Tình yêu thật đẹp. Nhưng chỉ yêu thôi là chưa đủ

Tình yêu là điều tuyệt vời. Tình yêu là tất yếu. Tình yêu thật đẹp. Nhưng chỉ yêu thôi là chưa đủ.


Năm 1967, John Lennon, một nghệ sĩ người Anh, đã viết một bài hát có tên “All You Need Is Love” (tạm dịch: Tất cả những gì bạn cần là tình yêu). Ông ta từng đánh đập hai người vợ của mình, bỏ rơi đứa con trai bé bỏng, mang tư tưởng kỳ thị buông lời lăng mạ người quản lý đồng tính và bôi nhọ người Do Thái, và từng có một đoàn quay phim quay lại cảnh ông ta nằm khoả thân trên giường cả ngày.


Vào 35 năm sau, Trent Reznor, một nghệ sĩ người Mỹ, thành viên của ban nhạc rock Nine Inch Nails (NIN) đã sáng tác một ca khúc có tên "Love Is Not Enough" (tạm dịch: Yêu thôi chưa đủ). Reznor, mặc dù nổi tiếng với những màn trình diễn gây sốc trên sân khấu và những đoạn video kỳ quái và náo động, nhưng ông ấy đã hoàn toàn cai được ma túy và rượu, kết hôn và có hai đứa con, sau đó ông ấy còn hủy toàn bộ album và tour diễn để có thể ở nhà làm một người chồng và người cha tốt.


Một trong hai người đàn ông này hoàn toàn hiểu rõ thực tế về tình yêu. Người còn lại thì không. Một trong hai người đàn ông này đã lý tưởng hóa tình yêu như để dung hòa cho cuộc sống riêng tư của mình. Nhưng người còn lại thì không làm vậy. Một trong hai người đàn ông này có lẽ là một gã khốn nạn thích đánh giá cao bản thân. Trái ngược với người còn lại.


Trong nền văn hóa nhân loại, nhiều người trong chúng ta thường lý tưởng hóa tình yêu. Chúng ta quan niệm tình yêu như một phương pháp chữa lành tuyệt diệu cho tất cả những vấn đề của cuộc sống. Những bộ phim, những lời kể, những câu chuyện xa xưa đều ca tụng tình yêu là mục tiêu cao nhất trong đời, lời giải cuối cùng cho tất cả những đau khổ và sự cố gắng đáng kể của chúng ta. Và bởi vì chúng ta lý tưởng hóa tình yêu, chúng ta quá đề cao nó. Vì thế, những mối quan hệ của chúng ta đều phải trả giá.


Khi chúng ta tin rằng “tất cả những gì chúng ta cần là tình yêu”, thì giống như Lennon, chúng ta có nhiều khả năng phớt lờ những giá trị cơ bản như sự tôn trọng, thái độ khiêm nhường và tận tụy đối với những người mà chúng ta quan tâm. Xét cho cùng, nếu tình yêu có thể tháo gỡ mọi nút thắt, thì tại sao phải bận tâm đến những điều vớ vẩn — những kích thích từ bên ngoài?


Nhưng nếu, giống như Reznor, chúng ta tin rằng “yêu thôi là chưa đủ”, thì chúng ta nên hiểu rằng những mối quan hệ lành mạnh đòi hỏi nhiều hơn những cảm xúc thuần túy hay những đam mê cao quý. Chúng ta nên nhìn nhận rằng còn nhiều điều tốt đẹp và những mối quan hệ trong cuộc sống còn quan trọng hơn một tình yêu đơn giản. Và những mối quan hệ lâu dài phụ thuộc vào những giá trị sâu xa và quan trọng này.


Ba sự thật khắc nghiệt về tình yêu


Bài toán khó đối với việc lý tưởng hóa tình yêu đó là nó khiến chúng ta nảy sinh những kỳ vọng ảo về tình yêu thực sự là gì và nó có thể mang lại điều gì cho chúng ta. Sau đó những kỳ vọng ảo này sẽ phá hoại ngầm những mối quan hệ mà chúng ta nâng niu ngay từ đầu.


Minh chứng như sau:


1. Tình yêu không đủ sự hoà hợp


Chỉ vì bạn phải lòng ai đó không có nghĩa là nhất thiết họ phải là người bạn đời hoàn hảo để bạn gắn bó lâu dài. Tình yêu là sự phát triển cảm xúc của con người. Độ hợp nhau là sự tiến triển theo logic. Và việc cả hai không hoà hợp cũng rất tốt.


Có thể chúng ta phải lòng ai đó có thái độ cư xử tệ, người khiến chúng ta cảm thấy bản thân bị tổn hại, người không biết tôn trọng chúng ta như cách chúng ta đối với họ, hoặc người có cuộc sống cá nhân thác loạn dường như có thể khiến chúng ta cảm thấy thất vọng về họ.


Có thể chúng ta có tình cảm với ai đó người đầy những tham vọng hay mục tiêu sống khác nhau trái ngược với chúng ta, người có niềm tin triết học hoặc thế giới quan khác nhau va đập với cảm giác thực tế của chúng ta.


Cũng có thể chúng ta cảm nắng ai đó người thu hút chúng ta và mang lại cảm giác hạnh phúc.


Điều đó nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó chính là sự thật.


Khi tôi ngẫm nghĩ về tất cả những mối quan hệ độc hại mà tôi đã từng chứng kiến hoặc được mọi người kể lại qua email, nhiều (hoặc hầu hết) trong số họ rơi vào lưới tình đều đi theo tiếng gọi con tim - họ cảm thấy điều đó đã “châm ngòi lửa tình yêu” và cứ thế họ “vì yêu mà đâm đầu”. Hãy quên đi việc anh là một kẻ nghiện rượu được cải đạo theo Cơ Đốc giáo còn cô là một người lưỡng tính bị hoại tử do axit. Nó chỉ là cảm giác khi gặp đúng người.


Và sau đó sáu tháng, khi cô ném thứ chết tiệt của anh ấy ra bãi cỏ còn anh thì cầu nguyện với Chúa Giê-su mười hai lần một ngày để cứu rỗi cô, họ ngoảnh đi ngoảnh lại và tự vấn, "Ôi, rốt cuộc đã sai ở đâu vậy?"


Sự thật là, đã sai ngay trước khi mọi thứ bắt đầu.


Khi hẹn hò và tìm kiếm “nửa kia”, đừng đắn đo “chọn con tim hay là nghe lý trí” mà phải lắng nghe cả hai. Thật vậy, bạn mong muốn tìm một người khiến trái tim bạn rung động và mụn trứng cá của bạn có mùi thơm như kem anh đào. Nhưng bạn cũng cần xác định giá trị của một người, cách họ đối đãi với bản thân, cách họ “đối nhân xử thế”, cả những tham vọng và đại thể thế giới quan của họ.


Bởi vì nếu bạn rơi vào lưới tình với người không hoà hợp với mình… thì, giống như lời người hướng dẫn trượt tuyết từ bộ phim hoạt hình South Park từng nói, bạn sẽ trải qua một khoảng thời gian tồi tệ.


| Ảnh: cottonbro | Nguồn: pexels


2. Tình yêu không tháo gỡ được những vướng mắc trong mối quan hệ của bạn 


Tôi và cô bạn gái đầu tiên yêu nhau và chúng tôi điên cuồng vì tình yêu đó. Chúng tôi sống ở hai thành phố khác nhau, không có tiền để gặp mặt, gia đình hai bên thì thù ghét nhau, và chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc mâu thuẫn và những trận cãi vã vô nghĩa kéo dài cả tuần liền.


Sau mỗi lần cãi vã, ngày hôm sau chúng tôi lại quay về bên nhau, làm lành, nhắc nhở đối phương rằng chúng tôi từng yêu nhau cuồng nhiệt như thế nào và vài điều nhỏ nhặt đó có gì quan trọng đâu vì chúng tôi yêu đến “chết đi sống lại”, chúng tôi sẽ tìm ra cách để giải quyết mọi thứ, chặng đường phía trước sẽ chỉ trải đầy hoa mà thôi, hãy chờ xem. Đoạn tình yêu này khiến chúng tôi cảm giác như chúng tôi đang tìm lời giải cho những vướng mắc của chính mình, trong khi trên thực tế, hoàn toàn chẳng có thay đổi gì.


Bạn có thể thử tưởng tượng, chẳng có lấy một vấn đề nào của chúng tôi được giải quyết. Những trận cãi vã cứ lặp đi lặp lại như thế. Những cuộc mâu thuẫn cũng trở nên gay gắt hơn. Chúng tôi không còn gặp mặt nhau quấn quýt không rời như lúc trước nữa. Cả hai chúng tôi chỉ quan tâm đến bản thân đến mức thậm chí không thể nói chuyện cho đàng hoàng. Những cuộc điện thoại kéo dài hàng giờ đồng hồ thậm chí còn chẳng nói lời nào. Khi nhớ lại, không còn hy vọng nào để kéo dài mối quan hệ được nữa. Vậy mà chúng tôi đã vun vén nó trong ba năm đầy mỏi mệt này!


Sau tất cả, tình yêu chinh phục được mọi thứ, liệu còn đúng hay không?


Không có gì đáng ngạc nhiên, mối quan hệ đó bùng cháy rực lửa và rồi vụn nát như thảm họa Hindenburg (thảm kịch khí cầu kinh hoàng ở Đức năm 1937). Cuộc chia tay từng không êm đẹp. Và bài học lớn tôi rút ra là:


"Dù tình yêu có thể khiến bạn cảm thấy lạc quan hơn về những vấn đề trong mối quan hệ của mình, nhưng nó không thực sự giải quyết được bất kỳ vướng mắc nào trong mối quan hệ đó của bạn."


Đây là cách tác động của một mối quan hệ độc hại. Cảm xúc thăng hoa làm con người say đắm, mỗi khi cảm xúc dâng cao thậm chí còn quan trọng và vững chắc hơn trước đó, nhưng trừ khi bạn xây đắp một cơ sở bền vững và thiết thực, thì những đợt sóng cảm xúc dâng trào đó cuối cùng sẽ xuất hiện và cuốn trôi tất cả.


3. Tình yêu không phải lúc nào cũng xứng đáng để bạn hy sinh


Một trong những dấu hiệu đặc biệt của việc yêu ai đó là bạn chẳng hề suy nghĩ cho bản thân và nhu cầu của mình mà một lòng chăm lo cho đối phương và những nhu cầu của họ.


Thế nhưng vấn đề thường xuyên không được hỏi đó là chính xác những điều bạn đang hy sinh là gì, có xứng đáng hay không?


Trong các mối quan hệ yêu đương, đôi khi cả hai người đều phải hy sinh ham muốn, nhu cầu riêng và thời gian của bản thân cho nhau là điều bình thường. Tôi cho rằng điều này là bình thường và lành mạnh và là một phần lớn yếu tố tạo nên một mối quan hệ viên mãn như vậy.


Nhưng đến khi phải hy sinh lòng tự trọng, phẩm giá, thể chất, tham vọng và mục đích sống của một người, chỉ để ở bên "nửa kia", tình yêu đó cũng trở thành mơ hồ. Mối quan hệ yêu đương được cho là phần phụ thêm vào bản sắc cá nhân của chúng ta, chứ không phải gây tổn hại hay thay thế nó.


Nếu chúng ta nhìn thấy bản thân trong những tình huống mà chúng ta đang chịu đựng những hành vi thiếu tôn trọng hoặc lăng mạ ấy, về cơ bản đó là những gì chúng ta đang làm: chúng ta đang dung túng cho tình yêu phá huỷ và phủ định chúng ta, và nếu chúng ta không cẩn thận, nó sẽ chỉ còn lại một lớp vỏ bọc của người chúng ta đã từng yêu mà thôi.


Kiểm chứng tình bạn


Một trong những lời khuyên về mối quan hệ lâu dài nhất trong cuốn sách là “You and your partner should be best friends” (tạm dịch: Bạn và người bạn đời của bạn nên xem nhau là bạn thân). Hầu hết mọi người đều nhìn nhận lời khuyên đó theo hướng tích cực: Tôi nên dành thời gian, tôi nên giao tiếp cởi mở và tôi nên vui đùa với người bạn đời của mình như cách tôi ở bên người bạn thân nhất.


Thế nhưng mọi người cũng nên nhìn nó theo hướng tiêu cực:


“Bạn có thể chịu đựng được những hành vi tiêu cực của người bạn đời ở người bạn thân nhất của mình không?”


Thật ngạc nhiên, khi chúng ta tự vấn một cách trung thực, trong hầu hết các mối quan hệ không lành mạnh và phụ thuộc vào nhau, câu trả lời là “không”.


Tôi biết một phụ nữ trẻ vừa kết hôn. Cô yêu chồng mình một cách điên cuồng. Và mặc dù thực tế anh đã thất nghiệp trong hơn một năm, tỏ ra hờ hững với việc lên kế hoạch cho đám cưới, thường xuyên từ chối cô để tham gia các chuyến đi lướt sóng với bạn bè, gia đình và bạn bè của cô ngày càng bận tâm về anh, nhưng dù sao cô cũng sẽ kết hôn với anh trong hạnh phúc.


Nhưng một khi “lửa tình yêu” sau đám cưới vụt tắt, hiện thực bắt đầu. Một năm sau cuộc hôn nhân của họ, anh vẫn thất nghiệp, anh dọn dẹp nhà cửa trong khi cô đi làm, anh tức giận nếu cô không nấu bữa tối cho anh, và bất cứ khi nào cô than phiền, anh lại bảo rằng "hư hỏng" và "kiêu ngạo." Ồ, và anh vẫn bỏ cô đi lướt sóng với bạn bè.


Và cô đã rơi vào tình huống này vì cô đã phớt lờ cả 3 sự thật phũ phàng ở trên. Cô từng lý tưởng hóa tình yêu. Mặc dù từng bị làm mất mặt khi anh giơ lên tất cả những lá cờ đỏ lúc còn hẹn hò, cô vẫn tin tưởng tình yêu của họ báo hiệu một mối quan hệ phù hợp. Nhưng không. Khi bạn bè và gia đình cô ngày càng bận tâm về đám cưới sắp diễn ra, cô vẫn vững tin tình yêu của họ cuối cùng sẽ giải quyết mọi vấn đề. Nhưng không. Và bây giờ khi mọi thứ đã rơi vào một đống rác rưởi, cô đã tìm đến những lời khuyên bạn bè của mình về cách có thể hy sinh bản thân thậm chí có thế nào cô cũng chấp nhận.


Và sự thật là, nó sẽ không.


Tại sao chúng ta lại phải tha thứ những hành vi như vậy trong các mối quan hệ yêu đương của mình nhưng lại không bao giờ chịu đựng nó trong các mối quan hệ bạn bè của mình?


Hãy tưởng tượng nếu người bạn thân nhất chuyển đến cùng bạn, ở chung với bạn, thất nghiệp hoặc từ chối trả tiền thuê nhà, yêu cầu bạn nấu bữa tối cho họ, tức giận và la mắng bạn bất cứ lúc nào bạn than phiền. Tình bạn đó sẽ kết thúc nhanh hơn cả sự nghiệp diễn xuất của Paris Hilton (một nghệ sĩ người Mỹ nổi tiếng là “nữ hoàng thị phi”).


Hoặc một tình huống khác: bạn gái của một người đàn ông ghen tuông đến mức cô nàng yêu cầu mật khẩu tất cả các tài khoản của anh ta và nhất quyết đi cùng anh ta trong các chuyến công tác để đảm bảo anh ta không bị những người phụ nữ khác dụ dỗ. Người phụ nữ này giống như NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ). Cuộc sống của anh ta thực tế bị giám sát 24/7 và bạn có thể thấy nó gây tổn hại lòng tự trọng của anh ta. Giá trị bản thân của anh ta giảm xuống đến mức không có gì. Cô nàng thì không tin tưởng bất cứ điều gì anh ta làm. Vì vậy, anh ta buông bỏ lòng tin chẳng làm gì nữa.


Vậy mà hai người họ vẫn ở bên nhau! Lý nào lại vậy? Chỉ bởi vì anh ta đang yêu!


Hãy nhớ lấy điều này:


"Cách duy nhất để bạn có thể tận hưởng trọn vẹn tình yêu trong cuộc đời là chọn làm một thứ khác quan trọng hơn trong cuộc sống ngoài tình yêu."


| Ảnh: Vlada Karpovich | Nguồn: pexels


Bạn có thể trải qua rất nhiều mối tình trong suốt cuộc đời. Bạn có thể phải lòng những người đối xử tốt với bạn cũng như những người cư xử tệ hại. Bạn có thể yêu theo những cách lành mạnh hay cách độc hại. Bạn có thể yêu khi còn trẻ cũng như khi đã về già. Tình yêu không phải là duy nhất. Tình yêu chẳng có gì đặc biệt. Tình yêu cũng không hề khan hiếm.


Thế nhưng lòng tự trọng của bạn là vậy. Nhân phẩm của bạn cũng vậy. Khả năng tin tưởng của bạn cũng vậy. Tình yêu “có thể đến rồi đi” trong suốt cuộc đời của bạn, nhưng một khi bạn đánh mất lòng tự tôn, phẩm giá hoặc khả năng tin tưởng của mình, thì sẽ rất khó để lấy lại được.


Tình yêu là một trải nghiệm kỳ diệu. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất mà cuộc sống mang lại. Và nó là điều mà tất cả mọi người nên khao khát được cảm nhận và tận hưởng.


Nhưng giống như bất kỳ trải nghiệm khác, nó có thể lành mạnh hoặc độc hại. Giống như bất kỳ trải nghiệm khác, nó không được phép phân định chúng ta, danh dự hay mục đích cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể để nó phá huỷ. Chúng ta không thể hy sinh danh dự và giá trị bản thân vì nó. Bởi vì trong khoảnh khắc chúng ta làm điều đó, chúng ta đã đánh mất tình yêu và cũng đánh mất đi chính mình.


Bởi vì trong cuộc sống bạn vẫn cần nhiều thứ hơn là tình yêu. Tình yêu là điều tuyệt vời. Tình yêu là tất yếu. Tình yêu thật đẹp. Nhưng chỉ yêu thôi là chưa đủ.


------------


Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: Rabbie

[Online] Available at: 

<https://markmanson.net/love>  

BẢN THẢO
Bài viết liên quan