Triệu Chứng Và Chẩn Đoán Rối Loạn Lưỡng Cực

Rối loạn lưỡng cực không chỉ đơn giản là việc tâm trạng lên xuống thất thường. Nó là một trạng thái sức khỏe tinh thần nghiêm trọng từng được coi như hưng – trầm cảm (manic depression). Theo như DSM-5, …

Rối loạn lưỡng cực không chỉ đơn giản là việc tâm trạng lên xuống thất thường. Nó là một trạng thái sức khỏe tinh thần nghiêm trọng từng được coi như hưng – trầm cảm (manic depression).

Theo như DSM-5, quy chuẩn dùng để chẩn đoán những bệnh về tinh thần, thì có 2 loại chính của rối loạn lưỡng cực được chẩn đoán dựa trên sự nghiêm trọng và bản chất của các triệu chứng:

  • Lưỡng cực loại I– Những cá nhân ở loại này trải qua ít nhất một giai đoạn hưng cảm trong đời. Dù không được chẩn đoán chính thức, nhưng phần lớn cũng sẽ trải qua những giai đoạn trầm cảm lớn trong suốt cuộc đời của họ.
  • Lưỡng cực loại II– Những cá nhân ở loại này trải qua ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ (một thể ít nghiêm trọng hơn của hưng cảm) và ít nhất một giai đoạn trầm cảm điển hình.
Đánh giá các triệu chứng

Vì đây là một trạng thái sức khỏe tinh thần, nên những lần đo máu và chụp X-quang không giúp ích trong việc chẩn đoán rối loạn lưỡng cực nhưng đôi lúc vẫn có thể được thực hiện để giúp loại bỏ những điều kiện y tế có khả năng góp phần thể hiện những triệu chứng. Để xác nhận một chẩn đoán, một người phải gặp những tiêu chí như trong ảnh trên (triệu chứng và tần suất), những tiêu chí đó sẽ được thông qua một cuộc đánh giá tâm thần.

Chú ý rằng những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực dù ở nam hay nữ thì đều giống nhau, nhưng vai trò xã hội và giới tính có thể ảnh hưởng đến cách chúng thể hiện hoặc cách người khác nhìn nhận chúng.

Những triệu chứng của hưng cảm lưỡng cực

Những giai đoạn hưng cảm kéo dài ít nhất 7 ngày. Những giai đoạn hưng cảm nhẹ cũng có những triệu chứng tương tự, nhưng chức năng của người đó không bị ảnh hưởng ở mức đáng kể và những triệu chứng tâm thần không hiện hữu.

Triệu chứng của một giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ bao gồm:

  • Nhu cầu ngủ giảm
  • Nói quá nhiều
  • Các suy nghĩ xuất hiện dồn dập
  • Dễ bị phân tâm
  • Sự khích động thể chất và hành động mãnh liệt
  • Gia tăng dục vọng
  • Hành vi liều lĩnh bốc đồng (bao gồm cờ bạc và tiêu xài hoang phí)
  • Hành vi không bình thường
  • Thái độ tức giận, thù địch hoặc hung hãn
  • Hoang tưởng hoặc ảo giác
Những triệu chứng của trầm cảm lưỡng cực

Trong suốt một giai đoạn trầm cảm, một người có thể trải qua những triệu chứng sau:

  • Khóc không có lý do hoặc do buồn bã một thời gian dài
  • Cảm giác tội lỗi hoặc vô vọng
  • Mất hứng thú với những thứ mà trước đó rất thích thú
  • Mệt mỏi cực độ, không có khả năng ra khỏi giường
  • Không màng đến sức khỏe, chế độ dinh dưỡng hoặc ngoại hình
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung và ghi nhớ mọi thứ
  • Ngủ triền miên hoặc khó ngủ
  • Có ý nghĩ tự tử hoặc tự làm hại bản thân

Những vấn đề với khả năng nhận thức, như trí nhớ ngắn hạn, khó tập trung và hay do dự, có thể là những triệu chứng đầu tiên được chú ý khi ai đó bị trầm cảm lưỡng cực. Nó có thể gây trở ngại trong cuộc sống hằng ngày của người bệnh.

Những triệu chứng thể chất liên quan đến giai đoạn trầm cảm

Trong suốt những giai đoạn trầm cảm, người bệnh có thể trải qua hàng loạt những triệu chứng thể chất, bao gồm cả những cơn đau không rõ nguyên nhân. Thay đổi về cân nặng cũng là một dấu hiệu thường gặp. Trong khi vài người gặp khó khăn trong việc ăn uống khi họ cảm thấy chán nản, vài người khác lại lấy thức ăn để giải tỏa. Vì vậy, cả 2 trường hợp giảm cân và tăng cân đều có thể là triệu chứng của trầm cảm.

depth | Flickr - Photo Sharing!

Một triệu chứng nữa cũng có thể xuất hiện là sự kích động tinh thần. Đó là sự gia tăng trong hành động do sự căng thẳng tinh thần chứ không phải căng thẳng thể chất hay sự chậm phát triển tinh thần. Nó gây cản trở cho cả hoạt động tâm trí và thể chất.

Chẩn đoán sai lệch

Có những tiêu chí chẩn đoán khác nhau được quy định cho rối loạn lưỡng cực, nhưng dù vậy, việc chẩn đoán cũng không dễ dàng. Những trạng thái tâm thần mà có thể biểu hiện những triệu chứng tương tự với rối loạn lưỡng cực, bao gồm:

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Sự tăng động và sự suy giảm khả năng chú ý là hai trong số các triệu chứng tiêu biểu của ADHD. Tuy nhiên, chúng cũng khá phổ biến trong rối loạn lưỡng cực, đặc biệt là với trẻ em. Trong trường hợp phức tạp hơn, 2 tình trạng này có thể cùng xảy ra.

Lạm dụng chất kích thích/ thuốc (ma túy,…)

Người bị rối loạn lưỡng cực thường xuyên vật lộn với những vấn đề liên quan đến lạm dụng thuốc và chất kích thích. Dù không tỉnh táo, nhưng đây là hành động cố tự chữa trị. Hơn nữa, tác hại của việc dùng thuốc (ảo giác và mất ngủ) có thể bị nhầm lẫn với các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực. Thêm vào đó, chất kích thích có thể tương tác với những đơn thuốc được dùng để chữa trị rối loạn lưỡng cực.

Dark floral poetic portrait by Irina Joanne
Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)

Các tiêu chí chẩn đoán cho BPD bao gồm: sự bốc đồng, hành vi tự tử, khả năng phản ứng của tâm trạng, tức giận vô lý, và hoang tưởng tạm thời. Tất cả đều có liên kết với rối loạn lưỡng cực. Một người có thể được chẩn đoán mắc cả hai bệnh. (Có thể đọc thêm về sự giống và khác giữa rối loạn lưỡng cực và BPD ở đây: https://www.verywellmind.com/bipolar-and-borderline-personality-disorder-425418)

Rối loạn hoang tưởng

Điển hình của rối loạn hoang tưởng là những hoang tưởng không quá kỳ lạ, tức là trường hợp đó có thể xảy ra. Các giai đoạn tâm trạng (mood episodes) có thể xuất hiện nhưng không quá lâu nếu so với thời gian bị hoang tưởng.

Trầm cảm

Điều khác biệt duy nhất giữa rối loạn trầm cảm (trầm cảm đơn cực) và rối loạn lưỡng cực là hưng cảm/ hưng cảm nhẹ. Nếu một bệnh nhân đang bị trầm cảm chuyển sang một giai đoạn hưng cảm, người đó sẽ được chẩn đoán là bị rối loạn lưỡng cực. Nhiều người bị rối loạn lưỡng cực nhưng các bác sĩ chẩn đoán không ra nhận ra mình mắc bệnh khi dùng những thuốc như thuốc chống suy nhược và xuất hiện hưng cảm.

white rabbit on Behance | portrait photography session ideas
Rối loạn ăn uống

Những người bị rối loạn lưỡng cực thường xuyên mắc chứng rối loạn ăn uống. Hơn nữa, trầm cảm, lo âu và cáu kỉnh thường là kết quả của rối loạn ăn uống. Chứng biếng ăn (Anorexia nervosa) là một loại rối loạn ăn uống được biểu thị bằng nỗi sợ ám ảnh của việc tăng cân hoặc béo phì.

Những người mắc loại rối loạn này thường có trọng lượng cơ thể dưới 85% so với cân nặng bình thường. Chứng cuồng ăn (Bulimia nervosa) được biểu thị bằng những giai đoạn ăn uống vô độ và theo sau đó là thuốc xổ (nôn có chủ đích).

Rối loạn hoảng sợ

Rối loạn hoảng sợ được biểu thị bằng những cơn hoảng loạn tự phát và định kỳ. Rối loạn hoảng sợ thường xuất hiện với rối loạn tâm trạng và các loại rối loạn tâm thần khác. Hơn nữa, những cơn hoảng loạn cũng thường thấy ở những người mắc rối loạn lưỡng cực.

Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một loại rối loạn tinh thần, thường gây ra những nhiễu loạn cực độ trong nhận thức (suy nghĩ), hành vi và cảm xúc. Nó gồm 2 loại triệu chứng: tích cực và tiêu cực. Triệu chứng tích cực gồm: hoang tưởng, ảo giác, suy nghĩ và nói năng lộn xộn, hành vi thiếu tổ chức, không di chuyển (như người chết) và những tâm trạng không phù hợp. Triệu chứng tiêu cực gồm: những cảm xúc đều đều, ít nói và giảm thiểu những hành động hướng đến mục tiêu. Những triệu chứng của tâm thần phân liệt thường dễ bị nhầm với rối loạn lưỡng cực.

Rối loạn tâm thần phân liệt và cảm xúc (Schizoaffective Disorder)

Một người được chẩn đoán mắc SD khi có những triệu chứng của trầm cảm hoặc hưng cảm và những triệu chứng của tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, những hoang tưởng và ảo giác phải tồn tại khá lâu trong khi những triệu chứng của rối loạn tâm trạng thì không. Có rất nhiều nhầm lẫn và tranh cãi xoay quanh việc phân biệt loại rối loạn này và rối loạn lưỡng cực.

Những thách thức trong chẩn đoán

Dù rất cụ thể, nhưng đánh giá của các tiêu chí rối loạn lưỡng cực cũng mang tính chủ quan cao. Vì vậy, nhiều trường hợp không chẩn đoán ra được. Một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị Thường niên của Đại học Hoàng gia của Bác sĩ tâm lý (Royal College of Psychiatrist’s Annual Meeting) năm 2009 đã chỉ ra rằng hơn 25% số người mắc rối loạn lưỡng cực đã bị chẩn đoán và chữa trị sai cách khi họ tìm đến một chuyên gia sức khỏe tâm lý.

Photographer Creates Surreal & Minimalist Self-Portraits Surrounded By Flowers And Fruits

Mặt khác, những chẩn đoán quá thiên về rối loạn lưỡng cực cũng là một vấn đề cần lưu tâm.

Một cuộc rà soát vào năm 2013 của những nghiên cứu lâm sàng cho thấy rối loạn lưỡng cực được chẩn đoán sai trong:

  • 42.9% số trung tâm điều trị lạm dụng thuốc
  • 40% số bệnh nhân bị rối loạn nhân cách ranh giới
  • 37% số trường hợp khi một nhà lâm sàng thiếu kinh nghiệm trong rối loạn lưỡng cực đưa ra quyết định

Một nghiên cứu năm 2010 chỉ ra rằng, trong số 528 người nhận trợ cấp an sinh xã hội (Social Security Disability) vì mắc rối loạn lưỡng cực, chỉ có 47.6% là có đúng những tiêu chí chẩn đoán.

Những cảnh báo khi chẩn đoán

Có 2 cảnh báo quan trọng có thể làm phức tạp thêm quá trình phân biệt 2 loại của rối loạn lưỡng cực.

Một là, dù những triệu chứng tâm thần hiện tại là một trong những thứ giúp phân biệt lưỡng cực loại I – hưng cảm và lưỡng cực loại II – hưng cảm nhẹ, nhưng một người mắc lưỡng cực loại II vẫn có thể có những hoang tưởng hoặc ảo giác trong những giai đoạn trầm cảm mà kết quả chẩn đoán không bị chuyển thành lưỡng cực loại I.

Hai là, một người mắc lưỡng cực loại I cũng có thể có những giai đoạn hưng cảm nhẹ. Thực tế là họ thường như vậy. Nhưng, một người mắc lưỡng cực loại II không bao giờ có giai đoạn hưng cảm. Nếu một giai đoạn hưng cảm xuất hiện ở người mắc lưỡng cực loại II, quyết định chẩn đoán sẽ thay đổi.

Vài lời từ Verywell

Nếu bạn hoặc người quen của bạn đang có những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Bác sĩ của bạn có thể loại bỏ bất kỳ vấn đề thể chất nào có thể góp phần vào những triệu chứng của bạn.

Bác sĩ của bạn có thể giới thiệu cho bạn một chuyên gia sức khỏe tinh thần. Người đó có thể đánh giá những triệu chứng của bạn và khi đã có một chẩn đoán nhất định, họ có thể giúp phát triển một kế hoạch điều trị.

——————————
Dịch: Lộc
Biên tập: DeathBlossom
Nguồn: https://www.verywellmind.com/bipolar-disorder-symptoms-and-diagnosis-
Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan