Trạng thái trống vắng là gì, sự thiếu hụt là gì?

Tôi hiểu ra rằng, chỉ chính bản thân mỗi người mới có thể tự khỏa lấp sự trống vắng của mình, chỉ tự mình mới có thể đổ đầy tình yêu cho mình, mà không thể xin xỏ người khác, ai cũng là ăn mày cả, chẳng ai thừa!


Trước hết, nó xuất phát từ sự chờ đợi, từ kỳ vọng của chính chúng ta. Sự chờ đợi càng lớn, mong mỏi càng nhiều, trống vắng, thiếu hụt được tạo ra theo tỉ lệ thuận.


Một con người sinh ra và lớn lên đi qua các giai đoạn cộng sinh và độc lập: còn nhỏ thì phụ thuộc hoàn toàn, hợp nhất với người mẹ, người nuôi dưỡng mình, lớn một chút thì giảm bớt sự gắn bó hoàn toàn đó, chuyển sang giai đoạn phụ thuộc, và để tiến dần đến sự tự lập về thể chất và tâm lý. Ở những người giữ “kiểu” quan hệ gắn bó chặt chẽ, họ không có cảm giác thiếu vắng, bởi họ vẫn giữ được niềm hạnh phúc hợp nhất, trọn vẹn giống như khi họ còn trong vòng tay bế bồng và được cho bú mớm của người mẹ. Họ luôn có xu hướng tìm kiếm kiểu quan hệ này ở trong mối liên hệ với người khác, hay trong cả công việc, các hoạt động sống khác. Còn ở những người đạt đến kiểu quan hệ phụ thuộc và độc lập, họ sẽ trải qua những hẫng hụt nhất định, và những hẫng hụt ấy để lại những thiếu thốn mà được dồn nén đến mức quên hoàn toàn, hoặc để lại những dấu vết ảnh hưởng tới sự trưởng thành của cá nhân.


Ở trẻ, sự chờ đợi được yêu thương, được đón nhận không được đáp ứng hoặc đáp ứng không đủ, gây ra hẫng hụt, nhưng chúng chưa thể hiểu được hết, cũng như chưa đủ ngôn ngữ để diễn tả cảm xúc của mình, trẻ tìm cách tự giải thích để chấp nhận và dần học các bài học để thích nghi với cuộc sống. Hẫng hụt do đó cũng có tính 2 mặt, mặt tốt giúp trẻ học cách chấp nhận cuộc sống, và mặt không tốt là gây tổn thương. Vì vậy, rất cần lưu tâm đến mức độ “gây tổn thương” mà trẻ có thể cáng đáng được…


Dần dần, ở tuổi trưởng thành, con người đã từng là đứa trẻ ấy, nó trải nghiệm lại một lần nữa các kinh nghiệm sống của nó, trong các mối quan hệ mới để đáp ứng những thôi thúc từ bên trong, hiện thực hóa những đam mê, bù đắp những thiếu thốn trong tinh thần… Rõ ràng, khi tiến đến các mối quan hệ xã hội, chúng ta mang theo cả một quá khứ dài của lịch sử hình thành cá nhân chúng ta, và tất nhiên bao gồm những hi vọng, những chờ đợi có ý thức hoặc không ý thức được (vô thức).



Chắc hẳn, là người lớn (về tuổi tác), ai cũng trải qua cảm giác buồn, phật lòng, thất vọng. Và giải thích cảm xúc ấy như thế nào. Rằng tôi buồn vì mọi chuyện không như ý, rằng tôi phật lòng vì họ cư xử quá khác với quan điểm của tôi, tôi thất vọng vì kết quả khác xa với tôi chờ đợi. Đúng như vậy, khi bạn có sự chờ đợi ở người khác, ở tình huống diễn ra phải đáp ứng ĐÚNG như bạn mong muốn, thì bạn mới có thể toại nguyện, còn nếu không, nó để lại một lỗ hổng, một cái hố.


Hãy tưởng tượng, thường xuyên bạn thất vọng, cái hố ấy nó sẽ to như thế nào? Một thái độ không phù hợp của người bạn, một câu nói xách mé của đồng nghiệp, thất nghiệp, tan vỡ trong tình cảm, sự phá sản của một điều hi vọng, những mất mát… Chúng có thể đến ồ ạt, khiến bạn không kịp đối phó. Tất cả đều có thể khoét sâu cái hố của bạn.


Và có thể có nhiều kiểu hố khác nhau, để rồi những nỗi buồn, sự thiếu vắng là cảm giác do những cái hố ấy gây nên. Và để xoa dịu, chỉ có cách lấp các hố sâu kia!


Bạn hãy nói cho tôi biết cách lấp đầy của bạn! Tôi cũng cần tham khảo lắm!!


Tôi biết rằng, nhiều người trông chờ việc bù đắp những cái hố ấy ở người khác, ở ngoại cảnh. Nhưng tôi cũng biết rằng, chẳng ai, chẳng điều gì có thể bù đắp được đâu, bởi vì người khác, họ cũng đang mải miết “làm việc” ở những cái hố của họ. Tôi hiểu ra rằng, chỉ chính bản thân mỗi người mới có thể tự khỏa lấp sự trống vắng của mình, chỉ tự mình mới có thể đổ đầy tình yêu cho mình, mà không thể xin xỏ người khác, ai cũng là ăn mày cả, chẳng ai thừa!



Vậy nên sự thiếu vắng càng lớn, bạn càng nên chăm sóc bản thân mình, quay trở về với đời sống nội tâm của mình, với lòng dũng cảm, với ý chí. Cuộc hành trình nội tâm ấy đáng lắm, càng đi, lòng dũng cảm được huy động sẽ tới càng nhiều, và đó là con đường của trưởng thành tâm lý. Bạn sẽ lần lần trả lời được các câu hỏi: tôi chờ đợi điều gì ở người khác, trong cuộc sống này? Tại sao tôi lại chờ đợi những điều đó? Thực tế đã diễn ra như thế nào? Thực tế ấy gây nên những cảm giác cụ thể trong tôi như thế nào? Tôi có chấp nhận rằng cuộc sống này, những người khác không thể thỏa mãn mọi mong muốn, mọi chờ đợi của tôi không? Và tôi có chấp nhận người khác là như vậy, cuộc sống là như vậy không?


Hãy trung thực với mình, đó là chìa khóa, hãy chấp nhận cả những phần đen tối nhất của mình, phần xấu xí nhất của mình, chỉ khi ra xã hội mới cần đeo mặt nạ đẹp thôi, còn đối diện với bản thân, hãy đón nhận mình một cách toàn bộ!


ps: Rất may mắn rằng, chúng ta luôn có khả năng nhận thức được (những) cái hố của mình, nỗi trống vắng đôi khi là mơ hồ ấy! Thực tế, mỗi người đều có những cảm nhận ở mức độ khác nhau của sự thiếu hụt ấy, và để né tránh đối diện trực diện với nó, cái “hố đen” gây lo lắng ấy, người ta tìm kiếm nhiều cách thức để phủ những tầng lớp che đậy nó như: quyền lực, tiền bạc, yêu đương, sở hữu, nghiên cứu, các thú vui tiêu khiển… Và có thể cả cuộc đời chạy theo “công việc” này, giống như câu chuyện rằng:


Mulla Nasrudin bị bắt vì tội hôn ẩu một người lạ. Khi ra khỏi tòa hắn nói với bạn, “Thật là nhục nhã. Ông tòa phạt tôi năm chục đồng về tội đó. Nhưng sau khi nhìn kỹ bà ấy, ông ta phạt tôi thêm năm chục đồng nữa vì tội say!” – Bởi vì bà ta quá xấu, mà chỉ người say mới dám hôn.


Và người kể chuyện nói rằng: “Trong ngày phán xét cuối cùng, bạn sẽ bị phạt năm chục đồng. Và khi Thượng đế xét những gì bạn đã hôn, bạn sẽ bị phạt năm mươi đồng nữa vì bạn đang say.”


Ngô Thị Thu Huyền

Theo ngocquocviet.wordpress.com

Nguồn: WhyPsychology

Ảnh: Unplash

Emma Ou

Jeremy Morris

Rach Teo


BẢN THẢO
Bài viết liên quan