu có những triệu chứng kéo dài trong chưa đầy một tháng, thì kết quả chẩn đoán, thay vì là tâm thần phân liệt, có thể là rối loạn loạn thần cấp.

Những người có những triệu chứng kể trên trong hơn một tháng nhưng chưa đủ 6 tháng có thể được chẩn đoán mắc rối loạn dạng phân liệt. Thỉnh thoảng, những người với những tình trạng trên sẽ có triệu chứng kéo dài dai dẳng và sau đó được chính thức chẩn đoán là mắc tâm thần phân liệt.

Các Thể Khác Nhau Của Tâm Thần Phân Liệt

Bạn có thể đã nghe rất nhiều thể của tâm thần phân liệt như tâm thần phân liệt thể hoang tưởng hay tâm thần phân liệt thể căng trương lực [5]. Những nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần đã từng chẩn đoán người bệnh với các thể này [6] dựa trên những triệu chứng khác nhau của họ. Dù vậy, vào năm 2013, các bác sĩ tâm thần đã quyết định dừng việc phân loại bệnh tâm thần phân liệt theo cách này. Họ kết luận rằng những phân loại này không thực sự giúp họ hiểu hơn về tâm thần phân liệt và cũng không giúp những nhà lâm sàng chăm sóc người bệnh tốt hơn.

Nguyên Nhân

Những nguyên nhân gây nên bệnh khá phức tạp và chưa được hiểu rõ hoàn toàn, dù nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ nhất định.

Gien

Gien dường như có ảnh hưởng tới việc hình thành bệnh tâm thần phân liệt. Bạn sẽ dễ mắc phải tâm thần phân liệt hơn nếu bạn thừa hưởng một số gen nhất định (thành phần của DNA) từ cha mẹ.

Những người có người thân trong gia đình mắc tâm thần phân liệt có nguy cơ mắc tâm thần phân liệt hoặc rối loạn liên quan khác cao hơn, ví dụ như rối loạn phân liệt cảm xúc.

Những cặp song sinh cùng trứng (cùng chia sẻ thông tin di truyền) có tỉ lệ cùng mắc tâm thần phân liệt cao hơn cặp song sinh khác trứng (không có cùng DNA). Điều này cho thấy vật chất chất di truyền (gien) là một trong những tác nhân kích hoạt bệnh tâm thần phân liệt, có lẽ là thông qua nhiều loại gien khác nhau.

Những Yếu Tố Nguy Cơ Khác

Bệnh tâm thần phân liệt có thể xảy đến kể cả với những người không có người thân trong gia đình mắc phải. Và việc gia đình bạn có người mắc tâm thần phân liệt không có nghĩa là bạn cũng chắc chắn sẽ mắc.

Rất nhiều yếu tố môi trường khác nhau có thể làm gia tăng tỉ lệ bị mắc phải chứng tâm thần phân liệt. Dưới đây là một số yếu tố:

·         Tai biến sản khoa [7]

·         Nhiễm trùng hệ thống thần kinh trung ương khi còn nhỏ

·         Chấn thương tâm lý (sang chấn) thời thơ ấu

·         Những áp lực xã hội, ví dụ như khó khăn kinh tế

Dù vậy vẫn còn nhiều người mắc chứng tâm thần phân liệt không hề có những yếu tố nguy cơ này.

Tâm thần phân liệt là một kết quả phức tạp của nhiều yếu tố: gien, môi trường, xã hội và tâm lý, và chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về chúng.

Điều Trị

Cách điều trị tốt nhất cho chứng tâm thần phân liệt cần sự kết hợp của một đội ngũ các chuyên gia về sức khỏe từ nhiều nhóm ngành khác nhau. Điều trị từ sớm có thể tăng khả năng phục hồi gần như hoàn toàn.

Phương pháp điều trị cần có:

·         Thuốc tâm thần

·         Điều trị tâm lý

·         Hỗ trợ từ xã hội

Nhiều người mắc phải chứng tâm thần phân liệt ban đầu sẽ cần đến bệnh viện để điều trị tâm thần và nhờ vậy bác sĩ có thể ổn định tình trạng của họ.

Thuốc

Những loại thuốc chống loạn thần rất quan trọng đối với việc chữa trị chứng tâm thần phân liệt. Những loại thuốc này giúp làm giảm bớt các triệu chứng của tâm thần phân liệt và giúp ngăn tái phát những triệu chứng đó. Những loại thuốc chống loạn thần đời đầu là nhóm thuốc được phát triển từ những năm 1950. Chúng cũng được gọi là thuốc chống loạn thần điển hình (typical antipsychotics), bao gồm:

  • Haldol (haloperidol)
  • Thorazine (chlorpromazine)

Nhóm thuốc chống loạn thần này thường dễ có những tác dụng phụ tương tự nhau như những vấn đề về cử động (còn gọi là triệu chứng ngoại tháp [8]), buồn ngủ và khô miệng.

Sau đó các nhà khoa học đã phát triển ra một nhóm thuốc chống loạn thần mới, được gọi là nhóm thuốc chống loạn thần thế hệ 2 hay thuốc chống loạn thần không điển hình (atypical antispychotics), bao gồm:

•       Abilify (aripiprazole)

•       Clozaril (clozapine)

•       Zyprexa (olazapine)

•       Seroquel (quetiapine)

•       INVEGA (paliperidone)

Những thuốc này thường không gây nên những vấn đề về cử động như nhóm thuốc đặc thù. Nhưng chúng vẫn gây nên việc tăng cân và những vấn đề khác tới việc trao đổi chất và những tác dụng phụ khác.

Tâm Lý Trị liệu

Ngày càng nhiều nhà chăm sóc sức khỏe tâm thần nhận ra tầm quan trọng của việc trị liệu tâm lý đối với tiến trình điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Có nhiều loại hình trị liệu tâm lý khác nhau có thể rất hiệu quả. Một trong các loại hình đó được gọi là  liệu pháp nhận thức-hành vi. Liệu pháp này giúp người bệnh học cách xác định và thay đổi những cảm xúc, hành vi và suy nghĩ đã bị rối loạn chức năng.

Dù sử dụng cách trị liệu nào, thành thật nhất có thể với bác sĩ hay chuyên gia sức khỏe tâm thần của bạn về tình trạng của bạn cũng là việc tốt nhất nên làm. Bằng cách này, họ có thể trợ giúp bạn một cách toàn diện trong việc quản lý và ứng phó với các triệu chứng.

Trị liệu gia đình cũng có thể giúp cả bệnh nhân và các thành viên khác hiểu hơn về cách ứng phó với tình trạng bệnh. Nhiều người mắc tâm thần phân liệt cũng cần được đào tạo các kỹ năng xã hội, qua đó giúp họ học được các kỹ năng tự chăm sóc bản thân (self-care) và các kỹ năng xã hội – ở mức cơ bản.

Các Nguồn Hỗ Trợ Khác

Các nhóm hỗ trợ cũng có thể rất hữu ích cho những người mắc bệnh và các thành viên trong gia đình. Những người mắc chứng tâm thần phân liệt cũng cần sự trợ giúp trong việc tìm kiếm việc làm, thuê/mua nhà hay một số sự hỗ trợ khác.

Mục Tiêu của Việc Điều Trị

 Mục tiêu của việc điều trị là giúp cho các bệnh nhân thuyên giảm bệnh tình. Một số người có nhiều giai đoạn thuyên giảm kéo dài khá lâu cùng với sự ổn định của bệnh tình và sự suy giảm chức năng ở mức tối thiểu. Ở một số trường hợp khác, các triệu chứng trở nên nặng hơn, chức năng suy giảm và không có sự đáp ứng tích cực với những liệu pháp sẵn có.

Rất khó để biết mỗi người sẽ sống ra sao sau khi được chẩn đoán. Nhưng triển vọng cho những người bị tâm thần phân liệt đã tăng lên những năm gần đây, với thuốc điều trị tâm thần tốt hơn và sự trợ giúp xã hội cũng như tâm lý toàn diện hơn.

Ứng Phó Với Bệnh

Những người được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt có thể phải đối mặt với rất nhiều thử thách khác nhau. Việc học cách để định vị những trở ngại tiềm tàng này là một phần quan trọng để sống trọn vẹn và giữ các triệu chứng trong tầm kiểm soát.

Ứng Phó Về Mặt Cảm Xúc

Sống với chứng bệnh tâm thần phân liệt có thể khiến bạn nhiều lần cảm thấy choáng ngợp, đặc biệt là khi bạn vừa nhận được chẩn đoán và bắt đầu quá trình điều trị. Những thách thức về mặt cảm xúc, theo dự đoán, là sẽ có, và việc cho bản thân một khoảng thời gian để học cách điều tiết cảm xúc hiệu quả là rất quan trọng. Thông qua tham vấn tâm lý và hỗ trợ từ người xung quanh, bạn có thể học cách quản lý cảm xúc theo cách tích cực.

 Ứng Phó Về Mặt Xã Hội

Hỗ trợ xã hội từ những đồng nghiệp, gia đình và bạn bè là rất quan trọng để giúp bạn thành công trong việc điều hướng cuộc sống của bản thân khi mắc tâm thần phân liệt. Có thể có những lần bạn gặp khó khăn khi muốn nói với mọi người tình trạng của bản thân, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy mình sẽ bị đánh giá vì điều đó. Việc tìm hiểu về tình trạng của bản thân và cởi mở chia sẻ cảm nhận của mình có thể giúp những người xung quanh biết bạn cần gì và làm sao để giúp bạn.

Những Lầm Tưởng Về Bệnh

Một số người không hiểu về tình trạng của người mắc tâm thần phân liệt. Có thể bạn cũng đang phải giải thích tình trạng của mình cho những người khác. Một số hiểu nhầm về chứng bệnh này có thể là:

·         Nó đồng nghĩa với đa nhân cách

·         Số người mắc phải rất hiếm

·         Bệnh này dẫn tới hành vi bạo lực

·         Nó sẽ luôn luôn trở nên ngày càng tệ

Thực tế là mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau với căn bệnh này. Dù có những tiêu chuẩn lâm sàng cần phải thỏa mãn để đủ điều kiện chẩn đoán, nhưng mỗi người có thể có những trải nghiệm khác nhau với các loại triệu chứng mà họ có, và cả sự khác nhau trong mức độ gia tăng hay thuyên giảm triệu chứng theo thời gian và mức độ đáp ứng với những phương pháp điều trị.

Ở Trẻ Em

Dù hiếm nhưng điểm khởi phát chứng tâm thần phân liệt có thể diễn ra ở độ tuổi 13 hoặc thậm chí là nhỏ hơn. Tỉ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt thuở ấu thơ (childhood schizophrenia) ở Mỹ được ước tính rơi vào khoảng 1% dân số cả nước. Để chẩn đoán trẻ có mắc tâm thần phân liệt hay không khá khó vì trẻ em thường gặp nhiều khó khăn để có thể hiểu và mô tả trải nghiệm của bản thân với những người xung quanh. Vì lý do này, việc hỏi trẻ để tìm triệu chứng có thể không được hữu ích cho lắm. Bạn nên tìm sự tư vấn từ bác sĩ của con bạn nếu nhận thấy những điều sau:

  • Những nghi thức ăn uống kỳ lạ
  •  Các hành vi khác thường
  • Những ý tưởng kỳ quái
  • Cô lập xã hội
  • Thay đổi lớn trong kết quả học tập

Vì điểm khởi phát của tâm thần phân liệt thường rơi vào cuối độ tuổi thiếu niên tới đầu những năm 30 tuổi, nên hãy nhớ rằng những triệu chứng kể trên có thể liên quan tới một số căn bệnh hoặc rối loạn khác ngoài chứng tâm thần phân liệt.

 Đối Với Những Người Chăm Sóc

Chăm sóc cho người thân bị mắc chứng tâm thần phân liệt có thể rất khó khăn. Một trong những điều quan trọng nhất có thể giúp bạn là tìm hiểu về căn bệnh này và những điều mà các bệnh nhân tâm thần phân liệt phải đối mặt. Việc thu thập thông tin có thể giúp bạn biết được những điều sẽ phải đối mặt, điều mà những người thân yêu của chúng ta có thể cần trong quá trình điều trị, và cách tốt nhất để chúng ta giúp họ.

Sự giúp đỡ có tầm quan trọng đối với cả người chăm sóc lẫn người bệnh. Những nhóm hỗ trợ sẽ mang tới cơ hội để bạn kết nối với những người cũng đang chăm sóc người thân mắc tâm thần phân liệt và có thể đồng hành với bạn trong trận chiến với căn bệnh này. Bạn cũng có thể thu được những thông tin có ích như tin tức về căn bệnh này, các phương pháp điều trị tiên tiến hay những nguồn lực khác có thể trợ giúp người bạn yêu thương.

Đừng ngại cầu xin sự trợ giúp. Những người chăm sóc có thể cảm thấy quá tải vì những trách nhiệm và phải tốn quá nhiều thời gian chăm sóc cho những người không thể tự chăm sóc bản thân. Tìm tới trợ giúp từ một nhóm hỗ trợ bên ngoài, một nhà chăm sóc sức khỏe tâm thần hay những trợ giúp khác có thể để bạn không gian để chia sẻ trải nghiệm và cả những cảm xúc của bạn.

Đôi Lời Từ Trang Chủ Verywell

Tâm thần phân liệt thường là một căn bệnh khó để chữa hoàn toàn nhưng không phải là vô vọng. Thông qua lộ trình điều trị đa phương diện và thích hợp, nhiều người mắc tâm thần phân liệt có thể hồi phục khỏi tác động của các triệu chứng bệnh. Những người bị tâm thần phân liệt cần sự trợ giúp từ gia đình và xã hội để có cơ hội tốt nhất cho một cuộc sống trọn vẹn và tích cực.

Nếu bạn hoặc thành viên trong gia đình được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt, nên biết rằng đó không phải lỗi của bạn. Và hãy nhớ rằng có nhiều người ngoài kia sẵn sàng giúp bạn điều trị và lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống cho những người mắc bệnh.

[2] Bệnh Morgellons (hội chứng Morgellons) là một vấn đề tương đối mới và chưa được hiểu rõ, ảnh hưởng đến da. Bệnh này đặc trưng bởi cảm giác không thoải mái trong và/hoặc dưới da, chẳng hạn như “cắn”, “đốt” hoặc “cào”.(Theo: https://hellobacsi.com/benh/morgellons/). Dấu hiệu chung của căn bệnh này với Tâm thần phân liệt là:khó tập trung, trí nhớ ngắn hạn, ảo tưởng cảm giác-cảm giác côn trùng bò ở trên, dưới da và sợi xơ nổi lên từ các vết loét.

[3] Rối loạn phân liệt cảm xúc là tình trạng trong đó bao gồm các đặc tính của tâm thần phân liệt và rối loạn khí sắc (trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực) (Theo: https://hellobacsi.com/benh/roi-loan-phan-liet-cam-xuc/)

[4] Có thể tham khảo ở tài liệu sau:https://docs.google.com/document/d/1cUYWaWYTY7qDAJONlPeYHn9ryDzX7W1CXQ2pX_nY8oY/edit?usp=sharing (note cho bộ phận kiểm duyệt: có thể link tới bài viết chứa bài dịch trên)

[5] Căng trương lực là một rối loạn tâm thần vận động (psychomotor), ảnh hưởng đến khả năng cử động bình thường của một người (https://www.healthline.com/health/catatonia)

Catatonia hay còn gọi là hội chứng căng trương lực, là một rối loạn tâm thần và ảnh hưởng đến khả năng di chuyển bình thường của một người (Theo: https://hellobacsi.com/benh/catatonia/) (Trans:Có thể gọi như này là vì tâm thần phân liệt khiến cho người bệnh giao tiếp hoặc phản ứng chậm hơn người bình thường)

[6] Bao gồm 5 thể: thể hoang tưởng, thể vô tổ chức, thể căng trương lực, thể không biệt định (undifferentiated schizophrenia) và thể dư âm (residual schizophrenia) (https://www.psycom.net/schizophrenia-5-subtypes)

[7] Tai biến sản khoa là những biến chứng trầm trọng có thể xảy ra từ lúc mang thai, trong quá trình sinh nở, thậm chí trong thời kỳ hậu sản. Ví dụ như: băng huyết sau sinh, tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, tắc mạch ối, vỡ tử cung.

[8] Triệu chứng ngoại tháp: Các triệu chứng ngoại tháp là các hình thức chuyển động bất thường của cơ thể xảy ra ở những người dùng thuốc chống loạn thần gồm các triệu chứng: Parkinson (suy nghĩ, vận động chậm hơn, cơ bắp cứng nhắc, khó nói và mặt co cứng); Rối loạn trương lực (Các cơ bắp co thắt và vặn xoắn tự phát); ngồi không yên; rối loạn vận động muộn. (Tình trạng này làm cho các vận động trên mặt mất kiểm soát như mút hoặc nhai, chép miệng, thè lưỡi ra hoặc nhấp nháy mắt liên tục)

———————————–

Dịch: Tuấn Ngọc

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan