TRẦM CẢM - Một hội chứng không quá mới, cũng không quá cũ

Hầu như tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những giai đoạn trầm cảm ngắn vào một thời điểm nào đó trong đời

Hầu như tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng bởi những giai đoạn trầm cảm ngắn vào một thời điểm nào đó trong đời.


Giai đoạn trầm cảm này có thể bao gồm hàng loạt cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, chán nản, thất vọng, bi quan, hoặc không còn cảm thấy hứng thú, vui vẻ đối với những việc mình từng cho là thú vị. Hầu hết mọi người có thể vượt qua những cảm xúc này và tự mình thoát khỏi trạng thái trầm cảm tạm thời, nhưng một số lại không thể . Khi những cảm xúc tiêu cực đó kéo dài dai dẳng hoặc trở nên đủ nghiêm trọng để cản trở những hoạt động bình thường, chúng được coi là triệu chứng của một loại bệnh tâm thần, thường được gọi là "trầm cảm lâm sàng".


Không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, hay tình trạng kinh tế xã hội, tất cả mọi người đều có thể bị trầm cảm. Ở Mỹ, mỗi năm có khoảng 19 triệu người bị trầm cảm. Trầm cảm không phải là một khuyết điểm hay một tính xấu của con người mà là một chứng bệnh thực sự. Những người bị trầm cảm không chỉ ủ rũ hay chán nản trong vòng vài ngày mà trong suốt một khoảng thời gian dài họ luôn cảm thấy cực kì buồn bã và mất hết hứng thú trong các hoạt động xã hội cũng như trong sinh hoạt thường ngày.


Tình trạng trầm cảm làm thay đổi cách cảm nhận, suy nghĩ, và cư xử của một người. Nếu không được điều trị, một cơn trầm cảm nặng thường kéo dài tám hoặc chín tháng, thậm chí có thể kéo dài trong nhiều năm. Khoảng 85% những người từng trải qua một cơn trầm cảm sẽ phải đối mặt với những cơn khác trong tương lai. Nhưng tin tốt là khi được điều trị thích hợp, sau một thời gian tình trạng của đa số bệnh nhân đều có chuyển biến tốt.


Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Dù vậy, khả năng bị trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới 2-3 lần. Các chuyên gia về trầm cảm vẫn còn bất đồng ý kiến về nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này, nhưng sự khác biệt về nội tiết tố được nhiều chuyên gia cho là một yếu tố góp phần gây nên điều đó. Nam giới cũng ít có xu hướng tìm kiếm sự giúp đỡ hay thừa nhận bản thân đang có những triệu chứng trầm cảm vì đa số họ đánh đồng hành động đó với sự yếu đuối.


Trầm cảm có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong đời người, từ thời thơ ấu cho đến tuổi già, nhưng thường bắt đầu khi một người bước vào độ tuổi 20 hoặc 30. Những triệu chứng trầm cảm thường xuất hiện đột ngột, hay bắt đầu từ từ rồi dần trở nên tồi tệ qua nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Một người bị trầm cảm nặng có thể có những biểu hiện hoang mang, hoảng hốt, và tâm trí rối loạn mà các nhà quan sát gọi là tình trạng "suy nhược thần kinh."


Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng người ta thường xem trầm cảm như một dấu hiệu của tính tình nhu nhược, nhưng các nhà tâm thần học và tâm lý học lại xem nó là một căn bệnh thực sự. Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ ước tính bệnh trầm cảm đã làm tiêu tốn của xã hội nhiều tỉ đô la mỗi năm, chủ yếu là do thời gian làm việc bị hao hụt.


Dù hiện nay đã có phương pháp điều trị hiệu quả, nhiều trường hợp bị trầm cảm vẫn chưa bao giờ được chẩn đoán hay điều trị. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nhìn chung, ít nhất một nửa số bác sĩ không nhận ra bệnh nhân của họ bị trầm cảm. Thêm vào đó, nhiều bác sĩ cũng như bệnh nhân xem tình trạng trầm cảm ở người cao tuổi là một chuyện hiển nhiên của quá trình lão hóa, mặc dù việc điều trị trầm cảm ở người cao niên thường đem lại hiệu quả rất tốt.

Các loại trầm cảm:


Có rất nhiều loại trầm cảm khác nhau được liệt kê trong cuốn "Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về các rối loạn tâm thần" (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders) được các chuyên gia sức khỏe tâm thần tin dùng. Một trong những loại trầm cảm phổ biến nhất và cũng là một trong những loại nghiêm trọng nhất là Trầm cảm nặng. Những cơn trầm cảm nặng có thể xảy ra đơn lẻ, hoặc như một phần của chứng Rối loạn lưỡng cực. Trầm cảm nặng có thể xuất hiện sau khi sinh nở, hoặc đi kèm theo một chứng trầm cảm nhẹ kinh niên được gọi là Trầm cảm mãn tính.


Dưới đây là danh sách tên của nhiều loại trầm cảm khác nhau. Một vài thuật ngữ sau đây, ví dụ như "Trầm cảm nguyên phát" và "Trầm cảm phản ứng", được dùng để chỉ những "tiêu chuẩn" để xác định một loại trầm cảm chứ không phải một chẩn đoán chính thức.


Trầm cảm không điển hình: Một loại rối loạn trầm cảm nặng hoặc mãn tính, có đặc điểm là cảm giác cao hứng khi gặp những chuyện tích cực trong cuộc sống, mắc chứng “hypersomnia” (giấc ngủ thường kéo dài quá lâu), tăng cân đáng kể, hay thèm ăn hơn, luôn nhạy cảm với việc bị từ chối, và tay chân có thể có cảm giác nặng nề.


Rối loạn lưỡng cực: Xuất hiện những cơn trầm cảm xen lẫn với những giai đoạn hưng cảm hay hưng cảm nhẹ. Rối loạn lưỡng cực khác với trầm cảm, nhưng vẫn được đưa vào danh sách này vì một người mắc chứng Rối loạn lưỡng cực phải trải qua những thời kỳ tâm trạng cực kỳ tồi tệ tương đương với tình trạng khi bị Trầm cảm nặng. Tình trạng này được gọi là "Rối loạn lưỡng cực". Nhưng một người mắc chứng Rối loạn lưỡng cực cũng có những trạng thái tâm lý cực kỳ mãnh liệt - phấn khích hoặc dễ cáu kỉnh - được gọi là "hưng cảm", hoặc một hình thức ít nghiêm trọng hơn gọi là "hưng cảm nhẹ"


Trầm cảm khí sắc chu kỳ: Các cơn trầm cảm (không có những biểu hiện của Trầm cảm nặng) xảy ra xen kẽ với những cơn hưng cảm nhẹ kéo dài trong khoảng thời gian ít nhất 2 năm.


Trầm cảm nhẹ mãn tính: Trầm cảm mãn tính với các triệu chứng kéo dài trong ít nhất 2 năm và nhẹ hơn so với Trầm cảm nặng. Rối loạn trầm cảm mãn tính (tiếng Anh thường gọi là dysthymia) là trạng thái tâm lý chán nản kéo dài trong ít nhất 2 năm. Một người bị chẩn đoán mắc chứng Rối loạn trầm cảm mãn tính có thể đã trải qua các cơn trầm cảm nặng và những giai đoạn trầm cảm với triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, nhưng những triệu chứng đó phải kéo dài 2 năm thì mới được xem là Rối loạn trầm cảm mãn tính.


Trầm cảm nội sinh: Trầm cảm xảy ra khi không có sự kiện hay tác nhân bên ngoài nào rõ ràng.


Trầm cảm nặng: Đặc trưng của loại trầm cảm này là cảm giác cực kỳ buồn bã, tuyệt vọng, chán nản, hoặc mất hứng thú với hầu hết mọi thứ.


Trầm cảm ở bà bầu trước và sau khi sinh nghiêm trọng hơn nhiều so với chứng phiền muộn sau khi sinh (là những triệu chứng suy nhược và lo âu nhẹ, thường kết thúc trong vòng hai tuần sau khi sinh con) ở nhiều phụ nữ . Ở những phụ nữ mắc chứng Trầm cảm ở bà bầu trước và sau khi sinh, Trầm cảm nặng phát triển rất mạnh trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh con (gọi là trầm cảm sau sinh). Những cảm giác cực kỳ buồn bã, lo âu, và kiệt sức xuất hiện trong giai đoạn trầm cảm trước và sau khi sinh có thể khiến những người phụ nữ mới bắt đầu làm mẹ gặp khó khăn trong việc hàng ngày chăm lo cho bản thân họ cũng như cho những đứa bé.


Trầm cảm sau sinh: Trầm cảm xảy ra ở phụ nữ trong vòng 4 tuần sau khi sinh.


Trầm cảm nguyên phát: Trầm cảm không do một tình trạng sức khỏe hay tình trạng tâm thần nào khác gây nên.


Trầm cảm do suy nhược thần kinh: Trầm cảm kèm theo hoang tưởng hay ảo giác. Trầm cảm do suy nhược thần kinh xảy ra khi một người bị trầm cảm nghiêm trọng cộng với một số hình thức rối loạn tâm thần, chẳng hạn như tin tưởng chắc chắn vào những điều vô lý (hoang tưởng) hoặc nghe hay nhìn thấy những thứ khó chịu mà người khác không nghe hay thấy được (ảo giác). Các triệu chứng tâm thần thường có một "chủ đề trầm cảm" nhất định , chẳng hạn như ảo tưởng tội lỗi, nghèo đói, hay bệnh tật.


Trầm cảm phản ứng: Trầm cảm là kết quả của một sự kiện căng thẳng hoặc một chấn thương tâm lý.


Trầm cảm theo mùa: Trầm cảm xảy ra theo mùa, thường vào những tháng mùa thu và mùa đông khi ngày ngắn hơn và số giờ nắng ít hơn. Đặc trưng của trầm cảm theo mùa là tình trạng trầm cảm bắt đầu vào những tháng mùa đông, khi ánh sáng mặt trời tự nhiên ít hơn. Nhìn chung, loại trầm cảm này thường khỏi khi mùa xuân và mùa hè đến. Trầm cảm mùa đông thường đi kèm với xu hướng sống tách biệt với xã hội, ngủ nhiều hơn, và tăng cân. Và đương nhiên loại trầm cảm này sẽ tái phát hằng năm cùng với các rối loạn tình trạng rối loạn theo mùa khác.


Trầm cảm thứ phát: Trầm cảm xảy ra do một chứng bệnh về thân thể hay bệnh tâm thần khác.


Trầm cảm đơn cực: Trầm cảm nặng, chưa ghi nhận trường hợp nào xuất hiện trạng thái hưng cảm hay hưng cảm nhẹ.

Các dấu hiệu hoặc triệu chứng


Nếu bạn đã hoặc đang thường xuyên có một số dấu hiệu và triệu chứng sau đây, gần như là hàng ngày trong ít nhất hai tuần, có thể bạn đã bị trầm cảm:


- Tâm trạng buồn bã, lo lắng, cảm giác "trống rỗng" kéo dài

- Cảm giác tuyệt vọng, hoặc bi quan

- Dễ nổi nóng

-Cảm giác tội lỗi, vô dụng, hoặc bất lực

- Mất hứng thú đối với các hoạt động và hình thức giải trí

- Cảm giác thiếu hụt năng lượng hoặc mệt mỏi

- Di chuyển hoặc nói chậm hơn

- Cảm giác bồn chồn hoặc khó ngồi yên một chỗ

- Khó tập trung, ghi nhớ, hoặc đưa ra các quyết định

- Khó ngủ, tỉnh giấc sớm hoặc ngủ quá nhiều

- Khẩu vị hoặc cân nặng thay đổi

- Có suy nghĩ về cái chết hoặc việc tự sát, hoặc có ý định tự sát

- Cơ thể đau nhức, nhức đầu, chuột rút, gặp các vấn đề tiêu hóa không rõ nguyên nhân vật lý, dù có chữa trị vẫn không thuyên giảm

Không phải tất cả những người mắc bệnh trầm cảm đều gặp phải tất cả các triệu chứng trên. Một số người chỉ có một vài triệu chứng trong khi những người khác có thể có nhiều triệu chứng khác nhau. Ngoài tâm trạng chán nản kéo dài, cần có một số triệu chứng dai dẳng khác để có thể chẩn đoán một người mắc chứng Trầm cảm nặng. Tuy nhiên những người có chỉ một vài triệu chứng nghiêm trọng có thể có chuyển biến tốt nhờ điều trị căn bệnh trầm cảm "giai đoạn đầu" của họ. Việc các triệu chứng nghiêm trọng đến mức nào, có xuất hiện thường xuyên hay không, và kéo dài trong bao lâu phụ thuộc vào cá nhân mỗi người và bệnh tình cụ thể của người đó. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh mà cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau.


Ở bài tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về các tác nhân ảnh hưởng đến Trầm Cảm và một số liệu pháp chữa trị được áp dụng hiện nay.


#Bàiviếtđượctổnghợpvàdịchtừ:

General Depression By Dr. Cheryl Lane

Theo Whyspychology

BẢN THẢO
Bài viết liên quan